Thông điệp “Bành Soái ở đâu” được lan truyền tại giải quần vợt Úc
- Bình Minh
- •
Các nhà vận động phân phát áo thun “Bành soái ở đâu?” tại giải quần vợt Úc mở rộng (AO) cho biết, họ sẽ đưa chiến dịch này đến các giải chuyên nghiệp khác cho đến khi họ cảm thấy an tâm về sự an toàn của Bành Soái.
Ngày 29/1/2022, trong ngày thứ 13 của Giải Úc mở rộng ở Melbourne, khán đài xuất hiện các khán giả mặc áo phông “Bành Soái ở đâu”. (Ảnh: Getty Images)
Vào thứ Bảy (29/1), trong ngày thi đấu cuối cùng của giải quần vợt Úc mở rộng (AO) dành cho nữ, các nhà vận động đã tận dụng lợi thế của việc đảo ngược lệnh cấm trước đó bằng cách tặng những chiếc áo phông có in dòng chữ “Bành Soái ở đâu?” (Where’s Peng Shuai?).
Nhà vận động Drew Pavlou tại thành phố Brisbane (Úc) đã tweet vào lúc 7 giờ tối: “Chúng tôi đã chính thức phân phát xong những chiếc áo phông ‘Bành Soái ở đâu?’ bên ngoài lối vào chính của trận chung kết Úc mở rộng, tổng cộng đã phân phát 1000 chiếc. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều này cho đến khi cô ấy (Bành Soái) an toàn.”
“Sẽ không ai quên Bành Soái, và sẽ không ai khuất phục trước sự kiểm duyệt.”
Drew Pavlou đăng trên Twitter rằng cuối tuần trước, ban tổ chức AO đã báo cảnh sát và yêu cầu các tình nguyện viên cởi áo phông có dòng chữ “Bành Soái đang ở đâu?”. Video đăng trên mạng xã hội cho thấy an ninh AO tịch thu áo phông và biểu ngữ “Bành Soái đang ở đâu?”. Ban tổ chức AO bảo vệ quyết định tịch thu áo phông của mình, và nói rằng giải đấu không cho phép bất kỳ trang phục, biểu ngữ hoặc khẩu hiệu thương mại, chính trị nào được bước vào sân thi đấu.
Khi vụ việc thu hút sự chú ý của giới truyền thông quốc tế, ngày 25/1, Chủ tịch giải Úc mở rộng Craig Tiley cho biết, người hâm mộ có thể mặc áo phông “Bành Soái” để xem trận đấu miễn là không gây nhiễu đến trận đấu.
Max Mok, một người Úc lớn lên ở Hồng Kông, nói với Reuters khi anh phát một số áo phông rằng: “Một số người nói rằng đó là một chiến thắng cho chúng tôi, họ đã nhượng bộ về lệnh cấm.”
Bành Soái là cựu tay vợt đôi số một thế giới. Vào tháng 11/2021, cô thu hút sự chú ý trên mạng xã hội khi tiết lộ việc cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ xâm hại tình dục.
Tối 2/11 năm ngoái, Bành Soái đã đăng một bài viết dài hơn 1000 chữ trên tài khoản Weibo được xác minh bằng tên thật của cô. Bài viết tố cáo cựu Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ đã nhiều lần thực hiện “hành vi không đúng mực”, và vợ của ông Trương Cao Lệ là bà Khang Khiết (Kang Jie) cũng biết.
Bành Soái đã viết: “Vốn đã che giấu hết tất cả mọi thứ trong lòng, dù cơ bản ông không có dự định chịu trách nhiệm, vì sao lại còn muốn quay lại tìm tôi, đưa tôi đến nhà ông để bức ép tôi quan hệ với ông?”; “Đối với phó thủ tướng quyền cao chức trọng như ngài Trương Cao Lệ, ông đã nói ông không sợ, nhưng dù là lấy trứng chọi đá, thiêu thân lao vào chỗ chết tôi vẫn nói ra sự thật với ông. Với tài mưu lược của ông, ông chắc chắn phủ nhận hoặc chụp mũ lại tôi.”
Bài đăng trên Weibo của cô đã bị xóa sau 20 phút, sau đó Bành Soái đã biến mất khỏi tầm mắt của công chúng trong gần 3 tuần.
Tháng trước, Bành Soái cho biết cô chưa bao giờ cáo buộc ai về hành vi xâm hại tình dục, bài đăng trên mạng xã hội của cô đã bị hiểu nhầm. “Tôi chưa bao giờ nói hoặc viết rằng ai đó đã tấn công tình dục tôi. Tôi muốn nhấn mạnh điểm này. Về [bài đăng] Weibo, đó là một vấn đề riêng tư. Có vẻ như công chúng đã hiểu sai đáng kể,” cô nói trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Singapore.
Tuy nhiên, Hiệp hội quần vợt nữ (WTA) cho biết các quan ngại của họ về tình hình của cô đã chưa được giải đáp thích đáng. WTA cho biết sẽ tiếp tục kêu gọi “một cuộc điều tra đầy đủ, công bằng và minh bạch và không bị kiểm duyệt” về cáo buộc tấn công tình dục của ngôi sao quần vợt 35 tuổi.
Ông Trương Cao Lệ chưa hề lên tiếng hồi đáp về vấn đề này. Khi được hỏi về những chiếc áo phông, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng hành động này là đang “chính trị hóa thể thao”.
Max Mok: Vẫn còn chặng đường dài phía trước
Chris Lee, người cũng tham gia vào việc phân phát áo phông, cho biết anh lo lắng về tình hình của Bành Soái mặc dù cô lộ diện trong tình huống bị kiểm soát sau khi đưa ra các cáo buộc.
Max Mok nói: “Chúng ta không thực sự biết Bành Soái đang ở đâu và vẫn còn một chặng đường dài phía trước.
Khoảng 20 tình nguyện viên đứng ở mỗi lối vào, và ngoài áo phông, họ còn phát ruy băng và nhãn dán có dòng chữ “(Bành Soái) đã bị mất tích!”
Max Mok cho biết, phản hồi tại cổng mà anh nhận được chủ yếu là ủng hộ. Một nhà hoạt động khác cho biết Peter Costello, chủ tịch của Nine Entertainment Co., công ty sở hữu đài Nine Network (đơn vị tổ chức giải đấu), đã từ chối nhận áo phông khi vào sân, nhưng ông nói rằng ông ủng hộ những gì họ làm.
Trong suốt trận đấu, có thể nhìn thấy một số áo phông được phân phát giữa đám đông ở khán đài được giới hạn ở mức 80% sức chứa, còn có nhiều người đeo dải băng màu vàng.
Nhà hoạt động Drew Pavlou nói: “Tôi rất vui vì mọi người quan tâm đến Bành Soái”. Drew Pavlou đang cùng Max Mo thúc đẩy phong trào này.
“Chúng tôi chỉ ngồi đây và không làm gì cả, như thế sẽ không hiệu quả”. Anh nói với Reuters, “Ít nhất, chúng tôi phải nâng cao nhận thức của cộng đồng về các vấn đề nhân quyền nói chung ở Trung Quốc.”
Người hâm mộ: Tiếp tục lan truyền thông điệp “Bành Soái ở đâu?”
Ngày 29/1, Sadie Holland là một trong 20.086 người hâm mộ đã tập trung tại Công viên Melbourne vào thứ Bảy nói rằng cô đã mặc chiếc áo phông để nâng cao nhận thức của mọi người về sự kiện Bành Soái.
“Tôi đã nói chuyện với mọi người, như người nhà của chúng tôi ở đây hôm nay, trước khi chúng tôi mặc những chiếc áo phông này, họ không biết gì về việc này.” Cô nói muốn để “những người Úc bình thường chú ý đến nó [sự kiện Bành Soái].”
Sadie Holland nói phong trào này sẽ không kết thúc cùng với việc kết thúc giải quần vợt Úc mở rộng.
“Điểm dừng chân tiếp theo trong phong trào này này là giải Pháp mở rộng, (sau đó) là Wimbledon, (tiếp theo nữa là) giải Mỹ mở rộng.”
The Guardian đưa tin, Drew Pavlou đã bị phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên chặn trên Twitter trong tuần này. Anh cho biết một số tình nguyện viên đã tiếp cận anh trên mạng xã hội và hỏi anh rằng họ có thể giúp gì. Người sáng lập Liên minh Dân chủ Drew Pavlou là một trong những người quảng bá ban đầu cho việc dùng áo phông để lên tiếng ủng hộ Bành Soái.
Drew Pavlou sau đó đã khởi động một chiến dịch gây quỹ cộng đồng trên trang web “Go Fund Me” với mục tiêu 10.000 đô la Úc, chiến dịch này được hoàn thành chỉ trong 2 ngày và hiện đã huy động được hơn 21.000 đô la Mỹ. Họ đã sử dụng số tiền này để in 1.000 chiếc áo phông và làm hàng ngàn dải ruy băng.
Ngày 29/1, tên của ông Trương Cao Lệ lần đầu tiên xuất hiện trong một bản tin của truyền thông ĐCSTQ Tân Hoa Xã kể từ sau khi bị cáo buộc tấn công tình dục. Báo cáo liệt kê ông là một trong hơn 100 lãnh đạo cấp cao đã nghỉ hưu nhận được lời chúc dịp năm mới từ nhà lãnh đạo đương nhiệm của ĐCSTQ.
Vào cuối tháng 12 năm ngoái, trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Singapore Lianhe Zaobao, Bành Soái đã rút lại cáo buộc tấn công tình dục của mình. Lianhe Zaobao là một ấn phẩm bằng tiếng Trung thuộc sở hữu của Singapore News Holdings Ltd. do nhà nước kiểm soát.
Bình Minh (t/h)
Từ khóa Bành Soái Bành Soái ở đâu Trương Cao Lệ xâm hại tình dục