Thỏa thuận bí mật cho phép đặc vụ ĐCSTQ vào Thụy Sĩ để thẩm vấn công dân TQ
- Xuân Lan
- •
Tuần này, Thụy Sĩ đã bác bỏ mạnh mẽ những cáo buộc về một thỏa thuận bí mật cho phép các quan chức ĐCSTQ vào Thụy Sĩ để thẩm vấn công dân Trung Quốc, khiến những người bất đồng chính kiến có thể gặp rủi ro.
Theo AFP, Thụy Sĩ đã ký một thỏa thuận được gọi là “tái tiếp nhận” với Trung Quốc vào năm 2015. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã hết hạn vào ngày 7/12.
Thỏa thuận này đã được tờ báo Thụy Sĩ NZZ tiết lộ hồi tháng 8, bao gồm những điều khoản cho phép các đặc vụ Trung Cộng đến nước này và thẩm vấn các công dân Trung Quốc nhằm trong diện Thụy Sĩ muốn trục xuất.
Nhóm NGO Safeguard Defenders (Bảo vệ An toàn) tuần này đã công bố văn bản của thỏa thuận, cùng với một báo cáo về việc nó khác với các thỏa thuận tương tự với các nước khác như thế nào và có thể gây ra mối đe dọa đối với “những người mà chính phủ Trung Quốc muốn được trả lại”.
Peter Dahlin, người đứng đầu tổ chức, nói với AFP rằng các chi tiết được đưa ra ánh sáng “sẽ làm hoen ố danh tiếng của Thụy Sĩ”.
Sau tiết lộ ban đầu về thỏa thuận vào tháng 8, nhà bất đồng chính kiến ở Hong Kong, Joshua Wong, đã lên Twitter, chỉ trích bản chất bí mật của thỏa thuận.
“5 năm sau khi thỏa thuận bí mật được ký kết mà không có Nghị sĩ Thụy Sĩ nào nghe nói về thỏa thuận này”, anh tweet vào ngày 24/8, cảnh báo rằng “những người bất đồng chính kiến lưu vong” từ Hồng Kông, Đài Loan và các nơi khác, có thể có nguy cơ bị dẫn độ về Trung Quốc.
[Secret deal: China’s security cops can investigate in #Switzerland]
1. @NZZaS: #China & #Swiss signed a secret deal in 2015 allowing #Beijing‘s security officers to investigate Chinese nationals WITHIN #Switzerland for 2 weeks, even w/o official status.https://t.co/YDEZcYtso9
— Joshua Wong 黃之鋒 😷 (@joshuawongcf) August 24, 2020
Trong khi đó, Bộ Di trú Thụy Sĩ thẳng thừng phủ nhận rằng không có bất cứ điều gì bí mật về thỏa thuận với Trung Quốc, nhấn mạnh rằng đây là một “thỏa thuận kỹ thuật” tiêu chuẩn, giống như những thỏa thuận mà Bộ đã ký kết với khoảng 60 quốc gia khác.
Mặc dù thỏa thuận chưa bao giờ được đăng công khai như nhiều thỏa thuận khác, nhưng nó “có thể được yêu cầu bất cứ lúc nào”, Bộ cho biết trong một tuyên bố.
Người phát ngôn của Bộ Reto Kormann cũng nhấn mạnh với AFP trong một email rằng những người bị coi là bị đe dọa, như người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ hoặc người Tây Tạng, sẽ không bị xem xét trục xuất và “sẽ không bị các quan chức Trung Quốc thẩm vấn”.
Bộ cho biết thỏa thuận với Trung Quốc đã được đưa vào sử dụng một lần trong 5 năm qua vào năm 2016.
Trong chuyến công tác đó, “hai quan chức Trung Quốc đã ở lại Thụy Sĩ trong vài ngày để phỏng vấn tổng cộng 13 người”, Bộ cho biết.
Bộ Di trú Thụy Sĩ dự kiến sẽ gia hạn thỏa thuận trước khi nó hết hạn vào ngày 7/12.
Sau khi thỏa thuận được tiết lộ vào tháng 8, các đảng cánh tả đã kêu gọi tăng cường giám sát và vấn đề hiện sẽ được Quốc hội thảo luận trong những tháng tới.
Sau đó, phát ngôn viên của Bộ Daniel Bach nói với AFP, các cuộc đàm phán với các nhà chức trách Trung Quốc về việc khôi phục thỏa thuận sẽ bắt đầu.
Ông nói: “Việc gia hạn thỏa thuận này là vì lợi ích của Thụy Sĩ.”
Báo cáo của Tổ chức Safeguard Defenders trong khi đó vẫn khẳng định rằng thỏa thuận của Thụy Sĩ với Trung Quốc không giống như các thỏa thuận của họ với các nước khác.
Báo cáo so sánh thỏa thuận của Thụy Sĩ – Trung Quốc với thỏa thuận giữa Thụy Sĩ với Thụy Điển, Ấn Độ, Hồng Kông và Anh, đồng thời cho biết họ nhận thấy những khác biệt rõ ràng.
“Nó khác rất nhiều,” ông Dahlin nói.
Trong khi các thỏa thuận như vậy thường được ký kết với các Cục xuất nhập cảnh hoặc Bộ Ngoại giao, thì thỏa thuận với Trung Quốc lại được ký với Bộ An ninh Công cộng của nước này, nơi xử lý các vấn đề về nhập cư, cũng như cảnh sát và tình báo.
Ông Dahlin nói, các “chuyên gia” Trung Quốc được cử đến không phải là các quan chức nhập cư, mà là các “đặc vụ”, đồng thời nói thêm rằng thỏa thuận cho phép họ “tự do đi lại, thực hiện các cuộc phỏng vấn và thẩm vấn mà không bị giám sát”.
Ông cảnh báo rằng các đặc vụ Trung Quốc cũng có thể di chuyển tự do khắp khu vực Schengen của Châu Âu, và điều này “rõ ràng sẽ là mối quan tâm lớn đối các quốc gia xung quanh Thụy Sĩ”.
Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong khi đó nói với AFP rằng những lời chỉ trích về thỏa thuận của họ với Thụy Sĩ là “hiểu sai sự thật”.
Bà nói: “Các nước châu Âu khác cũng tham gia hợp tác tương tự với Trung Quốc.”
Xuân Lan (t/h)
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện Thụy Sĩ đặc vụ Trung Quốc