Politico: Pháp không đồng ý mở văn phòng liên lạc NATO tại Nhật Bản
- Hải Đăng
- •
Pháp đã từ chối phê chuẩn kế hoạch mở văn phòng liên lạc NATO tại Nhật Bản, lập luận rằng khối này không nên mở rộng vượt ra ngoài khu vực Bắc Đại Tây Dương, Politico đưa tin dẫn theo tuyên bố của một quan chức Điện Elysee.
“NATO là Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương”, quan chức Điện Elysee nói với báo giới hôm thứ Sáu (7/7), cảnh báo chống lại việc làm mờ các đường ranh giới này, và nhấn mạnh rằng ngay cả Điều 5 của hiệp ước NATO cũng đặc biệt đề cập đến duy trì “an ninh của khu vực Bắc Đại Tây Dương”.
Hồi tháng Năm vừa qua, Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ Koji Tomita nói rằng Nhật Bản đang làm việc hướng tới mở một văn phòng liên lạc NATO tại Tokyo và nếu thành công, đây sẽ là văn phòng đầu tiên của NATO ở châu Á. Kế hoạch này đã từng được thảo luận không liên tục từ năm 2007, thời điểm thủ tướng Nhật Bản khi đó là ông Shinzo Abe lần đầu tới thăm trụ sở NATO, và được dấy lên lại trong một vài tháng gần đây.
“Chúng tôi không ủng hộ [kế hoạch này], vì đó là vấn đề có tính nguyên tắc rồi”, quan chức của Pháp nói thêm.
Theo Financial Times, bản thân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tin rằng hiến chương của NATO áp đặt các giới hạn về địa lý, cấm khối liên minh quân sự này mở rộng về châu Á.
Dù vậy, Nhật Bản đã đang kiên trì tăng cường hợp tác với NATO trong vài năm qua. Họ đã mở văn phòng đại diện đầu tiên của họ tại NATO ở Brussels vào năm 2018.
Thủ tướng Fumio Kishida năm ngoái đã trở thành lãnh đạo Nhật Bản đầu tiên dự họp hội nghị thượng đỉnh NATO. Nhật Bản cùng với Úc, New Zealand và Hàn Quốc cũng đã được mời tới dự hội nghị NATO 2023 sẽ diễn ra tại Vilnius, Litva trong hai ngày 11 và 12/7 tới đây.
Trung Quốc phản đối NATO mở rộng dần dần, tuyên bố rằng khối liên minh quân sự này nên duy trì trong phạm vi ảnh hưởng của mình và không được tìm cách gia tăng sự hiện diện tại châu Á. Bắc Kinh lập luận rằng khu vực châu Á “không chào đón xung đột khối hoặc các khối liên minh quân sự”.
Nga vốn cực lực phản đối NATO mở rộng tới Đông Âu cũng chỉ trích nỗ lực của khối này nhằm gia tăng hoạt động tại châu Á.
Hải Đăng
Từ khóa Quan hệ NATO - Nhật Bản NATO mở rộng sang châu Á NATO toàn cầu