Tại sao Mỹ, Nhật không bắn hạ tên lửa của Bắc Hàn?
Quân đội Mỹ và Nhật Bản bị chỉ trích vì để một quả tên lửa đạo đạo của Bình Nhưỡng bay qua bầu trời Nhật Bản mà không có động thái quân sự gì. Tuy nhiên một nỗ lực đánh chặn tên lửa thất bại sẽ khiến Mỹ và Nhật phải trả bằng cái giá vô cùng đắt.
Sáng sớm ngày 29/8, người dân sống trên đảo Hokkaido, Nhật Bản hoảng loạn vì cảnh báo tên lửa khẩn cấp của chính quyền: “Bắc Hàn đã bắn tên lửa đạn đạo, hãy tìm chỗ trú ẩn an toàn!”. Sau nỗi sợ kinh hoàng về viễn cảnh một vụ tấn công hạt nhân, cư dân của hòn đảo lớn nhất Nhật Bản tức giận đặt câu hỏi: Tại sao quân đội Nhật Bản không bắn hạ quả tên lửa đó?
Màn hình điện tử tại Tokyo đưa thông tin về vụ Bắc Hàn phóng tên lửa qua bầu trời Nhật Bản ngày 29/8/2017
Việc triển khai hệ thống chống hỏa tiễn để bắn rơi tên lửa Bắc Hàn có thể làm an lòng người dân Nhật Bản, củng cố các cam kết bảo vệ đồng minh của Mỹ, chứng minh khả năng chiến thắng áp đảo trong một viễn cảnh chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên và phủ đầu Bình Nhưỡng trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt dường như vô hiệu. Nhưng một kế hoạch hấp dẫn như thế lại đầy rủi ro.
Các báo cáo của Nhật Bản cho hay tên lửa sau khi bay qua bầu trời Hokkaido đã bị vỡ làm 3 mảnh trước khi rơi xuống biển, cách bờ biển phía đông Hokkaido 1.180km. Tên lửa đạt tầm cao 550km – bằng độ cao với các tên lửa tầm trung khác của Bắc Hàn gần đây. Tên lửa này có tầm bắn gần hơn và đạt độ cao thấp hơn nhiều với hỏa tiễn liên lục địa mà Bắc Hàn thử hồi tháng 7.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên tên lửa của Bắc Hàn xâm phạm vùng trời Nhật Bản. Năm 1998, Bắc Hàn phóng một mẫu ICBM tên là Taepodong-1, tên lửa ba giai đoạn qua Nhật Bản trong nỗ lực đưa vệ tinh đầu tiên, Kwangmyongsong-1 lên quỹ đạo. Chương trình này đã thất bại. Tháng 4/2009, Bắc Hàn phóng tiếp tên lửa Taepodong-2, bay qua Nhật Bản và rơi xuống Thái Bình Dương.
Bắn hạ tên lửa như thế nào?
Mỹ và Nhật đều có những tàu hộ vệ mang tên lửa có khả năng bắn hạ được một số loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung, giống như loại Hwasong-12 của Bắc Hàn vừa bắn qua Hokkaido. Tuy nhiên, rất khó để những hệ thống bảo vệ này chặn được một quả tên lửa bay qua bầu trời Nhật Bản nhắm tới các địa điểm khác, chẳng hạn là đại dương hoặc đảo Guam. Hệ thống này có thể đánh chặn tốt các tên lửa tầm ngắn và tầm trung bằng cách sử dụng tên lửa SM-3, và cũng là màn phòng thủ giai đoạn cuối. Nhưng với một tên lửa “bay qua” với tầm cao trên bầu khí quyển, hệ thống này chưa chứng tỏ được khả năng đánh chặn thành công. Nếu lần đánh chặn đầu tiên một tên lửa của Bắc Hàn mà thất bại, kết quả có thể là thảm họa.
Ông Douglas Paal phó chủ tịch Carnegie Endowment for Peace, cựu thành viên của Ủy ban An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống Ronald Reagan và George H W Bush nhận định:
“Chúng ta đã làm việc với công nghệ này 30 năm rồi mà nó vẫn chưa chắc chắn. Nếu ta bắn trượt, thì đó sẽ cho Kim Jong-un một chiến thắng tuyên truyền không gì sánh được. Tình huống duy nhất mà hệ thống này được tiến hành trên thực tế là hệ thống Vòm Sắt của Israel, nhưng đó là một tình huống hoàn toàn khác”.
Hệ thống tên lửa SM-3 gắn trên các tàu hộ vệ của Nhật được trang bị có phạm vi hoạt động 1.350 dặm (2.170km). Nhưng phạm vi không phải là vấn đề ở đây, mà là tốc độ cần đạt để đánh chặn một tên lửa đang bay tới. Nếu tên lửa phóng đi từ một vị trí gần Nhật Bản như Bắc Hàn, thì sự thành công của tên lửa đánh chặn trên tàu hộ vệ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng phát hiện và theo dõi đường bay của tên lửa Triều Tiên, cũng như tính toán thời điểm phóng tên lửa đánh chặn. Theo Joan Johnson-Freese, giáo sư Cao đảng Chiến Tranh Hải Quân, giảng viên Đại học Havard và Ralph Savelsberg, phó giáo sư Học viện Quốc phòng Hà Lan, hệ thống tàu hộ vệ chỉ có vài phút để bắn hạ một tên lửa đạn đạo liên lục địa từ Bắc Hàn. Các tàu hộ vệ này phải đặt ở khoảng cách cực gần với bờ biển của Bắc Hàn để có khả năng bắn hạ tên lửa trong giai đoạn “tăng tốc”. Nhưng tiến tới khoảng cách gần như thế sẽ làm cho các tàu hải quân trở thành mồi cho đội tàu ngầm tên lửa của Bắc Hàn.
Còn hệ thống đánh chặn tên lửa trên đất liền thì sao? Hệ thống này có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng hơn để tính toán một vụ đánh chặn, tuy nhiên việc bắn hạ được một tên lửa bay qua bầu khí quyển ở độ cao trên 500km có tỷ lệ trúng không cao.
Theo trang Defenseone.com, từ tháng 1/2002 đến 14/8/2017, Bộ Quốc phòng Mỹ đã tiến hành 37 vụ đánh chặn tên lửa tầm trung và thành công 29 lần, sử dụng tên lửa đánh chặn SM-3. Các vụ thử đánh chặn cũng khó khăn và rất tốn kém chi phí, do vậy không thể thực hiện thường xuyên.
Chính vì thế, nếu tên lửa của Bắc Hàn được nhận định là không gây ra nguy hiểm trực tiếp cho Nhật Bản, Mỹ hoặc Hàn Quốc, thì lựa chọn khôn ngoan nhất của quân đồng minh là để mặc tên lửa lao xuống đại dương, quan sát sự việc, thu hồi mảnh vỡ để lấy dữ liệu nghiên cứu. Việc bắn trượt một tên lửa chỉ bay qua bầu trời Nhật Bản sẽ khiến Mỹ và các đồng minh trả giá rất lớn, vì nó sẽ khiến các chính phủ bị mất niềm tin nơi người dân rằng hệ thống chống tên lửa tân tiến của họ không đủ khả năng bảo vệ công dân của mình. Hơn nữa, nếu Mỹ bắn hạ quả tên lửa đó, thì cũng có rủi ro trở thành ngòi nổ khích động các động thái tồi tệ hơn của Bắc Hàn.
Hoa Kỳ có 33 tàu hộ vệ tên lửa có thể đánh chặn các tên lửa tầm trung, 16 trong số đó hiện đang có mặt ở Thái Bình Dương. Trả lời cho câu hỏi tại sao không bắn hạ tên lửa Bắc Hàn, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ ra thông báo: “Bộ Tư lệnh Phòng Thủ Không gian Bắc Mỹ NORAD xác định rằng vụ phóng tên lửa từ Bắc Hàn không gây ra mối đe dọa tới Bắc Mỹ”.
Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã khẳng định rằng bất cứ quả tên lửa nào của Bắc Hàn nhắm tới Hoa Kỳ, đất liền hay trên biển, bao gồm đảo Guam và các vùng lãnh thổ khác, đều sẽ bị bắn hạ và coi là lời tuyên chiến đối với Mỹ. Nhưng ông cũng nói thêm nếu tên lửa được theo dõi phóng xuống đại dương, người đưa ra quyết định có làm gì hay không là Tổng thống Hoa Kỳ.
Trọng Đức
Xem thêm:
Từ khóa Tên lửa đạn đạo tàu hộ vệ tên lửa Bắc Hàn căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên