Ông Biden thành lập Ủy ban “lưỡng đảng” nhằm mở rộng Tối cao Pháp viện
- Nhật Minh
- •
Trong số các “cải cách” vừa ban hành, ông Joe Biden bắt đầu bổ nhiệm thành viên cho một Ủy ban đặc biệt nhằm xem xét việc mở rộng Tòa án Tối cao Hoa Kỳ.
Trước đó, ý tưởng “đóng gói tòa án” (pack the court) – tức mở rộng số lượng Thẩm phán trong Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã được một số thành viên đảng Dân chủ đề xuất. Phe Dân chủ muốn có thêm các Thẩm phán cánh tả để cân bằng, thậm chí vượt số Thẩm phán bảo thủ. Hiện tổng số lượng các Thẩm phán của TCPV là 9 người, trong đó có 6 người thuộc phe bảo thủ, bao gồm Chánh án John Roberts.
Theo tuyên bố của đảng Dân chủ cũng như cựu Tổng chưởng lý Eric Holder, thế đa số bảo thủ làm “suy yếu tính hợp pháp” của Toà án. Phe cánh tả muốn nâng số lượng Thẩm phán trong TCPV lên tối đa 15 người. Với việc nắm cánh Hành pháp và Lưỡng viện, đây có thể là cơ hội để họ biến điều này thành hiện thực.
Trong suốt chiến dịch tranh cử năm 2020, ông Biden đã thường xuyên né tránh câu hỏi về việc “đóng gói” Tòa án cho đến khi công bố kế hoạch thành lập Ủy ban nghiên cứu vấn đề này. Như Breitbart News đã đưa tin vào cuối tháng 10: “ông Biden xác nhận với phóng viên ở Chester, Pennsylvania, rằng ông sẽ thành lập một Ủy ban lưỡng đảng để nghiên cứu cải cách cơ quan tư pháp và cơ quan này sẽ báo cáo ông trong vòng 180 ngày kể từ ngày ông nhậm chức vào tháng Giêng.”
Hôm thứ Tư, tờ Politico đưa tin ủy ban “lưỡng đảng” sẽ do cựu luật sư chiến dịch của ông Biden, Bob Bauer điều hành. Ông Bauer là mật vụ chuyên nghiệp của đảng Dân chủ và cũng là người làm việc cho công ty Perkins Coie. Đây là tổ chức đã tham gia vào vụ “hồ sơ” của Nga về ứng cử viên tổng thống Donald Trump năm 2016.
Theo Politico, “một số chuyên gia quen thuộc với các cuộc thảo luận cho biết, trong số những người sẽ tham gia Ủy ban còn có Cristina Rodríguez, giáo sư Trường Luật Yale và là cựu Phó Tổng Chưởng lý của Bộ Tư pháp thời cựu Tổng thống Obama, người sẽ tham gia cùng ông Bauer với tư cách đồng Chủ tịch. Caroline Fredrickson, cựu Chủ tịch Hiệp hội Hiến pháp Hoa Kỳ, và Jack Goldsmith, giáo sư Trường Luật Harvard và là cựu trợ lý Tổng Chưởng lý của Bộ Tư pháp thời cựu Tổng thống Bush, cũng sẽ phục vụ trong Ủy ban.”
Ngày 22/1 vừa qua, Thượng nghị sĩ Shelley Moore Capito (thuộc đảng Cộng hòa) tiểu bang West Virginia đã đề xuất một dự luật sửa đổi Hiến pháp Mỹ nhằm giới hạn số thẩm phán tại Tối cao Pháp viện ở con số 9 (được áp dụng trong một thế kỷ qua), để ngăn cản đảng Dân chủ tăng số thành viên làm việc tại cơ quan này.
Bà nói: “Một tòa án gồm 9 thẩm phán đã làm việc tại đất nước chúng ta trong hơn 150 năm qua. Việc gia tăng con số đó trong nỗ lực của đảng phái nhằm đạt được một kết quả chính sách mong muốn là một đề xuất không bao giờ kết thúc. Một khi cánh cửa này được mở ra, sự tôn trọng đối với Tối cao Pháp viện với tư cách là một trọng tài độc lập của các vụ kiện và tranh cãi sẽ không còn nữa, khi nó trở thành một nhánh đảng phái khác của chính phủ. Chúng ta nên duy trì nền tư pháp độc lập của mình bằng cách khép lại hy vọng mở rộng Pháp viện. Việc phê chuẩn sửa đổi này sẽ ngăn chặn mong muốn mở rộng các tòa án hiện tại của đảng Dân chủ. Nó cũng sẽ loại bỏ sự cám dỗ khi một trong hai đảng cố gắng tái cấu trúc tòa án theo cách đảng phái trong tương lai.”
Tuy nhiên, dự luật sửa đổi phải được đa số 2/3 tại lưỡng viện của Quốc hội thông qua, và sau đó được 3/4 số bang, tức 38 trong số 50 tiểu bang phê chuẩn để dự luật đó có thể trở thành một phần chính thức của Hiến pháp Mỹ. Đây là điều khó khả thi trong thời điểm hiện tại.
Nhật Minh (t/h)
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện Chính sách của Biden đóng gói Tòa án mở rộng TCPV