The Economist: Sức hấp dẫn của việc kinh doanh tại Trung Quốc đang biến mất
- Cổ Vọng Cầm
- •
Chuyên mục Schumpeter của tờ The Economist đã đăng một bài blog bình luận chỉ ra rằng đã có quá đủ lý do để các công ty lớn, các nhà đầu tư phương Tây suy nghĩ về một lối thoát (rút khỏi thị trường Trung Quốc), sức hấp dẫn của Trung Quốc đối với các công ty đa quốc gia phương Tây đang biến mất.
Chuyên mục Schumpeter của The Economist là một blog thảo luận về kinh doanh, tài chính và quản lý, được đặt theo tên của ông Joseph Schumpeter (1883-1950), một nhà kinh tế chính trị người Áo có tầm ảnh hưởng sâu rộng.
The Economist nói ở đầu bài báo rằng việc các công ty nước ngoài phải chịu đựng những cú đánh của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không có gì là mới mẻ. Trong thời kỳ đầu cách mạng, đội quân chiến thắng của Mao Chủ tịch không trực tiếp tịch thu tài sản thuộc sở hữu nước ngoài giống như những người đi trước Bolshevik (Đảng Cộng sản Liên Xô) của họ đã làm ở Nga. Thay vào đó, họ trưng thu những khoản thuế cao hơn và khoản phạt khổng lồ, đến mức khiến các công ty nước ngoài kiệt quệ và cuối cùng phải buông bỏ tài sản của mình. Một học giả người Israel, ông Aron Shai, đã ‘khai quật’ được một trường hợp đáng nhớ, đó là vào năm 1954, một nhà công nghiệp người Anh đã tuyên bố giao nộp tất cả mọi thứ “từ nhà kho lớn đến bút chì và giấy” cho ĐCSTQ.
Mặc dù các công ty đa quốc gia đã quay trở lại Trung Quốc sau khi cải cách mở cửa, nhưng chính quyền Bắc Kinh vẫn tiếp tục “vạch lá tìm sâu”, bao gồm mọi thứ, từ chuyển giao công nghệ đến tự do đầu tư của công ty. Hoạt động của các công ty phương Tây ở Trung Quốc khó khăn như vậy, họ cảm thấy rằng một ngày nào đó Trung Quốc có thể tìm cách thay thế họ. Có lẽ một số công ty phương Tây đã cảm thấy có chút hả hê nhất thời khi chứng kiến cuộc thanh trừng xã hội chủ nghĩa gần đây của ĐCSTQ đối với các doanh nghiệp lớn của nước họ, tuy nhiên, những thủ đoạn hà khắc của ĐCSTQ cũng đủ khiến các nhà quan sát phương Tây rùng mình. Theo ông Kenneth Jarrett, một quan sát viên kỳ cựu về Trung Quốc tại công ty tư vấn Albright Stonebridge Group ở Thượng Hải, cho biết câu hỏi thường trực của mọi người chính là, “Ai có thể sẽ là người tiếp theo?”
Các cuộc đàn áp xảy ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và phương Tây khiến các công ty đa quốc gia bị mắc kẹt trong tình trạng lấp lửng về pháp lý. Đối với nhiều người, mặc dù sức cám dỗ của Trung Quốc vẫn không thể cưỡng lại được, nhưng những rủi ro đang bắt kịp những lời hứa hẹn.
Bài viết phân tích, ngoài một số ngân hàng và công ty quản lý tài sản phương Tây đã đầu tư mạnh vào Trung Quốc và gặt hái được thành công trong những tháng gần đây, còn có một số loại công ty đa quốc gia đang gặp rủi ro. Một nhóm là những công ty bán hàng xa xỉ ở Trung Quốc, chẳng hạn như túi xách 3.000 USD và ô tô thể thao mạ vàng; nhóm còn lại là những công ty khiến người Trung Quốc tức giận với sự kiêu ngạo của phương Tây, chẳng hạn như nhà sản xuất ô tô điện Tesla; nhóm thứ ba bao gồm các nhà sản xuất thiết bị sản xuất tiên tiến và thiết bị y tế của châu Âu và Mỹ mà Trung Quốc cho rằng họ nên tự sản xuất.
