Tạ Điền: “Thịnh vượng chung” của ông Tập Cận Bình thực chất là gì?
- Lý Tịnh Nhữ
- •
Ngày 1/9, ông Trương Duy Nghênh (Zhang Weiying), giáo sư kinh tế tại Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc, đã công bố một bài báo tại Diễn đàn Kinh tế Trung Quốc, thu hút sự chú ý của truyền thông và trên mạng internet trong và ngoài Trung Quốc. Trong bài viết, ông Trương Duy Nghênh đã chỉ: Nếu chúng ta củng cố niềm tin vào nền kinh tế thị trường và tiếp tục thúc đẩy các cải cách theo định hướng thị trường, Trung Quốc sẽ tiến tới thịnh vượng chung. Nếu chúng ta mất niềm tin vào thị trường, đưa vào ngày càng nhiều sự can thiệp của chính phủ, thì Trung Quốc chỉ có thể tiến tới đói nghèo chung. Được biết những nhận xét của ông Trương đã làm dấy lên các cuộc thảo luận sôi nổi trên Internet. Vậy, liệu “thịnh vượng chung” hiện nay của ông Tập Cận Bình có thể tiếp tục? Phóng viên Vision Times đã phỏng vấn Tiến sĩ Tạ Điền, hiện đang giảng dạy tại Trường Kinh doanh Aiken thuộc Đại học Nam Carolina, Mỹ.
Kinh tế Trung Quốc đã là một đống rối ren
Có thông tin cho rằng không chỉ các học giả ở nước ngoài mà cả các học giả Trung Quốc Đại Lục cũng có quan điểm khác nhau về “sự thịnh vượng chung” của ông Tập Cận Bình. Bên ngoài Trung Quốc cũng có không ít bài báo và bình luận nói rằng ông Tập Cận Bình “cắt rau hẹ” trong người dân mà không có chút e dè gì như thế này, giống như đích thân bóp chết nền kinh tế Trung Quốc. Vậy, mục đích của việc ông Tập Cận Bình làm việc này là gì? Tiến sĩ Tạ Điền cho biết: “Điều này nên bắt đầu với hiện trạng của nền kinh tế Trung Quốc. Tất cả chúng ta đều biết về tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nói rằng nền kinh tế Trung Quốc hiện đứng thứ hai trên thế giới, vượt qua một số nước như Nhật, Đức, v.v. Tuy nhiên có thể nói rằng dữ liệu kinh tế của Trung Quốc là giả. Trên thực tế, tôi đã đưa ra vấn đề này trong cuốn “Túi tiền của Rồng Đỏ” xuất bản tại Đài Loan năm 2013.
Mọi người đều biết rằng Liên Xô tan rã vào năm 1991. Sau Phong trào ngày 4/6/1989 ở Trung Quốc (thảm sát Thiên An Môn), chính quyền các nước Cộng sản Liên Xô và các nước Đông Âu tan rã. Ngay trước khi Liên Xô sụp đổ, vào thời điểm đó, những người cộng sản ở Liên Xô cũ, còn có các nhà kinh tế và học giả, đã tuyên truyền rằng nền kinh tế của Liên Xô sắp đuổi kịp Mỹ.
Trên thực tế, nhiều nhà kinh tế, nhiều kênh truyền thông, và thậm chí cả các cơ quan tình báo của Chính phủ Mỹ tại Mỹ còn tin rằng nền kinh tế tổng thể của Liên Xô đã đạt 70 – 80% so với Mỹ.
Vào thời điểm đó, mọi người đều thấy rằng, ví dụ như Liên Xô đã phóng rất nhiều tên lửa và vệ tinh, cũng sở hữu như một số lượng lớn vũ khí hạt nhân và tên lửa. Trong cuộc chạy đua vũ trụ giữa Mỹ và Liên Xô, Liên Xô thậm chí đã vượt qua Mỹ và đưa nhà du hành vũ trụ của Liên Xô Gagarin vào không gian. Trên thực tế, đây là quốc gia đầu tiên đưa nhân loại lên vũ trụ. Tất nhiên, sau đó chúng ta cũng biết được rằng Mỹ đã lấy lại được phần nào thể diện bằng cách đưa người lên mặt trăng thông qua dự án Apollo.
