Pháp Luân Công tuần hành tại New York tưởng niệm 26 năm ngày thỉnh nguyện ôn hòa 25/4
- Thi Bình
- •
Hôm 19/4/2025, hơn 1.000 người tập Pháp Luân Công ở New York đã tổ chức một cuộc tuần hành lớn tại khu phố Flushing, nơi có đông người Hoa sinh sống, để tưởng niệm 26 năm sự kiện hơn vạn người thỉnh nguyện ôn hòa tại Trung Nam Hải (Trung Quốc) vào ngày 25/4/1999.
Vào ngày 25/4/1999, hơn 10.000 người tập Pháp Luân Công đã tập trung gần Văn phòng Khiếu nại (Văn phòng Tiếp dân) của Quốc vụ viện, bên cạnh Trung Nam Hải, để yêu cầu chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) công nhận quyền hợp pháp của việc tập luyện Pháp Luân Công.
Trong suốt hàng chục năm ĐCSTQ cai trị bằng bạo lực, người dân Trung Quốc chưa từng chứng kiến một hành động tập thể nào vừa can đảm lại vừa ôn hòa và lý trí đến như vậy. Chính vì thế, cuộc thỉnh nguyện ôn hòa ngày hôm đó đã làm chấn động toàn thế giới, và được xem là cuộc thỉnh nguyện quần chúng có quy mô lớn nhất dưới sự thống trị của ĐCSTQ.
Mỗi dịp trước ngày 25/4 hàng năm, người tập Pháp Luân Công trên khắp thế giới đều tổ chức các hoạt động kỷ niệm sự kiện này, mời những người từng trực tiếp trải qua sự kiện năm ấy kể lại lịch sử, làm sáng tỏ sự thật, và chia sẻ vẻ đẹp của Pháp Luân Công.
Cuộc tuần hành năm nay diễn ra đúng vào thời điểm số người trên toàn cầu tuyên bố “tam thoái” (thoái xuất khỏi các tổ chức của ĐCSTQ như Đảng, Đoàn, Đội) đang tiến gần đến mốc 450 triệu người. Ban tổ chức cuộc tuần hành – Trung tâm Phục vụ Thoái Đảng Toàn Cầu – đã thiết kế và chuẩn bị một loạt biểu ngữ và khẩu hiệu mới cho sự kiện này.
Chủ tịch Trung tâm Phục vụ Thoái Đảng Toàn Cầu, ông Uông Chí Viễn, phát biểu trước cuộc tuần hành rằng: 26 năm trước, Đảng Cộng sản Trung Quốc – vốn tôn sùng “giả, ác, đấu” – đã không thể dung thứ cho hàng trăm triệu người tu luyện theo nguyên lý “Chân, Thiện, Nhẫn”, và đã gây ra sự việc tại Thiên Tân bằng cách bắt giữ phi pháp 45 người tập Pháp Luân Công, từ đó dẫn đến sự kiện hơn 10.000 người tập Pháp Luân Công đến Bắc Kinh thỉnh nguyện. Người tập Pháp Luân Công đã yêu cầu chính quyền thả những người bị bắt giữ, đồng thời đề nghị được có môi trường tập luyện và quyền xuất bản sách Pháp Luân Công một cách hợp pháp.
“Việc làm vĩ đại này đã viết nên một trang sử rực rỡ trong lịch sử nhân loại, từ đó cũng mở ra màn khởi đầu cho hành trình đầy sóng gió của những người tập Pháp Luân Công để nói rõ sự thật cuộc đàn áp suốt 26 năm qua,” ông Uông Chí Viễn nói. “Đồng thời, hôm nay chúng ta cũng đang chúc mừng làn sóng gần 450 triệu người dân Trung Quốc dũng cảm tuyên bố thoái xuất khỏi các tổ chức của ĐCSTQ như Đảng, Đoàn, Đội. Điều này đánh dấu sự thức tỉnh của dân tộc Trung Hoa và quá trình giải thể thế lực tà ác cộng sản đang diễn ra.”
Hồi ức và lòng biết ơn của những người từng trải qua sự kiện 25/4
Trong đoàn tuần hành có một số người tập Pháp Luân Công vừa mới từ Trung Quốc Đại Lục ra nước ngoài, những trải nghiệm thực tế của họ đã trở thành minh chứng sống động cho nội dung của các biểu ngữ trong cuộc tuần hành.
Ông Vương Bỉnh Tăng, nguyên là giảng viên của Đại học Công nghiệp Hà Bắc và là một nhà thư pháp, lần đầu tiên tham gia cuộc tuần hành tưởng niệm ngày 25/4 ở hải ngoại. Vào rạng sáng ngày 25/4 cách đây 26 năm, ông đã đến Bắc Kinh thỉnh nguyện, bởi vì ngày hôm trước ông nghe tin ĐCSTQ bắt người ở Thiên Tân. Ông Vương bắt đầu tập luyện Pháp Luân Công vào cuối năm 1995. Trước đó, ông từng mắc bệnh nhược cơ nặng và viêm tủy sống.
