Chuyến bay 7C2216 của hãng hàng không Jeju Air Hàn Quốc gặp tai nạn hôm 29/12 khiến 179 người thiệt mạng. 1 trong 2 người duy nhất sống sót là tiếp viên hàng không 33 tuổi họ Lee, tuy vẫn tỉnh táo nhưng các bác sĩ cho biết có thể để lại di chứng “liệt toàn thân”.

Nhieu nghi van xoay quanh vu tai nan hang khong tham khoc tai Han Quoc 1
Chiếc máy bay gặp nạn của hãng Jeju Air. (Ảnh: Chụp màn hình)

Theo báo cáo từ Chosun Ilbo và truyền thông Hàn Quốc NEWSIS, trên chiếc máy bay Jeju Air 7C2216 bị rơi hôm 29/12, chỉ có tiếp viên hàng không 33 tuổi họ Lee và tiếp viên hàng không họ Koo 25 tuổi ở đuôi máy bay sống sót. Ban đầu, Lee được đưa đến bệnh viện Mokpo, Hàn Quốc, nhưng chiều cùng ngày, cô đã được chuyển đến Bệnh viện Đại học Nữ sinh Ewha Seoul để điều trị.

Ju Woong, Giám đốc Bệnh viện Đại học Nữ sinh Ewha Seoul, đã tổ chức họp báo vào tối 29/12, giải thích về vết thương của Lee. Ông cho rằng cô bị chấn thương nặng và không thể hồi phục. Đội ngũ y tế không hỏi chi tiết về vụ tai nạn, nhưng Lee nói với ông: “Khi tôi tỉnh dậy, tôi nhận ra mình đã được cứu.”

Khi được hỏi liệu Lee có bị mất trí nhớ hay không, ông Ju cho biết cô “hoàn toàn có thể giao tiếp được, nhưng chưa thể xác định liệu có bị mất trí nhớ hay không.

Mặc dù Lee không thể cử động cổ, nhưng có thể giao tiếp bằng mắt và trả lời các câu hỏi. Ngoài ra, cô hiện không có biểu hiện sang chấn rõ rệt, nhưng nhóm nghiên cứu vẫn cần tiến hành kiểm tra MRI, để chẩn đoán xem có bị tổn thương não hay không.

Về chấn thương của Lee, ông Ju cho biết cô bị gãy tổng cộng 5 xương trên cơ thể, trong đó có 2 đốt sống ngực, 1 xương bả vai trái và 2 xương sườn trái.

Tuy nhiên, do bệnh nhân có triệu chứng sưng tấy dây thần kinh cổ và thoái hóa thần kinh, nên sau khi phân tích, các di chứng tiếp theo như liệt toàn thân có thể xảy ra. Bệnh nhân hiện đang được chăm sóc đặc biệt và cũng sẽ được sắp xếp điều trị tâm lý tại khoa tâm thần.

Ông Ju cho biết ngoài gãy xương, Lee còn có một vết thương dài 7 cm trên da đầu, nhưng không có hiện tượng chảy máu hay sưng tấy bên trong hộp sọ. Cô sẽ phải nằm viện ít nhất 2 tuần và phải mất vài tuần để xương lành hẳn.

Ngoài ra, một người sống sót khác là nữ tiếp viên hàng không Koo Mo, 25 tuổi, đã được chuyển đến Bệnh viện Seoul Asan vào tối 29/2. Cô bị thương ở mắt cá chân và đầu nhưng không nguy hiểm đến tính mạng.

Lực tác động của mỗi con chim lên tới 4,8 tấn

Đã có 650 vụ va chạm với chim tại các sân bay Hàn Quốc trong 6 năm qua.

Theo báo cáo của “Newsis” của truyền thông Hàn Quốc, chuyến bay của hãng hàng không Jeju Air nghi ngờ bị chim đâm vào khiến bộ phận hạ cánh gặp trục trặc.

Theo phân tích trong văn bản, nếu chuyến bay đạt tốc độ 370 km/h và va chạm với một con chim nặng trung bình 900 gram mỗi con, lực tác động tức thời mà thân máy bay phải chịu sẽ lên tới 4,8 tấn. Đặc biệt, chuyến bay của hãng hàng không Jeju Air gặp nạn đã phải hạ cánh khẩn cấp vì nghi bị va chạm với chim.

Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Hàn Quốc đã công bố đoạn ghi âm cuộc trò chuyện giữa tháp điều khiển sân bay quốc tế Muan và chuyến bay bị rơi. 8h45 ngày 29/12, tháp điều khiển đã phê chuẩn việc hạ cánh. 3 phút sau, tháp ngay lập tức đưa ra cảnh báo “chim tấn công” cho chuyến bay.

8h59, phi công đưa ra phát tín hiệu cấp cứu khẩn cấp “Mayday” cho tháp. 9h03, máy bay buộc phải hạ cánh bằng bụng, vì không thể hạ càng một cách thuận lợi, cuối cùng tông vào đèn hiệu của hệ thống hạ cánh bằng xi măng ở cuối đường băng.

Báo cáo chỉ ra, từ những hình ảnh được nhân chứng ghi lại tại hiện trường có thể thấy, nghi ngờ có vật thể lạ dính vào động cơ khi máy bay hạ cánh rồi phát nổ. Đáp lại, Chính phủ Hàn Quốc ban đầu kết luận vụ nổ động cơ là do chim tấn công. 3 phút trước khi tử vong, 1 hành khách đã gửi tin nhắn cho gia đình rằng chim đã mắc vào cánh máy bay nên không thể hạ cánh.

Thống kê cho thấy, trong 6 năm qua, từ năm 2019 đến tháng 8 năm nay, 15 sân bay ở Hàn Quốc, bao gồm Sân bay Quốc tế Incheon, Sân bay Gimpo và Sân bay Gimhae, đã xảy ra 650 vụ chim tấn công.

Đối với 14 sân bay nội địa Hàn Quốc, trong đó có sân bay Gimpo và sân bay Gimhae, từ năm 2019 đến tháng 8 năm nay, xảy ra 559 vụ chim tấn công, trong đó nhiều nhất là năm 2023 với 130 vụ, trong khi sân bay quốc tế Muan chiếm 10 vụ.

Sân bay quốc tế Seoul, nơi có nhiều đường bay quốc tế và là cửa ngõ quốc gia của Hàn Quốc, đã xảy ra 94 vụ chim tấn công từ năm 2019 đến tháng 9 năm nay.

Nghiên cứu của các nhà khoa học Đức vào năm 2020 cho thấy tỷ lệ chim đâm vào máy bay khác nhau theo từng quốc gia. Australia đứng đầu danh sách (gần 8 vụ trên 10.000 chuyến bay), còn Mỹ có tỷ lệ thấp nhất (2,83 vụ trên 10.000 chuyến).

Chỉ riêng tại Mỹ, hơn 14.000 vụ máy bay va chạm chim được ghi nhận mỗi năm. Trong năm 2022, Cơ quan Hàng không Dân dụng Anh cũng báo cáo gần 1.500 vụ chim đâm vào máy bay, theo Al Jazeera.

Theo Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), khoảng 90% các vụ va chạm xảy ra trong phạm vi gần sân bay, tức là nơi máy bay cất cánh hoặc hạ cánh ở độ cao thấp, trùng với khu vực hoạt động của chim.

Trong giai đoạn cất cánh, động cơ máy bay hoạt động ở mức công suất tối đa, tạo ra tiếng ồn lớn, dễ khiến chim hoảng sợ và lao vào dòng khí hút của động cơ. Hơn nữa, tốc độ cao khi cất cánh làm tăng mức độ nghiêm trọng của va chạm.

Ngược lại, trong giai đoạn hạ cánh, máy bay thường giảm tốc độ và động cơ hoạt động ở mức thấp hơn. Điều này giảm tiếng ồn, chim khó nhận ra sự hiện diện của máy bay. Đặc biệt là khi chúng bị cản trở bởi tiếng gió tự nhiên xung quanh. Chim thường không kịp phản ứng, nên va chạm với các bộ phận quan trọng của máy bay như mũi, cánh hoặc bánh đáp.

Bình Minh (t/h)