“Tập trận Lạnh” của NATO với 30.000 quân áp sát biên giới Nga
- Phương Hạo
- •
Trong thời điểm Tổng thống Nga Putin mở cuộc chiến xâm lược Ukraine, từ ngày 14/3 khoảng 30.000 quân của 27 nước NATO đã triển khai “Tập trận Lạnh” năm 2022 (Cold Response 2022) tại Na Uy; Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh với lãnh đạo các nước tham gia Lực lượng viễn chinh chung (Joint Expeditionary Force) để tập trung vào an ninh Bắc Âu.
Ngày 10/3/2022, các xe bọc thép tham gia cuộc tập trận đã đến cảng ở Frederikstad, Na Uy (Getty Images)
Sau khi Nga xâm lược Ukraine, lần đầu tiên trong lịch sử Lực lượng ứng phó NATO (NATO Response Force) đã được kích hoạt; Mỹ và NATO tuyên bố sẽ không vào Ukraine để tham chiến, nhưng NATO cảnh báo Nga: “Một khi tấn công vào đoàn xe cung cấp vũ khí của đồng minh NATO sẽ được coi là gây chiến với NATO”.
NATO cử 30.000 quân đến Na Uy tập trận, áp sát biên giới Nga
Từ ngày 14/3 – 1/4/2022, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các nước đối tác đã triển khai “Tập trận Lạnh” năm 2022 (Cold Response 2022) tại Na Uy. Tập trận có sự tham gia của khoảng 30.000 binh sĩ từ 27 nước với trang bị gồm 200 máy bay và 50 tàu, đây là cuộc tập trận lớn nhất mà các lực lượng NATO tham gia năm 2022.
Tập trận giả định mục tiêu là giải cứu quân đồng minh, theo đó quân đội phương Tây sẽ trau dồi kỹ năng chiến đấu trong khí hậu lạnh giá của Na Uy, bao gồm cả ở Bắc Cực, trên mặt đất, trên biển và trên không.
Na Uy trấn giữ biên giới phía bắc châu Âu của NATO đang háo hức kiểm tra khả năng quản lý quân tiếp viện từ các đồng minh bên trong biên giới của mình. Theo Điều 5 của Hiến chương NATO, các nước thành viên phải cần đến sự trợ giúp của một nước thành viên khác trong trường hợp bị tấn công.
Thụy Điển và Phần Lan cũng nằm ở Bắc Âu, dù chưa chính thức gia nhập NATO nhưng họ đang hợp tác ngày càng chặt chẽ với NATO, hai nước cũng sẽ tham gia “Tập trận Lạnh”.
Địa điểm tập trận chỉ cách biên giới Nga vài trăm km. Hoạt động tập trận này được lên kế hoạch từ lâu trước khi Nga xâm lược Ukraine, nhưng trong bối cảnh hiện nay khiến vai trò hoạt động này trở lên nổi bật.
Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Odd Roger Enoksen nói với AFP: “Cuộc tập trận này rất quan trọng với an ninh của Na Uy và các nước đồng minh. Chúng tôi sẽ diễn tập tiếp viện đồng minh, nhưng đây không phải là do chính quyền Nga tấn công Ukraine, tuy nhiên bối cảnh này khiến hoạt động có ý nghĩa hơn”; “Không có mối đe dọa quân sự rõ ràng nào đối với NATO hoặc lãnh thổ Na Uy, nhưng tình hình ở châu Âu đã khó lường hơn”.
Để tránh hiểu lầm, Na Uy đã thông báo cho Nga về cuộc tập trận được xác định là “thuần túy phòng thủ” và sẽ duy trì một khoảng cách thích hợp với lãnh thổ Nga. Nhưng phía Nga tỏ ra không muốn nhận lời mời cử nhân sự tới quan sát cuộc tập trận.
Đại sứ quán Nga tại Na Uy nói với AFP: “Bất kỳ sự tăng cường nào của lực lượng NATO gần biên giới Nga sẽ không giúp tăng cường an ninh khu vực”.
Thủ tướng Anh Johnson kêu gọi NATO hợp tác chống lại Nga
Ngày 12/3/2022, Văn phòng Thủ tướng Anh ở số 10 phố Downing đã ra thông cáo cho biết, trong bối cảnh diễn ra “Tập trận Lạnh”, Thủ tướng Boris Johnson sẽ gặp lãnh đạo các nước tham gia lực lượng viễn chinh để tập trung vào các vấn đề an ninh Bắc Âu.
Theo thông cáo, sau bữa tối tại dinh thự đồng quê của Johnson ở Checkers vào ngày 14/3, tại London vào ngày 15/3 Thủ tướng Anh tổ chức hội nghị thượng đỉnh với các tướng lĩnh của lực lượng viễn chinh chung.
Lực lượng viễn chinh chung được thành lập vào năm 2012 bao gồm Vương quốc Anh, Đan Mạch, Estonia, Iceland, Latvia, Lithuania, Hà Lan, Na Uy, cùng với các thành viên không thuộc NATO là Phần Lan và Thụy Điển.
Ông Johnson nói: “An ninh châu Âu đã bị lung lay bởi cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, chúng tôi sẽ hành động với các đối tác để đảm bảo rằng chúng tôi có thể mạnh hơn và đoàn kết hơn so với trước đây… Để đảm bảo cho chúng ta không còn e ngại Putin thì chúng ta không thể chỉ nhìn vào khía cạnh quân sự, còn phải đảm bảo nguồn cung năng lượng, nền kinh tế và các giá trị của chúng ta không bị Nga làm cho gián đoạn và nhiễu loạn”.
Từ khóa NATO Dòng sự kiện NATO tập trận Tập trận Lạnh