Ca sĩ Đài Loan sang TQ ghép tim và gan, nguồn gốc nội tạng bị đặt câu hỏi
- Trí Đạt
- •
Gần đây, nam ca sĩ kiêm nhạc sĩ Đài Loan Lã Kiến Trung (Tank) đã thực hiện ca ghép tim và gan tại Bệnh viện số 2 thuộc Trường Y Đại học Chiết Giang. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã rầm rộ tuyên truyền rằng đây là ca ghép đồng thời tim – gan đầu tiên ở châu Á. Vụ việc đã thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng mạng, nhiều người đặt câu hỏi về nguồn gốc của các cơ quan nội tạng được sử dụng trong ca cấy ghép này.
Ca sĩ Đài Loan Lã Kiến Trung (Tank) từng được yêu thích rộng rãi với những sáng tác nổi tiếng như: “Hãy cho anh tình yêu của em” (Give Me Your Love / 给我你的爱), “Thiên thần dành riêng cho anh” (Personal Angel / 专属天使), “Ánh trăng trong thành phố” (城里的月光), “Lệ ngàn năm” (Thousand Year Tears / 千年泪), “Chỉ có em” (It had to be you / 非你莫属) và “Tình yêu thời Tam Quốc” (Three Kingdom Love / 三国恋).
Anh từng tạm rút khỏi làng nhạc, lui về hậu trường trong 5 năm vì mắc bệnh tim bẩm sinh. Năm ngoái, khi bệnh tình trở nặng, anh đã sang Trung Quốc Đại Lục để thực hiện ca ghép tim và gan.
Ngày 7/4, truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là tờ Nhân Dân Nhật Báo đưa tin và tuyên truyền rầm rộ rằng: “Ngày 21/11/2024, một người hiến tạng vĩ đại không may bị chết não do chấn thương sọ não đặc biệt nghiêm trọng đã hiến tặng vô tư các cơ quan nội tạng, và dưới sự phối hợp của nhiều đội ngũ y tế tại Bệnh viện số 2 Đại học Chiết Giang, gồm đội của Giáo sư Vương Vĩ Lâm (ghép gan), đội của Giáo sư Đổng Ái Cường (ghép tim), đội của Giáo sư Nghiêm Mẫn (gây mê – phẫu thuật), đội của Giáo sư Hoàng Mạn (chăm sóc tích cực), ca phẫu thuật ghép đồng thời tim – gan đã được thực hiện thành công sau 12 tiếng đồng hồ liên tục.”
Chiều cùng ngày, Lã Kiến Trung đã đăng một bài viết dài trên Weibo, chia sẻ rằng anh đã mắc chứng bệnh cơ tim phì đại di truyền trong thời gian dài. Anh kể năm 2006, chị gái anh đột ngột qua đời trong lúc ngủ vì bệnh tim. Để tưởng nhớ, anh đã sáng tác bài hát “Nếu tôi trở thành ký ức” (If I Become A Memory / 如果我变成回忆). Vài tháng sau, một người dì của anh cũng qua đời vì căn bệnh tương tự.
Năm 2007, khi đang quảng bá album, anh bị đột quỵ tim và phải đưa đi cấp cứu khẩn cấp, sau đó phải cấy thiết bị khử rung tim để duy trì tính mạng. Đến năm 2024, tình trạng suy tim của anh đã dẫn đến xơ gan, đến tháng Chín thì không còn đứng vững được nữa. Anh nói mình đã từng từ bỏ hy vọng sống, nhưng vào tháng Mười Một năm ngoái, đột nhiên nhận được thông báo có người hiến tạng, nên đã quyết định sang Trung Quốc để thực hiện ca phẫu thuật ghép đồng thời tim – gan.
Theo tin từ Up Media Đài Loan, sáng nay (ngày 9/4), Ủy ban Tư pháp và Pháp chế của Viện Lập pháp Đài Loan đã tiến hành một báo cáo chuyên đề. Trong phiên chất vấn, Nghị sĩ Đảng Dân Tiến Trang Thụy Hùng (Chuang Jui-hsiung) đề cập rằng ca sĩ Tank sau khi thực hiện ghép tạng tại Trung Quốc đã bày tỏ lòng biết ơn “tổ quốc” thông qua mạng xã hội cá nhân, “nghe có vẻ rất kỳ lạ”, nhưng cũng có thể hiểu được vì liên quan đến sự sống, nên từ góc độ nhân đạo là điều dễ thông cảm.
Tuy nhiên ông Trang ngay sau đó chuyển hướng và chỉ ra, hiện nay ở Đài Loan có khoảng 11.000 người đang chờ được ghép tạng, nếu trong tương lai những người này đều sang Trung Quốc để cấy ghép, rồi bị buộc phải ca ngợi Trung Quốc, thậm chí hát một bài hát tuyên truyền cho ĐCSTQ, thì từ góc độ nhân tính, họ rất có thể sẽ chấp nhận sự thống chiến (tuyên truyền hòa bình nhằm thâu phục lòng dân). Ông lo ngại rằng “thống chiến y tế” của ĐCSTQ đang âm thầm lan rộng, và vì thế đã chất vấn các đơn vị an ninh quốc gia nên ứng phó thế nào.
Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục An ninh Quốc gia Đài Loan – Hoàng Minh Chiêu (Huang Ming-Chao) đã trả lời: Trước khả năng Trung Quốc dùng y tế làm công cụ thống chiến đối với Đài Loan, trong thời gian tới, Cục An ninh sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để thảo luận và nghiên cứu phương án xử lý phù hợp.
Phản ứng của cư dân mạng
Mặc dù thông tin Lã Kiến Trung thực hiện ca ghép tim và gan được công bố đã khiến không ít người hâm mộ để lại lời nhắn vui mừng vì anh có được cuộc sống mới, nhưng đồng thời cũng khiến nhiều người dân Đài Loan nhớ lại mặt tối được phơi bày trong bộ phim tài liệu “Nội tạng quốc doanh”.
Rất nhiều cư dân mạng đã đặt nghi vấn về nguồn gốc các cơ quan nội tạng, đồng thời cũng có người chỉ trích việc anh Lã Kiến Trung là người dân tộc thiểu số bản địa của Đài Loan nhưng lại gọi Trung Quốc là “tổ quốc”. Điều này khiến nhiều người bất mãn, họ cho rằng anh Lã Kiến Trung đang làm công cụ tuyên truyền cho ngành y tế Trung Quốc.
Điều này cũng dẫn đến việc cư dân mạng “đào lại” quá khứ bê bối của anh, như lái xe khi say rượu, lăng nhăng ngoại tình, v.v., khiến tranh cãi càng thêm gay gắt.
Sáng ngày 8/4, bác sĩ Thái Y Sập (I-Chen Tsai) đã đăng bài trên Facebook nói rằng: “Mỗi người chỉ có một trái tim, khi được cấy ghép cho người khác, điều đó có nghĩa là đã có một người mất đi mạng sống.”
Ông cũng chỉ ra rằng thông thường các ca hiến tạng đến từ những cái chết do tai nạn, nhưng tại Trung Quốc – nơi ngay cả các loại máy móc đặc biệt gây chết não cũng có bằng sáng chế, và tại một Trung Quốc nơi mà thanh niên sau khi xét nghiệm máu không bao lâu liền “biến mất” khỏi trường học – thì những “tai nạn” ấy liệu có thực sự là tai nạn hay không, quả thật rất đáng để suy ngẫm.
Ông cho biết mặc dù gan có thể lấy một phần (gọi là ghép gan từ người sống – LDLT), nhưng do cần tính toán thể tích cắt, xác định hướng đi của các mạch máu nên khá phức tạp, do đó trước đây nhiều trường hợp đến Trung Quốc ghép gan, khi chụp CT lại, thì phát hiện đó là một lá gan nguyên vẹn. “Tôi không muốn nói nặng lời, chỉ xin dừng lại ở đây.”
Chiếc máy đặc biệt mà ông Thái Y Sập đề cập, dùng để gây chết não, là một thiết bị được Bệnh viện trực thuộc thứ ba của Đại học Quân y số ba (tức Bệnh viện Đại Bình) phối hợp nghiên cứu cùng Vương Lập Quân – nguyên Phó thị trưởng kiêm Cục trưởng Công an Trùng Khánh. Thiết bị có tên gọi là “Máy kích thích não tổn thương nguyên phát” (Primary brain stem injury), sử dụng một quả cầu kim loại tròn để trực tiếp kích thích vào hộp sọ, tạo ra sóng xung kích xuyên qua xương sọ vào não, khiến nạn nhân chết não ngay lập tức.
Trước việc này, cư dân mạng Trung Quốc Đại Lục đã liên tục đặt nghi vấn về nguồn gốc của các cơ quan nội tạng:
“Gan và tim được cấy ghép là của ai vậy?”
“Gan lấy từ đâu ra? Có phải là của người mất tích không?”
“Nguồn gốc của nội tạng có thể công khai không? Làm sao có thể cùng lúc tìm được hai bộ phận phù hợp như vậy?”
“Câu hỏi đặt ra là người kia là ai? Anh ta sống rồi, vậy thì ai đã chết?”
“Anh ta lấy đâu ra các cơ quan nội tạng đó? Mang từ Đài Loan sang à?”
Có người còn tỏ ra hoài nghi và dè dặt: “Tôi không quen ngôi sao này lắm, cũng không muốn giúp anh ta tạo độ hot hay tăng lưu lượng truy cập. Tôi chỉ muốn biết trái tim và lá gan là của ai? Mẹ của anh ta vẫn còn sống chứ? Bà ấy giờ là đang vui hay đang buồn?”
Ngoài ra, cũng có những lời mỉa mai:
“Các bệnh viện ở Chiết Giang này đúng là ghê gớm thật, muốn gì có nấy, cần cơ quan [nội tạng] nào là có cơ quan đó.”
“Nội địa vẫn đỉnh thật, một lúc gom được cả tim lẫn gan.”
Một số cư dân mạng cũng nhắc lại sự việc trong quá khứ, khi chuyên gia ghép tạng nổi tiếng của bệnh viện này là ông Trịnh Thụ Sâm (Zheng Shusen) từng bị cấm công bố bài báo vì không thể cung cấp nguồn gốc của gan được cấy ghép:
“Trước đây, Giáo sư Trịnh của Bệnh viện Số 1 Đại học Chiết Giang đã không thể cung cấp nguồn của 563 ca ghép gan, nên bài báo bị cấm xuất bản.”
“Rất tò mò về nguồn gốc của các cơ quan được ghép đồng thời lần này. Đại học Chiết Giang có một phòng thí nghiệm trọng điểm về ghép đa cơ quan, chủ trì bởi Viện sĩ Lý Lan Quyên (Li Lanjuan) và chồng bà – Viện sĩ Trịnh. Vụ bài báo bị từ chối do không rõ nguồn gan từng gây tranh cãi sôi nổi trên Zhihu.”
Ông Trịnh Thụ Sâm cùng các cộng sự đã viết một bài nghiên cứu dựa trên 563 ca ghép gan thực hiện từ tháng 4/2010 đến tháng 10/2014 tại Bệnh viện số 1 trực thuộc Trường Y Đại học Chiết Giang. Trong bài viết, họ khẳng định rằng: “Tất cả các cơ quan đều đến từ những người hiến tặng sau khi tim ngừng đập (DCD donors – Donors after Cardiac Death).”
Năm 2017, Tạp chí quốc tế về Gan (Liver International) đã ra tuyên bố chính thức cấm vĩnh viễn 2 chuyên gia ghép tạng là Trịnh Thụ Sâm và Nghiêm Thịnh (Yan Sheng) của Bệnh viện số 1 Đại học Chiết Giang nộp bài báo khoa học, với lý do họ không thể cung cấp bằng chứng chứng minh nguồn gốc 563 ca ghép gan phù hợp với đạo đức y khoa.
Đến năm 2024, Phó Viện trưởng Bệnh viện số 2 trực thuộc Trường Y Đại học Chiết Giang – ông Trần Tĩnh Du (Chen Jingyu) – đã tiết lộ trên Weibo rằng trong năm 2023, ông đã thực hiện 370 ca ghép phổi tại hai thành phố Vô Tích và Hàng Châu. Cư dân mạng không khỏi kinh ngạc, chỉ tính riêng ở Vô Tích và Hàng Châu đã có 370 ca ghép phổi, trung bình hơn 01 ca/ngày. Nếu tính thêm các ca ông thực hiện tại những nơi khác trên toàn Trung Quốc, con số thực tế chắc chắn còn cao hơn nữa.
Theo các thông tin công khai, từ năm 2015, ông Trần Tĩnh Du đã nhiều lần đề xuất tại kỳ họp “Lưỡng hội” của ĐCSTQ rằng cần sớm ban hành luật về chết não. Tháng 5/2023, ông còn tuyên bố công khai trên Weibo rằng: “Các cơ quan nội tạng từ hiến tặng sau chết não vì tình thương là nguồn duy nhất của chúng tôi.”
Tại sao lại nhanh chóng thanh minh như thế? Là một bác sĩ phẫu thuật chính, ông Trần Tĩnh Du đương nhiên biết rất rõ sự thật đằng sau việc sử dụng các cơ quan hiến tặng từ người “chết não” trong lâm sàng. Mục đích của ông ta không gì khác ngoài việc muốn lợi dụng luật pháp để hợp pháp hóa việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng, khoác cho hành vi mổ cướp nội tạng một tấm áo hợp pháp.
Báo cáo “Phân tích chuỗi bằng chứng dọc về việc thu hoạch nội tạng sống” nêu rõ: “Một khi trên phương diện pháp luật, người chết não chưa bị coi là đã chết hoàn toàn, thì phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tim và phổi để ghép phổi sẽ dẫn đến cái chết thực sự của người hiến.”
Điều này có nghĩa là, việc sử dụng người hiến tạng chết não trong cấy ghép nội tạng có thể cấu thành hành vi thu hoạch nội tạng sống và giết người.
Trong một thời gian dài, hành vi thu hoạch hàng loạt nội tạng của người dân Trung Quốc do ĐCSTQ thực hiện đã ngày càng bị cộng đồng quốc tế phát giác và lên án. Trước đây, nạn nhân chủ yếu là người tập Pháp Luân Công và người Duy Ngô Nhĩ, nhưng đến nay đã mở rộng ra toàn thể người dân Trung Quốc.
Những năm gần đây, trong nước xuất hiện rất nhiều vụ trẻ em và thanh niên mất tích một cách bí ẩn, đồng thời cũng có nhiều người lương thiện vì vạch trần hành vi thu hoạch nội tạng trong các bệnh viện mà bị thủ tiêu bịt miệng.
Trí Đạt (t/h)
Từ khóa Ghép tạng Ghép gan Ghép tim Lã Kiến Trung Tank máy chết não
