Tòa Bạch Ốc: Huawei vẫn là mối đe dọa an ninh
Quyết định của Tổng thống Donald Trump cho phép nới lỏng việc bán sản phẩm công nghệ Mỹ cho tập đoàn viễn thông khổng lồ Huawei của Trung Quốc chỉ áp dụng cho các sản phẩm sẵn có rộng rãi trên thế giới, không áp dụng cho các thiết bị nhạy cảm, một cố vấn Tòa Bạch Ốc nói hôm Chủ Nhật, theo Reuters.
“Tất cả những gì sẽ xảy ra là Bộ Thương mại sẽ cấp phép bổ sung cho những mặt hàng mà có sẵn ở khắp nơi” về linh kiện mà Huawei cần, Chủ tịch Hội đồng kinh tế Quốc gia Larry Kudlow nói trên đài Fox News.
Ví dụ cụ thể các hãng sản xuất chip của Mỹ “đang bán các sản phẩm mà rất nhiều nước khác cũng có … Đây không phải là lệnh ân xá … Các quan ngại về an ninh quốc gia vẫn còn rất to lớn”, Kudlow nói.
Theo Reuters, việc nới một phần lệnh cấm đối với Huawei là một yếu tố quan trọng để Tổng thống Trump có thể đạt được đồng thuận cuối tuần qua giữa với Chủ tịch Tập Cận Bình về việc nối lại đàm phán thương mại đang bế tắc giữa hai nước.
Việc Mỹ, Trung nối lại đàm phán đã xua tan lo lắng của các nhà đầu tư về việc chiến tranh thương mại sẽ tiếp tục leo thang và dường như sẽ sớm có tác động tích cực đến các thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, việc nới lỏng cho Huawei đã khiến ông Trump nhận phải nhiều chỉ trích từ các nghị sĩ quốc hội Mỹ, những người lo ngại về quan hệ thân mật giữa Huawei và Bắc Kinh sẽ khiến tình báo Trung Quốc có thể lợi dụng hệ thống phân phối toàn cầu của các sản phẩm của Huawei để do thám người dùng, thậm chí can thiệp an ninh quốc gia nếu Huawei được tham gia xây dựng hệ thống 5G quan trọng cho tương lai.
“Sẽ có rất nhiều phản đối nếu đây là sự nhượng bộ lớn đối với Huawei”, Nghị sĩ Cộng hòa Lindsay Graham nói trong chương trình “Gặp gỡ báo chí”.
Huawei là nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và nhà sản xuất điện thoại lớn thứ 2, phủ nhận cáo buộc rằng sản phẩm của họ đem lại mối đe dọa an ninh quốc gia và đã tìm cách kiện lại chính phủ Mỹ ra các tòa án ở Mỹ kể từ khi Washington đặt công ty này vào danh sách đen. Ông Kudlow nói rằng việc Mỹ coi Huawei là rủi ro an ninh vẫn giữ nguyên. Ông cũng tiết lộ rằng những quan ngại lớn hơn về Huawei sẽ nằm trong nội dung của cuộc đàm phán mới được nối lại với Trung Quốc.
Thỏa thuận đạt được cuối tuần qua với ông Tập “không phải là những lời cuối cùng”, ông Kudlow nói.
Đức Trí (theo Reuters)
Xem thêm:
Từ khóa Donald Trump Hoa Kỳ Huawei Trung Quốc