Thủ tướng Hungary: Nga nên tham gia hệ thống an ninh châu Âu
- Phan Anh
- •
Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho hay rằng Nga nên trở thành một phần trong hệ thống an ninh châu Âu, dù quốc gia này có một số khác biệt về yếu tố xã hội. “Nga khác biệt với chúng ta, hệ thống và xã hội Nga không phải như châu Âu. Tuy nhiên, Nga có thể và nên là một phần của hệ thống an ninh châu Âu”, Thủ tướng Hungary Viktor Orban nói trong cuộc phỏng vấn ngày 23/6. Thủ tướng Orban cho rằng hệ thống của Nga dường như dựa vào sức mạnh quân sự, khác biệt với hệ thống châu Âu, nhưng ông đề cao hợp tác dựa trên nhu cầu thực tiễn, thay vì khác biệt tư tưởng. Trong cuộc phỏng vấn này, Thủ tướng Hungary cũng thúc giục Mỹ nên lập tức đưa ra sáng kiến ngừng bắn ở Ukraine, do Tổng thống Mỹ là người duy nhất có thể thực hiện hai cuộc gọi mang tính quyết định tới cả Moscow và Kyiv. “Chúng ta nên dừng giết chóc. Chúng ta cần có không gian để tìm ra con đường dẫn tới hòa bình mà cả hai bên cũng như cả châu Âu đều có thể chấp nhận. Giải pháp đó nên hướng tới cấu trúc an ninh châu Âu mới, trong đó chúng ta đều có thể tồn tại”, ông Orban cho hay. Chưa rõ ông Orban muốn đề cập tới cấu trúc an ninh nào của châu Âu. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, tình hình an ninh châu Âu được định hình bởi cuộc cạnh tranh giữa khối NATO và Khối Warsaw. Sau khi Liên Xô tan rã, Khối Warsaw không còn tồn tại, nhưng NATO không giải tán mà tiếp tục mở rộng về phía đông. Trong nhiều năm qua, vấn đề thành lập một hệ thống an ninh châu Âu đã được nhiều bên thảo luận, trong đó có ý tưởng về Cấu trúc An ninh châu Âu Mới (NESA), nhưng đến nay chưa thành hiện thực. Quan hệ giữa NATO và Nga gần đây ngày càng căng thẳng liên quan đến chiến sự Ukraine. Thủ tướng Hungary được xem là lãnh đạo có lập trường thân thiện với Nga nhất trong các thành viên NATO. Ông đã nhiều lần kêu gọi thành viên liên minh hạn chế can thiệp vào cuộc chiến tại Ukraine, ủng hộ thúc đẩy Kyiv và Moscow đàm phán thay vì viện trợ vũ khí cho Ukraine cũng như kéo dài chiến sự. Phan Anh
Từ khóa Dòng sự kiện Thủ tướng Hungary xung đột Nga - Ukraine