Vì vậy vào thời điểm đó, mọi người đều tin rằng nền kinh tế Liên Xô lớn mạnh như thế nào. Nhưng sau khi Đảng Cộng sản Liên Xô sụp đổ, người ta mới đột nhiên phát hiện ra, ồ, đây là một mớ hỗn độn kinh tế khổng lồ, có quá nhiều giả dối. Quy mô thực tế của nền kinh tế Liên Xô thực sự chỉ bằng 1/10 so với những gì họ khoe khoang. Trên thực tế, nền kinh tế Trung Quốc là như vậy. Chúng ta có thể thấy nhiều thứ bề ngoài nguy nga tráng lệ ở Trung Quốc. ĐCSTQ cũng tham gia vào một cuộc chạy đua không gian, xây dựng trạm vũ trụ và phóng phi hành gia.
Điều tôi muốn nói là tình hình kinh tế Trung Quốc hiện nay rất, rất nghiêm trọng. Một số lượng lớn các doanh nghiệp đã đóng cửa, một số lượng lớn các cửa hàng đóng cửa, bây giờ ĐCSTQ cũng đang đàn áp các cơ sở đào tạo, hàng trăm ngàn cơ sở đào tạo sắp đóng cửa hoặc đã đóng cửa. Ngoài ra, ngoại hối của Trung Quốc cũng eo hẹp, và ĐCSTQ bị thâm hụt tài chính nghiêm trọng. Hiện tại, trong hơn 30 tỉnh, thành phố và khu tự trị, chỉ có thu nhập tài chính của Thượng Hải có thể chi trả, còn 29 nơi khác thì thu không đủ chi, thiếu nợ rất nhiều.”
Thâm hụt tài chính nghiêm trọng dẫn đến chính quyền ĐCSTQ bất ổn
Tiến sĩ Tạ Điền phân tích và chỉ ra: “Tôi cho rằng quyền lực chính trị hiện tại của ĐCSTQ hiện đang đối mặt với khủng hoảng rất lớn, tức là khủng hoảng kinh tế trầm trọng sẽ khiến chính quyền của ĐCSTQ sụp đổ bất cứ lúc nào. Vì vậy, tất cả những điều mà ĐCSTQ và ông Tập Cận Bình đang làm hiện nay đều là tìm cách duy trì sự tồn tại của ĐCSTQ về mặt kinh tế. Nếu nhìn nó từ góc độ này thì sẽ thấy, ví dụ, đàn áp những công ty được niêm yết trên sàn chứng khoán ở nước ngoài, chẳng hạn như Didi Chuxing, là để thu hồi tiền của những công ty này. Còn ép buộc các tập đoàn công nghệ cao như Alibaba của Jack Ma quyên góp, gọi là quyên góp tự nguyện. Các công ty lớn này quyên góp hàng chục tỷ, hàng chục tỷ nhân dân tệ.
Hơn nữa, phạm vi của cuộc đàn áp, từ lĩnh vực internet, các doanh nghiệp công nghệ cao, thương mại điện tử và các doanh nghiệp tư nhân khác, đến nay là những người nổi tiếng trong ngành giải trí cũng bắt đầu bị cướp đoạt tài sản. Vì vậy, mục tiêu của ông Tập Cận Bình không phải là làm sụp đổ nền kinh tế Trung Quốc, mà thực chất là để bảo vệ ĐCSTQ và duy trì địa vị của ông ấy. Nói trắng ra, chính quyền này đã không còn tiền. Dưới áp lực quốc tế và đối ngoại to lớn, chẳng hạn như các lệnh trừng phạt của Mỹ, sự dịch chuyển của chuỗi công nghiệp quốc tế và còn có thuế quan của ông Trump, dẫn đến nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn.
Lúc này, ông ấy không phải muốn làm sụp đổ kinh tế Trung Quốc, đương nhiên cũng hy vọng kinh tế Trung Quốc rất mạnh, như thế thì ông ấy mới có vốn. Nhưng chính phủ Trung Quốc không có tiền nên phải vơ vét từ người dân. Bây giờ những ‘gã khổng lồ’ và doanh nghiệp tư nhân này, thành lập những liên đoàn lao động để ĐCSTQ hạ thủ lưu tình. Điều này là vô ích. Bởi vì chúng ta biết rằng các tổ chức công đoàn của Trung Quốc đều là giả và không thực sự đại diện cho lợi ích của người lao động. ĐCSTQ sẽ không nhân từ, họ sẽ yêu cầu thành lập các chi bộ Đảng trong công ty. Hiện tại có rất nhiều công ty đã thành lập chi bộ Đảng. Bước tiếp theo, bí thư chi bộ xin vào hội đồng quản trị công ty và có một suất trong hội đồng quản trị. Sau đó, khi ban giám đốc của công ty bắt đầu đưa ra quyết định, người đó sẽ phát biểu. Nếu việc kinh doanh của công ty, doanh nghiệp không phù hợp với yêu cầu của ĐCSTQ, hoặc không ‘tiếp máu’ cho ĐCSTQ, thì bí thư đảng sẽ phát biểu trong hội đồng quản trị, ai muốn chống lại, thì chính là chống lại ĐCSTQ. Vì vậy, tương đương với việc đưa tất cả các doanh nghiệp tư nhân này về thành quốc hữu, trên thực tế, đó là một quá trình quốc hữu hóa. Đây là mục đích của ông Tập Cận Bình.”
Đấu đá nội bộ trong cao tầng của ĐCSTQ
Gần đây trên mạng internet có một người tên Lý Quang Mãn (Li Guangman) đã viết một bài bình luận với tiêu đề “Mỗi người đều có thể cảm thấy được một sự thay đổi sâu sắc đang được tiến hành!“.
Bài viết này đã được các kênh truyền thông chính thức hàng đầu của ĐCSTQ đăng tải lại và nhanh chóng lên men trên Internet. Về vấn đề này, Tiến sĩ Tạ Điền nói rằng đằng sau sự kiện này thực sự có một một bối cảnh. “Sau đó, ông Hồ Tích Tiến của Thời báo Hoàn Cầu đã công khai phản bác lại bài viết đó. Chúng ta thấy rằng bài viết phản bác của ông Hồ Tích Tiến được đưa ra, bị xóa, rồi lại xuất hiện lại. Từ hiện tượng này, có thể thấy rằng quan điểm của ông ấy thực sự đã phản ánh nội bộ ĐCSTQ có hai đường lối, hoặc hai phương thức bảo vệ đảng. Từ quan điểm của ông Tập Cận Bình, ông ấy muốn giữ đảng và ngăn chặn sự sụp đổ của đảng hoặc trì hoãn sự sụp đổ của đảng, cụ thể là quay sang hướng tả và quay trở lại thời Mao, hoàn toàn đi lùi lại, quay trở lại nền kinh tế kế hoạch gồm mua bán thống nhất tập trung. Tất nhiên chúng ta biết rằng đây là một ngõ cụt. Những người này cũng chủ trương thực hiện Cách mạng Văn hóa một lần nữa.
Phe còn lại rõ ràng là phe đã bị ảnh hưởng trong Cách mạng Văn hóa, hoặc bây giờ đã cởi mở hơn một chút, hoặc chủ trương tiếp tục cải cách mở cửa, hoặc đã được hưởng lợi từ cải cách và mở cửa. Tất nhiên, họ hy vọng sẽ tiếp tục mở cửa và kiếm được nhiều tiền hơn, trong trường hợp này, họ có thể sử dụng sự giàu có này để bảo vệ ĐCSTQ. Bạn có thể thấy rằng mục tiêu cuối cùng là giống nhau, đó là làm thế nào để bảo vệ ĐCSTQ thông qua một cách tiếp cận tả khuynh hoặc hữu khuynh. Bây giờ đối với ông Tập Cận Bình, bạn có thể nói rằng ông ấy đang ở giữa hai phe này, vật lộn với phe tả khuynh và phe hữu khuynh, trong đó ông ấy hy vọng đạt được sự cân bằng, duy trì địa vị của chính mình và tiếp tục làm hoàng đế. Đây là mục đích của ông ấy. Lần này Lý Quang Mãn và Hồ Tích Tiến đã công khai tranh cãi và công khai đấu đá với nhau, điều này thực tế cho thấy rằng cuộc đấu đá giữa hai phe của ĐCSTQ cũng rất kịch liệt.”
Bắc Kinh xây dựng sàn giao dịch chứng khoán, ông Tập Cận Bình xây lò khác?
Ông Tạ Điền cho rằng từ thông báo gần đây của ông Tập Cận Bình về việc thành lập sàn giao dịch chứng khoán ở Bắc Kinh, chúng ta có thể thấy một số manh mối của cuộc đấu đá nội bộ ở cấp cao nhất của ĐCSTQ. “Đây là một điều rất kỳ lạ. Trên thực tế, Trung Quốc cần nhiều hơn thế. Tôi nghĩ rằng họ cần một sàn giao dịch điện tử tương tự như Nasdaq.
Giống như Mỹ trước đây, ngoài sàn giao dịch New York, vài chục năm trước còn có các sàn giao dịch chứng khoán ở Philadelphia, Atlanta và Chicago. Về sau các sàn này dần dần đóng cửa, phải chăng là không cần? Do các công cụ liên lạc điện tử và giao thông ngày càng phát triển nên không cần quá nhiều địa điểm giao dịch thực thể như vậy nữa.
Nếu mục đích của việc Trung Quốc thành lập sàn giao dịch chứng khoán ở Bắc Kinh là dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các ngành công nghiệp đổi mới, thì nước này thực sự nên thành lập một sàn giao dịch điện tử tương tự như Nasdaq ở Mỹ. Giao dịch điện tử nên được xây dựng ở những nơi gần nhất với các ngành công nghiệp đổi mới của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong các khu vực năng động nhất của nền kinh tế Trung Quốc. Chẳng hạn như đồng bằng sông Dương Tử và đồng bằng sông Châu Giang, ở Quảng Châu, Giang Tô và Chiết Giang, nơi những nhân tài tụ hội. Chọn Hàng Châu tốt hơn Bắc Kinh.
Bạn thấy sự lựa chọn của ông ấy rất kỳ lạ. Phải có một lý do đằng sau điều kỳ lạ này. Tôi nghĩ có thể là ông Tập Cận Bình không có cách nào kiểm soát được các sàn chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến hay giới tài chính ở những nơi này, những nơi đó có lẽ là nơi ban đầu của phe phái của những người như Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân, và họ vẫn nắm chắc giới tài chính và các sàn giao dịch chứng khoán. Vì vậy, ông Tập Cận Bình bây giờ muốn bắt đầu lại mới, và muốn thay thế những nơi đó.
Vì vậy theo quan điểm này, nó cũng là một loại biểu hiện của cuộc đấu đá nội bộ ở cao tầng của ĐCSTQ, một quá trình của trận chiến quyết định. Liệu có phải là một mất một còn? Chúng ta vẫn phải xem thêm. Ví dụ, gần đây có tin đồn rằng ông Tập Cận Bình hạ đài, nói rằng ông ấy đã chọn người kế nhiệm, tôi nghĩ các thông tin này đều là vô căn cứ. Ông Tập Cận Bình muốn trở thành Hoàng đế Tập Cận Bình, thì ông ấy phải tái đắc cử tại Đại hội đại biểu toàn quốc ĐCSTQ lần thứ 20. Làm sao ông lại có thể đi chọn người kế nhiệm? Điều này là không thể. Do đó, những tin đồn về người kế nhiệm này trong nội bộ ĐCSTQ cũng phản ánh rằng nội bộ ĐCSTQ đang đấu đá rất kịch liệt.”
Phân phối của cải xã hội Trung Quốc theo hình dạng nào?
Tiến sĩ Tạ Điền chỉ rõ thêm: “Tôi nhớ lần trước Học Viện Chính trị Trung ương ĐCSTQ hoặc các quan chức cấp cao đã ban hành kế hoạch kinh tế Trung Quốc. Thực tế cũng là thừa nhận rằng nền kinh tế Trung Quốc giống mô hình quả ô liu, nghĩa là cấu trúc xã hội đang tiến về và biến đổi theo hình dạng quả ô liu. Tức là nhỏ ở hai đầu và ở giữa thì phình to. Điều này thường xảy ra trong một xã hội bình thường.
