Tại sao Lưu Hạc gặp khó trong đàm phán thương mại Mỹ – Trung?
- Nhật Hạ
- •
Mặc dù Chủ tịch Tập Cận Bình mới là người giật dây, nhưng ông Lưu Hạc – trợ thủ hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế của ông Tập, đồng thời là nhân vật chủ chốt trong các cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung, mới chính là đối tượng bị đổ lỗi nếu các cuộc đàm phán đi theo chiều hướng xấu và căng thẳng leo thang tới mức phá hủy nền kinh tế, hay thậm chí khiến Trung Quốc bị cô lập về công nghệ.
Không mấy người cho rằng các cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung sẽ diễn ra suôn sẻ. Theo một bài viết gần đây của ông Arthur Kreber, giám đốc hãng nghiên cứu Gavekal Dragonomics Hồng Kông, sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc không đơn thuần về mặt thương mại, mà thật sự là về việc trong vòng năm năm qua, Trung Quốc đã nổi lên như “một đối thủ đáng gờm về ảnh hưởng kinh tế và chính trị, khao khát được lãnh đạo công nghệ, và là một nhà đầu tư toàn cầu lớn”.
Các nguồn tin cho hay, áp lực đặt lên ông Lưu, nhà kinh tế 66 tuổi được đào tạo tại Havard, là phải đạt được “một thỏa thuận nào đó” trước chuyến đi Washington đã được lên kế hoạch của Phó Chủ tịch nước Vương Kỳ Sơn vào đầu tháng 7 tới.
“Ông Lưu đang đối diện với một tình huống khó xử,” ông Hồ Tinh Đẩu, một chuyên gia kinh tế chính trị tự do, nhận xét.
“Nếu thỏa thuận đạt được mà Trung Quốc phải nhượng bộ nhiều về thương mại, hay trong cuộc đua trở thành siêu cường công nghệ, ông Lưu có thể cũng sẽ bị đổ lỗi về những ảnh hưởng đối với nền kinh tế Trung Quốc và về việc Trung Quốc bị mất đi sức mạnh công nghệ trong tương lai”, ông Hồ Tinh Đẩu nói thêm.
Theo các nguồn tin từ các nhóm tư vấn chính phủ, các nhà chức trách Trung Quốc, nhiều người ban đầu cho rằng ít có khả năng xảy ra chiến tranh thương mại, giờ đang “ngày càng lo lắng và căng thẳng” về viễn cảnh này và sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và các nước phương Tây.
“Việc không đạt được thỏa thuận nào với phái đoàn Mỹ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho nhiều quan chức Trung Quốc, những người từng lạc quan một cách mù quáng”, một nguồn tin nhận xét.
Chuyến đi của ông Lưu đến Washington là chuyến đi Mỹ thứ hai của ông trong vòng ba tháng và diễn ra sau một chuyến thăm Bắc Kinh không đạt được kết quả cụ thể nào mới đây của phái đoàn Mỹ do Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu.
“Hiện giờ các quan chức Trung Quốc đang bắt đầu lo lắng về khả năng phục hồi kinh tế và nhu cầu nội địa thấp của Trung Quốc, điều đó làm tăng thêm áp lực lên ông Lưu, người lãnh đạo của nền kinh tế Trung Quốc”, nguồn tin nêu trên cho biết thêm.
Ngày 22 tháng 3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một bản ghi nhớ áp mức thuế trừng phạt 25% lên 60 tỉ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc, nội dung cụ thể sẽ được quyết định trong tháng này.
Với mức thuế trừng phạt chỉ chiếm 2,5% tổng xuất khẩu hàng năm của Trung Quốc, nhiều nhà kinh tế cho rằng ảnh hưởng trực tiếp của nó là nhỏ.
Để đáp trả, Trung Quốc đã đe dọa áp mức thuế tương đương lên hàng xuất khẩu Mỹ, bao gồm các sản phẩm nông nghiệp được sản xuất từ các bang vốn là trọng tâm chính trị của ông Trump.
Bị bất ngờ bởi đòn trả đũa nhanh chóng này, ông Trump đe dọa sẽ áp thêm mức thuế 100 tỉ USD lên hàng nhập khẩu Trung Quốc.
Các nhà kinh tế cho rằng trước mắt có thể hạn chế ảnh hưởng ngay lập tức của một cuộc chiến thương mại, nhưng sự không chắc chắn càng kéo dài, ảnh hưởng lên nền kinh tế Trung Quốc sẽ càng lớn.
“Tôi không hy vọng tất cả những khác biệt cơ bản trong mối quan hệ thương mại Mỹ – Trung sẽ được giải quyết”, chuyên gia kinh tế Vương Đào của ngân hàng UBS, Trung Quốc cho biết.
“Căng thẳng thương mại kéo dài và sự không chắc chắn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các đơn hàng xuất khẩu của Trung Quốc và các đầu tư kinh doanh có liên quan”, Bà Vương nói thêm.
Bà Vương lưu ý rằng lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã gợi ý về việc thay đổi các hạn chế cho vay để hỗ trợ nhu cầu và tăng trưởng nội địa trong trường hợp xuất khẩu giảm sút.
“Trong trường hợp xuất khẩu bị giảm sút đáng kể, các chính sách thắt chặt tín dụng hiện nay, đặc biệt là các chính sách liên quan tới đầu tư vào hạ tầng, có thể sẽ được nới lỏng hoặc gỡ bỏ”, bà Vương nói.
Dưới sự giám sát của ông Lưu, Trung Quốc đã thắt chặt tín dụng trong những năm qua để phòng ngừa các rủi ro tài chính sau khi nợ công và nợ của các doanh nghiệp nhà nước lên tới mức đáng báo động.
Nếu chính sách tiền tệ này được gỡ bỏ, nó có thể gây trở ngại cho các chính sách kinh tế đặt trọng tâm vào chiến dịch giảm tốc, và các chính sách có ý nghĩa sâu sắc cho việc ổn định xã hội về lâu về dài của ông Lưu.
Ông Brock Silvers, giám đốc điều hành của Kaiyuan Capital, một công ty tư vấn đầu tư có trụ sở tại Thượng Hải, nhận định: “Mục tiêu thực sự [của chiến dịch giảm tốc của Trung Quốc] là giảm thiểu rủi ro cho nhà nước thông qua việc kiểm soát chặt chẽ hơn đối với tiếp cận nguồn vốn”.
“Mục tiêu chính của chính phủ vẫn là ổn định xã hội, và nếu căng thẳng thương mại gây ra suy thoái kinh tế, hãy tìm Lưu Hạc và ngân hàng trung ương để có biện pháp cần thiết trước mắt nhằm dập tắt các mối đe dọa cho sự ổn định đó”, ông Silvers nói.
Trong khi các mục tiêu của Mỹ là rõ ràng – thu hẹp thâm hụt thương mại với Trung Quốc, mở rộng tiếp cận thị trường cho các công ty trong nước, và giải quyết thách thức của Trung Quốc đối với sự thống trị về kỹ thuật, quân sự, kinh tế và chính trị của Mỹ, hiện vẫn chưa chắc chắn Bắc Kinh có thể làm những gì để thỏa mãn họ.
Nhiều nhà kinh tế cho rằng mục tiêu giảm thâm hụt song phương giữa Mỹ và Trung Quốc 200 tỉ trong vòng hai năm của ông Trump là không thực tế.
Cũng không chắc chắn liệu Trung Quốc sẵn sàng nhượng bộ công nghệ đến mức nào, ví dụ bằng cách từ bỏ kế hoạch ‘Made in China 2025’ – thúc đẩy ngành công nghệ cao trong nước, ngoài lời hứa hẹn không cưỡng ép chuyển giao công nghệ, bảo vệ tốt hơn cho sở hữu trí tuệ và mở rộng tiếp cận thị trường. “Trung Quốc sẵn sàng công bố nhiều biện pháp mở cửa thị trường sau những động thái trong lĩnh vực tài chính và ô tô“, ông Gary Liu Shengjun, người đứng đầu Viện Cải cách Tài chính Trung Quốc tại Thượng Hải cho biết. “Tuy nhiên, khi ông Lưu Hạc và đồng sự của ông tiết lộ các biện pháp mở cửa, họ phải rất thận trọng để không kích động tình cảm dân tộc, vốn đã gia tăng sau vụ việc của ZTE”, ông Liu Shengjun nhận định.
Tháng trước, Mỹ đã ban hành lệnh cấm kéo dài 7 năm đối với tập đoàn viễn thông ZTE của Trung Quốc vì chuyển giao công nghệ sang Iran, buộc tập đoàn này phải đình chỉ các hoạt động chính của họ.
Mặc dù ông Trump ám chỉ rằng ông sẽ sớm xem xét lại vấn đề này, lệnh cấm đó đã làm dấy lên một cuộc nổi dậy trong tinh thần dân tộc và thúc đẩy những lời kêu gọi tăng cường tự lực ở Trung Quốc.
Các nhà chức trách Trung Quốc cũng cố gắng để chống lại ấn tượng rằng họ đang cúi đầu trước áp lực đến từ các nước phương Tây để cải thiện việc tiếp cận thị trường.
Tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc đã chờ cho đến khi ông Trump rời Bắc Kinh sau chuyến thăm chính thức đầu tiên đến đất nước này để thông báo rằng họ sẽ mở cửa ngành tài chính – một động thái được thiết kế nhằm nhấn mạnh rằng họ đang thực hiện cải tổ theo cách riêng của họ.
Ông Liu Shengjun cho rằng: “Phần khó khăn nhất trong công việc của ông Lưu là khiến phía Mỹ tin vào những gì Trung Quốc tuyên bố: rằng Trung Quốc không tìm cách thay thế trật tự kinh tế toàn cầu hiện tại.
Phát triển công nghệ là cần thiết để Trung Quốc chuyển từ thu nhập trung bình sang nền kinh tế có thu nhập cao; và Trung Quốc đang gắn liền với nền kinh tế thị trường. Với nền tảng chính trị và văn hóa khác nhau đáng kinh ngạc, thật khó để có thể thuyết phục“.
Nhật Hạ (Theo tờ Hoa Nam Buổi Sáng)
Xem thêm:
Từ khóa Quan hệ Mỹ - Trung chiến tranh thương mại Lưu Hạc đàm phán thương mại