Đối mặt với thảm họa viêm phổi Trung Cộng (còn gọi là viêm phổi Vũ Hán, COVID-19) , rất nhiều chính phủ do dân bầu có trách nhiệm đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp ứng cứu khẩn cấp, đặt trọng điểm vào người dân – công nhân thu nhập thấp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những người dễ bị tổn thương nhất. Đây là dựa vào sự trân quý sinh mạng con người, các giá trị phổ quát về tôn trọng con người và hạnh phúc của người dân. Ngược lại “Đại quốc chiến dịch bệnh” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã làm những gì và vì ai?

Dưới đây là bài viết của Chung Thanh Dương, đại diện cho quan điểm cá nhân của tác giả.

Xu ly Dich benh Trung Quoc va The gioi
(Ảnh: Shutterstock, Trí Thức VN đồ họa)

Hoa Kỳ

Ngày 13/3, Tổng thống Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, khởi động gói cứu trợ đầu tiên của chính phủ, dùng 50 tỷ USD cho các “quỹ cứu trợ thảm họa liên bang”. Trước đó, ngày 6/3, ông Trump đã ký một dự luật tài trợ khẩn cấp trị giá 8,3 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển vắc xin, thuốc…

Chính quyền liên bang lần đầu tiên đàm phán với các công ty bảo hiểm và đạt được thỏa thuận về một chương trình kiểm tra virus miễn phí quy mô lớn cho công chúng. Chính phủ cũng hợp tác với các công ty tư nhân như Google, Wal-Mart… sử dụng bãi đậu xe làm điểm kiểm tra virus; khi di chuyển qua các khu vực này, người dân có thể được xét nghiệm nhanh mà không cần xuống xe.

Ngày 18/3, Tổng thống Trump đã ký thông qua “Dự luật ứng phó với Virus Corona và đặt các gia đình vào vị trí ưu tiên nhất” (Family First Coronavirus Response Act), và gói cứu trợ 100 tỷ USD, bao gồm các điều khoản quan trọng như xét nghiệm virus corona miễn phí và đảm bảo lương cho người lao động phải nghỉ bệnh. Dự luật này đảm bảo rằng mọi công dân Mỹ, đều có thể được kiểm tra, ngay cả khi không có bảo hiểm y tế.

Một điểm nổi bật khác của dự luật là cứu trợ các nhóm dễ bị tổn thương. Cung cấp một khoảng tiền cứu trợ đáng kể, bao gồm thực phẩm, bảo hiểm y tế, hoặc hỗ trợ thất nghiệp do nhiễm bệnh cho các gia đình có thu nhập thấp, người già, nhân viên các doanh nghiệp quy mô nhỏ ít hơn 500 nhân sự, người được chẩn đoán hoặc đang cách ly, cha mẹ cần chăm sóc con cái do phải tạm thời nghỉ học ở trường…

Ngày 28/3, Tổng thống Trump ký một dự luật cứu trợ lên tới 2.200 tỷ USD, đây là làn sóng cứu trợ thứ ba và là dự luật giải cứu kinh tế lớn nhất trong lịch sử Mỹ. Thượng nghị sĩ lãnh đạo phe Cộng hòa Mitch McConnell nói: “Đây là khoản đầu tư cấp độ chiến tranh của nước ta.”

Gói cứu trợ bao gồm 500 tỷ USD tiền vay trợ giúp các công ty lớn bị ảnh hưởng nặng, 350 tỷ USD tiền vay trợ giúp cho các doanh nghiệp nhỏ và ít nhất 100 tỷ USD hỗ trợ cho các bệnh viện.

Mục đích của dự luật là trực tiếp và nhanh chóng mang tiền mặt đến với hơn 90% người nộp thuế, phân phối trong vòng ba tuần, để thúc đẩy nền kinh tế, đồng thời giúp đỡ các gia đình có thu nhập thấp và trung bình, các doanh nghiệp nhỏ ở Hoa Kỳ sống sót qua thảm họa dịch bệnh. Các cá nhân có thu nhập hàng năm dưới 75.000 USD sẽ nhận được trợ cấp trực tiếp 1200 USD/người. Các cặp vợ chồng đã kết hôn có thu nhập hộ gia đình hàng năm không vượt quá 150.000 USD sẽ nhận được khoản trợ cấp 2400 USD và mỗi đứa trẻ sẽ nhận được một khoản trợ cấp 500 USD. Hầu hết các gia đình bốn người ở Hoa Kỳ sẽ nhận được khoản trợ cấp lên tới 3400 USD. Phúc lợi cứu trợ cũng bao gồm các ngành nghề phi truyền thống như lao động đặc biệt, kinh doanh cá thể và lao động tự do.

