Ông Maduro tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Venezuela nhiệm kỳ thứ ba
- Thiên Vân
- •
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, chính trị gia đã nắm quyền trong gần 12 năm qua với nhiệm kỳ chìm trong khủng hoảng kinh tế và xã hội trầm trọng, đã chính thức tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ ba vào ngày thứ Sáu (10/1).
Ông Maduro, chính trị gia giữ chức tổng thống Venezuela từ năm 2013, được Hội đồng Bầu cử Quốc gia và Tòa án Tối cao Venezuela công nhận chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng Bảy, dù những số liệu chi tiết xác nhận chiến thắng của ông vẫn chưa bao giờ được công bố.
Phe đối lập tại Venezuela cáo buộc rằng số liệu tại cấp độ địa phương cho thấy ứng cử viên Edmundo Gonzalez của họ đã giành thắng lợi áp đảo. Ông Gonzalez hiện được nhiều quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ, công nhận là tổng thống hợp pháp của Venuezuela. Các quan sát viên bầu cử quốc tế cũng khẳng định cuộc bầu cử không dân chủ.
Sau cuộc bầu cử, ông Gonzalez đã lưu vong sang Tây Ban Nha vào tháng Chín, trong khi đồng minh của ông, bà Maria Corina Machado, phải ẩn náu tại Venezuela. Nhiều nhân vật đối lập nổi bật và người biểu tình cũng đã bị bắt giữ.
Ông Maduro tuyên thệ nhậm chức tại quốc hội ở Caracas đồng thời tuyên bố rằng ông sẽ thực hiện lời thề của mình nhân danh lãnh đạo bản địa thế kỷ XVI Guaicaipuro và cố Tổng thống Hugo Chavez, người thầy của ông.
“Nguyện nhiệm kỳ tổng thống mới này là thời kỳ của hòa bình, thịnh vượng, bình đẳng và nền dân chủ mới“, ông Maduro phát biểu, đồng thời ông cho biết sẽ triệu tập một ủy ban chuyên trách cải cách hiến pháp.
“Hành động này có thể thực hiện được vì Venezuela hiện hòa bình, thực thi đầy đủ chủ quyền quốc gia, quyền lực của nhân dân và nền độc lập quốc gia“, ông Maduro khẳng định.
Khoảng 2.000 khách mời từ 125 quốc gia đã tham dự lễ nhậm chức, theo thông báo của chính phủ. Tổng thống Cuba Miguel Diaz-Canel và Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega, những đồng minh thân cận của ông Maduro, đã tham dự cùng ông Vyacheslav Volodin, chủ tịch Hạ viện Nga.
Trong động thái trừng phạt mới nhất, chính quyền Biden sắp mãn nhiệm đã tăng mức tiền thưởng dẫn đến việc bắt giữ hoặc kết án ông Maduro về tội buôn lậu ma túy lên đến 25 triệu USD, từ mức 15 triệu USD trước đó.
Mức thưởng tương tự cũng được áp dụng cho Bộ trưởng Nội vụ Diosdado Cabello, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Vladimir Padrino bị truy nã với mức thưởng 15 triệu USD. Ngoài ra, tám quan chức khác, bao gồm ông Hector Obregon, lãnh đạo điều hành công ty dầu khí quốc doanh PDVSA, cũng bị đưa vào danh sách trừng phạt.
Hoa Kỳ đã truy tố ông Maduro cùng các đồng minh vào năm 2020 với hàng loạt cáo buộc, chẳng hạn như buôn lậu ma túy và tham nhũng. Ông Maduro đã bác bỏ toàn bộ các cáo buộc này.
Các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ trùng khớp với các lệnh trừng phạt từ Anh, Liên minh Châu Âu nhắm vào 15 quan chức, bao gồm cả thành viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia và lực lượng an ninh, cũng như các lệnh trừng phạt từ Canada nhắm vào 14 quan chức hiện tại và trước đây của Venezuela.
Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump đã tuyên bố rằng đất nước Venezuela đang nằm dưới sự cai trị của một nhà độc tài.
Chính phủ Maduro luôn bác bỏ mọi lệnh trừng phạt, coi chúng là các biện pháp bất hợp pháp, tương đương với một “cuộc chiến kinh tế” nhằm khiến Venezuela suy yếu.
“Chính quyền sắp mãn nhiệm của Hoa Kỳ không biết làm thế nào để trả thù chúng ta“, ông Maduro tuyên bố trong bài diễn văn nhậm chức mà không trực tiếp đề cập đến các lệnh trừng phạt.
Ông Maduro và các đồng minh của ông tự hào về khả năng “kiên cường” của đất nước, mặc dù họ thường đổ lỗi các khó khăn kinh tế và thiếu hụt là do các lệnh trừng phạt.
Từ khóa Venezuela Nicolas Maduro Dòng sự kiện