Venezuela: Hành hình vô chính phủ và bạo lực dâng cao
Một nhóm quan sát cho hay, gần như cứ ba ngày thì một người bị hành hình không xét xử tại quốc gia ngập sâu trong khủng hoảng Venezuela. Lý do là vì cơ quan công quyền vô hiệu, người dân tự ra tay trả thù những kẻ mà họ cho là tội phạm.
Tổ chức Giám sát Bạo lực Venezuela (OVV) hôm thứ Tư (28/12) báo rằng các vụ tử hình phi luật lệ đã trở thành một hiện tượng rộng khắp xã hội Venezuela với con số 126 người bị giết theo kiểu này trong năm 2016, tăng 6 lần so với con số 20 người năm ngoái.
Báo cáo thường niên của OVV cho biết: “Bởi vì phải chịu đựng nhiều hành vi tội phạm liên tiếp trong hơn một thập kỷ và cảm thấy không được bảo vệ, nhiều người đã quyết định giành lấy công lý bằng chính bàn tay mình”.
Theo báo cáo, trong quá khứ, các vụ giết người vô chính phủ không nhiều tại Venezuela, nhưng năm nay đám đông tức giận và thiếu đói tấn công cả những kẻ phạm tội nhỏ như ăn cắp vặt. Cảnh sát thường ngoảnh mặt không truy cứu những vụ giết người như vậy.
Đất nước giàu tài nguyên Nam Mỹ này trong năm qua chứng kiến tội phạm bạo lực ở mức đáng báo động, một phần là do dễ tiếp cận súng ống, lực lượng cảnh sát không đủ và hệ thống pháp lý tham nhũng. Cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ cũng là một lý do khiến tội phạm không kiểm soát nổi.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, nền kinh tế Venezuela giảm 6% năm nay, tỷ lệ lạm phát gần 500%. Đến cuối năm 2016, đồng bolivar giảm giá 60% với tỷ lệ hơn 4.000 bolivar một đồng USD. Chính phủ Maduro ghìm tỷ giá ở mức 10 bolivar ăn một USD, một mức hoàn toàn phi thực tế khiến cho việc nhập khẩu thực phẩm và thuốc men trở nên cực kỳ khó khăn.
Các nhà nghiên cứu tại OVV tổng hợp thông tin từ cảnh sát và truyền thông, cho hay Venezuela ước tính có 28,479 người bị giết trong năm nay – tức hơn 3 người mỗi giờ – là quốc gia giết người nhiều thứ hai thế giới chỉ sau El Savador.
Con số này nghĩa là cứ 10 vạn người thì có 91,8 vụ sát nhân, còn tại thủ đô Caracas tỷ lệ này là 140 vụ.
Để so sánh, thì tại quốc gia El Salvador có tỷ lệ giết người là 116 trên 10 vạn dân năm 2016 theo Viện Pháp y El Salvador.
Tổng thống Nicolas Maduro không công nhận báo cáo của OVV, cáo buộc tổ chức này đã thổi phồng con số vì lý do chính trị. Năm 2015, chính phủ của ông Maduro công bố số liệu chính thức là 58 vụ sát nhân trên 10 vạn dân, con số OVV là 90.
“Bạo lực đang giết chết tương lai của đất nước chúng tôi”, lãnh đạo đảng đối lập Henrique Capriles nói hôm thứ Tư tại bang Miranda, nơi ông làm thống đốc.
“Chính phủ này có 17 năm nhưng không thể giải quyết được vấn đề”, ông nói thêm.
Mặc dù theo các khảo sát của các tổ chức nước ngoài, hầu hết người dân đều muốn ông Maduro từ chức, vị tổng thống xuất thân từ tài xế xe bus và chủ tịch công đoàn này giữ đủ các vị trí chủ chốt để nắm quyền thêm ít nhất một năm nữa, theo Reuters. Ông Maduro nắm các cơ quan trọng yếu như toà án, cơ quan lập pháp và bầu cử – vốn giúp ông tránh được một cuộc trưng cầu dân ý trong năm qua. Ông cũng giao cho Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách nhiệm vụ phân phát thực phẩm và nhu yếu phẩm nhằm mua sự trung thành của người nghèo. Tuy nhiên Reuters nhận định nếu khủng hoảng vượt quá tầm kiểm soát, một số phe nhóm trong quân đội và những “đồng chí Chavista” (những người ủng hộ cố Tổng thống Huga Chavez) có thể hy sinh Maduro và đàm phán với phe đối lập để lập một chính phủ hoà giải hơn.
“Trừ khi biểu tình liên tục hoặc có một cơn sụt giá dầu mới, có vẻ ông Maduro sẽ sống sót, vừa đủ tới năm 2018”, Reuters viết.
Trọng Đức (T/H)
Xem thêm:
Từ khóa Venezuela Nicolas Maduro