Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 14/1/2022, thế giới ghi nhận thêm khoảng 2.466.802 ca mắc COVID-19 mới và 7.187 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 295.083.321 ca, trong đó có khoảng 5.168.388 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par ginger_polina_bublik/Shutterstock)

Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Đức Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Mỹ là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 800.000 ca), Anh và Pháp cũng lần đầu tiên kể từ đầu dịch tới nay chứng kiến trên 200.000 ca/ngày, trong khi Mỹ cũng có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với khoảng 2.000 ca.

Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 14/1, thế giới có 114 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 96 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.

WHO bổ sung danh mục thuốc điều trị cho bệnh nhân COVID-19

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang nỗ lực bổ sung danh mục thuốc điều trị các bệnh nhân COVID-19, trong bối cảnh biến thể Omicron lây lan nhanh chóng khiến nhiều loại thuốc điều trị dường như giảm hiệu quả.

Trong một phát biểu ngày 14/1, bà Janet Diaz, quan chức hàng đầu của WHO, cho biết cơ quan này đang đánh giá hiệu quả của loại thuốc viên kháng virus chứa hoạt chất Molnupiravir do hãng dược phẩm Merck của Mỹ bào chế. Dự kiến, khuyến nghị về việc sử dụng loại thuốc này sẽ được WHO công bố sớm nhất là trong tháng tới.

Ngoài ra, theo bà Diaz, WHO cũng đang lên kế hoạch xem xét hiệu quả của thuốc kháng virus dạng uống do hãng Pfizer sản xuất, đồng thời dự kiến đưa ra khuyến nghị về loại thuốc này vào cuối tháng 2 tới. Trước đó, ngày 13/1, một hội đồng của WHO cũng đã khuyến nghị sử dụng thuốc kháng virus do hãng Eli Lilly sản xuất cùng thuốc do GlaxoSmithKline và công ty công nghệ sinh học Vir hợp tác bào chế để điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Nhận xét về các loại thuốc kháng thể đơn dòng hiện nay, bà Diaz đánh giá một số loại cho thấy dường như hiệu quả của chúng đối với biến thể Omicron bị suy giảm. Tuy nhiên, bà khẳng định đây không phải là điều đáng lo ngại vì các loại thuốc kháng thể đa dòng điều trị cho bệnh nhân COVID-19 đến nay đã được sử dụng rộng rãi.

Nhiều quốc gia châu Âu “lao đao” vì Omicron

Tại Đức, trong báo cáo tuần, Viện Robert Koch (RKI) cho biết biến thể Omicron đã trở thành biến thể chủ đạo ở nước này, khi gây ra 73,3% số ca mắc mới COVID-19 trên toàn quốc, so với 44,3% ghi nhận 7 ngày trước đó.

Theo RKI, biến thể Delta hiện chỉ gây ra 25,9% số ca mắc mới COVID-19 tại nước này. Viện trên cũng dự báo số ca nhiễm mới biến thể Omicron sẽ tiếp tục tăng mạnh. Trong 24 giờ qua, Đức ghi nhận hơn 81.000 ca mắc mới, con số cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, trong bối cảnh cơ quan quản lý khủng hoảng dịch COVID-19 của chính phủ nước này cảnh báo nguy cơ thiếu các bộ xét nghiệm.

Viện Y tế quốc gia (ISS) Ý cũng cho biết Omicron là nguyên nhân gây nhiều ca bệnh mới nhất ở nước này. Theo kết quả khảo sát nhanh ngày 3/1, Omicron đã gây ra 81% ca nhiễm mới ở Ý, cao gần gấp 4 so với cuộc khảo sát trước đó vào ngày 20/12/2021.

Trong khi đó tại CH Séc, nhà virus học Evžen Bouřa của Viện Hóa sinh và hóa hữu cơ thuộc Viện Hàn lâm khoa học CH Séc, cho rằng người dân nước này khó tránh lây nhiễm biến thể Omicron vì chủng này có thể sẽ xuất hiện trở lại vào mùa thu tới do miễn dịch mà mọi người đạt được sẽ kéo dài chưa đầy 1 năm.

Nhật Bản ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới kỷ lục

Dịch COVID-19 cũng đang lan rộng trên khắp Nhật Bản, đặc biệt ở các đô thị lớn và các khu vực có căn cứ quân sự của Mỹ. Cụ thể, trong 24 giờ qua, số ca mắc mới ở nước này lần đầu tiên vượt ngưỡng 20.000 ca/ngày kể từ đầu tháng 9/2021. Đáng chú ý, thủ đô Tokyo ghi nhận tới 4.051 ca mắc mới, mức cao nhất kể từ ngày 27/8/2021. Điều này khiến số ca mắc mới trung bình ở Tokyo trong tuần (từ ngày 8 – 14/1) lên tới 1.950,4 ca/ngày, tăng gấp gần 6 lần so với một tuần trước đó.

Giới chuyên gia cho rằng nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự gia tăng đột biến của các ca nhiễm mới ở Nhật Bản là do biến thể Omicron. Sự gia tăng đột biến của các ca nhiễm mới đang ảnh hưởng tới hệ thống y tế của nhiều khu vực. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định rút ngắn thời gian cách ly đối với các nhân viên y tế được xác định có tiếp xúc gần với những người nhiễm Omicron từ 14 ngày xuống còn 6 ngày.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: