Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 16/12, thế giới ghi nhận thêm khoảng 664.000 ca mắc COVID-19 mới và 6.000 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 256.818.210 ca, trong đó có khoảng 4.983.189 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par cktravels.com/Shutterstock)

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 115.000 ca), Anh (88.376 ca) và Pháp (60.866 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (1.133 ca), Mỹ (807 ca) và Ba Lan (592 ca).

Anh ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao kỷ lục

Ngày 16/12, Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh (UKHSA) cho biết trong vòng 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 88.376 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất kể từ đầu đại dịch, nâng tổng số ca nhiễm lên 11.097.851 ca.

Trong số ca nhiễm mới, giới chức y tế Anh đã xác nhận 4.671 ca nhiễm biến thể Omicron, mức cao nhất theo ngày kể từ khi biến thể mới này xuất hiện tại Anh, nâng tổng số ca nhiễm Omicron ở nước này lên 10.017 ca. Anh cũng thông báo thêm 146 ca tử vong liên quan COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 146.937 ca.

Phát biểu tại một cuộc họp báo cùng ngày tại Phố Downing, người đứng đầu Cơ quan Y tế vùng England Chris Whitty cảnh báo sẽ tiếp tục có những kỷ lục buồn về số ca nhiễm mới COVID-19 trong vài tuần tới. Ông cho rằng biểu đồ lây lan của biến thể Delta hiện tại  “đi ngang” và sự lây lan của Omicron khiến cho tình hình hiện nay giống như “dịch chồng lên dịch”.

Giáo sư Whitty nhận định biến thể Omicron đặt ra nguy cơ thực sự nghiêm trọng mà giới chức y tế Anh đánh giá là “tồi tệ”. Ông cũng nhấn mạnh điều quan trọng nhất hiện nay là có các loại vắc-xin hiệu quả và đẩy nhanh tốc độ tiêm mũi bổ sung.

Theo số liệu mới nhất, đến nay, đã có hơn 89% số người dân từ 12 tuổi trở lên tại Anh đã tiêm một mũi vắc-xin và 81% đã tiêm đủ 2 mũi. Trong khi đó, hơn 43% đã tiêm bổ sung vắc-xin COVID-19.

Hệ thống y tế Pháp tiếp tục quá tải 

Tại Pháp, ngày 16/12, nước này ghi nhận 60.866 ca nhiễm mới. Bộ Y tế Pháp cho rằng với số ca mắc mới này, số trường hợp dương tính với COVID-19 trung bình trong 7 ngày (tính đến ngày 15/12) đã tăng lên 50.000 ca/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 11/2020. Do số ca nhiễm mới ngày càng gia tăng, hệ thống y tế trên khắp nước Pháp tiếp tục đối mặt với tình trạng quá tải. Đáng chú ý nhất là tại bệnh viện Colmar ở thành phố cùng tên gần biên giới với Đức và Thụy Sĩ. Bác sĩ Eric Thibaud, Trưởng Khoa Cấp cứu của bệnh viện Colmar, cho biết 10% nhân viên của ông đã xin nghỉ ốm vì kiệt sức. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở Khoa Chăm sóc đặc biệt.

Trước bối cảnh số trường hợp phải nhập viện chủ yếu là những người chưa tiêm vắc-xin, Tổng thống Emmanuel Macron để ngỏ khả năng áp đặt quy định bắt buộc tiêm vắc-xin ngừa COVID-19. Ông cũng cho biết sẽ cân nhắc tiêm phòng cho trẻ em ở độ tuổi từ 5-11, nhưng cho rằng bố mẹ hoàn toàn có quyền quyết định có cho con em mình tiêm vắc-xin hay không.

Kể từ cuối tuần này, Pháp sẽ đình chỉ các hoạt động du lịch không thiết yếu từ nước này tới Anh và ngược lại nhằm làm kìm hãm Omicron – biến thể đang lan mạnh tại Anh.

Theo thông báo của Chính phủ Pháp, kể từ đêm 18/12, nước này sẽ yêu cầu du khách “thông báo lý do cấp thiết khi di chuyển từ Pháp tới Anh (hoặc ngược lại)”, kể cả đối với những trường hợp đã tiêm phòng đầy đủ vắc-xin ngừa COVID-19.

Quy định mới vẫn cho phép các công dân Pháp hoặc thuộc Liên minh Châu Âu (EU) từ Vương quốc Anh trở về Pháp. Tuy nhiên, họ phải xuất trình giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với virus corona được thực hiện trước thời điểm nhập cảnh không quá 24 giờ. Trước đó, thời hạn hiệu lực của các xét nghiệm này được tính trong 48 giờ. Những trường hợp nhập cảnh này cũng sẽ phải trải qua quá trình cách ly y tế 7 ngày khi tới Pháp.

Hàn Quốc tái áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt

Một tháng rưỡi sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế theo chính sách “sống chung với COVID-19”, ngày 16/12, Hàn Quốc thông báo nước này sẽ tái áp đặt các quy định giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn trong bối cảnh số ca mắc mới và số ca nguy kịch tăng lên mức cao chưa từng có kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Các quan chức sở tại cho biết các quy định siết chặt sẽ được nối lại kể từ ngày 18/12. Các buổi gặp gỡ riêng tư được giới hạn không quá 4 người (tất cả đều đã tiêm đầy đủ vắc-xin ngừa COVID-19). Các hàng ăn, quán cà phê, quán bar buộc phải đóng cửa vào 21h. Trong khi các rạp chiếu phim và quán cà phê Internet ngừng hoạt động vào 22h.

Theo quy định mới, những người chưa tiêm phòng chỉ có thể ăn tối một mình hoặc mua đồ ăn mang đi hoặc đặt dịch vụ giao hàng.

Các biện pháp này được triển khai trong bối cảnh số ca mắc mới hàng ngày và số ca nguy kịch tại Hàn Quốc tiếp tục tăng lên các mức cao kỷ lục mới do sự gia tăng dai dẳng các ca đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin nhưng vẫn mắc COVID-19, từ đó làm tăng áp lực đối với hệ thống y tế.

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết tổng số ca mắc COVID-19 trên cả nước đã lên tới 544.117 ca sau ghi nhận 7.622 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 15/12, giảm so với mức cao nhất hôm 14/12 (7.850 ca). Trong số này có 148 ca nhiễm biến thể mới Omicron.

Đáng lưu ý, số ca nguy kịch cũng đã tăng lên mức cao chưa từng có tại Hàn Quốc với 989 ca, trong đó khoảng 87% số giường điều trị tích cực tại khu vực thủ đô Seoul đã không còn chỗ trống và con số này tính trên toàn quốc là 81%.

KDCA cho biết thêm hiện có hơn 92% người trưởng thành tại Hàn Quốc đã tiêm đầy đủ vắc-xin ngừa COVID-19, song số ca mắc mới đã tăng gấp gần 5 lần trong khi số ca nguy kịch tăng cấp 3 lần kể từ thời điểm các quy định hạn chế được nới lỏng vào tháng trước.

Nhật Bản phê duyệt tiêm mũi vắc-xin bổ sung của Moderna

Ngày 16/12, Nhật Bản đã chính thức phê duyệt sử dụng vắc-xin ngừa COVID-19 của hãng Moderna (Mỹ) làm mũi bổ sung.

Quyết định trên được đưa ra một ngày sau khi các chuyên gia Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) khuyến nghị tiêm mũi vắc-xin bổ sung của Moderna cho những người trên 18 tuổi. Đây là độ tuổi được triển khai tiêm rộng rãi mũi một và mũi 2 vắc-xin của Moderna tại các địa điểm tiêm chủng ở nơi làm việc. Như vậy, vắc-xin của Moderna sẽ là vắc-xin tiếp theo, sau vắc-xin của hãng Pfizer/BioNTech, được sử dụng làm mũi tiêm bổ sung cho người dân Nhật Bản từ 18 tuổi trở lên.

Các quan chức của MHLW cho biết kết quả thử nghiệm cho thấy một tháng sau khi tiêm mũi thứ 3 bằng vắc-xin của Moderna với liều lượng thấp hơn, nồng độ các kháng thể trung hòa cao hơn 70% so với một tháng sau khi tiêm mũi thứ hai.

MHLW cho biết từ nay tới tháng 6/2022, Nhật Bản sẽ được cung cấp ít nhất 97,5 triệu liều vắc-xin của Moderna. MHLW dự định sử dụng vắc-xin của Moderna cho chương trình tiêm chủng ở nơi làm việc từ tháng 3/2022 cũng như ở các cơ sở y tế và các điểm tiêm chủng quy mô lớn.

Hiện nay, Chính phủ Nhật Bản đang đẩy nhanh việc tiêm mũi bổ sung bằng cách sử dụng cả vắc-xin của Moderna và Pfizer/BioNTech. Mũi bổ sung sẽ được tiêm sau 6 tháng kể từ mũi tiêm thứ 2. Riêng trong ngày 15/12, Nhật Bản đã tiêm 93.000 mũi bổ sung bằng vắc-xin của Pfizer/BioNTech, tương đương 0,1% dân số.

Úc: Số ca nhiễm mới ở bang New South Wales tăng đột biến

Tại Úc, ngày 16/12, chính quyền bang New South Wales (NSW) thông báo 1.742 ca mắc mới trong 24 giờ qua, số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất được ghi nhận ở bang này kể từ khi dịch bệnh bắt đầu.

Bộ trưởng Y tế bang NSW Brad Hazzard cho biết hệ số lây nhiễm của virus corona đã vượt quá 1,5 sau khi trong tuần qua, số ca nhiễm mới tăng gấp đôi chỉ sau vài ngày.

Tính đến ngày 16/12, bang NSW đông dân nhất Úc đã ghi nhận 122 trường hợp nhiễm biến thể mới Omicron, tăng thêm 12 trường hợp so với một ngày trước đó. Các quan chức y tế của bang cho rằng biến thể mới đang khiến các ca bệnh mới tăng lên, có khả năng lây lan ra khắp bang. Ông Hazzard khẳng định hệ thống bệnh viện của bang đã chuẩn bị ứng phó với sự gia tăng của các ca nhiễm mới nhưng các nhà nghiên cứu của Đại học NSW dự báo số ca nhiễm có thể lên tới 25.000 mỗi ngày vào tháng 1/2022.

Trước đó, ngày 15/12, khi tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ ở bang NSW đạt trên 93%, chính quyền bang tiếp tục nới lỏng các hạn chế phòng chống dịch, cho phép người dân địa phương không phải đeo khẩu trang ở nhiều địa điểm hoặc không phải xuất trình chứng nhận đã tiêm phòng. Thủ hiến bang Dominic Perrottet cũng kêu gọi tập trung ngăn chặn các ca bệnh phải nhập viện và cần chăm sóc đặc biệt, dù con số này hiện vẫn còn thấp và ổn định.

Cùng ngày 16/12, bang Victoria, bang đông dân thứ hai của Úc, ghi nhận thêm 1.622 ca nhiễm mới và bang này có tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt 92% dân số.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: