Phương Tây hậu thuẫn Brazil tham gia cuộc đua với Trung Quốc về đất hiếm
- Gia Huy
- •
Được hỗ trợ bởi sự đầu tư và chuyên môn của phương Tây, Brazil đã trở thành quốc gia mới nhất tham gia vào nỗ lực do Hoa Kỳ dẫn đầu nhằm phá vỡ sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực nguyên tố đất hiếm toàn cầu. Quốc gia Nam Mỹ này đã mở mỏ đất hiếm đầu tiên trong số các mỏ được lên kế hoạch nhằm khai thác trữ lượng nguyên tố đất hiếm của mình.
Trước việc các quốc gia như Úc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Việt Nam và các nước khác mở rộng đầu tư và hợp tác trong việc phát triển và khai thác nguyên tố đất hiếm, các nhà quan sát về Trung Quốc nhận định, chính quyền cộng sản Trung Quốc đang mất đi lợi thế về địa chính trị và sự cạnh tranh với phương Tây.
Hồi tháng Ba, chính phủ Úc đã công bố khoản đầu tư 800 triệu đô la Úc (khoảng 560 triệu đô la Mỹ) vào nhà máy khai thác và tinh chế nguyên tố đất hiếm kết hợp đầu tiên do công ty Arafura Rare Earths ở miền bắc Úc điều hành.
Việt Nam đã lên kế hoạch khởi động lại mỏ đất hiếm lớn nhất của mình vào cuối năm 2024 với sự hợp tác của các công ty phương Tây, như Blackstone Minerals Ltd. của Úc, nhằm chống lại sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực này.
Trước đó vào tháng 3/2023, Sojitz, một công ty Nhật Bản, cùng với Tổ chức An ninh Năng lượng và Kim loại Nhật Bản đã công bố khoản đầu tư 200 triệu đô la Úc vào công ty Lynas Rare Earths của Úc để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Mỏ nguyên tố đất hiếm đầu tiên của Brazil, Serra Verde, đã bắt đầu sản xuất trong năm nay, tham gia vào cuộc đua và nỗ lực của phương Tây nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng nguồn tài nguyên chiến lược quan trọng này.
Nguyên tố đất hiếm là 17 nguyên tố được sử dụng trong pin, chip vi tính, và xe điện. Trung Quốc là quốc gia sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới, Hoa Kỳ đứng thứ hai, và Miến Điện, còn được gọi là Myanmar, đứng thứ ba.
Brazil có trữ lượng nguyên tố đất hiếm lớn thứ ba thế giới. Quốc gia Nam Mỹ này đang tìm cách tận dụng chi phí lao động thấp, năng lượng sạch, các quy định đã được thiết lập, cũng như trạng thái ở gần người mua ở Hoa Kỳ để xây dựng ngành công nghiệp nguyên tố đất hiếm có tầm ảnh hưởng. Brazil cũng lên kế hoạch xây dựng nhà máy nam châm đầu tiên ở Mỹ Latinh để sản xuất kim loại đất hiếm vào cuối năm nay.
Phải mất 15 năm, Serra Verde mới bắt đầu sản xuất với sự đầu tư và ưu đãi của các quốc gia phương Tây. Theo Serra Verde, công ty này dự kiến sản xuất 5.000 tấn đất hiếm trong năm nay và có thể tăng gấp đôi công suất vào năm 2030.
Giám đốc điều hành Thras Moraitis của Serra Verde nhận xét: “Serra Verde và Brazil có lợi thế cạnh tranh đáng kể, điều này có thể củng cố sự phát triển của ngành công nghiệp đất hiếm có tầm quan trọng toàn cầu trong thời gian dài.” Những lợi thế đó bao gồm địa chất hấp dẫn, khả năng tiếp cận thủy điện, các quy định đã được thiết lập, và lực lượng lao động lành nghề.
Ông Moraitis lưu ý: “Đây là một lĩnh vực vẫn còn non trẻ cần được hỗ trợ liên tục để tự khẳng định mình trong một thị trường cạnh tranh cao. Các công nghệ xử lý quan trọng được kiểm soát bởi một số ít người chơi.” Các nhà phân tích trong ngành dự đoán rằng Brazil có thể có hai hoặc ba mỏ nguyên tố đất hiếm vào năm 2030.
Theo dữ liệu của cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, Trung Quốc đã sản xuất 240.000 tấn đất hiếm trong năm 2023, gấp hơn 5 lần sản lượng của Hoa Kỳ.
Trung Quốc cũng xử lý khoảng 90% đất hiếm trên thế giới thành nam châm vĩnh cửu, được sử dụng trong một loạt các sản phẩm công nghệ, từ tuabin gió cho đến xe điện và tên lửa.
Khi căng thẳng với phương Tây tăng cao, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cầm quyền đã và đang vũ khí hóa đất hiếm như một công cụ để cạnh tranh địa chính trị. Vào tháng 7/2023, ĐCSTQ đã hạn chế xuất khẩu gali và gecmani được dùng trong sản xuất chất bán dẫn để trả đũa các lệnh trừng phạt về chip của phương Tây đối với Bắc Kinh.