Dự luật này thể hiện chính sách ưu tiên đối với người dân có thu nhập thấp hoặc trung bình. Bộ trưởng Tài chính Mnuchin nói rõ rằng “chúng ta không cần gửi séc cho những người kiếm được 1 triệu USD mỗi năm.”

Canada

Thượng viện Canada đã thông qua gói cứu trợ trị giá 82 tỷ đô Canada (khoảng 56 tỷ USD) cho kế hoạch hỗ trợ khẩn cấp, bao gồm 27 tỷ CAD hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp và lao động gặp khó khăn do dịch viêm phổi Vũ Hán, cung cấp 55 tỷ CAD hỗ trợ bổ sung cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh thông qua chính sách hoãn thuế. Gói cứu trợ này chiếm trên 3% GDP của Canada.

Ngoài ra, Chính phủ Canada cũng sẽ hỗ trợ hai tuần một lần (trong tối đa 15 tuần) số tiền 900 CAD cho những lao động phải nghỉ ở nhà nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Cha mẹ cần chăm sóc cho con cái phải ở nhà do tạm thời nghỉ học ở trường cũng có thể nộp đơn hưởng phúc lợi. Khoảng 2 tỷ CAD được dùng để tăng trợ cấp phúc lợi trẻ em quốc gia và tăng dòng tiền hỗ trợ cha mẹ nuôi dạy con cái. Khoản vay sinh viên được miễn lãi kéo dài thời gian đến 6 tháng. Đối với người vô gia cư, ngân sách trợ cấp được nhân đôi. Chủ lao động của các doanh nghiệp nhỏ có thể nhận được trợ cấp lương 10%, lên tới 25.000 CAD.

Thủ tướng Canada Trudeau chỉ ra: “Tại thời điểm này, công việc duy nhất của chúng tôi là đảm bảo mọi người luôn có thức ăn trong tủ lạnh, đảm bảo mọi người đều có chỗ ở, đáp ứng nhu cầu về thuốc men, mà không phải mạo hiểm đi ra ngoài để kiếm tiền. Còn nếu mất việc? Không thể trả khoản vay? Chính phủ sẽ giúp bạn những việc này.

Nước Anh

Chính phủ Anh đã hào phóng tuyên bố kế hoạch cứu trợ chưa từng có trong lịch sử, phân bổ 330 tỷ Bảng để đáp ứng nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp, với hy vọng ngăn chặn làn sóng sa thải trong các ngành công nghiệp khác nhau dưới tác động của virus Trung Cộng.

Để bảo hộ việc làm, Chính phủ Anh trả thay cho người sử dụng lao động 80% tiền lương nhân viên vào thời gian nghỉ, kể cả những người không thể làm việc do nhiễm virus. Số tiền này lên tới 2.500 Bảng mỗi tháng, tương đương 3000 USD, áp dụng từ tháng 3 và kéo dài trong 3 tháng, tùy thuộc vào tình hình, có thể tiếp tục được gia hạn. Không có giới hạn trên đối với khoản trợ cấp này của Chính phủ. Bộ trưởng Tài chính cho biết khoản trợ cấp này sẽ cho phép người làm công ăn lương giữ được việc ngay cả khi người sử dụng lao động không thể trả lương cho họ. Chính sách này sẽ đảm bảo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn hoặc thậm chí nhiều người lao động hơn nữa.

Pháp

Theo báo cáo của “Tạp chí Phố Wall”, Chính phủ Pháp cam kết sẽ hỗ trợ khẩn cấp gói 45 tỷ Euro cứu trợ cho các công ty và nhân viên bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Người làm công nếu không đi làm cũng sẽ được nhận 80% lương.

Nhật Bản

Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện chính sách hỗ trợ khẩn cấp, giá trị tương đương 10% GDP quốc gia. Chính sách chủ yếu được sử dụng để bảo hộ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời có kế hoạch trợ cấp 200.000 đến 300.000 Yên (khoảng 1800 đến 2700 USD) tiền mặt cho các hộ gia đình có thu nhập sụt giảm nghiêm trọng. Phiếu giảm giá và phiếu mua hàng cũng sẽ được phát hành.

Đài Loan

Chính phủ Đài Loan phân bổ 1 tỷ Đài tệ để trợ cấp cho những người lao động nghỉ việc không lương trong thời gian tối đa lên tới 3 tháng. Tổng thống Thái Anh Văn cam kết: “Người dân Đài Loan có thể được xét nghiệm miễn phí, nếu có trường hợp bị buộc phải cách ly trong 14 ngày, Chính phủ sẽ chi trả tiền ăn, ở và y tế. Vì vậy, sẽ không để một ai không đến bác sĩ vì không đủ khả năng chi trả cho y tế .” Bà Thái nói rằng Chính phủ hoàn toàn có thể đảm bảo cung ứng nhu yếu phẩm, người dân sẽ không phải rơi và tình trạng hoảng loạn hay giành giật mua đồ.

Hy Lạp, Úc, New Zealand và các quốc gia khác cũng đã đưa ra các biện pháp cứu trợ khẩn cấp cho người dân.

Trái lại ở Trung Quốc, đối với những người bị kẹt ở nhà không thể ra ngoài làm việc, chính quyền ĐCSTQ đã làm được gì cho họ? Người dân Trung Quốc, hơn trăm triệu lao động thất nghiệp không lương trong mấy tháng liền, những người mới thất nghiệp vì dịch bệnh… liệu có được nhận một khoản trợ cấp nào không? Bao nhiêu người được miễn giảm tiền thuê nhà? Chẳng những chính quyền ĐCSTQ không trợ cấp, còn thu góp ít nhất 100 nhân dân tệ từ mỗi đảng viên. Nhiều đảng viên trong tâm bất bình nhưng cũng không dám không quyên góp.

Một số người biện giải thay cho ĐCSTQ: Dân số Trung Quốc hơn 1,4 tỷ, không thể làm trợ cấp giống như các nước khác.

Một số người dùng internet đặt câu hỏi: Vậy số tiền thuế từ 1,4 tỷ dân đó không phải là một con số khổng lồ sao? Khi “thu tiền từ dân” thì không cảm thấy quá nhiều, nhưng tại sao lại cảm thấy quá nhiều khi “dùng tiền đó cho dân”?

Có người dùng internet đã đăng trên Twitter: “Chính phủ Trung Quốc là chính phủ giàu nhất thế giới, không có chính phủ nào mà tài sản ròng đến 119 ngàn tỷ Nhân dân tệ.” Nếu đã là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, có sức rải tiền khắp nơi, tại sao không trợ cấp giống các nước khác?  “Đề nghị chính quyền ĐCSTQ cũng trợ cấp 10,000 Nhân dân tệ cho mỗi người thu nhập thấp.”

Cứu trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ

Dự luật cứu trợ trị giá 2200 tỷ USD cung cấp cho các doanh nghiệp nhỏ các biện pháp cứu trợ như cho vay, cắt giảm thuế… nhiều khoản vay không cần phải trả. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio nói rằng nếu điều này không được thực hiện, một số lượng lớn các doanh nghiệp nhỏ sẽ đóng cửa và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng mạnh.

Thủ tướng Anh Johnson cam kết có thể chi 25.000 Bảng hỗ trợ tài chính đối với các cửa hàng, quán bar, nhà hát và các cơ sở kinh doanh không có bảo hiểm. Các cơ sở kinh doanh và các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh có thể được miễn thuế kinh doanh một năm.

Nhìn vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Trung Quốc, kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào tháng 12 năm ngoái, nhiều nơi đã lâm vào tình trạng ngừng hoạt động trong hai tháng, nghiêm trọng nhất là các ngành dịch vụ như bán lẻ, ăn uống, du lịch và giải trí… Một kênh truyền thông của Đức bình luận: “Kế hoạch hỗ trợ kinh tế của Bắc Kinh ở đâu?” , “40% số hộ gia đình không có thu nhập không thể cầm cự thêm 3 tháng.” “Một số lượng lớn công ty rơi vào tình trạng khốn cùng trong việc thanh toán,… tại châu Âu và Mỹ cũng đang trong tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng, nhưng chính phủ nước họ cũng đang gấp rút hỗ trợ nền kinh tế. Còn ở Trung Quốc, chính quyền trong khi “bảo vệ ô dù” đã hành động chậm trễ.”

