Số phận lận đận của di dân Venezuela trốn chạy chế độ Maduro!
- Xuân Thành
- •
Mỗi ngày Colombia đang tiếp nhận khoảng 3000 người di cư Venezuela. Chính phủ của Tổng thống Santos phải thành lập đội tuần tra biên giới mới, thắt chặt chính sách nhập cư, tiến hành hồi hương nhiều người Venezuela không có giấy tờ. Nhưng những người dân của chế độ Maduro vẫn tìm mọi cách để rời bỏ đất nước khi họ đã không còn tìm được nguồn sống thiết yếu từ mảnh đất đã từng là nơi thịnh vượng nhất Mỹ La-tinh.
Mỗi ngày có khoảng 3000 người Venezuela vượt biên sang Colombia.
Khi cảnh sát Colombia bắt anh Victor Colmenares không có giấy phép lao động, đang bán cà phê trên các tuyến bố bụi bặm ở thành phố biên giới Cucuta, họ đã bắt anh lên một chiếc xe tải chở đầy di dân Venezuela đang được lặng lẽ đưa trở lại đất nước của họ.
Người công nhân xây dựng 20 tuổi này đã run rẩy khi chiếc xe tải không mang biển kiểm soát tiếp cận tới biên giới Colombia – Venezuela, anh đang nghĩ về người vợ mang bầu của mình vẫn ở lại Cucuta và những nguy hiểm mà anh có thể gặp phải khi trở về đất nước mà anh đã trốn chạy.
“Tôi đã vô cùng sợ hãi khi quay trở về Venezuela. Đầy người trộm cắp ở đó. Mọi người bị giết. Tôi không thể trở về”, anh Colmenares nói.
Khi làn sóng người di dân Venezuela trốn chạy khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo của đất nước này tăng lên, nước láng giềng Colombia đang phản ứng bằng cách thắt chặt kiểm soát nhằm mục đích kiềm chế số lượng người di cư bất hợp pháp. Tại các thành phố biên giới như Cucuta, cảnh sát đang gom những người Venezuela bán kem bất hợp pháp tại các quảng trường hoặc hành nghề mại dâm tại các nhà thổ và đưa họ trở lại Venezuela.
Nhưng việc di dời này, mặc dù thường là hợp pháp, vẫn dấy lên một câu hỏi sởn da gà: Những người di dân có nên bị đưa trở lại một đất nước mà Mỹ và các nước khác đã lên án là “nền độc tài đói kém’’?
Ông Christian Kruger, giám đốc cơ quan nhập cư Colombia, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn gần đây cho rằng: “Chúng ta không thể nói với tất cả mọi người, ‘hãy đến, ở lại đây’. Không có đất nước nào trên thế giới có thể hỗ trợ nhập cư không giới hạn”.
Theo Tổ chức Quốc tế về Di dân, từ năm 2015 đến 2017 đã có khoảng một triệu người Venezuela rời bỏ đất nước của họ và hàng trăm ngàn người của chế độ Maduro đã trốn chạy khỏi đất nước này trong 3 tháng đầu năm nay. Họ bây giờ có mặt ở khắp khu vực trong làn sóng leo thang di dân chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Nam Mỹ hiện đại. Colombia đã đón nhận phần lớn những người nhập cư này, với ước tính khoảng 3000 người Venezuela tới quốc gia bên kia núi Andean mỗi ngày. Với tốc độ đó, chỉ trong 2 tháng số người nhập cư mà Colombia tiếp nhận đã nhiều bằng cả năm 2016 nước Ý đón nhận di dân trong cuộc khủng hoảng nhập cư Địa Trung Hải cao điểm nhất.
Về mặt chính thức, Colombia thông báo trục xuất rất ít di dân: Chỉ 442 người đã bị đưa khỏi nước này cho tới hết tháng 4/2018, theo số liệu của chính phủ. Nhưng số lượng bị trục xuất này không tính đến những người di dân bất hợp pháp như trường hợp của anh Victor Colmenares. Những người như thanh niên 20 tuổi này được giới chức Colombia tính là đã “tự nguyện trở về” quê hương của họ. Tổng cộng, khoảng 2.700 người Venezuela đã được đưa về nước dưới dạng này, theo số liệu của giới chức Colombia.
Vào tháng Hai vừa qua, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos đã cho thành lập một đơn vị nhập cư đặc biệt mới, thực hiện hai lần vây bắt mỗi ngày tại các thành phố biên giới đông đúc. Theo quan chức nhập cư Kruger, người Venezuela khi bị bắt do không có giấy tờ hợp lệ được cho lựa chọn nộp phạt cao hơn rất nhiều số tiền họ kiếm được trong một năm hoặc chấp nhận ra tòa.
Đối mặt với tình huống nêu trên, ông Kruger cho biết phần lớn người di cư Venezuela lựa chọn việc chấp nhận quay trở về quê nhà. “Họ muốn ở nhà của họ hơn là sống trong công viên”, ông Kruger cho biết.
Tuy nhiên, trong nhiều cuộc điều tra của AP gần đây, các nhân chứng nói rằng bản thân những người di cư không yêu cầu trở về nhà. Thay vào đó, quan chức đơn giản đã bảo họ hãy “lên xe tải” và có nhiều sĩ quan cảnh sát giám sát trên đó.
Một khi bị đưa trở về Venezuela, phần lớn người di dân lại dễ dàng tìm cách quay trở lại Colombia qua đường biên giới dài tới 2.200km giữa hai quốc gia. Một người di dân đã bị bắt gần đây nói rằng cô đã từng bị đưa trở về Venezuela tới 8 lần.
Ông Ronal Rodriguez, giáo sư nghiên cứu về nhập cư tại Trường Đại học Rosario ở thủ đô Colombia cho hay: “Tiến trình đưa người Venezuela trở về là cực kỳ không hiệu quả”.
Ông Kevin Johnson, Trưởng khoa luật của Đại học Califorlia nói rằng chiến thuật di dời mới của Colombia thực ra không phải là chưa có tiền lệ. Mỗi năm hàng ngàn người tại Mỹ cũng đã bị giắt giữ và đối mặt với viễn cảnh trục xuất thay vì chọn quay trở lại theo những gì được biết đến ở đó là một cuộc “hồi hương tự nguyện’’.
“Tại nhiều quốc gia chúng ta thấy các chương trình và chính sách như điều đang diễn ra tại Colombia vì [họ] đều có nỗi sợ hãi về di dân ồ ạt”, ông Kevin Johnson nói.
Chuyên gia của Đại học Califorlia nói thêm rằng liệu thực tế hành xử với người di dân nêu trên có là hợp pháp hay không khi nhìn nhận bất kỳ người Venezuela bị đưa trả lại đất nước là những người tị nạn đang lo sợ bị bức hại. “Thường có một số người sợ truy tố khi nộp đơn xin trợ giúp và có thể phản kháng lại áp lực bị hồi hương tự nguyện”, ông Kevin Johnson nói.
Cơ quan Tị nạn của Liên Hiệp Quốc gần đây đã ban hành văn bản hướng dẫn cho các quốc gia khu vực Nam Mỹ giải thích rằng nhiều người di dân có thể được xếp vào trường hợp được quốc tế bảo vệ, và nói với các quan chức rằng người Venezuela không nên bị trục xuất hoặc ép hồi hương.
Mặc dù nhiều người di cư không phải do bị bức hại chính trị, nhưng Liên Hiệp Quốc lưu ý rằng hoàn cảnh dẫn tới người Venezuela đang phải di cư phù hợp với tinh thần của Tuyên bố Cartagena 1984 mà nhiều quốc gia Mỹ La-tinh ký kết. Thỏa thuận không ràng buộc này bao trùm một định nghĩa rộng hơn về người tị nạn trong đó tính đến cả những người phải trốn chạy bạo lực, đói nghèo và sự đổ vỡ luật pháp.
Liên Hiệp Quốc không đưa ra các bình luận cụ thể về trường hợp Colombia đang hồi hương người Venezuela nhập cư bất hợp pháp.
