Tòa nhà sụp ở Bangkok: Thái Lan điều tra, công ty Trung Quốc bỏ trốn trong đêm
- Ninh Hải Chung, Lạc Á
- •
Bị ảnh hưởng bởi trận động đất mạnh 7,7 độ richter xảy ra ở Myanmar cách đây vài ngày, một tòa nhà cao tầng đang được xây dựng ở Bangkok, Thái Lan đã bị sập. Nhà thầu là Tập đoàn Kỹ thuật Đường sắt số 10, một doanh nghiệp nhà nước của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã trở thành mục tiêu chỉ trích của dư luận.
Những “Công trình kém chất lượng“ của ĐCSTQ một lần nữa thu hút sự chú ý. Dưới áp lực của dư luận, chính quyền Thái Lan đã bắt đầu một cuộc điều tra và phát hiện văn phòng địa phương của Tập đoàn Kỹ thuật Đường sắt Trung Quốc số 10 hoàn toàn trống rỗng. Sự việc này đã gây ra làn sóng phản đối Trung Quốc ở Thái Lan.
Tòa nhà Bangkok sụp đổ: Chính quyền Thái Lan điều tra, công ty Trung Quốc bỏ trốn trong đêm
Ngày 28/3, một trận động đất mạnh có cường độ 7,7 độ Richter đã xảy ra ở Myanmar. Trận động đất đã ảnh hưởng đến Thái Lan, khiến tòa nhà Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Thái Lan đang được xây dựng tại Bangkok đã sụp đổ.
Đây là tòa nhà duy nhất ở Thái Lan bị sụp đổ trong trận động đất mạnh ở Myanmar. Vụ tai nạn đã khiến ít nhất 12 người thiệt mạng và ước tính vẫn còn hơn 70 người bị mắc kẹt.
Tòa nhà 30 tầng đang được xây dựng nằm gần khu chợ Chatuchak nổi tiếng ở phía bắc Bangkok, và được xây dựng bởi Tập đoàn Kỹ thuật Đường sắt Trung Quốc số 10, một công ty con của Tổng công ty Đường sắt Trung Quốc (CREC) do nhà nước Trung Quốc sở hữu, và đối tác địa phương là Công ty Phát triển Ý-Thái (ITD).
Theo báo cáo của truyền thông Thái Lan, tòa nhà Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Thái Lan đã sụp đổ chỉ trong chốc lát, làm dấy lên nghi ngờ mạnh mẽ của công chúng về chất lượng dự án và trách nhiệm của cơ quan quản lý. Sau đó, chính quyền Thái Lan đã mở cuộc điều tra.
Theo báo cáo của tờ báo trực tuyến Thai Enquirer vào ngày 31/3, Đội điều tra đường sắt Thái Lan và các cơ quan thực thi pháp luật đã đến trụ sở Tập đoàn Kỹ thuật Đường sắt Trung Quốc số 10, chi nhánh Thái Lan tại Bangkok, nhưng phát hiện văn phòng đã đóng cửa. Các cuộc gọi đến số điện thoại đã đăng ký của công ty này, bao gồm điện thoại cố định và điện thoại di động, đều mất kết nối.
Theo báo cáo của trang tin tức trực tuyến Nationthailand của Thái Lan, ngày 1/4, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Pichai Naripthaphan cho biết trong quá trình điều tra, bộ đã phát hiện ra một số hành vi vi phạm. Nhưng khi họ cố gắng liên lạc với trụ sở chi nhánh Thái Lan của Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc số 10 tại Bangkok thì không thành công, cả điện thoại lẫn chuông cửa đều không có người trả lời.
Trước đó, truyền thông Thái Lan đưa tin, 4 người đàn ông Trung Quốc, trong đó có giám đốc kỹ thuật dự án, đã lợi dụng lúc hỗn loạn lẻn vào tòa nhà bị sập lấy cắp 32 tài liệu, và bị chính quyền bắt giữ. Cư dân mạng nghi ngờ rằng đây có thể là nỗ lực của Tổng công ty Đường sắt số 10, nhằm tiêu hủy bằng chứng về các hoạt động bất hợp pháp và bất chính của mình.
