Phong tỏa ở Ý và Trung Quốc có gì khác nhau?
- Tô Quan Mi
- •
Viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) đã tấn công 152 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, với hơn 169.500 người bị lây nhiễm và hơn 6.500 người bị cướp đi sinh mạng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố dịch bệnh đã trở thành “đại dịch toàn cầu”. Trung Quốc và Ý đều đã trở thành hai tâm dịch, cũng đều đã áp dụng các biện pháp “phong thành” (phong tỏa thành phố), nhưng có gì khác nhau? Có thật sự đạt hiệu quả phòng chống dịch?
“Phong thành theo phong cách Trung Quốc” – điều mà các quốc gia dân chủ không thể làm!
Tính đến ngày 16/3, số người được chẩn đoán mắc bệnh viêm phổi ở Vũ Hán ở Ý đã vượt quá con số 24.700 và hơn 1.800 người đã tử vong, khiến Ý trở thành quốc gia có tình hình dịch bệnh tồi tệ nhất ở châu Âu.
Ý “học” Trung Quốc “phong thành”, nhưng dịch bệnh vẫn lan tràn, Thủ tướng Ý buộc phải thông báo việc phong tỏa thành phố được mở rộng ra cả nước từ ngày 10/3.
Phong tỏa thành phố, phong tỏa quốc gia, có thật sự hiệu quả? Ông Thái Tông Hoành, giám đốc phòng khám Chonglan, cựu bác sĩ của Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Chiayi Rongmin, Đài Loan nói rằng trong các khu vực có dịch bệnh nghiêm trọng, việc đóng cửa thành phố là cần thiết. Khu vực dịch bệnh được chia thành nhiều khu nhỏ hơn để quản lý, sau một khoảng thời gian, virus tự nhiên sẽ giảm bớt sức lây lan.
Tuy nhiên, mô hình “phong thành” áp dụng ở Hồ Bắc không giống với mô hình ở các quốc gia dân chủ: ở nhiều khu vực, làng mạc, đường xá, tòa nhà và thậm chí các hộ gia đình đều bị khóa cứng, nội bất xuất ngoại bất nhập. Có thể tìm thấy trên mạng internet một lượng lớn hình ảnh và video về những cánh cửa nhà đã bị đóng đinh bởi những tấm gỗ hoặc bị khóa lại bởi dây xích sắt. Ở một số khu vực còn xảy ra những hiện tượng cực đoan như ngắt kết nối mạng, bắt giữ người…
Tổng hợp: tình cảnh thê thảm của những người nhiễm bệnh tại Vũ Hán
Bị cưỡng chế bắt đi, những trạm cách ly tập trung thiếu thốn trang thiết bị y tế, nhiều người bị bệnh bị khóa ở trong nhà, phải liều mạng tìm cách ra ngoài khi hết lương thực… Đó là tình cảnh bi đát của những người nhiễm virus corona ở Vũ Hán hiện nay
Posted by Trí thức Việt Nam on Tuesday, February 11, 2020
Không có các biện pháp hỗ trợ sinh kế cho người dân, cuộc sống cơ bản của dân chúng Hồ Bắc bị bóp nghẹt bởi nhân tính! Nhiều người không chết vì bệnh, mà chết bởi những nguyên nhân khác. Một đứa trẻ bại não 17 tuổi ở Hồ Bắc bị chết đói tại nhà sau khi gia đình bị buộc phải cách ly.
Thậm chí, điều đáng sợ hơn chính là “phong khẩu” (phong bế ngôn luận). Trang Duẫn từ Vũ Hán cho biết, tại Trung Quốc Đại Lục, bất kỳ “thông tin nhạy cảm” nào về dịch bệnh đều có thể bị xóa ngay lập tức, khóa tài khoản, bị cảnh cáo… thậm chí “yêu cầu trợ giúp” sẽ bị coi là tin đồn, khiến một số lượng lớn công dân bình thường hoặc bệnh nhân không thể lên tiếng cầu cứu trong các trường hợp khẩn cấp. “Bạn tôi gửi một tin nhắn lên nhóm trợ giúp những người thân bị viêm phổi Vũ Hán và ngay sau đó WeChat của cô ấy đã bị chặn. Hôm nay, ông của cô ấy đã qua đời, cha cô ấy phải nhập viện và hiện cô ấy đang được chăm sóc đặc biệt.” – Trang Duẫn kể lại.
Ông Thái Tông Hoành mô tả cách làm của chính phủ Trung Quốc “giống như dùng một cái thùng sắt bao quanh mọi người và để những người ở trong đó tự xoay sở. Người bên ngoài không biết những người trong đó còn sống hay đã chết.” Ông chỉ ra rằng: “Đây là ở các nước dân chủ. Điều đó không thể xảy ra. Chỉ những quốc gia chuyên chế như Trung Quốc hay Bắc Triều Tiên mới có thể làm điều này.”
Ngược lại, vì Ý là một quốc gia dân chủ, họ đã áp dụng phương thức phong tỏa mềm, dựa trên sự tự giác của công dân, vẫn còn một mức độ tự do nhất định trong cuộc sống của họ. Chính phủ Ý hiện đang yêu cầu cấm hoàn toàn tất cả các hoạt động tập trung công cộng, yêu cầu đóng cửa trường học ở tất cả các cấp cho đến ngày 3/4. Ngoại trừ các cửa hàng thực phẩm và nhà thuốc, tất cả các cửa hàng, các nơi vui chơi giải trí, bao gồm quán bar, quán rượu, nhà hàng, tiệm cắt tóc, căng tin… đều bị yêu cầu đóng cửa, chỉ có dịch vụ giao hàng có thể tiếp tục.
Ngày 11/3, cô Đào Phẩm Hy, một người Đài Loan sống ở Milan, đã chia sẻ tình hình ở Ý trên Facebook. Cô cho hay phong tỏa đất nước ở Ý giống như một hạn chế xuất cảnh ngắn hạn, chính phủ khuyến khích dân “có thể ở nhà thì hãy ở nhà”. Nếu bạn cần rời khỏi thành phố vì bất kỳ lý do trọng đại hoặc trường hợp khẩn cấp nào, bạn phải nộp đơn xin ra ngoài. Cuộc sống cơ bản của người dân vẫn không thay đổi. Họ có thể ra ngoài làm việc hoặc mua nhu yếu phẩm hàng ngày, các phương tiện giao thông chính trong khu vực đô thị vẫn hoạt động bình thường.
Ông Thái Tông Hoành chỉ ra rằng khi dịch bệnh nghiêm trọng đến mức cần phải phong tỏa thành phố, ngoài sự hợp tác của người dân, chính sách chống dịch của chính phủ cũng cần được lên kế hoạch toàn diện. Ông lấy trường hợp những đứa trẻ bại não của Hồ Bắc để bị bỏ đói làm ví dụ. Khi cha mẹ bị cách ly, phải đảm bảo rằng ai đó sẽ chăm sóc bữa ăn và sinh hoạt cho con cái họ…
Thậm chí khi cần thiết phải phong tỏa nhà dân, chính phủ vẫn cần dạy cho họ cách thực hiện các biện pháp như cách ly, khử trùng bằng thuốc sát khuẩn… thay vì chỉ một lần duy nhất sau khi phong tỏa. Ông Thái Tông Hoành lấy ví dụ tã lót được sử dụng bởi bệnh nhân nội trú được tính là chất thải có thể gây lây nhiễm, bệnh viện nên thống nhất thiêu hủy. Khi nhà chức trách Đài Loan thống nhất cách ly hàng trăm doanh nhân trở về từ Trung Quốc Đại Lục, chất thải thực phẩm được xử lý theo tiêu chuẩn cao về kiểm soát lây nhiễm, chất thải bài tiết cũng được gửi đến những nơi được chỉ định để nhân viên bảo vệ môi trường xử lý.
Tình hình không minh bạch thì khó mà đánh giá cao điểm dịch bệnh
Khi bệnh viêm phổi Vũ Hán tiếp tục lan rộng ở nhiều nước trên thế giới, số ca mắc bệnh được xác nhận tại Trung Quốc đã giảm đáng kể. Ngày 12/3, Ủy ban Y tế Trung Quốc đã công bố “Hiện nay đỉnh điểm của dịch bệnh ở Trung Quốc đã qua”.
Hình thế hiện tại dường như đã đảo ngược, Trung Quốc còn muốn giúp các nước khác ngăn chặn dịch bệnh. Ý cầu cứu tiếp viện từ Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bày tỏ rằng Trung Quốc sẵn sàng cử một đội ngũ y tế đến Ý để giúp chống lại dịch bệnh. Ông Luigi Di Maio, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Ý nói “Ý nên chú ý học hỏi từ Trung Quốc kinh nghiệm thành công trong phòng chống dịch bệnh.”
Tổng thống Philippines Duterte cũng cho biết ông đã nhận được một lá thư từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ sẵn sàng giúp đỡ.
“Phong thành” ở Trung Quốc thực sự hiệu quả? Dịch bệnh thực sự được kiểm soát?
Ông Trịnh Nguyên Du, cựu bác sĩ tại Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Đa khoa Vinh Dân Đài Bắc và là bác sĩ Khoa Truyền nhiễm tại Phòng khám Thượng Văn, nói rằng bởi vì thông tin của Trung Quốc không minh bạch nên việc phong tỏa thành phố của họ là rất khó đánh giá. Ông tin rằng tình hình hiện tại ở Vũ Hán có 3 khả năng:
- Tình hình dịch bệnh vẫn đang trong giai đoạn nghiêm trọng.
- Dịch đã lây nhiễm cho một số lượng lớn người, có thể là 70% dân số, nhưng trong đó 5% – 7% đã chết, những người còn lại có thể đã sản sinh kháng thể và hiện tượng bề mặt là số lượng bệnh nhân ở các bệnh viện đã bắt đầu giảm.
- Do sự kiểm soát chặt chẽ việc lưu động của dân chúng ở các tiểu khu, tình hình dịch bệnh đã nằm trong sự kiểm soát nhất định.
Ông Trịnh Nguyên Du nói rằng tình hình thực tế như thế nào, trước mắt chưa có cách nào chứng minh. Tuy nhiên, nếu phương thức phòng chống dịch bệnh của Chính phủ Trung Quốc thực sự hiệu quả, thì cũng không cần hạn chế nghiêm ngặt quyền tự do ngôn luận như vậy, bởi vì phòng chống dịch bệnh hiệu quả đương nhiên sẽ nhận được nhiều lời khen ngợi từ xã hội, cũng có thể tiếp nhận ý kiến từ công chúng.
Ông Thái Tông Hoành cho rằng Ý và các quốc gia khác, đối với tình hình dịch bệnh nên có các bước triển khai trước, không nên để đến mức phải phong tỏa thành phố, “bởi vì khả năng y tế chỉ có hạn, nếu dịch bệnh bùng phát thì không đủ sức để ứng phó với quá nhiều ca bệnh như vậy.”
Nhiều học giả, bao gồm Daniel Lucey, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Georgetown Hoa Kỳ, đã ước tính viêm phổi Vũ Hán có thể xuất hiện rất sớm, vào khoảng tháng 11 đến đầu tháng 12 năm ngoái. Ngay cả khi các chuyên gia Trung Quốc biết rằng căn bệnh này có thể truyền từ người sang người, chính quyền Trung Quốc vẫn im lặng. Cho đến ngày 30/12 khi có tin tức liên quan đến dịch bệnh trên Internet, thì ngày hôm sau 1/1, chính quyền Trung Quốc mới đưa ra thông báo đầu tiên về dịch bệnh. Trong thời gian này, nhiều người đã bị bắt vì đưa “tin đồn” về tình hình dịch bệnh. Bác sĩ Lý Văn Lượng vì đăng thông tin về dịch bệnh trên các nhóm WeChat nên đã bị chính quyền “cảnh cáo”, sau đó đã chết vì viêm phổi Vũ Hán. Bà Ngải Phân, Giám đốc khoa cấp cứu của Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, mấy ngày trước được truyền thông Chính phủ Trung Quốc phỏng vấn, khi nói đến thông tin phát hiện dịch bệnh, bà đã bị nghiêm nghị cảnh cáo và “phong khẩu”. Chính quyền Trung Quốc cũng phong tỏa toàn bộ những tin tức liên quan đến bà.
Chính phủ Trung Quốc đã che giấu tin tức trong và ngoài nước. Tổ chức y tế Thế giới WHO cũng đã nhiều lần đảm bảo hiệu quả của các chính sách phòng chống dịch bệnh của Trung Quốc, yêu cầu mọi người không phản ứng thái quá. Tuy nhiên, các tin tức về một số nhân vật nổi tiếng quốc tế lần lượt bị nhiễm bệnh, ngay cả Ethiopia quê hương của Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, cũng thất thủ… khiến mọi người tự hỏi: dịch bệnh lan rộng trên toàn cầu sẽ còn nghiêm trọng trong bao lâu?
Ông Trần Thời Trung, tổng chỉ huy Trung tâm Chỉ huy Dịch bệnh Đài Loan, tại cuộc họp báo ngày 13/3, khi được hỏi khi nào dịch bệnh lên đến đỉnh điểm, ông đã thẳng thừng nói hiện tại chỉ có Đảng Cộng sản Trung Quốc và WHO mới có đủ thông tin để đánh giá khi nào dịch bệnh viêm phổi ở Vũ Hán sẽ lên đến đỉnh điểm, nhưng người ta không tin lời Đảng Cộng sản Trung Quốc, còn các chuyên gia của WHO có đầy đủ tài liệu nhưng đến giờ vẫn chưa nói gì, vì vậy không thể nào đánh giá được tình hình thực tế.
Tô Quan Mi – Epoch Times
Xem thêm:
Từ khóa Ý virus corona viêm phổi Vũ Hán 2019-nCoV phong tỏa thành phố COVID-19 phong tỏa SARS-CoV-2