Phong trào phản chiến gia tăng ở Nga bất chấp sự đàn áp của chính phủ
- Lê Vy
- •
Khi quân đội Nga áp sát thủ đô Ukraine, ngày càng có thêm nhiều người Nga lên tiếng phản đối cuộc xâm lược, bất chấp sự đàn áp nặng tay của chính phủ.
Các cuộc biểu tình trên đường phố, mặc dù nhỏ, đã tiếp tục xuất hiện tại thủ đô Moscow, thành phố lớn thứ hai của Nga là St Petersburg và các thành phố khác tại Nga trong ngày thứ ba liên tiếp.
Theo OVD-Info, nhóm nhân quyền theo dõi các vụ bắt giữ chính trị, ít nhất 460 người ở 34 thành phố đã bị bắt giữ vì các cuộc biểu tình chống chiến tranh hôm thứ Bảy, trong đó có hơn 200 người ở Moscow.
Những bức thư ngỏ lên án cuộc xâm lược Ukraine của Nga cũng liên tục được công bố. Hơn 6.000 nhân viên y tế đã ký tên trong một bức thư vào thứ Bảy; hơn 3.400 kiến trúc sư và kỹ sư cùng ký vào một bức khác; trong khi khoảng 500 giáo viên cũng ký dưới thư thỉnh nguyện, theo AP. Các bức thư tương tự của các nhà báo, thành viên hội đồng thành phố, các nhân vật văn hóa và các nhóm chuyên môn khác đã được lần lượt đưa ra từ hôm thứ Năm.
Một bảo tàng nghệ thuật đương đại nổi tiếng ở Moscow có tên là Garage đã thông báo vào hôm thứ Bảy rằng họ sẽ tạm dừng việc triển lãm và hoãn chúng “cho đến khi thảm kịch về con người và chính trị đang diễn ra ở Ukraine chấm dứt.”
“Chúng tôi không thể ủng hộ ảo tưởng về sự bình thường khi những sự kiện như vậy đang diễn ra,” tuyên bố của bảo tàng cho biết. “Chúng tôi thấy mình là một phần của thế giới rộng lớn hơn không bị chia cắt bởi chiến tranh”.
Một bản kiến nghị trực tuyến nhằm ngăn chặn cuộc tấn công vào Ukraine đã được đưa ra ngay sáng thứ Năm và đã thu thập được hơn 780.000 chữ ký vào tối thứ Bảy, trở thành một trong những bản kiến nghị trực tuyến được ủng hộ nhất ở Nga trong những năm gần đây.
Các tuyên bố chỉ trích cuộc xâm lược thậm chí còn đến từ một số thành viên Quốc hội Nga.
Trong khi đó, các nhà chức trách Nga có lập trường gay gắt đối với những người chỉ trích cuộc xâm lược, cả trong và ngoài nước.
Dmitry Medvedev, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga do Tổng thống Vladimir Putin chủ trì, cho biết Moscow có thể đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây bằng cách từ chối thỏa thuận vũ khí hạt nhân cuối cùng với Mỹ, cắt đứt quan hệ ngoại giao với các quốc gia phương Tây và đóng băng tài sản của họ.
Ông cũng cảnh báo rằng Moscow có thể khôi phục án tử hình sau khi Nga bị loại khỏi nhóm nhân quyền hàng đầu châu Âu – một tuyên bố gây sốc cho các nhà hoạt động nhân quyền ở một quốc gia đã có lệnh cấm tử hình kể từ tháng 8/1996.
Eva Merkacheva, một thành viên của hội đồng nhân quyền Điện Kremlin, coi đây là một “thảm họa” và “sự trở lại thời Trung Cổ”.
Trước những người chỉ trích tại quê nhà, chính quyền Nga yêu cầu các hãng thông tấn độc lập hàng đầu gỡ bỏ những câu chuyện về cuộc giao tranh ở Ukraine đi chệch khỏi đường lối chính thức của chính phủ.
Cơ quan giám sát truyền thông nhà nước của Nga, Roskomnadzor, cáo buộc rằng các báo cáo về “Các lực lượng vũ trang Nga bắn vào các thành phố của Ukraine và cái chết của dân thường ở Ukraine do các hành động của quân đội Nga,” cũng như việc sử dụng các từ ngữ “xâm lược”, “tấn công” hay “tuyên chiến” là “không đúng sự thật”. Chính quyền Nga đã yêu cầu các hãng tin phải xóa bỏ chúng hoặc đối mặt với các khoản tiền phạt và hạn chế cao.
Vào thứ Sáu, cơ quan giám sát cũng đã thông báo “hạn chế một phần” quyền truy cập vào Facebook để phản ứng lại việc nền tảng này hạn chế tài khoản của một số phương tiện truyền thông do Điện Kremlin hậu thuẫn.
Hôm thứ Bảy, người dùng Internet Nga đã báo cáo các vấn đề khi truy cập Facebook và Twitter, cả hai đều đóng vai trò chính trong việc khuếch đại bất đồng chính kiến ở Nga trong những năm gần đây.
Lê Vy
Xem thêm:
Từ khóa biểu tình phản đối chiến tranh ở Nga phong trào phản chiến ở Nga