Tạ Điền: Kết quả cuộc chiến Nga-Ukraine như thế nào cũng bất lợi cho ĐCSTQ
- Tĩnh Nhữ
- •
Theo BBC, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 7/3 tuyên bố rằng Trung Quốc sẵn sàng làm trung gian hòa giải trong cuộc chiến Nga-Ukraine. Vision Times đã phỏng vấn Tiến sĩ Tạ Điền tại Đại học Nam Carolina (Mỹ) về vấn đề này.
Chiến tranh Nga-Ukraine giúp ĐCSTQ chuyển hướng chú ý của quốc tế
Được biết trong cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine, Bắc Kinh đã từ chối lên án Nga xâm phạm chủ quyền Ukraine. Trước đó có tin, các quan chức hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thảo luận kín trong vài ngày và cuối cùng đã quyết định ủng hộ Nga trong cuộc chiến xâm lược Ukraine.
Về vấn đề này, Tiến sĩ Tạ Điền cho biết lý do vì cuộc chiến Nga-Ukraine giúp ĐCSTQ thành công chuyển hướng chú ý của cộng đồng quốc tế. “Vốn dĩ cộng đồng quốc tế đang tập trung vào ĐCSTQ vì nguồn gốc của COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán), vấn đề Tân Cương, vấn đề Hồng Kông, và thậm chí gần đây nhất là chuyện cô gái ở Từ Châu bị xích cổ, tuy nhiên khi chiến tranh Nga xâm lược Ukraine nổ ra và ĐCSTQ nhấn mạnh họ ủng hộ Nga thì tâm điểm sự chú ý của thế giới ngay lập tức hoàn toàn thay đổi, giúp ĐCSTQ như trút được gánh nặng”.
Thế khó của ĐCSTQ
Theo phân tích, ĐCSTQ đang có động thái biến họ thành trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine, nhưng thực tế ĐCSTQ đang cố gắng lôi kéo Nga, đồng thời lợi dụng Ukraine để thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường của họ.
Tiến sĩ Tạ Điền nói: “Thực ra ĐCSTQ có điều kiện để đóng vai trò làm bên hòa giải giữa hai nước. Nếu hòa giải thành công thì tất nhiên là điều tốt, mang lại cho họ thể diện, nhưng hòa giải không được thì họ cũng vẫn được tiếng là dù sao cũng đã cố gắng làm như vậy. Vì thực sự các nước khác rất khó có thể vào vai hòa giải, nhất là các nước phương Tây, vì phía Nga vốn thấy họ thân Ukraine, hiển nhiên nếu một bên nào đó muốn vào vai hòa giải mà bên xung đột thấy bên đó thiên về phe kia thì sẽ không sẵn lòng chấp nhận.
Các nhà ngoại giao của ĐCSTQ thực sự không thể có tầm nhìn toàn cầu vì họ vẫn phải phục vụ ĐCSTQ, như vậy làm sao có được công tâm để phục vụ nhân loại nói chung. Với vai trò hòa giải này, ĐCSTQ quả thực đang ở trong tình thế khó xử, vì họ đồng thời duy trì quan hệ tương đối chặt chẽ với cả Ukraine và Nga. Nhưng hai mối quan hệ không hoàn toàn giống nhau. Đối với Nga, tâm thái của ĐCSTQ là yêu ghét đan xen, nhưng họ cần Nga đứng về phía họ, dù thật hay giả thì họ luôn cần cái gọi là mối quan hệ đồng minh này, vì như thế họ có thể tận dụng tiềm lực quân sự to lớn của Nga cùng vị thế là một cường quốc để đối đầu với Mỹ. Nhìn từ góc độ chiến lược quốc gia của ĐCSTQ thì Nga luôn là đối tác quan trọng cần lôi kéo”.
Nga cũng cần nguồn lực kinh tế của ĐCSTQ
Tiến sĩ Tạ Điền cho rằng thực tế ông Putin không thích ĐCSTQ cũng như giới lãnh đạo của nhà cầm quyền này, dễ thấy ông ta luôn giữ khoảng cách trước những lôi kéo gần gũi của ĐCSTQ. “Có quan điểm cho rằng Putin muốn khôi phục nước Nga về thời Liên Xô cũ nhưng tôi nghĩ Putin theo chủ nghĩa dân tộc, ông ta muốn khôi phục lại nước Nga về thời đại trước đó nữa là thời Nga hoàng, thời Alexander, là thời kỳ đỉnh cao của vương quốc Nga trước đây.
Putin cũng nhiều lần công khai tuyên bố chính Đảng Cộng sản Liên Xô đã gây tai họa lớn cho nước Nga trong những năm Đảng Cộng sản Liên Xô còn cầm quyền ở Liên Xô cũ. Thực ra dù Putin chống cộng sản, biết sự nguy hiểm của chủ nghĩa cộng sản, nhưng nhu cầu địa chính trị quốc tế hiện nay thì Putin cũng cần một đối tác, vì áp lực từ NATO và Mỹ nên Nga cũng muốn lôi kéo phe cánh cùng ĐCSTQ. Hơn nữa, Bắc Kinh vẫn là một tay chơi lớn, họ chi tiền và mua các sản phẩm năng lượng của Nga với giá cao, do đó dĩ nhiên Putin cần họ.
Nga chỉ có ưu thế trong một số ngành công nghiệp nặng như khai thác mỏ, luyện kim và vũ khí. Đối với công nghiệp nhẹ phục vụ nhu cầu dân sinh thiết yếu thì Nga còn rất hạn chế. Tại Nga, sản phẩm cao cấp thường được nhập khẩu từ châu Âu, trong khi sản phẩm thấp cấp được nhập khẩu từ Trung Quốc. Có thể nói, nền kinh tế của Nga và Trung Quốc cũng có những bổ sung cho nhau.
Nếu Nga thắng trong cuộc chiến này thì có thể không tốt cho ĐCSTQ. Vì Nga muốn Ukraine phi quân sự hóa, phi hạt nhân hóa, trở thành một nước trung lập và không gia nhập NATO. Chúng ta biết rằng thực tế Nga đã kiểm soát phía nam Ukraine từ nam bán đảo Crimea, tại đây các căn cứ quân sự cũng như cơ sở nghiên cứu và phát triển khoa học quân sự của Ukraine gần như đã bị phá hủy, trong đó bao gồm cả cảng quân sự nơi đóng tàu sân bay Liêu Ninh của ĐCSTQ.
Và chúng ta cũng cần biết rằng Nga chỉ bán vũ khí thế hệ thứ hai cho ĐCSTQ, đó là loại cũ kỹ lạc hậu, không phải mới nhất và cũng không chuyển giao công nghệ.
Trong khi Ukraine thì ngược lại, nhưng giờ đây nguồn chuyển giao công nghệ quân sự của Ukraine cho ĐCSTQ đã bị cắt đứt. Do đó thực tế ĐCSTQ bị mất Ukraine như một điểm trung chuyển cho Sáng kiến Vành đai và Con đường, mất nguồn cung cấp lương thực ưu đãi và mất nguồn công nghệ vũ khí.”
Ukraine đang được ĐCSTQ sử dụng như cửa ngõ châu Âu
Tiến sĩ Tạ Điền cho rằng vì ĐCSTQ ủng hộ việc Nga xâm lược Ukraine nên đã gây vấn đề không tốt với Ukraine. “Tôi vừa đề cập rằng Nga cung cấp cho ĐCSTQ về vũ khí và quân sự chỉ dừng lại ở những sản phẩm lạc hậu và không chuyển giao công nghệ, vì Nga không muốn công nghệ quân sự và năng lực quân sự của ĐCSTQ vượt qua Nga. Ukraine thì khác. Chúng ta biết rằng Ukraine được thừa hưởng từ Liên Xô cũ nhiều ngành công nghiệp vũ khí và quân sự hàng đầu cũng như nền tảng rất vững chắc về công nghệ R&D quân sự. Khi liên lạc và hợp tác với ĐCSTQ, nước này đã đóng góp rất nhiều cho ĐCSTQ, tiêu biểu như hàng không mẫu hạm nổi tiếng Liêu Ninh chính là của Ukraine. Ngoài ra còn một số động cơ cho khu trục hạm, khinh hạm và tàu hải quân của ĐCSTQ cũng do Ukraine cung cấp. Nhiều tên lửa và công nghệ hàng không của ĐCSTQ có được từ Ukraine, thậm chí nước này còn trao cho ĐCSTQ toàn bộ bản vẽ công nghệ chế tạo máy bay chiến đấu. Ngày nay có hàng trăm kỹ sư Ukraine đang làm việc tại Trung Quốc, giúp nhà cầm quyền này củng cố niềm tin trong tham vọng chinh phục thế giới”.
Ukraine và ĐCSTQ có thể khôi phục được quan hệ như cũ?
Cuối cùng, Tiến sĩ Tạ Điền chỉ ra bây giờ qua cuộc chiến giữa Ukraine và Nga thì Ukraine đã thấy họ bị ĐCSTQ phản bội. “Người ta nói rằng Bộ Chính trị ĐCSTQ đã thảo luận về vấn đề này trong nhiều ngày và cuối cùng quyết định ủng hộ Nga. Nhưng thái độ của ĐCSTQ đã khiến Ukraine tức giận.
Vì vậy, khi khói bụi của cuộc chiến cuối cùng lắng xuống, tôi không nghĩ mối quan hệ giữa Ukraine và ĐCSTQ sẽ trở lại như trước đây. ĐCSTQ đã thuê một lượng lớn đất đai và đất canh tác ở Ukraine để sản xuất lương thực và vận chuyển sang Trung Quốc. Ngoài ra một số lượng lớn công nghệ quân sự, công nghệ tàu và công nghệ động cơ của ĐCSTQ dựa vào Ukraine sẽ không còn được tiếp tục. Trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của ĐCSTQ thì Ukraine còn là thành trì quan trọng ở châu Âu nên họ cũng đã đầu tư rất nhiều vào xây dựng cơ sở hạ tầng, giờ đây những điều này cũng trở thành vấn đề. Tôi không nghĩ người Ukraine sẽ có thể quên được ai phản họ trong cuộc chiến chính nghĩa này.
Nghĩa là cuối cùng dù cuộc chiến vệ quốc của Ukraine chống lại quân xâm lược do Putin gây ra có kết thúc như thế nào, tôi nghĩ rằng ĐCSTQ sẽ không còn có thể khôi phục được quan hệ với Ukraine như cũ.”
Từ khóa Quan hệ Ukraine - Trung Quốc Chiến tranh Nga - Ukraine Dòng sự kiện Tạ Điền