Tàu Trung Quốc bắn vòi rồng vào các tàu Philippines: Mỹ, Nhật và EU lên án TQ
- Từ Giản
- •
Sau khi tàu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắn vòi rồng vào các tàu Philippines ở Biển Đông, nhiều nước như Úc, Nhật Bản, Canada, khối Liên minh châu Âu (EU) đã lên án Trung Quốc. Có phân tích điều này có thể khiến Mỹ và Philippines đẩy nhanh kế hoạch tuần tra chung trên Biển Đông.
- Video tàu của ĐCSTQ bắn vòi rồng vào tàu Philippines:
Ngày 7/8, Philippines tổ chức họp báo phản đối việc tàu ĐCSTQ phun vòi rồng vào tàu Philippines ở Biển Đông (Ezra Acayan/Getty).
Philippines họp báo triệu tập đại sứ ĐCSTQ
Vào thứ Hai (7/8), Lực lượng bảo vệ bờ biển và các nhà ngoại giao Philippines đã tổ chức họp báo, công chiếu các video và hình ảnh cho thấy 6 tàu cảnh sát biển và 2 tàu dân quân ĐCSTQ đang chặn 2 tàu dân sự do Hải quân Philippines thuê để vận chuyển hàng tiếp tế.
[Vùng biển xung đột này thuộc rạn san hô Bãi Cỏ Mây – quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhưng cả ĐCSTQ và Philippines đều tuyên bố có chủ quyền.]
Video từ Philippines cho thấy một tàu bảo vệ bờ biển lớn của ĐCSTQ bắn vòi rồng vào một tàu Philippines nhỏ hơn nhiều. Các hình ảnh cũng cho thấy tàu Trung Quốc áp sát một cách nguy hiểm phía trước tàu Cảnh sát biển Philippines khi hộ tống tàu tiếp tế.
Philippines lên án “hành vi nguy hiểm và bất hợp pháp” của ĐCSTQ trong việc sử dụng vòi rồng, cho rằng hành động này khiến tính mạng của các thành viên thủy thủ đoàn Philippines gặp nguy hiểm và vi phạm luật nhân đạo cũng như luật pháp quốc tế.
Tại một cuộc họp báo hôm thứ Hai, trợ lý Jonathan Malaya của Tổng giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines cho biết, Manila sẽ tiếp tục đưa ra các phản đối ngoại giao bất kể phản ứng của Trung Quốc, vì nếu không làm như vậy thì ĐCSTQ và cộng đồng quốc tế sẽ cho rằng Philippines từ bỏ chủ quyền vùng xảy ra xung đột này.
Hôm thứ Hai, Chính phủ Philippines cũng đã triệu tập Đại sứ ĐCSTQ và gửi công hàm ngoại giao với lời lẽ mạnh mẽ phản đối việc dùng vòi rồng.
Mỹ và đồng minh lên án ĐCSTQ
Mỹ lên án hành động của Trung Quốc và nhắc lại Mỹ có nghĩa vụ trong hiệp ước phòng thủ chung với Philippines, theo đó có nghĩa vụ bảo vệ đồng minh nếu các tàu công cộng và quân đội Philippines bị tấn công vũ trang.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 5/8 rằng các cuộc tấn công vũ trang nhằm vào các tàu, máy bay và quân đội của Chính phủ Philippines, bao gồm cả lực lượng bảo vệ bờ biển của nước này ở Biển Đông, sẽ kích hoạt Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines lần thứ 4 năm 1951.
Úc, Nhật Bản và Đức gọi các hành động của ĐCSTQ là “nguy hiểm” và “gây mất ổn định”; Đại sứ quán Canada tại Manila cho biết “Ottawa lên án các hành động nguy hiểm và khiêu khích của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc”.
Tình hình leo thang có thể khiến Mỹ tăng tốc hành động
Các nhà phân tích và chính trị gia Philippines cho biết vụ việc hôm thứ Bảy là sự leo thang trong một loạt các cuộc đối đầu giữa Philippines và Trung Quốc trong năm nay, bao gồm vụ vào tháng Hai khi một tàu ĐCSTQ chiếu tia laser vào một tàu Philippines.
Thượng nghị sĩ Philippines Alan Peter Cayetano nói với CNN: “Tôi tin rằng chúng ta đang bước vào thời kỳ ngoại giao bên bờ vực chiến tranh, nếu có vấn đề sẽ thực sự dẫn đến sự bất ổn trong khu vực”.
CNN dẫn lời nhà phân tích Collin Koh cho rằng động thái của ĐCSTQ có thể khiến Mỹ và Philippines đẩy nhanh kế hoạch tuần tra chung ở Biển Đông – vấn đề mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilbert Teodoro cho biết hồi tháng trước.
Có chuyên gia cho rằng điều Washington cần không chỉ là lên tiếng răn đe Bắc Kinh, mà là “lên tiếng đi đôi với hành động, không tạo ấn tượng cho Bắc Kinh rằng hành vi tiếp tục ép buộc và leo thang các hành động của họ không chịu bất kỳ hậu quả nào”.
Giám đốc An ninh hàng hải tại Diễn đàn Thái Bình Dương là giáo sư Jeffrey Ordaniel tại Đại học Quốc tế Tokyo cũng đồng ý rằng, “Nếu phản ứng của Mỹ chỉ tiếp tục giới hạn ở các tuyên bố hoặc các cuộc tập trận quân sự, thì ĐCSTQ sẽ tiếp tục thành công trong việc thay đổi hiện trạng”.
Nhà nghiên cứu Blake Herzinger tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ của Úc cũng cho rằng việc cộng đồng quốc tế lên án ĐCSTQ là điều cần thiết, nhưng việc Manila cần làm không chỉ là vấn đề yêu sách chủ quyền, “vì một phản ứng ngoại giao không thể ngăn chặn hành vi xâm phạm trên biển này, vì vậy Philippines cần có phản ứng toàn diện hơn, kết hợp hành động và biện pháp ngoại giao”.
Trước những động thái, một tuyên bố được đưa ra trên trang web của Cục Cảnh sát biển ĐCSTQ vào Chủ nhật nói rằng tàu tiếp tế và 2 tàu bảo vệ bờ biển của Philippines đã “xâm nhập bất hợp pháp” vào vùng biển gần Bãi Cỏ Mây của Trung Quốc, đồng thời nhắc lại yêu sách lãnh thổ của phi lý của ĐCSTQ đối với các đảo này và Biển Đông. Trong một tuyên bố hôm thứ Hai, lực lượng bảo vệ bờ biển ĐCSTQ cáo buộc Philippines cố gắng “chiếm đóng lâu dài” các vùng biển liên quan.
Từ khóa tàu Trung Quốc quan hệ Trung Quốc - Philippines