Gần đây, chính quyền Thái Lan đã công bố kết quả điều tra sơ bộ, và chỉ ra rằng có ít nhất 2 loại thép trong vật liệu xây dựng tòa nhà không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
- Tòa nhà sập ở Bangkok: Thép không đạt chuẩn cung cấp bởi công ty có vốn Trung Quốc
- Nghi tòa nhà bị sập ở Bangkok do dùng vật liệu xây dựng không đạt tiêu chuẩn
- Tòa nhà bị sập ở Bangkok là “dự án chuẩn mực ở nước ngoài” của Trung Quốc
Thái Lan khuấy động phong trào phản đối đầu tư Trung Quốc, Đại sứ quán Trung Quốc bị cáo buộc trốn tránh trách nhiệm
Nghị sĩ đảng đối lập Thái Lan Chutiphong Pipoppinyo đăng trên Facebook, rằng loại thép được sử dụng trong tòa nhà bị sập trùng khớp với sản phẩm của hai nhà máy thép do Trung Quốc sở hữu đã bị chính phủ ra lệnh đóng cửa vào tháng 12/2024.
Ngày 30/3, ông Mana Nimitmongkol, chủ tịch Tổ chức chống tham nhũng Thái Lan, cho biết tổ chức chống tham nhũng đã đến thăm dự án nhiều lần trong quá trình xây dựng, và phát hiện ra rằng dự án bị chậm tiến độ, thiếu công nhân và bị nghi ngờ chất lượng thi công kém.
Trong những tháng gần đây, Bộ trưởng Công nghiệp Thái Lan Akanat Promphan đã nhiều lần cảnh báo về các vấn đề chất lượng của các sản phẩm công nghiệp do Trung Quốc sản xuất, và cho biết chúng có thể gây ra “tác động thảm khốc” đối với Thái Lan.
Theo số liệu thống kê chính thức của Thái Lan, lần đầu tiên vào năm 2019, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản, trở thành nguồn đầu tư nước ngoài lớn nhất của Thái Lan. Do chính quyền Trump áp thuế đối với các sản phẩm của Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu tiên, các công ty Trung Quốc đã chuyển sang Đông Nam Á để tìm kiếm “kênh tránh thuế” và vốn Trung Quốc đã đổ vào Thái Lan.
Đài Á Châu Tự do đưa tin, tại thị trấn Bowin, phía đông Bangkok, nơi được coi là trung tâm công nghiệp của Thái Lan, có một cộng đồng người Hoa, nơi hầu hết mọi giao dịch đều được thanh toán bằng Nhân dân tệ và thực hiện thông qua Alipay.
Do nguồn vốn của Trung Quốc không có động lực thực chất nào thúc đẩy nền kinh tế địa phương của Thái Lan, nên người dân địa phương và đại diện công chúng nhiều phàn nàn về vấn đề này.
Jirun Petra, một nhà hoạt động vì quyền lao động tại Thái Lan, cho biết ngày càng có nhiều nhà máy Trung Quốc tại nước này, nhưng thực tế họ lại sử dụng rất ít công nhân Thái Lan. Ông nhấn mạnh, người dân không phản đối đầu tư của Trung Quốc vào Thái Lan, nhưng các công ty Trung Quốc nên sử dụng lao động địa phương một cách hợp lý theo tỷ lệ quy định.
Dưới áp lực của dư luận, Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra đã ra lệnh điều tra toàn diện tất cả các dự án kỹ thuật liên quan đến Tập đoàn Kỹ thuật Đường sắt Trung Quốc số 10, và xác minh xem vật liệu xây dựng mà họ sử dụng có đủ tiêu chuẩn hay không. Tuy nhiên, bà cho biết, cuộc điều tra sẽ không “mang tính riêng biệt cho từng quốc gia”.
Từ Chân (Xu Zhen), một nhân vật cấp cao trong thị trường vốn của Trung Quốc Đại Lục, nói với Epoch Times rằng sau vụ sập tòa nhà, Tập đoàn Kỹ thuật Đường sắt Trung Quốc số 10 đã không chân thành xin lỗi công chúng, không chờ đợi kết quả vụ tai nạn, không an ủi và bồi thường cho những người thương vong.
Thay vào đó, họ tiêu hủy bằng chứng và bỏ trốn qua đêm. Đây chính là “trách nhiệm” của các doanh nghiệp nhà nước của ĐCSTQ, khiến cộng đồng quốc tế càng nhận thức rõ hơn về hành vi xấu xa của ĐCSTQ.
- 4 người Trung Quốc lẻn vào tòa nhà bị sập ở Bangkok lấy 32 tài liệu
- Trung Quốc ‘ém’ chuyện tòa nhà sập ở Bangkok do công ty nước này thi công
Nhà sử học Lý Nguyên Hoa sống tại Úc cho biết về cơ bản, tuyên bố của Đại sứ quán Trung Quốc là một nỗ lực đổ lỗi, bởi có nhiều dự án kém chất lượng tại Trung Quốc không được Chính phủ Trung Quốc giám sát. Các đại sứ quán ở nước ngoài lại càng còn có ít khả năng giám sát các công ty nước ngoài như vậy.
Sự việc này là lời cảnh báo cho các quốc gia hợp tác với ĐCSTQ
Các “công trình kém chất lượng“ dưới sự cai trị của ĐCSTQ đang được xuất khẩu ra nước ngoài thông qua sáng kiến ”Vành đai và Con đường” do ông Tập Cận Bình đích thân thúc đẩy.
Ngày 1/11/2024, mái nhà ga xe lửa tại thành phố Novi Sad ở miền bắc Serbia đã sụp đổ, khiến ít nhất 14 người thiệt mạng. Nhà ga đường sắt nơi xảy ra tai nạn vừa hoàn tất cuộc tái thiết kéo dài 3 năm vào tháng 7/2024.
Bộ trưởng Xây dựng Serbia, ông Goran Vesic, cho biết dự án nhà ga đường sắt được thực hiện bởi Công ty Đường sắt Quốc tế Trung Quốc (CRIC), một công ty con của Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc, và Công ty Xây dựng Giao thông Trung Quốc (CCCC).
Ngày 26/6/2017, Cầu SIGIRI ở Kenya do Tổng công ty Đường sắt Trung Quốc số 10 xây dựng đã bị sập, khiến ít nhất 27 người bị thương. Cầu SIGIRI nằm ở phía tây Kenya, bắc qua sông Nzoia, có chi phí xây dựng khoảng 80 triệu nhân dân tệ (khoảng 11 triệu USD).
Ông Lý Nguyên Hoa cho biết, trước đây các công ty Trung Quốc đã giành được nhiều hợp đồng kinh doanh ở nước ngoài bằng cách đưa ra mức giá thấp. Nhìn bề ngoài, mức giá có vẻ thấp, nhưng thực chất đây là một công trình chất lượng kém.
Lần này, tòa nhà do một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc xây dựng đã bị sập. Thái Lan chắc chắn sẽ điều tra kỹ lưỡng, các nước khác chắc chắn cũng sẽ xem xét lại mối quan hệ hợp tác với ĐCSTQ và các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc.
Từ Chân cho biết, vụ sập nhà mới nhất ở Thái Lan là lời cảnh báo đối với các quốc gia dọc theo “Sáng kiến Vành đai và Con đường” của ĐCSTQ, đặc biệt là các chính trị gia và người dân các nước Đông Nam Á, vốn là “sân sau” của ĐCSTQ – chỉ có tránh xa ĐCSTQ mới được an toàn.
Từ khóa Động đất ở Myanmar Động đất ở Thái Lan động đất Công ty Trung Quốc nhà thầu Trung Quốc Recommend Bangkok