“Khi bị bệnh, tôi đã muốn tự tử. Tôi cảm thấy bầu trời trở nên nhỏ bé hơn và cuộc sống trở nên vô nghĩa”, ông Vương Bỉnh Tăng chia sẻ. “Nhưng sau khi bắt đầu tập Pháp Luân Công được 4 tháng, bệnh của tôi đã khỏi hoàn toàn. Tôi không bị tái phát trong nhiều thập kỷ.”
Không chỉ thể chất được cải thiện, mà tâm tính của ông cũng được đề cao, vì ông tuân thủ theo lời dạy “Chân, Thiện, Nhẫn” của Pháp Luân Công.
Hôm nay sau 26 năm, ông Vương Bỉnh Tăng một lần nữa đứng giữa đám đông vì mục đích tương tự. Lần này, được ở trong một môi trường tự do ở nước ngoài nên ông đặc biệt phấn khích.
“Tôi đã chứng kiến cuộc tuần hành ngoạn mục và những nụ cười hạnh phúc của mọi người xung quanh. Tôi thực sự phấn khích và xúc động,” ông Vương Bỉnh Tăng nói trong nước mắt. “Tôi muốn nói lên những điều trong lòng mình: Hãy giải thể ĐCSTQ càng sớm càng tốt, để dân tộc Trung Hoa giành lại tự do, và để trên mọi gương mặt người dân Trung Quốc đều nở nụ cười chân thành như vậy.”
Bà Nhâm Quốc Hiền bắt đầu tập luyện Pháp Luân Công vào năm 1998 khi đang theo học cao học tại Bắc Kinh. Trước khi tu luyện, bà mắc chứng thoát vị đĩa đệm nghiêm trọng ở thắt lưng, suýt phải nghỉ học trong năm thứ hai cao học. Thế nhưng chỉ sau một tháng luyện công, bệnh tình của bà đã hoàn toàn hồi phục.
Cách đây 26 năm, Trung Quốc vẫn còn chìm trong bóng đen của vụ Thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989, và bà đã đắn đo suy nghĩ rất nhiều về việc liệu mình có nên đến Văn phòng Khiếu nại của Quốc vụ viện vào ngày 25/4 hay không.
Bà chia sẻ: “Tôi cũng là một học viên Pháp Luân Công, sau khi tập luyện thì cả thân lẫn tâm đều được thụ ích, giống như được trao cho một sinh mệnh thứ hai, thoát khỏi tuyệt cảnh vì bệnh tật hành hạ.”
“Và tôi đã nghĩ, nếu như bản thân tôi bị bắt oan [giống các học viên ở Thiên Tân], thì chẳng phải cũng sẽ hy vọng những học viên khác có thể đưa tay ra giúp đỡ sao?”
Thế là bà kiên quyết bước ra, tham gia vào đội ngũ hơn vạn người đi thỉnh nguyện. Sáng ngày 25/4, bà bắt xe buýt tuyến số 52 đến Thiên An Môn, rồi đi bộ đến Văn phòng khiếu nại của Quốc vụ viện trên phố Phủ Hữu.
Lúc đó có rất đông người, cảnh sát đang chỉ huy tại hiện trường, bà thấy hơi khó hiểu và nghĩ: “Chẳng lẽ Văn phòng Khiếu nại lại nằm bên trong Trung Nam Hải sao?” Về sau bà mới biết, thực ra Văn phòng khiếu nại không hề nằm trong Trung Nam Hải, mà là cảnh sát cố tình dẫn dắt mọi người tạo thành thế bao vây Trung Nam Hải, để làm cái cớ cho ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công.
Ông Liam O’Neill, một người tập Pháp Luân Công tại Mỹ, chính nhờ sự kiện thỉnh nguyện ngày 25/4/1999 mà biết đến Pháp Luân Công, và không lâu sau đó ông đã bắt đầu tu luyện.
“Khoảnh khắc ấy tôi đã bị cuốn hút sâu sắc,” ông nói. “Sau đó, khi cuộc đàn áp bắt đầu vào ngày 20/7, tôi nghĩ: Nếu một tổ chức tà ác như ĐCSTQ lại đi đàn áp Pháp Luân Công, thì Pháp Luân Công chính là điều mà tôi đang tìm kiếm.”
Việc tập luyện Pháp Luân Công đã giúp ông vượt qua áp lực cuộc sống, trầm cảm và lo âu, và trở thành phương hướng thực sự trong cuộc đời ông.
Theo Thi Bình, Epoch Times
Xem thêm:
Từ khóa Pháp Luân Công Cuộc thỉnh nguyện ngày 25.4
