Thụy Điển ‘khai tử’ tất cả các Viện Khổng Tử, thay vào hệ thống Đài Loan
- Lý Ngôn
- •
Vào tháng 4/2020, Thụy Điển đã đóng cửa Viện Khổng Tử cuối cùng tại nước này, trở thành nước đầu tiên ở châu Âu hủy bỏ triệt để các Viện Khổng Tử. Nhưng vấn đề này không ảnh hưởng đến đam mê học tiếng Trung tại Thụy Điển, thậm chí số người học còn có phần tăng lên.
Đài VOA (Mỹ) đưa tin, Thụy Điển đã mở Viện Khổng Tử đầu tiên ở Châu Âu tại Đại học Stockholm vào tháng 2/2005, đây cũng là Viện Khổng Tử đầu tiên trên thế giới. Nhưng 10 năm sau, vào năm 2015 Đại học Stockholm kết thúc hợp tác với Viện Khổng Tử kéo dài một thập niên, với lý do “sự hiện diện đáng ngờ của tổ chức được tài trợ bởi nước khác trong hệ thống đại học”.
Thực tế nhu cầu học tiếng Trung ở Thụy Điển vẫn không có gì thay đổi sau khi nhà chức trách Thụy Điển tước bỏ ảnh hưởng trực tiếp của Chính phủ Trung Quốc, nhiều người trẻ Thụy Điển vẫn quan tâm đến ngôn ngữ và văn hóa Trung Hoa.
Viện Khổng Tử được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) quảng cáo là “dự án văn hóa và ngôn ngữ thân thiện”, nhưng thực chất lại là “trạm chuyển tiếp” của nhà cầm quyền này trong tuyên truyền tư tưởng “không phù hợp”, hệ quả là ngày càng nhiều nước phương Tây phản đối nó.
Trong một cuộc tranh luận trên truyền hình vào cuối tháng Bảy, cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak hứa sẽ đóng cửa 30 Viện Khổng Tử ở Anh nếu được bầu để thể hiện lập trường cứng rắn của ông đối với ĐCSTQ.
Bộ trưởng Giáo dục Liên bang Đức Anja Karliczek cho biết vào tháng Mười năm ngoái rằng bà “quan tâm sâu sắc” đến hoạt động của 19 Viện Khổng Tử ở Đức. Bà cho rằng ảnh hưởng của Viện Khổng Tử đối với công việc của các trường Đại học Đức đã quá rõ ràng, điều đó là “không thể chấp nhận được”. Bà đề nghị các trường Đại học liên quan “nghiêm túc kiểm tra sự hợp tác của họ với Viện Khổng Tử” và “kiên quyết xử lý” ảnh hưởng của ĐCSTQ.
Lulia Marcher (20 tuổi) là sinh viên năm nhất Đại học Uppsala của Thụy Điển, vào tháng Chín năm nay cô sẽ bắt đầu khóa học tiếng Trung Quốc nâng cao kéo dài 2 năm.
Marshall đến từ Örebro miền trung Thụy Điển, cô đã học tiếng Trung từ năm đầu tiên trung học. Lúc trước ở trường của cô chưa từng có Viện Khổng Tử hay khóa học liên quan, nhưng trường trung học của cô có giáo viên bản ngữ nói tiếng Trung và giáo viên người Thụy Điển nói tiếng Trung. Cô cho biết thích giáo viên người Thụy Điển nói tiếng Trung hơn vì thầy có thể dễ dàng hơn trong thảo luận nhiều vấn đề. Điều này cũng khiến cô trở nên yêu thích văn hóa Trung Hoa và trở thành lý do khiến cô muốn học thêm tiếng Trung ở trường Đại học.
Hệ thống giáo dục Trung văn các cấp ở Thụy Điển không có nhiều thay đổi sau 2 năm từ khi nhà chức trách Thụy Điển loại bỏ triệt để hệ thống Viện Khổng Tử, vào năm 2020 số lượng người học tiếng Trung trong các trường Đại học Thụy Điển thậm chí còn tăng lên.
Đóng cửa Viện Khổng Tử ít ảnh hưởng đến nhu cầu học tiếng Trung ở Thụy Điển
Có vẻ như điều này có mối liên hệ nhất định với dịch bệnh COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) bùng phát vào đầu năm 2020. “Đại dịch đã tác động rất lớn đến thị trường việc làm trong nước ở Thụy Điển, vì vậy nhiều người chọn đi học đại học, về khách quan cho thấy điều này có thể thúc đẩy tăng số người học tiếng Trung”, giảng viên Fredrik Fällman Khoa Ngôn ngữ và Văn học Đại học Gothenburg của Thụy Điển cho biết trong một cuộc phỏng vấn với VOA.
Ông nói thêm: “Nhìn chung số lượng sinh viên theo học tiếng Trung tại các trường Đại học tương đối ổn định”.
Viện Khổng Tử đã hoàn toàn rời khỏi Thụy Điển, nhìn chung không có nhiều tác động đến hệ thống giáo dục tiếng Trung ở Thụy Điển. Ví dụ, trường đầu tiên từ chối hợp tác với Viện Khổng Tử là Đại học Stockholm có truyền thống lâu đời về nghiên cứu Hán ngữ, từ lâu đã ổn định về mặt nhân sự hành chính và đội ngũ giảng viên tiếng Trung xuất sắc. Do đó, việc chọn không tham gia sẽ không có tác động gì đến việc giảng dạy và nghiên cứu học thuật tiếng Trung của họ.
