Thăng chức cho các quan chức kinh tế và ngoại giao, ông Kim Jong-un muốn gì?
- Hùng Cường
- •
Trước khi Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tại Bắc Triều Tiên cũng tổ chức Đại hội Đảng. Nhưng khác với khó khăn trong sắp xếp nhân sự của Chủ tịch Tập Cận Bình, ông Kim Jong-un gần như toàn quyền bổ nhiệm người vào Bộ chính trị Đảng Lao động Bắc Triều Tiên theo ý kiến chủ quan của mình. Vậy những người được nhà độc tài Kim Jong-un thăng chức gần đây giữ vai trò gì và điều này sẽ ảnh hưởng ra sao tới động thái sắp tới của quốc gia biệt lập này?
Ông Kim Jong-un trong chuyến thăm Viện nghiên cứu rau quả vào tháng 9/2017.
Trang 38North của Hoa Kỳ chuyên theo sát tình hình Bắc Hàn cho biết trong kỳ Đại hội Đảng Lao động Bắc Triều Tiên vừa qua, ông Kim Jong-un đã chỉ định khá nhiều quan chức kinh tế, ngoại giao vào Bộ chính trị, thậm chí đảm trách cả vai trò lãnh đạo trong các lĩnh vực quân sự.
Động thái sắp xếp nhân sự bất thường này của ông Kim diễn ra chỉ vài tháng sau khi Trung Quốc quyết định gia tăng các chế tài kinh tế lên Bắc Hàn chiếu theo nghị quyết trừng phạt mới nhất của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Bộ trưởng Ngoại giao Bắc Hàn cũng được thăng chức giữ vai trò quan trọng có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn trong Đảng Lao động (WPK). Điều này cho thấy ông Kim muốn phụ tá ngoại giao hàng đầu của mình sẽ là nhân vật chính trong các cuộc đàm phán với thế giới.
Dưới đây là một số thông tin về các phụ tá mới được ông Kim Jong-un thăng chức.
Em gái Chủ tịch vào Bộ chính trị
Cô Kim Yo-jong, 28 tuổi, em gái của Chủ tịch Kim Jong-un đã có tên trong 20 quan chức hàng đầu của WPK. Em gái của lãnh tụ tối cao Bắc Hàn từ thành viên dự khuyết đã trở thành ủy viên Bộ chính trị Đảng Lao động Bắc Triều Tiên.
Kim Yo-jong sẽ thay thế cô ruột mình là bà Kim Kyong-hui đảm nhiệm vai trò Giám đốc Cục Tuyên truyền và Vận động của WPK .
Đây là động thái khiến những người hiểu biết về tình hình Bắc Hàn đặt dấu hỏi tại sao vị trí lãnh đạo Cục Tuyên truyền và Vận động vốn thường do các cựu quan chức quân đội đảm trách giờ lại giao cho một nữ chính trị gia trẻ tuổi.
Nhiều người tin rằng vai trò của cô Kim Yo-jong có thể là để thu hút làn sóng ủng hộ chính quyền từ thế hệ trẻ Bắc Hàn.
Việc em gái ông Kim trở thành quan chức cấp cao càng tăng cường thêm sự kìm kẹp của gia đình nhà họ Kim lên nền chính trị Bắc Triều Tiên.
Được biết, ngay từ tháng 1/2017, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã xếp cô Kim Yo-jong cùng một số quan chức Bắc Hàn khác vào danh sách “những người vi phạm nhân quyền trầm trọng”.
Sử dụng lại nhân vật đã từng được đưa vào trại giáo dưỡng
Ông Choe Ryong-hae từng đóng vai trò quan trọng trong chính giới Bắc Hàn từ năm 2012 – 2014. Tuy nhiên, sau đó do phạm sai lầm trong công việc nâng cấp một nhà máy điện hạt nhân, ông Choe đã bị gửi tới trại giáo dưỡng như một biện pháp trừng phạt.
Trong Đại hội WPK vừa qua, ông Choe đã bất ngờ được thăng chức vào cơ quan cao nhất của Đảng Lao động, trở lại giữ vị trí Giám đốc Ủy ban Quân sự Trung Ương.
Hành động tái bổ nhiệm ông Choe Ryong-hae cũng khiến ngoại giới đặt nghi vấn về động thái tiếp theo của chế độ Kim Jong-un.
Ông Choe nổi tiếng là người có năng lực trong lĩnh vực huy động các kênh truyền thông lại đảm đương vị trí thường do quan chức quân đội nắm giữ.
Ngoại giới nhận định rằng, động thái bất thường này có thể là chỉ dấu cho thấy ông Kim Jong-un đang tìm cách để ghi dấu sức mạnh quốc gia về mặt chính trị, chứ không phải một chế độ của những cựu sĩ quan quân sự, những người có thể chỉ tập trung và thúc đẩy sức mạnh quốc phòng ở hậu trường.
Trước đây, ông Choe cũng đảm nhiệm vai trò đại diện đặc biệt cho ông Kim để thực hiện các chuyến thăm viếng nước ngoài.
Bộ trưởng Ngoại giao được trọng dụng
Ngoại trưởng Bắc Hàn Ri Yong-ho phát biểu tại Đại hộng đồng Liên Hiệp Quốc.
Ngoại giới biết tới ông Ri Yong-ho nhiều hơn sau khi vị Bộ trưởng Ngoại giao Bắc Hàn có bài phát biểu đáng chú ý tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York vừa qua. Trước đại diện của gần 200 nước, ông Ri đã mỉa mai ông Donald Trump là “Tổng thống xấu xa”.
Sau đó, Ngoại trưởng Ri Yong-ho đã được ông Kim Jong-un thăng chức vào Bộ chính trị.
Ông Ri là nhà ngoại giao có uy tín và nhiều kinh nghiệm đàm phán với Mỹ. Ông cũng đã có vai trò chính trong Đảng Lao động từ 18 tháng trước.
Với sự hiểu biết của mình về Hoa Kỳ, ông Ri chắc chắn sẽ giữ vai trò quan trọng trong các cuộc họp cấp cao của chế độ Bắc Hàn thảo luận và quyết định những vấn để chiến lược.
Pak Thae-song mới thực sự là “người tên lửa”
Trợ lý thân cận của ông Kim Jong-un, ông Pak Thae-song là cựu phó giám đốc Cục Định hướng Tổ chức WPK, với vai trò chính trong sản xuất các động cơ hỏa tiễn.
Năm 2014, ông Pak được bổ nhiệm làm Bí thư tỉnh ủy Nam Pyongan, vị trí mà theo đó ông được giao nhiệm vụ giám sát những thay đổi đối với một nhà máy sản xuất tên lửa và động cơ tên lửa.
Tại Đại hội WPK vừa qua, ông Pak đã được thăng chức vào Bộ chính trị.
Những động thái về nhân sự mới nhất nêu trên của ông Kim Jong-un được cho là để củng cố sức mạnh của chế độ Bắc Hàn sau khi chính quyền Trump gần đây ám chỉ có thể có xung đột vũ trang trên bán đảo Triều Tiên.
Phát biểu tại Căn cứ Không quân Minot vào cuối tuần qua, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence nói rằng Bắc Triều Tiên “không bao giờ được nghi ngờ về khả năng” của Lực lượng Vũ trang Quốc gia Hoa Kỳ.
“Mặc dù Tổng thống Trump đã nói rõ rằng Hoa Kỳ có ‘sức mạnh và sự kiên nhẫn lớn lao’, nhưng tất cả các lựa chọn đều đã sẵn sàng”, ông Pence nhấn mạnh.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis đang có chuyến công du Hàn Quốc cũng khẳng định rằng mối đe dọa tấn công hạt nhân từ Bắc Hàn đang ngày càng tăng cao.
Tướng Mattis nói: “Bắc Hàn đã đẩy nhanh mối đe dọa mà nước này đặt lên các nước láng giềng và thế giới thông qua các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo không cần thiết và bất hợp pháp”.
Hùng Cường
Xem thêm:
Từ khóa Kim Jong Un Bắc Hàn căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên Bắc Triều Tiên