Phát tán tin tức giả cho ĐCSTQ sẽ bị hình sự hóa ở Anh
- Hưng Trung
- •
Theo kế hoạch cải cách “Đạo luật Bí mật Nhà nước” (Official Secrets Act) của Chính phủ Anh, hành vi thay mặt cho các nước thù địch như Nga và Trung Quốc phát tán tin tức giả mạo sẽ bị coi là tội phạm.
Theo The Times, trong đề xuất được công bố, Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel đề nghị bổ sung các mục tội phạm mới và các bản án tương ứng để hiện đại hóa các luật “lỗi thời” của Anh, nhằm đối phó các mối đe dọa từ bên ngoài đang ngày càng gia tăng, đa dạng và phát triển.
Vương quốc Anh hiện chỉ có mức án tối đa là 14 năm cho tội gián điệp, và tối đa 2 năm cho các tội danh khác bao gồm làm rò rỉ bí mật nhà nước. Đề xuất nêu rõ rằng các hành vi bất hợp pháp như phá hoại, gián điệp kinh tế và can thiệp nước ngoài nên bị kết tội độc lập.
Mặc dù một số tội phạm cũng sẽ bị trừng phạt bởi các luật hiện hành, nhưng tài liệu tham vấn của Bộ Nội vụ đề xuất rằng một bộ luật mới sẽ thay thế 4 “Đạo luật Bí mật Nhà nước” được ban hành vào các năm 1911, 1920, 1939 và 1989 .
Điều này sẽ giúp dễ dàng hơn trong việc truy tố tội phạm theo Đạo luật Bí mật Nhà nước, và cũng sẽ tăng hình phạt tối đa cho các tội phạm hiện chỉ được đề cập trong các luật khác (chẳng hạn như gian lận và hối lộ).
Thay mặt một quốc gia thù địch, cố ý tạo ra hoặc phổ biến thông tin sai lệch sẽ bị coi là tội phạm. Tội phá hoại chủ yếu nhắm vào những cá nhân phá hủy, làm tổn hại, thay đổi hoặc cản trở cơ sở thiết bị quan trọng vì lợi ích chính trị hoặc quân sự.
Theo đề xuất mới, bất kỳ ai cố gắng can thiệp vào nền dân chủ của Anh trong các cuộc bầu cử và trưng cầu dân ý cấp quốc gia, khu vực hoặc địa phương đều bị phạm tội “can thiệp từ nước ngoài”. Tội danh mới này cũng áp dụng đối với những cá nhân cố gắng phá hoại quyền tự do học thuật.
Bộ Nội vụ Vương quốc Anh (Home Office) tuyên bố rằng việc phổ biến thông tin sai lệch ngày càng trở thành một phương tiện cốt lõi mà các chủ thể nhà nước và phi nhà nước đang cố gắng gây rắc rối, can thiệp vào nền dân chủ Anh, chia rẽ và phá vỡ cấu trúc của xã hội Anh. “Bởi vì thông tin có hại có thể lan truyền nhanh chóng trên Internet, điều này đã trở thành một mối đe dọa ngày càng tăng.”
Mặc dù đề xuất không nêu rõ “quốc gia thù địch” cụ thể, nhưng có nhiều lo ngại về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử của Anh, cho rằng các cuộc tấn công mạng nhằm vào các công ty Anh và cơ sở thiết bị quan trọng cũng do Moscow dàn dựng.
Ngoài ra, cũng có những lo ngại sâu sắc về việc Trung Quốc can thiệp vào quyền tự do học thuật của các trường đại học Anh, và đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ.
Tài liệu cũng đề xuất rằng cảnh sát và cơ quan tình báo được phép áp đặt các hạn chế đối với các cá nhân bị nghi ngờ làm việc cho một quốc gia thù địch nhưng không có đủ bằng chứng để thực hiện các vụ bắt giữ.
Ngoài ra, chính phủ cũng sẽ tham khảo ý kiến về một đề xuất cung cấp sự bảo vệ pháp lý cho những người làm rò rỉ bí mật chính thức vì lợi ích của công chúng và đưa ra biện pháp bảo vệ cho những người tố cáo.
Cố vấn Hoàng gia, Alex Bailin QC, cho biết: “Đề xuất này lẽ ra đã được thực hiện từ lâu – thật khó có thể tưởng tượng rằng Vương quốc Anh sẽ không có ‘van an toàn cơ bản’ vào năm 2021 để đảm bảo tính công khai và minh bạch của hệ thống trách nhiệm giải trình.”
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng việc kết tội các cá nhân phát tán thông tin sai lệch ít có tác động đến cuộc chiến chống lại sự can thiệp của nước ngoài.
Một cuộc khảo sát do Bộ Ngoại giao Mỹ thực hiện năm ngoái cho thấy tin tức giả mạo ở Moscow có nguồn gốc từ robot do Quỹ Văn hóa Chiến lược vận hành. Quỹ này là một tạp chí trực tuyến được đăng ký tại Nga và chịu sự giám sát của Cục Tình báo nước ngoài (Foreign Intelligence Service) thuộc Bộ Ngoại giao nước này.
Một trong những chiến lược của Quỹ này là xuất bản các bài báo của các nhà tư tưởng cận biên và các nhà lý thuyết âm mưu ở phương Tây, cung cấp cho họ một nền tảng rộng hơn, nhưng che giấu nguồn gốc Nga của tạp chí.
Theo dõi loại tin tức này giống như bắt một kẻ buôn ma túy: bên kia sẽ sớm tìm được người thay thế. Ngược lại, những nền tảng lan truyền thông tin sai lệch mới chính là người thúc đẩy tin giả thực sự, nếu không có Facebook, Twitter và YouTube thì Moscow không thể lên tiếng. Chỉ khi các nền tảng này sử dụng các thuật toán để chống lại tin tức giả mạo thì tình hình mới thay đổi đáng kể.
Vì mục đích này, Vương quốc Anh đã ban hành Dự luật An toàn Trực tuyến vào ngày 12/5/2021. Dự luật nhắm mục tiêu vào các nền tảng thông tin hơn là các cá nhân, buộc các công ty truyền thông xã hội phải thực hiện hành động đối với nội dung hợp pháp nhưng có hại, bao gồm tất cả các loại tin giả, thông tin sai lệch để thực hiện hành động, điều này sẽ cho phép Vương quốc Anh phản ứng với các mối đe dọa từ các nước thù địch một cách linh hoạt hơn.
Đường Hưng Trung, Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện Đạo luật Bí mật Nhà nước Tin tức giả mạo Tin giả Fake News