Vì để thúc đẩy tái sản xuất ở các địa phương, mặc dù chính quyền ĐCSTQ cũng đưa ra các biện pháp như giảm thuế, trả chậm bảo hiểm xã hội, trợ cấp, vay lãi suất thấp… Nhưng mặt thu được rất hạn chế, không thể đạt được hỗ trợ toàn diện, các công ty có thể nhận hỗ trợ thì cũng chỉ như muối bỏ biển. Đặc biệt, trong thể chế ĐCSTQ hiện tại, các khoản vay lãi suất thấp và trợ cấp cho công ty sản xuất lại sẽ còn tạo thành một vòng xoay trục lợi, các ưu đãi cũng có thể dành cho những người có mối quan hệ được nhận trước, điều này càng làm sâu sắc thêm bất bình đẳng xã hội.

Không thể sản xuất và còn phải chi trả tiền thuê mặt bằng cũng đã khiến nhiều công ty không thể tiếp tục tồn tại. Từ Khu công nghiệp Đông Bắc đến vùng Quảng Đông phía nam, các cuộc biểu tình của các doanh nghiệp đòi giảm tiền mặt bằng đã nổ ra ở nhiều thành phố, hàng loạt công ty vì bị đứt vốn mà phá sản, thuê mướn lao động không thể trả lương, lao động bị sa thải, nguy cơ từ làn sóng thất nghiệp còn gay gắt hơn so với việc phục hồi sản xuất. Tức giận kìm nén giống như núi lửa có thể phun trào bất kỳ lúc nào.

Chăm sóc các nhóm dễ bị tổn thương

Người ta nói, một quốc gia có mạnh hay không có thể nhìn vào cách họ chăm sóc các nhóm dễ bị tổn thương như thế nào. Kể từ khi viêm phổi Trung Cộng bùng phát, người già, trẻ em, người tàn tật và người thất nghiệp là các nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Chính phủ do dân bầu ở các quốc gia đã đứng ra để bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương nhất trong xã hội khỏi virus và thảm họa phát sinh do dịch bệnh gây ra.

Theo kết quả của các cuộc thăm dò, do hậu quả của dịch bệnh, có đến 1/5 số lao động Mỹ thất nghiệp. Những người này có thể nhận được tới 600 USD trợ cấp thất nghiệp từ Chính phủ Mỹ mỗi tuần và có thể nhận được 4 tháng liên tiếp.

Chính phủ Mỹ quy định, ngân hàng ở các địa phương tạm thời chấp nhận các khoản vay không hoàn trả, bao gồm các khoản vay sinh viên.

Các tiểu bang cũng đã đưa ra nhiều biện pháp cứu trợ, chẳng hạn như không phải đóng phạt nếu chưa kịp thanh toán tiền nhà, có thể kéo đến một năm mà không phải trả tiền thế chấp, và mở rộng số giường trong nhà tạm trú dành cho người vô gia cư.

Một người dùng internet sống ở Mỹ đăng ngày 19/3: ‘Tôi đã khóc khi lái xe trên đường về nhà, vì siêu thị của Mỹ không tăng giá mà ngược lại còn giảm.”

Khi thảm họa xảy đến, Mỹ đặt sự quan tâm đến người già và trẻ em lên hàng đầu. Các trường học đã đóng cửa, nhưng bữa ăn trưa miễn phí từ thứ Hai đến thứ Sáu dành cho trẻ em dưới 18 tuổi vẫn tiếp tục được phục vụ.

Một người Trung Quốc lớn tuổi đã tóm tắt các chính sách ưu đãi dành cho người cao tuổi ở Mỹ như sau:

  1. Nhận được thư từ Medicare, thông báo cho bà rằng xét nghiệm virus sẽ được trả kết quả và bà không cần lo lắng về việc trả phí xét nghiệm;
  2. Cửa hàng mở cửa sớm trước giờ làm cho chúng tôi, vì vậy, chúng tôi có thể tránh đám đông và giảm nguy cơ bị lây nhiễm;
  3. Nếu không có cửa hàng nào mở trước giờ, chúng tôi sẽ được ưu tiên mua hàng trước vào đầu giờ;
  4. Chiều nay tôi nhận được một cuộc gọi từ hội đồng quận nói rằng nếu cần giúp đỡ, có thể gọi cho anh ấy hoặc truy cập trang web để được giúp đỡ.
  5. Bảo hiểm an sinh xã hội được trả, lương hưu từ chính phủ các tiểu bang cũng được trả, thật sự không phải lo lắng hết tiền.

Thủ tướng Pháp Macron nói: “Ưu tiên hàng đầu hiện nay là bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất và dễ bị ảnh hưởng bởi bệnh truyền nhiễm nhất.” Ông gọi những nhân viên y tế là lực lượng đóng vai trò chính yếu, các địa phương của Pháp đều sẽ thiết lập các dịch vụ ủy thác, trong trận chiến chống đỡ khủng hoảng sức khỏe cộng đồng, không thể thiếu việc bảo đảm cho con cái những nhân viên y tế này được chăm sóc. Chính phủ Pháp cũng trợ cấp cho những người nghèo không thể đi làm và buộc phải nghỉ ở nhà.

Để đối phó với dịch bệnh, ngân sách hàng năm của Anh được thiết lập mới sẽ trích ra 1 tỷ Bảng để giúp các nhóm dễ bị tổn thương cần phúc lợi. Các trường học có con của nhân viên làm việc ở các vị trí quan trọng và các trường chăm sóc trẻ dễ bị tổn thương phải tiếp tục làm việc và đảm nhận trách nhiệm của “bảo mẫu quốc gia”.

Tại 600 cửa hàng ở Anh, mở cửa giờ đầu tiên chỉ dành riêng cho người cao tuổi, người bệnh và người khuyết tật. Các chuỗi siêu thị lớn và một số nhà thuốc ưu tiên giao hàng tận nhà cho người cao tuổi sức khỏe yếu và người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn.

Bộ Y tế Úc đã xác nhận rằng những người không có bảo hiểm y tế toàn dân, chẳng hạn như những người đi du lịch thăm người thân, du học sinh, những người đã được chẩn đoán chính xác hoặc đang nghi ngờ nhiễm virus Vũ Hán… chi phí nhập viện trong trường hợp khẩn cấp tại các bệnh viện công có thể được miễn trừ.

Còn ở Trung Quốc, những người ở tầng lớp thấp đã trở thành “cái giá” trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh của ĐCSTQ. Tại Vũ Hán và Hồ Bắc, vô số bệnh nhân vô danh đã chết trên đường phố do không được chăm sóc y tế, hoặc chỉ có thể chết dần tại nhà. Một số người tự tử trong tuyệt vọng, và một số bị chết đói. Bi kịch nhân đạo đầy rẫy khắp nơi.

Đối với những hậu quả này, chính quyền ĐCSTQ đã lựa chọn thái độ thờ ơ. Ngược lại, họ còn dẫm đạp trên xương máu của dân chúng để ăn mừng cái gọi là “chống dịch thắng lợi”.

Hai mô hình “phong tỏa” khác nhau

Vào tháng Ba, các tổ chức nhân quyền quốc tế kêu gọi chính phủ các quốc gia tăng cường cường độ phòng chống dịch bệnh, bảo đảm các quyền cơ bản của con người.

Tổng thống Trump cũng nói rõ rằng phòng ngừa dịch bệnh không thể đi quá đà. Điều này có nghĩa là không thể ngăn chặn dịch bệnh bằng cách vi phạm nhân quyền và coi thường sinh kế của người dân.

Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, nhiều tiểu bang ở Hoa Kỳ đã áp dụng “ở nhà tránh dịch”, Pháp tuyên bố lệnh giới nghiêm và một số quốc gia đã phong tỏa các thành phố. Phong tỏa và bán phong tỏa này khác với cách làm của chính quyền ĐCSTQ như thế nào?

Chính phủ Hoa Kỳ khuyên cư dân không nên ra ngoài trừ các hoạt động cơ bản cần thiết. Các hoạt động cơ bản cần thiết bao gồm: đi ra ngoài để mua nhu yếu phẩm, chăm sóc y tế, chăm sóc các thành viên gia đình hoặc vật nuôi. Bạn cũng có thể chơi các môn thể thao ngoài trời, nhưng phải đảm bảo giữ khoảng cách với người khác 6 feet. Nghiêm cấm tiến hành bất kỳ cuộc tụ họp nào trong nhà hoặc ngoài trời.

Từ chối tuân thủ quy tắc “ở nhà tránh dịch” là phạm tội tiềm ẩn dạng nhẹ. Nhưng cảnh sát San Francisco cho biết mục đích của cảnh sát là giáo dục người dân chứ không phải để bắt giữ họ.

Ngược lại, mô hình phong tỏa hà khắc của chính quyền ĐCSTQ: Một số người đã bị bắt vì không đeo khẩu trang, những người nghi ngờ nhiễm bệnh bị cảnh sát nhốt ở nhà. Không hề có sự chuẩn bị nào cả, công dân Vũ Hán đã bị nhốt trong nhà và không được phép ra ngoài. Trong nhà không còn thực phẩm, cũng không còn tiền để tiêu. Nhưng chính quyền còn bán rau củ giá cao, người dân phải đối mặt với nguy cơ chết đói. Mặc dù mô hình phong tỏa thành phố này có tác dụng kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh, nhưng nó sẽ gây ra những thảm họa phát sinh do thiếu thuốc men và thực phẩm, gây ra sự hoảng loạn lớn hơn nữa.

Nhiều chuyên gia trên thế giới cho rằng, để đạt được hiệu quả phòng chống dịch bệnh, là không thể tước đoạt giá trị tôn nghiêm và nhân phẩm căn bản của con người. Trung Quốc có một hệ thống chính trị rất đặc biệt. Các biện pháp cực đoan của nó như cưỡng bức cách ly hoặc phong tỏa hoàn toàn thành phố rõ ràng là đang vi phạm nhân quyền, điều mà các quốc gia khác khó chấp nhận và không thể sao chép cách làm. Nhiệm vụ của chính phủ là trở thành một nhà lãnh đạo mà người dân có thể tin tưởng và duy trì hạnh phúc cho chính người dân của họ.

Công khai minh bạch tình hình dịch bệnh, chính phủ chấp nhận giám sát xã hội

Tổng thống Trump 74 tuổi và Phó Tổng thống Pence họp báo phát sóng trực tiếp một tuần bảy ngày, báo cáo tình hình dịch hàng ngày cho công chúng và trả lời các câu hỏi hoặc chất vấn sắc sảo từ các phóng viên truyền thông.

Anh cũng tổ chức các cuộc họp báo hàng ngày, Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ trả lời các câu hỏi của truyền thông.

Đài Loan không thực hiện phong tỏa thành phố hoặc khép kín các khu phố, nhưng thành công trong phòng chống dịch bệnh của Đài Loan đã trở thành mô hình cho các quốc gia học tập. Chính phủ Đài Loan đã tích cực triển khai sớm các biện pháp, thông báo cho người dân về tình hình thật sự, sử dụng Dữ liệu lớn (Big Data) và Công nghệ nền tảng để đạt được sự minh bạch thông tin. Cách làm này đã dẫn đến sự tham gia và hợp tác rộng rãi của công chúng.

Ngược lại, để che giấu số lượng thực các ca lây nhiễm và tử vong, ĐCSTQ đã liên tục xóa các bài đăng, chặn tiêu đề, bắt người, áp dụng kiểm soát gắt gao đối với các bài phát biểu của người dân trong nước. ĐCSTQ tùy tiện quy định rằng quan chức mới có quyền công bố tình hình dịch bệnh và không cho phép các cá nhân công bố thông tin thực sự xung quanh họ, nhiều nhà báo công dân vì phỏng vấn thực địa mà đã mất tích sau đó.

Dịch bệnh bùng phát, Mỹ bắt đầu phóng thích tù nhân, bao gồm những người phạm tội nhẹ và tù nhân có vấn đề về sức khỏe. Thậm chí, Iran đã thả khoảng 70.000 tù nhân để tránh lây nhiễm hàng loạt.

Theo thống kê trên trang minghui.org, tháng Hai là khoảng thời gian dịch bệnh cao điểm nhất, tại 100 thành phố ở 26 tỉnh, khu tự trị, cảnh sát đã bắt giữ bất hợp pháp hơn 280 người tập Pháp Luân Công, quấy nhiễu 113 người, trong đó có 25 người trên 65 tuổi. Những người này phạm tội gì? Chỉ là can đảm nói với mọi người một cách thiện chí cách để bảo vệ sinh mạng và an toàn khi bệnh dịch xảy ra.

Kết luận

Tóm lại, “Đại quốc chiến dịch bệnh” của ĐCSTQ không quan tâm đến sự sống và cái chết của dân chúng, cũng không quan tâm đến cảm nhận từ nội tâm của công chúng và dư luận xã hội. Họ chỉ quan tâm đến một điều, đó là sức mạnh chính trị bị lung lay trong đại dịch, nỗi sợ sẽ bị lật đổ, vì vậy họ xem việc kiểm soát con người và thông tin, duy trì ổn định còn quan trọng hơn là phòng chống dịch bệnh. Điều này cũng cho thấy ĐCSTQ đã trở thành một con “chim sợ cành cong” vào đêm trước sụp đổ.

Chung Thanh Dương
(Bài viết đại diện cho quan điểm cá nhân của tác giả)

RADIO NGHE THÊM: Tinh thần quý tộc biến mất và ý thức lưu manh phát triển

Xem thêm: