Nam ca sĩ Đài Loan Tank (tên thật Lã Kiến Trung) hôm 7/4 đã đăng bài trên Weibo cho biết anh đã đến Trung Quốc và thực hiện thành công ca phẫu thuật “ghép tim và gan đồng thời” đầu tiên tại châu Á. Tuy nhiên, điều này đã dấy lên nghi vấn về nguồn gốc của các nội tạng được cấy ghép, khiến vấn đề liên quan đến nạn mổ cướp nội tạng và việc cấy ghép nội tạng tại Trung Quốc trở thành tâm điểm dư luận. Thứ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Đài Loan, bà Lâm Tĩnh Nghi, hôm 13/4 cũng xác nhận rằng tại Trung Quốc thực sự từng xảy ra trường hợp “trẻ sinh non bị lấy thận”.

mo cuop noi tang 1
Ngày 22/4/2018, học viên Pháp Luân Công tại Đài Loan tổ chức một sự kiện tại Đài Bắc, để ủng hộ 300 triệu người đã thoái khỏi các tổ chức của ĐCSTQ vào thời điểm đó, và mô phỏng lại việc ĐCSTQ mổ cướp và buôn bán nội tạng học viên Pháp Luân Công. (Ảnh: Trần Bách Châu / Epoch Times)

Ca sĩ Tank sang Trung Quốc ghép đồng thời tim và gan, trở thành ca “ghép tim – gan đồng thời” đầu tiên tại châu Á. Do đây là một ca phẫu thuật có độ khó rất cao, nhưng lại tìm được cả 2 nguồn tạng phù hợp trong thời gian ngắn, nên vấn đề về nguồn gốc của nội tạng cấy ghép khiến nhiều người nghi ngờ. Nhiều cư dân mạng Đài Loan đặt câu hỏi về khả năng tồn tại một “hắc cảnh” phía sau sự việc, khiến bộ phim tài liệu “Nội tạng quốc doanh” (State Organs) một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý.

noi tang quoc doanh
Bộ phim tài liệu “Nội tạng quốc doanh” rất khó lấy được nguồn tư liệu và phải mất 7 năm để quay. (Nguồn ảnh: Watchinese/Ye Junhong)

Ngày 12/4, Thứ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Đài Loan – bà Lâm Tĩnh Nghi (Lin Ching-yi) – đã đăng bài trên Facebook, cho biết bà nhận thấy những ngày gần đây có rất nhiều người đang bàn luận về “sự phát triển vượt bậc” trong lĩnh vực cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc. Qua việc tra cứu các tạp chí khoa học, bà thực sự phát hiện một bài báo được các học giả Trung Quốc công bố vào năm 2023, trong đó báo cáo 2 trường hợp trẻ sinh non có trọng lượng cực thấp được dùng làm người hiến thận.

Bà Lâm cho biết, sau đó một phó giáo sư khoa sơ sinh tại Trung tâm Khoa học Sức khỏe Đại học Louisiana (Mỹ) đã viết thư phản hồi gửi tới ban biên tập của tạp chí, chất vấn báo cáo đó. Vị phó giáo sư này chỉ ra rằng 1 trong 2 trẻ sơ sinh đó chưa đến mức nguy kịch vì chỉ bị hạ huyết áp nhẹ, chưa rơi vào tình trạng cận tử. Ngoài ra, phản xạ ánh sáng đồng tử yếu – được viện dẫn trong báo cáo – thực ra là hiện tượng bình thường ở thai nhi dưới 30 tuần, vì sau 35 tuần tuổi thai, đồng tử mới phát triển hoàn chỉnh và có phản xạ ánh sáng rõ ràng. Ông cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi có quyền đặt nghi vấn về quyết định rút các phương tiện hỗ trợ sự sống ở trường hợp trẻ sinh non đó.”

Bà Lâm chia sẻ, trong vài ngày qua, bà bị sốc khi đọc và phân tích những tài liệu khoa học đó, sau đó lại đọc tiếp nhiều bài viết của các bậc cha mẹ có con sinh non, khiến bà nhớ lại hơn 10 năm làm lâm sàng, từng chăm sóc hàng ngàn sinh mệnh nhỏ bé. Một số trẻ phải sinh sớm vì biến chứng thai kỳ, cơ thể gầy guộc với làn da mỏng manh màu đỏ sẫm để lộ rõ xương sườn, từng nhịp cố gắng mở rộng lồng ngực để hít lấy chút oxy vào những phế nang còn chưa kịp mềm và nở hoàn toàn.

Bà nói, các y bác sĩ sản khoa và nhi khoa luôn cẩn trọng như đang nâng niu một tấm kính nứt, vừa gấp rút vừa cẩn thận – chỉ mong có thể giữ lại sinh mệnh ấy, giảm bớt biến chứng, giúp các bé vượt qua thách thức để trở thành những đứa trẻ khỏe mạnh.

Là một bác sĩ tư vấn chẩn đoán di truyền trước sinh, bà cũng từng tiếp nhận nhiều trường hợp thai nhi bị dị tật nghiêm trọng và phải chấm dứt thai kỳ sớm – những sinh mệnh “chia tay sớm” với thế giới này để “trở thành một đứa trẻ khỏe mạnh khác rồi quay trở lại”. Ngay cả khi không thực hiện hồi sức cấp cứu, đội ngũ y tế vẫn luôn giữ sự tôn trọng và bảo vệ phẩm giá, toàn vẹn cho thai nhi trong quá trình để thai nhi rời khỏi thế giới này. 

“Chưa từng, chưa từng, chưa từng có bất cứ ai, vào bất cứ thời điểm nào, dù chỉ một thoáng ý nghĩ, cho rằng những thai nhi đó, thậm chí là những phôi thai nhỏ hơn có thể được xem là ‘nguồn hiến tạng’”, bà chỉ ra, “Các bác sĩ ở Trung Quốc họ làm sao dám, làm sao có thể, và thực sự đã làm như vậy, thậm chí còn viết thành báo cáo đăng trên tạp chí khoa học, chỉ cần gõ những chữ đó ra thôi cũng khiến tôi buồn nôn.”

Cuối bài viết, bà cho rằng vấn đề ghép tạng không chỉ là kỹ thuật, mà quan trọng hơn là đạo đức y khoa. Ở Đài Loan, quy định pháp lý về người hiến tạng, đánh giá người nhận và thứ tự chờ ghép đều rất nghiêm ngặt, tương đương với tiêu chuẩn của hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Ngoài ra, một người dùng Facebook cũng đăng bài viết đề cập đến việc tìm kiếm các bài báo học thuật liên quan đến việc sử dụng trẻ em và trẻ sơ sinh làm người hiến tạng (gan và thận) trong các ca cấy ghép ở Trung Quốc, với các ví dụ cụ thể từ các bệnh viện khác nhau. 

1. Bệnh viện Nhân dân tỉnh Giang Tây (2020):

3 trường hợp trẻ em hiến gan, lần lượt 8 tuổi, 8 tuổi và 10 tuổi. Trong đó, một trường hợp chết não do u não, hai trường hợp còn lại chết não do chấn thương sọ não. Một trong các bệnh nhân nhận gan đã tiếp tục điều trị hóa trị sau ca ghép, nhưng sau đó tử vong do di căn ung thư gan. Không rõ liệu người này có được tiến hành phẫu thuật ghép tạng khi đang trong giai đoạn cuối của bệnh ung thư gan hay không.

Thông tin này được ghi nhận trong báo cáo: Adult liver transplantation using pediatric donor livers after cardiac or brain death: A report of three cases.

2. Bệnh viện số 1 trực thuộc Đại học Trịnh Châu (2021):

Một trường hợp trẻ em hiến gan cho người lớn, trẻ bị chết não do tai nạn giao thông. Tuy nhiên, lá gan mềm mại của trẻ lại hoàn toàn không bị tổn thương trong vụ tai nạn.

Thông tin này được ghi nhận trong báo cáo: Successful pediatric donor to adult recipient liver transplantation with super-small-for-size graft: An unusual case.

3. Bệnh viện Tương Nhã 2, Đại học Trung Nam (2012-2019):

Trong vòng 7 năm, đã có 42 trường hợp trẻ sơ sinh hiến cả 2 quả thận cho người lớn.

Thông tin này được ghi nhận trong báo cáo: Dual kidney transplantation from infant donors to adult recipients: a report of 42 cases.

4. Bệnh viện Nhân Tế Thượng Hải (2023):

2 trẻ sơ sinh nữ sinh non đã hiến cả 2 quả thận cho người lớn.

Thông tin này được ghi nhận trong báo cáo: The minimum weight and age of kidney donors: en bloc kidney transplantation from preterm neonatal donors weighing less than 1.2 kg to adult recipients, được đăng trên tạp chí American Journal of Transplantation.

5. Bệnh viện Đồng Tế Vũ Hán (2002–2019):

Trong khoảng thời gian từ năm 2002 đến 2019, 22 trẻ sơ sinh (tuổi trung vị là 0,5 tháng) đã hiến cả 2 quả thận cho trẻ em khác. 

Thông tin này được ghi nhận trong báo cáo: “Kidney transplantation in children: a report of 111 cases”.

Trí Đạt (t/h)