Phản ứng trước lệnh hạn chế xuất khẩu của Bắc Kinh, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, và Nhật Bản đã bắt đầu triển khai hoặc cập nhật các chiến lược cung cấp khoáng sản quan trọng quốc gia trong hai năm qua, đồng thời phát triển các kế hoạch sâu rộng để đầu tư vào các chuỗi cung ứng đa dạng hơn nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Hôm 18/6, Ủy ban Đặc biệt Hạ viện Mỹ về ĐCSTQ đã công bố việc thành lập Nhóm công tác chính sách về khoáng sản quan trọng. Nhóm công tác lưỡng đảng này sẽ tập trung vào “việc đối phó với sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong các chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng.”
Trong khi đó, ngày càng có nhiều quốc gia tham gia vào cuộc đua thách thức sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực này. Các quốc gia này đang đẩy nhanh hoạt động khai thác nguồn tài nguyên đất hiếm và phát triển công nghiệp. Mô hình cung cấp nguyên tố đất hiếm quốc tế đa dạng hơn đã bắt đầu hình thành với nỗ lực chung của Hoa Kỳ, Úc, Lào, Myanmar, châu Phi, cũng như các khu vực và các quốc gia khác.
Trong hai năm qua, giá nguyên tố đất hiếm đã giảm mạnh khoảng 70%.
Ngành công nghiệp nguyên tố đất hiếm của Trung Quốc đã và đang chịu tổn thất nghiêm trọng. Theo dữ liệu tài chính công bố hôm 30/4, các công ty nguyên tố đất hiếm lớn được niêm yết của Trung Quốc kiếm được lợi nhuận vào năm ngoái đã bị thâm hụt trong quý đầu tiên của năm nay do giá nguyên tố đất hiếm giảm và nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc của phương Tây.
Công ty China Rare Earth lỗ khoảng 289 triệu nhân dân tệ (khoảng 39,8 triệu đô la), trong khi công ty Guangsheng Nonferrous mất 304 triệu nhân dân tệ và công ty Shenghe Resources tổn thất 216 triệu nhân dân tệ. Ngoại lệ duy nhất là công ty Northern Rare Earth kiếm được một khoản lợi nhuận nhỏ khoảng 52 triệu nhân dân tệ.
Tầm quan trọng chiến lược của đất hiếm
Phát biểu với tờ The Epoch Times hôm 18/6, ông Su Tzu-yun, nhà nghiên cứu và là giám đốc Bộ phận Chiến lược và Tài nguyên Quốc phòng tại Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc phòng Đài Loan, lưu ý rằng “việc chế tạo một máy bay chiến đấu F-35 cần 122 kg đất hiếm để sản xuất vật liệu dùng trong radar, máy vi tính, động cơ, và thân máy bay.”
Ông Su Tzu-yun cảnh báo, Bắc Kinh đã và đang cố gắng sử dụng sự thống trị trong nguồn tài nguyên đất hiếm như một lợi thế chiến lược, và “khi mối quan hệ với phương Tây trở nên căng thẳng, Bắc Kinh sẽ cố tình cấm xuất khẩu đất hiếm.”
Ông tiếp tục: “Khi đó, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp và nền kinh tế ở phương Tây, nơi sẽ có những hậu quả chính trị. Đó là lý do tại sao nhiều quốc gia đã cố gắng thoát khỏi chuỗi cung ứng màu đỏ này.”
Ông Sun Kuo-hsiang, giáo sư về các vấn đề quốc tế và kinh doanh tại Đại học Nam Hoa (Nanhua) ở Đài Loan, nhận định rằng việc sản xuất nguyên tố đất hiếm của Brazil “có hiệu ứng chuỗi ngắn, có nghĩa là phương Tây không cần phải đến Trung Quốc để mua đất hiếm.”
Phát biểu với The Epoch Times hôm 18/6, ông un Kuo-hsiang lưu ý: “Họ [phương Tây] có thể nhập khẩu đất hiếm trực tiếp từ Brazil. Vì vậy, chúng ta có thể thấy rằng việc sản xuất đất hiếm của Brazil đóng một vai trò có thể thay thế Trung Quốc trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị hiện tại giữa Bắc Kinh và phương Tây. Nói cách khác, nếu Trung Quốc vẫn cố gắng sử dụng đất hiếm như một công cụ chiến lược cho [cạnh tranh] địa chính trị và kinh tế, thì họ sẽ không còn có thể làm được như vậy nữa.”
Giáo sư Sun Kuo-hsiangcho rằng bởi vì các quốc gia như Brazil là các quốc gia đang phát triển, nên “nếu các công ty khai thác mỏ ở các quốc gia phát triển có thể đầu tư vào họ, thì kết quả của quá trình phát triển đất hiếm đa dạng có thể đạt được nhanh hơn.”
Ông Sun Kuo-hsiang kết luận: “Khi đó, chúng ta có thể thấy rằng các quốc gia dân chủ và tự do có thể bắt đầu tránh được mối đe dọa của Trung Quốc dựa trên nguồn đất hiếm. Cạnh tranh chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể sâu rộng và kéo dài hơn mà không bị ảnh hưởng bởi lợi thế mà Trung Quốc có. Điều này cung cấp cho Hoa Kỳ một nền tảng cơ bản cho kiểu cạnh tranh công nghệ này với Bắc Kinh và để thực hiện các chiến lược như những kế hoạch đã định ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.”
Từ khóa Brazil đất hiếm Đất hiếm Brazil