Thụy Sĩ: Phương Tây sẽ không tổ chức ‘hội nghị hòa bình’ tiếp theo của Ukraine
- Thanh Tâm
- •
Đại sứ Thụy Sĩ Gabriel Luechinger tuyên bố hội nghị tiếp theo về xung đột Ukraine sẽ không diễn ra ở phương Tây.
Nhà ngoại giao cấp cao Luechinger, người giúp tổ chức cuộc họp vào cuối tuần trước tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock, Thụy Sĩ, cho biết các cuộc thảo luận với các nước chủ nhà tiềm năng đã được tiến hành.
Trước thềm sự kiện, một số quốc gia đã từ chối tham dự, Trung Quốc tuyên bố sẽ không cử đại diện đến Thụy Sĩ. Bắc Kinh lập luận rằng sự vắng mặt của Nga tại hội nghị sẽ khiến mọi cuộc thảo luận trở nên vô ích – một khẳng định được nhiều quốc gia đồng tình.
Vào tháng Ba, Moscow tuyên bố sẽ không tham dự ngay cả khi được mời, vì có khả năng hội nghị sẽ dựa trên ‘công thức hòa bình’ của Vladimir Zelensky, mà Nga xem là không thực tế và là tối hậu thư.
Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Thụy Sĩ SRF vào thứ Hai (17/6), ông Luechinger cho biết: “Điều rõ ràng là hội nghị thượng đỉnh hòa bình tiếp theo sẽ không diễn ra ở châu Âu và sẽ không diễn ra ở phương Tây”. Nhà ngoại giao cấp cao tiết lộ rằng một số quốc gia đã được tiếp cận tại hội nghị về vai trò tiềm năng trong việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh tiếp theo.
“Giờ đây, họ phải quyết định”, ông nói thêm. “Tôi nghĩ rằng trong những tuần tới, mọi thứ sẽ bắt đầu chuyển động”.
Khi được hỏi liệu Ả Rập Xê Út có thể tổ chức hội nghị tiếp theo hay không, ông Luechinger ám chỉ rằng đó có thể là một lựa chọn, nhưng không đi vào chi tiết.
Ông cũng nhấn mạnh rằng “Nga nên được tham gia vào tiến trình hòa bình theo một cách nào đó”.
Trong khi Ukraine ca ngợi hội nghị tại Burgenstock Resort là một thành công, thì khoảng một chục quốc gia tham gia các cuộc đàm phán đã không ký thông cáo chung cuối cùng, bao gồm Ấn Độ, Brazil, Ả Rập Xê Út, Nam Phi, UAE, Mexico, Thái Lan, Indonesia, Jordan và Iraq.
Tài liệu này không bao gồm nhiều điểm chính trong ‘công thức hòa bình’ của Kiev. Tài liệu kêu gọi chuyển giao Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye sang cho Ukraine kiểm soát, cũng như quyền tiếp cận không hạn chế các cảng ở Biển Đen và Biển Azov, và trả tự do cho tất cả các tù nhân chiến tranh.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov trả lời các phóng viên vào thứ Bảy (15/6) rằng Nga “muốn gặp vào lần tới tại một sự kiện có ý nghĩa và hứa hẹn hơn”.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nêu ra các điều kiện cho lệnh ngừng bắn, bao gồm việc rút quân đội Ukraine khỏi mọi vùng lãnh thổ mà Moscow tuyên bố chủ quyền, cũng như từ bỏ nguyện vọng gia nhập NATO của Kiev.
Chính phủ Ukraine và những quốc gia ủng hộ phương Tây đã bác bỏ đề xuất này, gọi đó là tối hậu thư.
Từ khóa Gabriel Luechinger Thụy Sĩ hội nghị hoà bình Ukraine