Việc Colombia thắt chặt chính sách nhập cư diễn ra vào thời điểm Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đang có các động thái thâu tóm quyền lực ngày càng mạnh mẽ hơn, cấm các đối thủ chính trị chính tham gia vào cuộc bầu cử tổng thống dự kiến tổ chức vào ngày 20/5. Trong khi đó, lạm phát đại phi mã đã đẩy người dân Venezuela vào cuộc sống cùng cực khi lương tối thiểu của họ bây giờ chỉ đủ để mua một hộp trứng gà.
Ông Francine Howard, một nhà hoạt động dân chủ người Venezuela đang sống tại Colombia nói rằng: “Đây là một cuộc khủng hoảng tị nạn. Họ đang trốn chạy khỏi Venezuela giống như những người chạy trốn chiến tranh”.
Các quan chức Colombia đã cẩn thận tránh sử dụng từ “người tị nạn“, một chỉ định cũng ngụ ý dành nhiều tài nguyên cho người di cư vào thời điểm đất nước này cũng đang cố gắng thúc đẩy tiến trình hòa bình lịch sử.
Các nhóm nhân quyền và các tổ chức lưu vong hoan nghênh chính quyền Colombia đã chăm sóc cho hàng ngàn người di dân bị ốm tại các bệnh viện, đang tạo ra con đường nhập cư hợp pháp cho một số di dân và cung cấp cho những người khác thực phẩm và nơi trú ẩn.
Các quốc gia khác tại Nam Mỹ cũng đang đưa người di dân Venezuela về nước khi số lượng di cư ngày càng tăng lên, nhưng họ không cần thông qua chiến thuật ‘trở về tự nguyện’. Trinidad và Tobago hiện tại đã trục xuất 82 người Venezuela, hơn 1/3 số này đã nộp đơn xin tị nạn. Liên Hiệp Quốc đã lên án động thái này là vi phạm luật tị nạn quốc tế. Tại miền bắc Brazil, một thống đốc bang cũng đã yêu cầu tòa án tối cao Brazil cho phép bà đóng cửa biên giới giáp với Venezuela.
Trong một buổi chiều gần đây tại Colombia, một nhóm 17 sĩ quan cảnh sát mặc đồng phục màu xanh lục đã tập trung dưới cái nắng gắt khi họ phải tuần tra các tuyến phố ở Cucuta. Họ đã chặn và bắt một thanh niên trẻ đang làm công việc lau kính chắn gió tại một ngã tư đông đúc. Một người đàn ông khác cũng đã bị đưa lên xe tải sau khi bị phát hiện đang bán kem với giá khoảng 10 xu/chiếc.
“Tôi đã rời bỏ nước mình để kiếm sống”, anh Jorge Mireles, người cha của ba con nhỏ, giải thích rằng tại Venezuela anh không có cách nào để nuôi bọn trẻ.
Anh Colmenares, người được mô tả bị bắt ở đầu bài viết, đã nói rằng anh hoảng hốt khi xe cảnh sát với các thanh chắn bằng gỗ và mái bạt màu đen tiếp cận gần biên giới. Trở lại Venezuela đối với Colmenares vẫn là nguy hiểm, một hành trình khoảng 10 giờ để trở về nhà từ khu vực biên giới.
Sau khi rời xe tải cảnh sát, anh Colmenares lang thang gần trạm kiểm soát biên giới cho tới khi cảnh sát đi khuất. Sau đó, người thanh niên này lại bước đi hướng về phía thành phố Cucuta, chứ không quay về quê nhà.
Vài ngày sau, anh Colmenares cùng vợ của mình tiếp tục hành trình tới một thành phố khác ở sâu trong nội địa Colombia. Là một người di dân không có giấy tờ, anh Colmenares nói rằng việc bị đưa về vùng biên gần đây đã khiến anh thấy sợ hãi khi tiếp cận với giới chức để đề nghị giúp đỡ.
“Tôi không biết liệu họ có tiếp tục đưa tôi trở về Venezuela hay không”, anh Colmenares nói.
Xuân Thành
Theo Fox News
Xem thêm:
Từ khóa Colombia Venezuela Nicolas Maduro khủng hoảng Venezuela