Ngay cả trước khi chuyến bay cuối cùng của Mỹ rời Kabul vào nửa đêm thứ Hai, nhiều bảng hiệu sặc sỡ và các âm thanh đô thị ở Afghanistan đã thay đổi. Những người ở lại đã cố gắng điều chỉnh cho phù hợp với phong thái khắc khe của những kẻ cai trị mới.

Embed from Getty Images

Tới nay, Taliban vẫn nỗ lực thể hiện cho thế giới thấy một vẻ bề ngoài hoà giải hơn, không có hình phạt công khai khắc nghiệt nào hay lệnh cấm hoàn toàn nào đối với các hoạt động giải trí công cộng, vốn là đặc trưng cho giai đoạn cầm quyền trước năm 2001 của họ.

Taliban nói rằng họ cho phép hoạt động văn hoá, miễn là nó không đi ngược lại luật Sharia và văn hoá Hồi giáo của Afghanistan. 

Tuy vậy, nhà cầm quyền Taliban ở Kandahar, nơi khai sinh phong trào, tuần trước đã ban hành một mệnh lệnh chính thức cấm các đài phát thanh phát nhạc và cấm các nữ phát thanh viên làm việc.

Tuy chưa có một lệnh chung trên toàn quốc, đối với nhiều người dân Afghanistan, họ không cần mệnh lệnh chính thức nào để bắt đầu điều chỉnh các hành vi của mình.

Theo Reuters ghi nhận, các bảng hiệu đầy màu sắc bên ngoài các cửa hiệu làm đẹp đã bị sơn đè lên, quần jeans đã được thay thế bằng trang phục truyền thống và các đài phát thanh đã thay thế chương trình nhạc trẻ Hindi và nhạc Ả Rập và các chương trình khách mời thông thường của họ bằng các bài nhạc yêu nước trầm lắng.

“Không phải là Taliban ra lệnh cho chúng tôi thay đổi mọi thứ, nhưng từ bây giờ chúng tôi sẽ thay đổi chương trình vì chúng tôi không muốn Taliban buộc chúng tôi phải đóng cửa,” Khalid Siddiqui, một nhà sản xuất tại một đài phát thanh tư nhân ở trung tâm thành phố Ghazni nói với Reuters.

“Cũng không có ai trong đất nước này còn có tâm trạng giải trí, tất cả chúng tôi đều ở trong tình trạng bị sốc,” ông nói. “Tôi thậm chí không chắc có còn ai nghe đài nữa không.”

 

Trong suốt 20 năm dưới sự điều hành của chính phủ được phương Tây hậu thuẫn, một nền văn hoá đại chúng sinh động đã phát triển ở Kabul và các thành phố khác. Các bộ phim dài tập của Thổ Nhĩ Kỳ, những chương trình khách mời và chương trình tìm kiếm tài năng trên vô tuyến như “Ngôi sao Afghan” đã trở thành những chương trình phổ biến nhất. 

Tuy nhiên, đối với một số người Taliban lớn tuổi đã lớn lên trong các ngôi trường Hồi giáo, với trải nghiệm của nhiều năm chiến đấu gian khổ, những thay đổi trong văn hóa là quá mức.

Một chỉ huy Taliban nói, “Nền văn hoá của chúng ta đã bị đầu độc, chúng tôi nhận thấy ảnh hưởng của Nga và Mỹ ở mọi nơi, ngay cả với thực phẩm mà chúng tôi ăn, đó là điều mọi người nên nhận ra và thực hiện những thay đổi cần thiết. Điều này sẽ cần có thời gian nhưng nó sẽ đến.”

Trong khi các quan chức cao cấp của Taliban tuyên bố nhiều lần là quân đội của họ sẽ đối xử tôn trọng với dân chúng và không tùy tiện thi hành các hình phạt, nhiều người lại ngờ vực và không tin chính quyền mới có thể kiểm soát những chiến binh Taliban đường phố của họ.

“Không có tiếng nhạc nào trên toàn thành phố Jalalabad, người dân hoang mang và sợ hãi vì Taliban đang đánh người,” Naseem, một cựu quan chức ở thành phố Nangarhar ở phía đông nói. 

Zarifullah Sahel, một nhà báo địa phương ở tỉnh Lagman gần Kabul cho biết người đứng đầu uỷ ban văn hoá địa phương của Taliban nói với đài truyền thanh công cộng của nhà nước và sáu đài phát thanh khác điều chỉnh chương trình của họ để bảo đảm nó phù hợp với luật Sharia.

Từ đó, các chương trình ca nhạc, chính trị, văn hoá và tin tức không liên hệ tới các vấn đề tôn giáo đã không còn nữa.

Nhưng ngay cả khi những mệnh lệnh chính thức chưa đưa ra, thông điệp là kỷ nguyên tự do đã đi tới hồi kết và sẽ an toàn hơn là không chống lại đã trở nên rõ ràng.

Mustafa Ali Rahman, cựu quan chức thuế ở tình Lagman nói, “Tôi sợ Taliban sẽ nhằm vào tôi nếu họ thấy tôi mặc quần bò hay áo sơ mi hay bộ vest phương Tây,” “Mọi người không biết họ có thể làm những gì để trừng phạt chúng tôi đâu.”

Ngân Hà (theo Reuters)

Xem thêm: