Tàu nghiên cứu khoa học của ĐCSTQ gây lo ngại về hoạt động gián điệp
- Lý Ngôn
- •
Các “tàu nghiên cứu khoa học” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn đang không ngừng xâm nhập các nơi trên thế giới, trong khi nhiều nước lo ngại các tàu đó có thể dùng cho hoạt động gián điệp quân sự.
Về vấn đề này, ĐCSTQ cho biết các tàu của họ chỉ sử dụng cho mục đích nghiên cứu, nhưng một số nước láng giềng châu Á đặc biệt là Ấn Độ lo ngại rằng dữ liệu nhạy cảm mà họ thu thập có thể được chia sẻ với quân đội Trung Quốc.
Dữ liệu theo dõi tàu toàn cầu cho thấy một tàu nghiên cứu khoa học khác của Trung Quốc là “Xiangyanghong 03” (“Hướng về Mặt trời đỏ”) đã đến Maldives vào thứ Năm (22/2). Trước đó chỉ 3 tháng, một tàu nghiên cứu khoa học tương tự đã xuất hiện ở Ấn Độ Dương khiến Ấn Độ lo ngại về an ninh, New Delhi gọi nó là “tàu gián điệp”.
Trong bối cảnh lãnh đạo ĐCSTQ đang thúc đẩy xây dựng “cường quốc hàng hải”, họ đang mở rộng số lượng và quy mô đội tàu nghiên cứu đại dương. Đây là đội khảo sát của chính phủ được thành lập vào năm 2012.
Theo thống kê từ Reuters, sau đây là tổng quan về 16 tàu của ĐCSTQ thường xuyên xuất hiện ở Ấn Độ Dương: 7 tàu nghiên cứu khoa học “Xiangyanghong” (Hướng về Mặt trời đỏ); 3 tàu “Shi Yan” (Thực nghiệm); 2 tàu “Lanhai” (Lam hải / Biển xanh); 1 tàu “Dongfanghong” (Đông phương hồng); 1 tàu “Đại dương”; 1 tàu “Địa chất biển”, và 1 tàu “Dầu khí đại dương”.
Theo giới chức Trung Quốc thìcác tàu này không phải là tàu chiến, nhưng Ấn Độ và các nước khác lo ngại việc Trung Quốc sử dụng kết quả nghiên cứu cho mục đích quân sự.
Trước chuyến thăm của tàu Trung Quốc lần này, một tổ chức tư vấn của Mỹ vào tháng 1 đã nhận xét rằng, hải quân Trung Quốc có thể “sử dụng những hiểu biết thu được từ các nhiệm vụ này” để triển khai sức mạnh hải quân. Bắc Kinh gọi tuyên bố là vu khống.
Mục tiêu kép
Dữ liệu từ nhà cung cấp phân tích hàng hải MarineTraffic cho thấy, tàu “Xiangyanghong 03” cập cảng Male thủ đô của Maldives sau khi rời cảng quê hương Hạ Môn (hơn một tháng trước). Tàu này thuộc sở hữu của một viện nghiên cứu trực thuộc Bộ Tài nguyên của ĐCSTQ.
“Xiangyanghong 03” được biết đang tiến hành các chuyến thám hiểm nước sâu ở phía nam Ấn Độ Dương, thời gian kéo dài từ tháng 1 – 5.
Dữ liệu theo dõi tàu cho thấy, tàu “Xiangyanghong 03” trước khi đến nơi đã dành hơn ba tuần để khảo sát vùng biển bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Ấn Độ, Maldives và Sri Lanka.
Trong những năm gần đây, Ấn Độ bày tỏ lo ngại về sự hiện diện của các tàu nghiên cứu Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, ngay cả khi những tàu đó không thuộc quân đội ĐCSTQ. Giới chức an ninh Ấn Độ cho biết các tàu này có “công dụng kép”, nghĩa là dữ liệu họ thu thập có thể được sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự.
“Xiangyanghong 03” đã nhiều lần xuất hiện ở Ấn Độ Dương. Năm 2021 “Xiangyanghong 03” vượt qua eo biển Sunda ở Indonesia, khiến chính quyền Indonesia phải cảnh giác. Chính quyền Indonesia cho biết con tàu đã 3 lần tắt hệ thống theo dõi.
Năm 2022, tàu chiến “Yuanwang 5” của Trung Quốc có khả năng theo dõi các vụ phóng tên lửa và tên lửa đã đến Colombo, khiến Ấn Độ báo động.
Các tàu nghiên cứu khoa học của ĐCSTQ cũng đã cập cảng Sri Lanka gần đó. Vào tháng 10/2023, tàu nghiên cứu khoa học “Thực nghiệm 6” của ĐCSTQ đã cập cảng Sri Lanka, điều này một lần nữa làm dấy lên lo ngại ở Ấn Độ. Nhưng vào tháng 1 năm nay, quốc đảo Sri Lanka đã thực hiện lệnh cấm kéo dài một năm đối với các tàu nghiên cứu khoa học nước ngoài, thực tế động thái đã không chấp nhận yêu cầu cập cảng của các tàu Trung Quốc.
Sự xuất hiện của tàu nghiên cứu khoa học Trung Quốc tại Maldives diễn ra vào thời điểm tân tổng thống Mohamed Muizzu của Maldives không thân thiện với Ấn Độ, thay vào là tăng cường quan hệ với Trung Quốc.
Trước khi “Xiangyanghong 03” cập cảng tại Maldives, Tổng thống Muizzu của Maldives đã đến thăm Trung Quốc vào tháng 1 và thúc đẩy quan hệ, được Bắc Kinh cung cấp “viện trợ” 920 triệu nhân dân tệ (128 triệu USD).
Maldives cho biết tàu Trung Quốc không tiến hành bất kỳ nghiên cứu nào trong vùng biển của họ, chỉ dừng lại để luân chuyển nhân sự và bổ sung vật tư.
Trong 5 năm cầm quyền của cựu Tổng thống Maldives Abdulla Yameen, ĐCSTQ đã dùng “đầu tư” để khiến Maldives phụ thuộc hơn. Các đồng minh của chính phủ Maldives hiện tại ước tính khoản nợ của nước này đối với Trung Quốc là gần 3,5 tỷ USD.
Từ khóa gián điệp Trung Quốc gián điệp tàu nghiên cứu biển tàu nghiên cứu khoa học