Như thường lệ, lời đe dọa của ĐCSTQ đến dưới dạng các thông báo chính sách nghe có vẻ nhạt nhẽo. Đó là “thịnh vượng chung”, cụm từ bao hàm tất cả, nghe có vẻ như giảm bất bình đẳng xã hội, ưu ái hơn cho người lao động và khách hàng, cho đến bảo vệ những thanh niên chịu áp lực quá mức. Nhưng trên thực tế, “thịnh vượng chung” rõ ràng đã làm suy yếu các công ty công nghệ, ngành dạy thêm và trò chơi điện tử của Trung Quốc, những công ty đã mất hàng trăm tỷ đô la giá trị thị trường do các cuộc đàn áp của chính phủ. Đồng thời, các công ty đa quốc gia phương Tây cũng bị ảnh hưởng. Sau khi các nhà đầu tư cuối cùng coi trọng chương trình “thịnh vượng chung” của ông Tập Cận Bình, trong vài ngày đầu tháng 8, giá trị của các thương hiệu cao cấp châu Âu như nhà cung cấp túi xách Gucci Kering Group và LVMH đã giảm mạnh 75 tỷ USD.
Bài báo cũng chỉ ra rằng “tuần hoàn kép” là một từ thông dụng khác có âm hưởng đáng lo ngại. Đây là một nỗ lực nhằm thúc đẩy sự tự chủ về tài nguyên thiên nhiên và công nghệ, một phần để đối phó với lo ngại rằng sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp phương Tây có thể khiến Trung Quốc dễ bị tổn thương trước các áp lực địa chính trị và thương mại. Tuy nhiên, khẩu hiệu chính trị này sẽ dẫn đến việc giảm nhập khẩu công nghệ và lựa chọn đầu tiên là “mua hàng Trung Quốc”, cả hai điều này đều là mối đe dọa đối với các công ty đa quốc gia phương Tây ở Trung Quốc. Ông Friedolin Strack thuộc Liên đoàn các ngành công nghiệp Đức (BDI) chỉ ra rằng, các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã nhận được hướng dẫn mua sắm bắt buộc các thiết bị trong nước như máy chụp X-quang và thiết bị radar.
Bài viết cũng đưa ra nhận định về tình trạng hiện nay. Một mặt, Mỹ, châu Âu và các đồng minh đang trong cuộc cạnh tranh địa chính trị với Trung Quốc, nước mà họ cáo buộc vi phạm nhân quyền ở những nơi như Tân Cương, nơi sinh sống của người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ bị áp bức. Đồng thời họ cũng muốn hạn chế các công ty phương Tây bán một số công nghệ nhất định cho Trung Quốc cũng như hạn chế các công ty phương Tây mua bông và tấm pin mặt trời từ Tân Cương. Mặt khác, Trung Quốc tuyên bố có quyền trả đũa các công ty mà họ cho rằng đang nhúng tay vào địa chính trị. Trước tình hình đó, ông Jörg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, cho rằng quy mô thị trường Trung Quốc quá lớn nên những lo ngại này không thể là vấn đề lớn. Ông cũng tin rằng “rủi ro lớn nhất không nằm ở Trung Quốc.”
Tuy nhiên cuối cùng, bài viết đã kết luận rằng bất kỳ ai có tầm nhìn dài hạn đều có thể nhìn thấy quyền lực cá nhân không thể bàn cãi của ông Tập Cận Bình, và canh bạc của ông Tập để định hình lại nền kinh tế Trung Quốc cũng như bối cảnh địa chính trị đen tối là quá đủ lý do để suy nghĩ về một lối thoát (rút khỏi Trung Quốc). Cũng giống như những ngày hậu cách mạng, đôi khi chỉ cần một vụ đe dọa quá đáng để thuyết phục những nhà công nghiệp ngoan cường nhất từ bỏ.
Cổ Vọng Cầm, Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa Tập Cận Bình Dòng sự kiện sự thịnh vượng chung