Thảm kịch tàu ngầm Indonesia hé lộ những hạn chế của hoạt động cứu hộ quốc tế
- Gia Huy
- •
Theo ông Collin Koh của RSIS, sự mất mát đau thương của tàu ngầm KRI Nanggala của Indonesia đã phơi bày những hạn chế trong việc hợp tác cứu hộ tàu ngầm của quốc tế.
Sau vụ tai nạn của tàu ngầm Indonesia, các vấn đề liên quan đến tàu ngầm tiếp tục thu hút sự chú ý của cả những nhà hoạch định hải quân cũng như công chúng.
Đối với những nước có quân đội yếu hơn, tàu ngầm được xem là một yếu tố làm gia tăng sức mạnh của lực lượng vũ trang, đóng vai trò như một đối trọng bất đối xứng đối với kẻ thù mạnh hơn.
“Lực lượng thầm lặng”, biệt danh của lực lượng tàu ngầm, được xem là lực lượng tinh nhuệ của bất kỳ hải quân nước nào, tạo thành một lực lượng răn đe đáng kể trong thời bình và là một lực lượng có năng lực chiến đấu cao.
Trong nhiều thập kỷ, khi các nước Đông Nam Á bắt đầu gia tăng số lượng tàu ngầm, đã có những cảnh báo về khả năng xảy ra những sự cố.
Trước đó, năm 1981 đã xảy ra sự cố tai tiếng “Whiskey trên bãi đá”, nói về một tàu ngầm lớp Whiskey của Liên Xô xâm nhập vùng biển Thụy Điển đã đâm vào đá ngầm và bị mắc cạn tại đây. Ngoài ra, cũng có những vụ tai nạn đáng tiếc khác như vụ va chạm giữa tàu ngầm Greeneville của Mỹ với tàu hàng Ehime Maru của Nhật vào năm 2001.
Vụ tai nạn tàu ngầm gần đây nhất xảy ra vào tháng 2 tại Đông Bắc Á, khi tàu ngầm Soryu của Nhật Bản đâm vào thân của một tàu thương mại tại Thái Bình Dương trong khi đang nổi lên ngoài khơi bờ biển Shikoku.
Rất may mắn, mặc dù tàu ngầm bị hư hại (bao gồm việc mất tín hiệu liên lạc tạm thời) và ba thành viên thủy thủ đoàn bị thương nhẹ, nhưng cuối cùng nó đã quay trở về căn cứ an toàn.
Tàu ngầm KRI Nanggala của Indonesia đã không may mắn như vậy.
Con tàu này đã mất liên lạc với các cơ quan chức năng trên bờ sau khi xin phép lặn xuống để diễn tập bắn ngư lôi. Sau ba ngày tìm kiếm căng thẳng, vào thời điểm tàu ngầm này được cho là đã cạn kiệt nguồn cung cấp oxy, nhà chức trách Indonesia đã thông báo một tin xấu: toàn bộ 53 thành viên thủy thủ đoàn được xác nhận là đã chết. Các mảnh vỡ của tàu Nanggala đã được phát hiện.
Xác tàu ngầm được tìm thấy dưới đáy biển với độ sâu hơn 800m, vượt xa độ sâu lặn tối đa được thiết kế của tàu ngầm này.
Mất mát đau thương mới nhất này là vụ tai nạn tàu ngầm đầu tiên như vậy ở Đông Nam Á.
Hạn chế về sự trợ giúp từ nước ngoài
Sau khi vụ tai nạn xảy ra, Indonesia xứng đáng được khen ngợi khi đã tiến hành các phản ứng rất nhanh chóng và quyết đoán. Nhận thức được những hạn chế về nguồn lực của mình, quân đội Indonesia đã nhanh chóng tìm kiếm sự trợ giúp của nước ngoài thông qua kênh Văn phòng Liên lạc Cứu hộ và Giải thoát Tàu ngầm Quốc tế (ISMERLO).
Nước này đã viện dẫn đến Thỏa thuận về Hợp tác và Hỗ trợ Cứu hộ Tàu Ngầm được ký vào năm 2012 giữa Hải quân Singapore và Hải quân Indonesia.
Nhà chức trách Indonesia hoàn toàn hiểu rõ ưu tiên hàng đầu là nhanh chóng xác định vị trí tàu ngầm bị mất tích và nỗ lực hết mức cứu hộ bất kỳ ai còn sống trên tàu.
Phản ứng này trái ngược hoàn toàn với phản ứng ban đầu của Moscow, khi tàu ngầm Kursk của Nga bị mất tích vào tháng 8/2000. Nga đã phản đối sự trợ giúp của nước ngoài vì lý do an ninh quốc gia cho đến khi đã quá muộn để thực hiện bất kỳ việc cứu hộ có ý nghĩa nào đối với những người còn sống mắc kẹt trong tàu.
Quốc tế cũng phản ứng rất nhanh chóng trước lời kêu gọi trợ giúp của Indonesia. chính phủ Úc, Ấn Độ, Malaysia và Hoa Kỳ và một số chính phủ khác đã điều động các phương tiện trợ giúp.
Ngay khi nhận được yêu cầu của Indonesia, Singapore đã điều động tàu cứu hộ và hỗ trợ tàu ngầm MV Swift Rescue của hải quân được trang bị phương tiện cứu hộ chìm sâu Deep Search và Rescue 6 (DSRV) ngay vào chiều ngày 21/4.
Mặc dù việc cứu hộ hiện đã chuyển sang một hình thức khác sau tin tức về tàu KRI Nanggala được chính thức thông báo, nhưng sự cố này đã chứng minh một cách đúng đắn sự hữu ích của các quy trình quốc tế về ứng phó đối với tình huống khẩn cấp của tàu ngầm.
Có lẽ thích hợp khi nói, sự cố này đã nhấn mạnh sự hữu ích của việc hợp tác khu vực, như đã được nhìn thấy trong việc cung cấp hỗ trợ và đề nghị hỗ trợ.
Thời gian là vấn đề thiết yếu
Hợp tác quốc tế trong ứng phó với tình huống khẩn cấp của tàu ngầm sẽ luôn là điều quan trọng. Quân đội nước ngoài có thể sở hữu những năng lực cần thiết và quan trọng khi ứng phó với bất kỳ tình huống khẩn cấp nào của tàu ngầm mà quốc gia gặp sự cố lại không có năng lực đó.
Tuy nhiên, ứng phó với tình huống khẩn cấp của tàu ngầm về bản chất cũng là một cuộc chạy đua với thời gian.
Về mặt này, hợp tác quốc tế, mặc dù quan trọng, nhưng lại có những hạn chế. Đó có thể là vấn đề về khoảng cách địa lý giữa quốc gia nước ngoài gửi tàu cứu hộ tàu ngầm đến vị trí xảy ra sự cố.
Thậm chí nếu một quốc gia nước ngoài vận chuyển DSRV bằng đường hàng không đến quốc gia gặp sự cố, điều này sẽ yêu cầu một tàu cứu hộ được trang bị đầy đủ đang có mặt tại một cảng gần vị trí xảy ra sự cố nhất. Sẽ cần thời gian để trang bị cho tàu cứu hộ này trước khi triển khai.
Phải đi một quãng đường hơn 1.500km từ Căn cứ Hải quân Changi đến vị trí xảy ra sự cố ngoài khơi Bali, trong tình huống tốt nhất, tàu cứu hộ Swift Rescue sẽ chỉ đến nơi không sớm hơn chiều muộn hoặc tối ngày 23/4.
Vì nguồn cung oxy trên tàu Nanggala được ước tính sẽ cạn kiệt vào lúc 3 giờ sáng ngày 24/4, nên chỉ còn cơ hội cứu hộ rất nhỏ khi tàu cứu hộ Swift Rescue của Singapore đến nơi.
Ngoài ra, còn có các yếu tố khác ảnh hưởng đến nỗ lực cứu hộ, đặc biệt là điều kiện thời tiết trên biển.
Do đó, sự cố của tàu Nanggala cho thấy các lực lượng hải quân mong muốn có tàu ngầm hay đang vận hành tàu ngầm cần phải suy nghĩ nghiêm túc hơn về việc thành lập cơ sở hạ tầng để cung cấp sự hỗ trợ cho các hoạt động của tàu ngầm một cách hiệu quả và an toàn.
Không chỉ đơn giản là tàu ngầm
Mặc dù vậy, thảm kịch của tàu ngầm Nanggala không có khả năng làm giảm nhiệt huyết của các lực lượng hải quân trong việc mua tàu ngầm.
Ngoài Indonesia, Malaysia đang suy nghĩ việc mở rộng hạm đội tàu ngầm của mình, Thái Lan đang xây dựng một hạm đội từ đầu, còn Philippines cũng đã có kế hoạch mua tàu ngầm.
Một điều rõ ràng là năng lực của tàu ngầm không phải chỉ là bản thân tàu ngầm.
Vòng đời sau bán hàng của tàu ngầm, cũng như lịch trình bảo dưỡng, sửa chữa và đại tu cần thiết của chúng tiếp tục là những yếu tố quan trọng cần phải xem xét trên quan điểm tài chính, vận hành và an toàn.
Do các chi phí liên quan đến tàu ngầm quá cao, nên người ta trông đợi thời gian hoạt động của các tàu ngầm hiện đại ngày nay sẽ kéo dài hơn, thậm chí vượt qua tuổi thọ trung bình của chúng. Việc đào tạo thủy thủ đoàn và nhân viên hỗ trợ trên bờ sẽ tiếp tục là vấn đề rất quan trọng.
Tuy nhiên, khi ứng phó với tình huống khẩn cấp liên quan đến tàu ngầm, các lực lượng hải quân không thể chỉ dựa vào sự trợ giúp của nước ngoài.
Cơ sở hạ tầng hỗ trợ tàu ngầm phải bao gồm năng lực ứng phó với tình huống khẩn cấp. Điều này đòi hỏi thêm chi phí bổ sung cho lực lượng hải quân vốn đã thiếu thốn tiền mặt.
Tuy nhiên, trải qua nhiều thập kỷ, khi số lượng tàu ngầm ngày càng gia tăng trên khắp đại dương, người ta chưa chú trọng đúng mức đến năng lực ứng phó với tình huống khẩn cấp.
Các lực lượng hải quân tại Đông Bắc Á, như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như Úc, sở hữu năng lực đó như một bộ phận hữu cơ trong lực lượng tàu ngầm của họ. Tại Đông Nam Á, chỉ có Malaysia, Singapore và Việt Nam trong số năm lực lượng hải quân đang vận hành tàu ngầm có năng lực như vậy.
Việt Nam là một trường hợp thú vị. Mặc dù hải quân nước này đang trong quá trình xây dựng một hạm đội gồm 6 tàu ngầm lớp Kilo mua từ Nga, nhưng Việt Nam lại ký thỏa thuận ứng phó với tình huống khẩn cấp của tàu ngầm với Singapore vào năm 2013, giống như thỏa thuận được ký một năm trước đó giữa Indonesia và Singapore.
Tuy nhiên, thỏa thuận này cũng không ngăn Việt Nam mua một tàu cứu hộ tàu ngầm cho chính mình, được đặt tên là Yết Kiêu, vốn đã được vào hoạt động vào cuối năm 2019.
Có năng lực hữu cơ ứng phó với tình huống khẩn cấp của tàu ngầm sẽ rất hữu ích trong trường hợp xảy ra sự cố.
Hơn nữa, trong bối cảnh ngày nay khi việc tuyển dụng đủ nhân lực cho thủy thủ đoàn của tàu ngầm ngày càng trở nên khó khăn, bởi vì công việc này nguy hiểm hơn so với công việc của thủy thủ đoàn trên tàu chiến mặt nước, thì việc tạo ra niềm tin an toàn đối với những người làm việc bên trong các ống trụ thép này là điều cần thiết.
Các thủy thủ tàu ngầm đang đặt cược mạng sống của họ nên họ cũng sẽ mong đợi có được sự giúp đỡ chắc chắn trong trường hợp họ gặp nạn trên biển.
Ông Collin Koh là giảng viên nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược, một đơn vị trực thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam đặt tại Đại học Công Nghệ Nanyang, Singapore.
Gia Huy (biên dịch, theo Nikkei Asia)
Từ khóa tàu ngầm Indonesia mất tích