Ví dụ, ở Mỹ, những người rất giàu là thiểu số, và những người rất nghèo cũng là thiểu số. Người Mỹ phần lớn đều là tầng lớp trung lưu. Tại Mỹ rất dễ để trở thành tầng lớp trung lưu, nói chung, một người sau khi tốt nghiệp đại học thì sẽ bước vào tầng lớp trung lưu với mức lương hàng năm là 40.000 hoặc 50.000 USD. Vì vậy, đối với hầu hết mọi người, nếu mức lương hàng năm không vượt quá 100.000 USD thì cũng thuộc tầng lớp trung lưu. Về cơ bản họ là những người đã qua giáo dục trung học.
Cấu trúc xã hội của Trung Quốc không giống như vậy, tầng lớp giàu có ở Trung Quốc rất ít, và hầu hết Trung Quốc đều ở trong tình trạng tương đối nghèo, Trung Quốc là kết cấu hình kim tự tháp ngược. Do đó, nếu ĐCSTQ nói rằng họ muốn quá độ sang kết cấu hình quả ô liu hoặc biến đổi, điều đó chỉ có nghĩa là Trung Quốc không có kết cấu xã hội bình thường theo hình quả ô liu và không có tầng lớp trung lưu khổng lồ.”
Tập Cận Bình “cắt rau hẹ” để bảo vệ ĐCSTQ
Tiến sĩ Tạ Điền cho biết, “thịnh vượng chung” của ông Tập Cận Bình là vì để để bảo vệ chính quyền nên không thể “thu hoạch” tài sản của bản thân ‘Hồng nhị đại‘ của ĐCSTQ, và chỉ có thể lấy người dân ra khai đao. “Ai là người giàu nhất hiện nay? Đầu tiên là 500 gia đình của ĐCSTQ. Những người này có thể không phô trương sự giàu có, cũng không phô trương sự giàu có của mình một cách cao sang như những ông chủ công ty internet hay những người nổi tiếng, bởi vì những ông chủ công ty internet hay những người nổi tiếng thì mọi người rất dễ biết về sự giàu có của họ.
Những người trong gia tộc của ĐCSTQ thì mọi người không biết sự giàu có thực sự của họ. Các tài khoản ngân hàng của họ ở Thụy Sĩ hiện nay có thể được Chính phủ Mỹ biết, nhưng người Trung Quốc thì không biết. Những người ở ngoài Trung Quốc rất khó biết, trừ phi là đến ngày ĐCSTQ sụp đổ thì chúng ta mới biết.
Vì vậy, cần nói rằng những người giàu nhất ở Trung Quốc, thực tế chính là những người ở tầng cao nhất trong các nhóm lợi ích của ĐCSTQ, cộng với các quan chức ĐCSTQ, ở cấp ủy trung ương hoặc cấp bộ trở lên, có lẽ số lượng không quá hai triệu người. Trung Quốc vẫn còn một số người giàu có, đó là những doanh nhân của các doanh nghiệp tư nhân và những người có tài nghệ đặc biệt như ngôi sao điện ảnh và ngôi sao bóng đá. Những người này tạo thành tầng lớp giàu có ở Trung Quốc.
Vậy thì “thịnh vượng chung” của ông Tập Cận Bình hiện giờ có nghĩa là gì? Đương nhiên ông ấy sẽ không “thu hoạch” của cải bản thân, của cải của các nhóm lợi ích của ĐCSTQ, người của ĐCSTQ, những người họ Triệu (người trong gia tộc quyền quý trong ĐCSTQ), hồng nhị đại, hồng tam đại, sẽ không động vào của cải của những người đó. Nếu thu hoạch thì chính là doanh nghiệp tư nhân, công ty tư nhân niêm yết trên thị trường chứng khoán, các minh tinh. Bây giờ chúng ta thấy rằng ông ấy đang đàn áp nhóm những người này, ông ấy đang thu hoạch những “cây rau hẹ” cứng cáp và màu mỡ ở khu vực tư nhân và sử dụng chúng cho chính quyền ĐCSTQ.”
Lý Tịnh Nhữ, Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa Tập Cận Bình Dòng sự kiện Tạ Điền sự thịnh vượng chung