Tình hình COVID-19: Omicron đã xuất hiện tại gần 90 quốc gia và vùng lãnh thổ
- Phan Anh
- •
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 18/12, thế giới ghi nhận thêm khoảng 503.000 ca mắc COVID-19 mới và 4.800 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 257.914.104 ca, trong đó có khoảng 4.993.706 người thiệt mạng.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Anh (90.418 ca), Pháp (58.536 ca) và Mỹ (trên 53.000 ca). Với con số trên, ca mắc mới ở Anh đã lập kỷ lục trong ngày 18/12. Tới nay, Anh có trên 121,2 triệu ca mắc tính từ đầu đại dịch.
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (1.076 ca), Ba Lan (543 ca) và Mỹ (416 ca).
Omicron đã xuất hiện tại gần 90 quốc gia và vùng lãnh thổ
Trong báo cáo công bố ngày 18/12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết biến thể Omicron đã được ghi nhận xuất hiện tại 89 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đồng thời biến thể này đang lây lan nhanh tại các khu vực lây nhiễm cộng đồng.
Số ca nhiễm biến thể Omicron tăng gấp đôi trong vòng từ 1,5 đến 3 ngày tại các khu vực lây nhiễm trong cộng đồng. Báo cáo cho biết Omicron đang lây lan nhanh ở những nước có tỷ lệ miễn dịch cộng đồng cao. Tuy nhiên, hiện chưa rõ nguyên nhân do biến thể này có khả năng lẩn tránh miễn dịch hay do tính chất lây lan mạnh vốn có của biến thể này, hoặc kết hợp cả 2 yếu tố trên.
Giám đốc CDC Mỹ: Omicron sẽ trở thành biến thể phổ biến nhất tại nước này
Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Mỹ Rochelle Walensky ngày 17/12 cho rằng Omicron sẽ trở thành biến thể phổ biến nhất tại Mỹ trong vài tuần tới.
Phát biểu họp báo trực tuyến, bà Walensky nêu rõ: “Mặc dù biến chủng Delta vẫn lan rộng tại Mỹ song Omicron sẽ gia tăng nhanh chóng và trở thành biến thể phổ biến nhất trong những tuần tới”. Hiện nay các ca mắc biến thể Omicron đã được ghi nhận tại ít nhất 39 tiểu bang của Mỹ, kể cả ở những người đã tiêm đủ vắc-xin hoặc tiêm mũi bổ sung, nhưng chỉ gây ra những triệu chứng nhẹ. Điều này buộc Mỹ phải triển khai chiến lược chống dịch đa tầng, trong đó quy định đeo khẩu trang, đảm bảo giãn cách xã hội, tuân thủ các biện pháp vệ sinh, tăng cường tiêm chủng trong nước và đẩy mạnh tài trợ vắc-xin cho các nước trên thế giới.
Theo một quan chức cấp cao Nhà Trắng, đến nay Mỹ đã tài trợ hơn 335 triệu liều vắc-xin ngừa COVID-19 cho 110 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có khoảng 50 triệu liều vừa được gửi đi trong 2 tháng gần đây.
Đức, Hà Lan tái áp đặt các biện pháp hạn chế để phòng dịch
Đức đã đưa Pháp và Đan Mạch vào danh sách các nước có nguy cơ lây nhiễm virus corona, theo đó sẽ tái áp dụng các biện pháp hạn chế đối với người nhập cảnh từ 2 nước này.
Theo quy định bắt đầu có hiệu lực từ ngày 19/12, người chưa tiêm chủng hoặc người chưa có kháng thể COVID-19 do mắc bệnh trước đó, từ những nước có nguy cơ cao khi nhập cảnh vào Đức sẽ phải cách ly và có thể phải tiến hành xét nghiệm COVID-19 ở ngày thứ 5 sau khi nhập cảnh. Ngoài Pháp và Đan Mạch, quy định này cũng sẽ được áp dụng với các nước Na Uy, Liban và Andorra.
Do sự xuất hiện và lây lan của biến thể Omicron, Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach cảnh báo quốc gia châu Âu này sẽ phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ 5. Ông nhấn mạnh Đức cần chuẩn bị ứng phó với thách thức lớn chưa từng có từ Omicron ngay cả khi biến thể này không nguy hiểm như Delta, mà chỉ gây triệu chứng bệnh nhẹ.
Sau khi chứng kiến số ca nhiễm mới liên tục tăng, Đức đã tái áp đặt các hạn chế, như cấm người chưa tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 đến nhà hàng, các các cơ sở cung cấp dịch vụ không thiết yếu. Nhờ đó, số ca nhiễm mới ghi nhận hằng ngày đã giảm nhẹ, song sự xuất hiện và lây lan của biến thể Omicron đang đe dọa đẩy số ca nhiễm mới tăng cao trở lại.
Ngày 18/12, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thông báo nước này sẽ bước vào đợt phong tỏa trong dịp Giáng sinh nhằm ngăn chặn biến thể Omicron. Phát biểu trên truyền hình, ông Mark Rutte bày tỏ: “Tôi đứng đây tối nay trong tâm trạng rất buồn bã. Nói tóm lại trong một câu là Hà Lan sẽ quay trở lại phong tỏa từ ngày mai (19/12)”. Thủ tướng Hà Lan nói thêm rằng phong tỏa là việc “không thể tránh khỏi” trước nguy cơ bùng phát làn sóng COVID-19 thứ 5 do sự lây lan của biến thể Omicron còn dữ dội hơn những gì mà dư luận đã lo ngại.
Viện Y tế quốc gia Hà Lan thông báo trong 24 giờ qua, nước này có 14.614 ca nhiễm, giảm so với tuần trước đó, song vẫn cao hơn đỉnh dịch của làn sóng dịch bệnh trước. Hệ thống y tế của Hà Lan cũng đã ngừng cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh định kỳ, và hủy các hoạt động khám chữa bệnh khác trừ các trường hợp cần phẫu thuật khẩn cấp để tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ bệnh nhân COVID-19.
Thủ tướng Pháp dự báo Omicron là biến thể chủ đạo vào đầu năm 2022
Theo nhận định của Thủ tướng Pháp Jean Castex, nhiều khả năng số ca nhiễm biến thể Omicron sẽ gia tăng nhanh chóng tại châu Âu và có thể trở thành biến thể chủ đạo trong số các ca mắc mới COVID-19 tại Pháp kể từ đầu năm 2022. Ông Castex nhấn mạnh thêm rằng dù vẫn còn nhiều điều chưa biết về Omicron, nhưng biến thể mới này dường như không nguy hiểm hơn biến thể Delta và các dữ liệu hiện có cho thấy việc tiêm đầy đủ vắc-xin ngừa COVID-19 cũng như các mũi tiêm bổ sung giúp tạo “lá chắn” hiệu quả phòng ngừa các triệu chứng nặng.
Thủ tướng Castex cho biết thêm người dân sẽ đủ điều kiện để tiêm mũi bổ sung vắc-xin ngừa COVID-19 sau 4 tháng kể từ ngày tiêm mũi thứ 2, giảm một tháng so với quy định ban đầu. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Pháp nêu rõ chính phủ nước này sẽ công bố các biện pháp mới nhằm giải quyết tình trạng do dự về việc tiêm vắc-xin kể từ năm tới.
Giống như nhiều nước châu Âu khác, Pháp đang hứng chịu làn sóng mới của dịch COVID-19 với số ca mắc COVID-19 mới tăng mạnh cùng với sự lây lan của biến thể Omicron. Theo các số liệu cập nhật, gần 3.000 bệnh nhân COVID-19 nặng tại nước này đang được điều trị tích cực. Trước tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, kể từ ngày 18/12, các du khách phải nêu được các lý do có sức thuyết phục để di chuyển giữa Anh và Pháp, căn cứ trên các quy định mới được Chính phủ Pháp công bố hôm 16/12 vừa qua nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan biến thể Omicron.
Hàn Quốc siết chặt các biện pháp phòng dịch trong dịp Giáng sinh và năm mới
Từ ngày 18/12, Hàn Quốc bắt đầu tái áp dụng các biện pháp phòng dịch COVID-19 nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm trong dịp Giáng sinh và năm mới.
Theo quy định phòng dịch mới được cập nhật và có hiệu lực đến ngày 2/1/2022, Hàn Quốc chỉ cho phép tối đa 4 người tham gia các buổi tụ tập cá nhân, thay vì 6 người tại thủ đô và 8 người ở các địa phương khác như quy định trước. Quy định này có hiệu lực tại tất cả địa phương trên cả nước. Các cở sở kinh doanh sẽ phải đóng cửa vào lúc 21h hoặc 22h hằng ngày tùy mặt hàng, dịch vụ kinh doanh cụ thể. Chỉ những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin được tới nhà hàng, quán cà phê cùng người khác, trong khi những người chưa tiêm chủng chỉ có thể được phục vụ một mình hoặc yêu cầu mua hàng mang đi, hoặc giao hàng tại nhà.
Từ ngày 20/12, các trường học tại vùng thủ đô Seoul sẽ tiếp tục học trực tuyến, trừ lớp 1 và lớp 2 của bậc tiểu học.
Theo báo cáo của Cơ quan kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này ngày 18/12 ghi nhận 7.312 ca nhiễm mới, trong đó có 7.284 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp, Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới trên 7.000 ca/ngày. Đến nay, tổng số người mắc COVID-19 tại Hàn Quốc là 558.864 ca. Tuy nhiên, ngày 18/12, lần đầu tiên Hàn Quốc ghi nhận số bệnh nhân COVID-19 gặp biến chứng nặng lên tới 1.016 ca.
Việc Hàn Quốc tái áp đặt các biện pháp hạn chế phòng dịch cho thấy sự linh hoạt của nước này trong quá trình thực hiện chủ trương “sống chung với COVID-19”. Tháng 11/2021, Hàn Quốc đã triển khai thực hiện chủ trương này với mục tiêu dần khôi phục trạng thái bình thường thông qua việc gỡ bỏ dần các biện pháp hạn chế theo một lộ trình đã đề ra.
Phan Anh (tổng hợp)
Xem thêm:
Từ khóa COVID-19 Bản tin COVID-19