Reuters ngày 17/7 đưa tin từ Manila cho hay, theo một tài liệu và nguồn tin ngoại giao của Philippines, nước này cùng Trung Quốc đã đồng ý thiết lập 3 kênh liên lạc mới để cải thiện cách họ giải quyết các tranh chấp trên biển.

Philippines 1 1
Cảnh sát biển ĐCSTQ đụng độ với Philippines bằng vũ khí đơn giản ở Biển Đông (Ảnh: Public Domain)

Bối cảnh xây dựng các kênh liên lạc là Philippines cùng hỗ trợ bởi đồng minh quốc phòng Mỹ đã thách thức sự hiện diện thường trực của Trung Quốc xung quanh các đảo chiến lược trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila. Hiện hai nước không ngừng có xung đột mâu thuẫn về quyền tài phán ở vùng Biển Đông đang tranh chấp.

Ba kênh liên lạc

Nguồn tin cho biết hai bên sẽ thiết lập 3 kênh liên lạc dành riêng cho các vấn đề hàng hải, đồng thời cung cấp một văn bản tập trung vào “Thỏa thuận về Cải thiện Cơ chế Liên lạc Hàng hải giữa Philippines và Trung Quốc” được ký ngày 2/7.

Tài liệu cho thấy kênh đầu tiên trong số 3 kênh liên lạc là “đại diện được lãnh đạo hai nước chỉ định”;

Kênh thứ hai là sử dụng Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng Ngoại giao hai nước, hoặc đại diện được chỉ định của họ;

Kênh thứ ba liên quan tham gia của Lực lượng Cảnh sát biển mỗi bên, “được thiết lập sau khi Biên bản ghi nhớ (MOU) được thống nhất giữa Lực lượng Cảnh sát biển”.

Phản hồi từ người phát ngôn phía Trung Quốc

Khi được hỏi về thỏa thuận, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm (Lin Jian) cho biết: “Trung Quốc luôn cam kết xử lý đúng đắn các vấn đề hàng hải với Philippines thông qua đối thoại và tham vấn”.

Người phát ngôn nói thêm rằng hai nước đã đồng ý tăng cường hơn nữa liên lạc và đối thoại liên quan đến hàng hải, qua đó để cùng bảo vệ sự ổn định của tình hình hàng hải và tình hình chung của quan hệ Trung Quốc-Philippines.

Reuters dẫn nguồn tin từ chối nêu tên vì không được ủy quyền thảo luận vấn đề này cho biết, Bộ Ngoại giao Philippines đang thảo luận với Bộ Ngoại giao Trung Quốc về cách thực hiện thỏa thuận này.

Đối đầu thường xuyên

Từ ngày 17/6, tàu của Trung Quốc và Philippines lại đụng độ gần Đá Nhân Ái – vùng viển mà tàu hai bên thường xuyên đối đầu.

Philippines tháng trước cáo buộc lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc cố ý đâm thủng và thu giữ vũ khí từ một tàu hải quân Philippines, nhằm làm gián đoạn nhiệm vụ tiếp tế cho tàu mắc cạn ở bãi cạn, khiến một thủy thủ Philippines bị thương nặng và mất một ngón tay.

Phía Trung Quốc phản ứng rằng, tàu Philippines xâm phạm trái phép lãnh thổ Trung Quốc, và “cố tình và nguy hiểm” tiếp cận tàu Trung Quốc, dẫn đến va chạm nhỏ với tàu Trung Quốc.

Thỏa thuận về các kênh liên lạc này không phải là thỏa thuận đầu tiên được hai bên ký kết, những người trước đây đã thiết lập đường dây liên lạc giữa các cơ quan quản lý hàng hải của mỗi bên.

Ông Antonio Carpio – cựu thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines và là người ủng hộ nổi bật các yêu sách hàng hải của Manila – bày tỏ nghi ngờ về đường dây liên lạc “vì nó sẽ không giải quyết được tranh chấp”. Ông Carpio nói: “Chúng tôi không biết liệu họ có nhận điện thoại của chúng tôi hay không, vì vậy chúng tôi phải chờ đợi. Tình hình như vậy là tốt, nhưng chúng tôi không kỳ vọng có kỳ tích”.

Hiệp ước giữa Mỹ và Philippines

Trong các cuộc gặp gần đây, Philippines và Trung Quốc đã nhất trí về sự cần thiết phải “khôi phục và xây dựng lại niềm tin” để quản lý tranh chấp tốt hơn.

Các hoạt động tiếp tế của Philippines – thường được tiến hành với sự có mặt của giới truyền thông – đã khiến Trung Quốc tức giận, vì Trung Quốc vốn coi Bãi cạn Second Thomas [tức Bãi Cỏ Mây – quần đảo Trường Sa của Việt Nam] là lãnh thổ của họ bất chấp thực tế nó cách Trung Quốc Đại Lục 1.300 km.

Trung Quốc ngang ngược dựa theo các bản đồ cổ ngày xưa để khẳng định chủ quyền phần lớn Biển Đông, theo đó đã cử hàng trăm tàu ​​tuần duyên vào sâu trong khu vực Đông Nam Á để khẳng định yêu sách, làm gián đoạn các nỗ lực khai thác năng lượng ngoài khơi của các nước láng giềng khác như Malaysia và Việt Nam.

Trung Quốc từ chối công nhận phán quyết quốc tế năm 2016 cho rằng tuyên bố của Bắc Kinh không có cơ sở luật pháp quốc tế.

Mỹ đã ủng hộ Philippines trong cuộc xung đột, lên án điều mà họ gọi là hành động gây hấn của Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh “kiên quyết” theo hiệp ước phòng thủ chung năm 1951 với Philippines, theo đó Mỹ sẽ phải bảo vệ thuộc địa cũ nếu Philippines bị tấn công. Trung Quốc cáo buộc Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của nước này.

Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ tuyến đường thủy quan trọng, nơi có lượng hàng hóa thương mại trị giá 3000 tỷ USD đi qua mỗi năm. Tuyên bố chủ quyền đó của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của nhiều nước gồm Philippines, Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam.