Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang đi dần về cuối chuyến công du Châu Âu một tuần. Ông Trump đã tham dự thượng đỉnh NATO hai ngày tại Brussels, Bỉ; thăm Anh Quốc hai ngày và đang ở Scotland. Điểm đến cuối cùng của ông chủ Nhà Trắng vào ngày 16/7 là thủ đô Helsinki, Phần Lan nơi ông sẽ có cuộc họp thượng đỉnh chính thức lần đầu tiên với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Hai nhà lãnh đạo được cho là sẽ thảo luận hàng loạt các vấn đề hóc búa, trong đó có cuộc nội chiến Syria, can thiệp bầu cử, xung đột Ukraine, kiểm soát vũ khí và các chế tài kinh tế.

Trump-Putin
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp nhau bên lề hội nghị G-20 tại Hamburg, Đức ngày 7/7/2017. (Ảnh: SAUL LOEB/AFP/Getty Images)

Trước khi lên đường tới Châu Âu vào ngày 10/7, Tổng thống Donald Trump đã nói rằng cuộc họp với ông Putin có lẽ là phần dễ nhất trong chuyến công du lần này của ông. Ông Trump cũng cho biết ông coi Tổng thống Nga đương nhiệm là “đối thủ cạnh tranh’’, chứ không phải là kẻ thù hay bạn hữu.

Trao đổi với báo giới tại Brussels hôm 12/7, ông Trump nói rằng ông sẽ bước vào cuộc họp với ông Putin mà “không truy cầu nhiều điều”.

Chúng tôi muốn làm rõ về Syria. Tất nhiên chúng tôi sẽ hỏi câu hỏi ưa thích của quý vị về can thiệp bầu cử. Nhưng chúng tôi cũng sẽ bàn thảo về các vấn đề khác. Và chúng tôi sẽ xem liệu mọi thứ sẽ dẫn tới đâu. Có thể cuộc họp sẽ dẫn tới điều tích cực, điều gì đó rất tích cực hoặc có thể không được như thế. Nhưng tôi nghĩ mọi người gặp nhau là rất tuyệt vời”, ông Trump nói với báo giới.

Ngày 16/7, khi đặt chận tới Helsinki, Tổng thống Trump sẽ có cuộc hội đàm trước tiên với Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto. Sau đó ông Trump và ông Putin sẽ tới Phủ Tổng thống họp riêng trước khi tham gia cuộc họp mở rộng với phái đoàn hai bên và tham dự một bữa tiệc trưa bàn công việc.

Một số vấn đề quan trọng mà hai nhà lãnh đạo Mỹ – Nga có thể dấy lên trong thượng đỉnh sắp tới gồm xung đột tại đông Ukraine, nội chiến Syria, đường ống khí đốt nối Nga với Đức và can thiệp bầu cử:

Vấn đề Ukraine và Những lo lắng về sự bành trướng của Nga

Nga đã xâm lược Crimea của Ukraine vào tháng 3/2014, sau đó Moscow đã cho xây dựng thành lũy quân sự tại miền đông Ukraine, điều này làm dấy lên lo ngại về việc Điện Kremline sẽ bành trướng lãnh thổ tới các nước Liên Xô cũ và các nhà nước từng là vệ tinh của Liên Xô tại Đông Âu.

Bất chấp việc Nga phủ nhận việc này, các nhà quan sát tại thực địa đã phát hiện các bằng chứng cho thấy quân đội Nga ủng hộ các phần tử ly khai đòi chia tách khu vực đông Donbass khỏi nhà nước Ukraine. Cuộc xung đột này vẫn đang tiếp diễn, nhưng trong những năm gần đây chiến sự đã có phần lắng dịu hơn.

Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời Trump nhiều lần khẳng định rằng Washington có xem xét việc Nga chiếm đóng Crimea và đã lên án Moscow vi phạm quyền của người dân Crimea. Ông Trump cũng tiếp tục duy trì các chế tài mà chính phủ tiền nhiệm áp đặt lên Nga do có liên quan tới xung đột Ukraine.

Tại cuộc họp thượng đỉnh NATO mới kết thúc tại Brussels, ông Trump đã nói rằng ông “không hài lòng về vấn đề Crimea” và cho rằng nếu ông là tổng thống Mỹ năm 2014, ông đã không để xảy ra vụ chiếm đóng đó. Ông Trump cũng thừa nhận rằng Nga đang cố gắng xây dựng cơ sở hạ tầng tại Crimea, đầu tư hàng tỷ USD vào bán đảo này để vực dậy nền kinh tế tại đây vốn đã bị đình trệ, suy yếu sau khi Nga tiếp quản và các công ty nước ngoài tháo chạy do ảnh hưởng của chế tài quốc tế.

Syria: Lợi ích chung và Xung đột tiềm tàng

Syria tan hoang
Một góc đổ nát tại Syria trong cuộc nội chiến kéo dài. (Ảnh: MOHAMAD ABAZEED/AFP/Getty Images)

Tại Syria, Mỹ và Nga có cùng lợi ích chung trong việc tiêu diệt nhóm khủng bố IS. Tuy nhiên, đây cũng là nơi hai cường quốc quân sự đụng độ gần nhất trong một cuộc xung đột mở. Moscow ủng hộ chế độ độc tài của Tổng thống Bashar al-Assad, đang tăng cường cuộc chiến chống lại các lực lượng phiến quân, trong đó có một vài nhóm do Mỹ hậu thuẫn.