Giảng viên Fredrik Fällman cũng nhấn mạnh rằng việc lựa chọn không tiếp tục hợp tác với Viện Khổng Tử không phải là yêu cầu của Chính phủ Thụy Điển, đó là quyết định của chính mỗi trường Đại học.
“Dù Chính phủ Thụy Điển và Bộ Giáo dục chắc chắn sẽ thảo luận về vấn đề này, nhưng họ sẽ không ảnh hưởng đến quyết định của chính trường Đại học”, ông giải thích, “Mặc dù trường Đại học là trường công nhưng vẫn có quyền độc lập về chuyên môn và tự quyết, nhà chức trách không thể can thiệp vào”.
Hồi mới thành lập Viện Khổng Tử tại Đại học Stockholm đã có những nghi ngờ từ nội bộ nhà trường, chủ yếu tập trung vào việc liệu hệ thống đại học có nên cho phép tồn tại một cơ sở do nước khác tài trợ hay không. Và thêm nữa do hình ảnh quốc tế ngày càng tiêu cực của ĐCSTQ khiến những nghi ngờ như vậy càng trở nên hợp lý hơn. Ông nói: “Trong thập niên từ 2005 – 2015, vai trò của Trung Quốc (ĐCSTQ) trên sân khấu chính trị thế giới đã có một số thay đổi, nhà cầm quyền ĐCSTQ ngày càng trở nên kiêu căng và ngạo mạn”.
Đây cũng là vấn đề trong sự tồn tại của Viện Khổng Tử – nơi hạn chế tự do ngôn luận, trong khi tự do ngôn luận vốn là giá trị cốt lõi của xã hội phương Tây. Chừng nào các bài phát biểu và ý kiến không có lợi cho ĐCSTQ là bị ngăn chặn và trừng phạt, nghĩa là không thể tương thích đối với hệ thống giáo dục phương Tây hiện đại vốn có mục đích thúc đẩy tự do và dân chủ.
Ra mắt trung tâm học tiếng Trung mô hình Đài Loan
Vào ngày 16/6/2021, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Hà Lan là Ingrid van Engelshoven phản hồi đối với cuộc điều tra của Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDA) về các Viện Khổng Tử, rằng các Viện Khổng Tử (CI) đang xói mòn tự do học thuật, các trường đại học và đại học khoa học ứng dụng của Hà Lan tốt hơn nên ngừng cộng tác với họ.
Trước đó kênh thông tin điều tra Follow the Money của Hà Lan đã đưa tin vào ngày 7/5 rằng hợp tác với ĐCSTQ sẽ không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn hạn chế quyền tự do học thuật. CDA sau đó đã đưa ra các câu hỏi liên quan cho Bộ trưởng Giáo dục của Hà Lan.
Năm 2021, tổ chức tư vấn bán công của Pháp là Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Quốc gia (IRSEM) đã công bố báo cáo với tiêu đề “Các hoạt động ảnh hưởng của Trung Quốc (ĐCSTQ)”, theo đó sơ lược thực trạng ĐCSTQ những năm gần đây không ngừng mở rộng mạng lưới toàn cầu gây ảnh hưởng chính trị có chiều sâu.
Trong phần về Viện Khổng Tử, báo cáo chỉ ra rằng tổ chức này sẽ nhận được sự hỗ trợ và điều phối từ Đại sứ quán (ĐCSTQ) và được quản lý bởi Ban Hán ngữ (Hanban) của ĐCSTQ. Khi một trường Đại học đồng ý đồng thành lập Viện Khổng Tử, trường đó sẽ nhận được các khoản hỗ trợ tài chính khác nhau để bắt đầu chiến dịch, với mỗi Viện Khổng Tử nhận được trung bình từ 100.000 – 150.000 USD tiền tài trợ mỗi năm. Các giáo viên của Viện Khổng Tử được Hanban tuyển dụng và đào tạo, đồng thời các tài liệu giảng dạy (sách, âm thanh hoặc video) cũng do Hanban phát triển.
Không nghi ngờ gì nữa, những rủi ro chính trị này luôn tồn tại trong sự hợp tác và trao đổi với ĐCSTQ. Giảng viên Fredrik Fällman cho biết, “Những ai nghiên cứu về Trung Quốc đều biết rằng ảnh hưởng của ĐCSTQ có ở khắp nơi, trong số những người ra nước ngoài có nhiều Đảng viên ĐCSTQ… Là một trường Đại học công lập của Thụy Điển, bất kể cơ sở đối tác ở đâu thì chúng tôi luôn cần lấy tiêu chí bảo đảm tự do và độc lập trong quản lý”.
Sau khi cân nhắc những rủi ro tiềm tàng, các tổ chức giáo dục Thụy Điển cuối cùng đã chọn cách không dính tới Viện Khổng Tử. Đồng thời, năm nay thay vào là hệ thống mới trong thị trường giáo dục tiếng Trung ở Thụy Điển: Trung tâm Hán ngữ mô hình Đài Loan. Từ năm ngoái hệ thống học Hán ngữ do Chính phủ Đài Loan tài trợ này đã xuất hiện ở nhiều nước phương Tây như Mỹ, Vương quốc Anh, Đức, Pháp…
Từ khóa học tiếng Trung Thụy Điển Viện Khổng Tử Văn hóa Trung Hoa