Ông Trump cũng đã chứng minh sức mạnh của lực lượng Mỹ tại Syria khi trong hai năm vừa qua đã thực hiện hai cuộc không kích vào các căn cứ không quân và các cơ sở hóa học của chế độ Assad với lý do đáp trả lại việc chính quyền Syria thực hiện các cuộc tấn công hóa học vào dân thường.

Ngoại giới nhận định rằng, nếu ông Trump thuyết phục được ông Putin chấp nhận buông chế độ Assad, điều đó sẽ giúp Mỹ cô lập thêm nữa chế độ Iran do Lãnh đạo Tối cao Ayatollah Ali Khamenei – đồng minh của ông Assad lãnh đạo. Mỹ-Nga đạt được thỏa thuận này cũng sẽ làm hài lòng một đồng minh khác của Mỹ là Israel, vì Iran sử dụng Syrira là một trong những mặt trận chiến tranh ủy nhiệm để mở rộng ảnh hưởng của họ ở Trung Đông, cũng như theo đuổi mục tiêu xóa bỏ nhà nước Israel mà chế độ Iran đã từng tuyên bố công khai.

Ông Trump nhiều lần lên án mạnh mẽ chế độ Iran là nhà nước tài trợ khủng bố chính tại Trung Đông và trên toàn cầu. Trong cuộc họp thượng đỉnh lần này có thể ông Trump sẽ ưu tiên thúc đẩy ông Putin về vấn đề Syria hơn vấn đề Ukraine vì với Ukraine, Washington vẫn có thể dùng chế tài kinh tế để ép Moscow vào bàn đàm phán.

Đường ống dẫn dầu khí Nord Stream 2

Nord Stream 2 là đường ống dẫn dầu chạy ngầm dưới biển lớn nhất nối Nga với Đức. Công ty khí đốt quốc doanh Nga Gazprom sở hữu đa phần cổ phần trong dự án này, phần còn lại do các công ty từ Pháp, Áo, Anh và Đức chia sẻ.

Trong nhiều tháng qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cảnh báo rằng Nord Stream 2 là mối đe dọa cho an ninh quốc gia các đồng minh Châu Âu của Mỹ. Trong tháng Năm, Bộ Ngoại giao Mỹ thậm chí đã phát đi đe dọa sẽ thực hiện chế tài các doanh nghiệp tham gia vào dự án này.

Trong các cuộc họp của NATO tại Brussels vừa qua, ông Trump đã gọi Đức là “tù nhân của Nga” và việc nước này phụ thuộc vào đường ống dẫn dầu mới là “không phù hợp”.

Tôi không biết điều quý vị có thể làm bây giờ là gì, nhưng thật khó hiểu khi họ [Đức] đã trả hàng tỷ USD cho Nga và hiện nay chúng tôi phải bảo vệ họ chống lại Nga”, ông Trump nói.

Tổng thống Mỹ lập luận thêm: “Tôi nghĩ thương mại là tuyệt vời. [Nhưng] tôi cho rằng năng lượng lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Tôi nghĩ năng lượng là câu chuyện khác biệt hơn nhiều so với thương mại thông thường”.

Vấn đề can thiệp bầu cử

Ông Trump đã nhiều lần nói rằng ông tin Nga đã can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, nhưng điều đó không ảnh hưởng tới kết quả.

Vào ngày 16/2/2018, Bộ Tư pháp Mỹ đã thông báo các bản án đối với 13 công dân Nga và 3 tổ chức Nga vì đã điều hành một hoạt động tạo ra hàng ngàn tài khoản Twitter và 3.500 tài khoản quảng cáo Facebook nặc danh, nhằm nỗ lực phát tán chia rẽ trong nội bộ nước Mỹ. Thay vì ủng hộ một ứng viên nhất định, phần lớn các quảng cáo của các đối tượng Nga nêu trên lại nhắm vào một hoặc một số khía cạnh khác của các vần đề gây tranh cãi ở Mỹ như nhập cư, kiểm soát súng và phân biệt chủng tộc.

Phát biểu với báo giới tại thời điểm đó, ông Trump cho hay: “Đã đến lúc chúng ta dừng các cuộc tấn công đảng phái từ bên ngoài, các cáo buộc điên cuồng và giả mạo, và các lý thuyết xa vời, những điều chỉ phục vụ cho việc thúc đẩy nghị trình của những nhân vật xấu như Nga và không liên quan gì tới việc bảo vệ các quy tắc của các thể chế của chúng ta. Là người Mỹ, chúng ta phải đoàn kết để bảo vệ sự toàn vẹn của nền dân chủ và các cuộc bầu cử của chúng ta”.

Trong cuộc họp khoảng 2 giờ với ông Putin bên lề cuộc họp G-20 tại Hamburg, Đức hồi tháng Bảy năm ngoái, ông Trump cũng đã dấy lên vấn đề can thiệp bầu cử với người đồng cấp Nga.

Tôi đã hai lần cực lực nhấn mạnh với Tổng thống Putin về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử của chúng ta. Ông ta đã kịch liệt phủ nhận điều đó. Tôi đã đưa ra quan điểm của tôi rồi”, ông Trump viết trên Twitter hôm 9/7/2017 sau cuộc gặp với ông Putin.

Hôm 12/7 vừa qua, trao đổi với báo giới tại Brussels, Tổng thống Trump nói rằng ông sẽ lại hỏi ông Putin về vấn đề đó.

Các bạn biết đấy, tôi sẽ phải làm gì? Ông ta có thể phủ nhận điều đó. Ý tôi là, đó là một trong những điều đó. Tất cả điều tôi có thể làm là nói: ‘Ông đã làm [điều đó]? và ‘Đừng làm thế nữa’””, ông Trump nói.

Yên Sơn (Theo Epoch Times)

Xem thêm: