Thủ tướng Li-Băng từ chức và cho giải tán toàn bộ chính phủ hôm thứ Hai trong bối cảnh vụ nổ thảm họa tại thủ đô Beirut đã khiến công chúng phẫn nộ, nói rằng ông đã đi đến kết luận rằng vấn đề tham nhũng ở nước này “lớn hơn cả nhà nước”. 

Embed from Getty Images

Thủ tướng Li-Băng Hassan Diab

Động thái của ông Hassan Diab đặt ra rủi ro mở ra những cuộc đàm phán cũ kỹ, dài lê thê để dựng lên Nội các mới giữa những lời kêu gọi cải tổ khẩn cấp. Quyết định giải tán chính phủ theo sau một cuộc biểu tình rầm rộ chống chính quyền vào cuối tuần qua, do phẫn nộ về vụ nổ ở cảng Beirut khiến ít nhất 160 người thiệt mạng và 6.000 người khác bị thương. 

Trong một bài phát biểu ngắn được phát trên truyền hình quốc gia sau khi ba bộ trưởng của mình từ chức, ông Diab tuyên bố ông và toàn bộ chính phủ đều sẽ từ nhiệm. 

“Xin Chúa bảo vệ Li-Băng”, ông nói và lặp lại câu cuối cùng trong bài phát biểu này ba lần. Bên ngoài tòa nhà chính phủ ở Beirut, hàng ngàn người biểu tình đổ ra đường trong ngày thứ ba liên tiếp. Câu nói của Diab như khắc sâu vào tình cảnh bế tắc chính trị tại quốc gia mà các cuộc biểu tình liên miên không giải quyết triệt để được giới lãnh đạo già cỗi, mà chỉ đẩy nhanh tốc độ dựng – đổ của các chính phủ bù nhìn. 

Hôm Chủ nhật, cảnh sát Lebanon đã bắn đạn hơi cay giải tán những người biểu tình khi họ ném đá và chặn một con đường gần Quốc hội ở Beirut. Một đoạn phim truyền hình cho thấy lửa bùng phát tại lối vào Quảng trường Quốc hội khi những người biểu tình cố gắng đột nhập vào khu vực có rào chắn. Những người biểu tình cũng đột nhập vào các văn phòng của Bộ Giao thông và Nhà ở.

Sau nhiều tháng suy thoái kinh tế và chính trị, vụ nổ hơn 2.000 tấn amoni nitrat kinh hoàng đã  trở thành điểm bùng phát cơn phẫn nộ của người Li-Băng đòi toàn bộ chính phủ từ chức.

Vụ nổ ở Li-Băng
(Ảnh: Shutterstock)

Một phóng viên Reuters cho biết, cảnh sát chống bạo động mặc áo giáp và mang dùi cui đã đụng độ với những người biểu tình khi hàng chục nghìn người tụ tập về Quảng trường Quốc hội và Quảng trường Liệt sĩ gần đó.

“Chúng tôi đã cho những nhà lãnh đạo này rất nhiều cơ hội để giúp đỡ người dân và họ luôn thất bại. Chúng tôi muốn tất cả bọn họ từ chức, đặc biệt là Hezbollah, bởi vì nó là một lực lượng dân quân và chỉ đe dọa mọi người bằng vũ khí ”, Walid Jamal, một người biểu tình thất nghiệp nói, đề cập đến nhóm vũ trang có ảnh hưởng nhất của đất nước do Iran hậu thuẫn và có nhiều ghế bộ trưởng trong chính phủ.

Giáo sĩ Cơ đốc giáo Maronite hàng đầu của đất nước, Giáo chủ Bechara Boutros al-Rai cho biết nội các nên từ chức vì nó không thể “thay đổi cách quản lý”.

Kể từ tháng 10 năm ngoái, Li-Băng đã chứng kiến các cuộc biểu tình rộng khắp đòi sa thải toàn bộ chính phủ bè phái vì tham nhũng thâm căn, bất tài và quản lý yếu kém. Tuy nhiên do giới đầu sỏ chính trị cầm quyền đã bám chặt quyền lực quá lâu, kể từ cuối nội chiến 1990, rất khó để tìm được một nhân vật chính trị đủ uy tín và không bị nhúng chàm bởi các mối quan hệ tới giới lãnh đạo Li-Băng, AP cho hay. 

Thủ tướng Diab cáo buộc các chính trị gia thối nát tiền nhiệm đã khiến vụ “động đất” xảy ra ở Li-Băng. 

“Họ (tầng lớp chính trị) đáng ra phải tự xấu hổ với bản thân bởi việc họ tham nhũng chính là nguyên nhân dẫn đến thảm họa mà vốn được che giấu trong nhiều năm qua”, ông nói thêm. 

Tôi đã nhận thấy rằng tham nhũng là vấn đề còn lớn hơn nhà nước và nhà nước đang bị tê liệt bởi bè lũ cầm quyền mà không thể đối đầu hoặc loại bỏ chúng”, Diab nói. Trước khi làm thủ tướng, ông là giáo sư Đại học Hoa Kỳ tại Beirut. 

Sau thảm họa, ông đã dự định sẽ tại nhiệm thêm 2 tháng để tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội mới và mở ra một lộ trình cải tổ. Nhưng áp lực từ chính Nội các quá lớn với hàng loạt quan chức từ chức, lời kêu gọi bầu cử sớm đã chết yểu. Tuy nhiên chính vì thế, nội các mới sẽ do chính những phe phái chính trị cũ dựng lên. 

Người tiền nhiệm của ông Diab, Saad Hariri, cũng phải từ chức ngay hồi tháng 10 do sức ép từ biểu tình. Sau đó, phải mất nhiều tháng tranh cãi giữa giới lãnh đạo các phe phái thì chính phủ của Diab mới được thành lập. 

Rồi tới chính phủ của Diab vốn bị thống trị bởi phe quân sự Hezbollah và đồng minh, bị coi là phiến diện và thất bại ngay từ trứng nước do được giao nhiệm vụ thực hiện các yêu cầu cải tổ nhưng lại bao gồm người của chính những phe phái mà những người muốn cải cách đòi phải bị bãi nhiệm. 

Nay vòng xoáy này lại bắt đầu lại từ đầu. 

“Tôi hy vọng quá trình quá độ không quá lâu bởi đất nước này không chịu được nữa rồi. Hy vọng một chính phủ mới sẽ được lập ra nhanh chóng”, Bộ trưởng Công tác Công cộng Michel Najjar nói. “Ít nhất ta cần một chính phủ biết làm việc để vượt qua khỏi cuộc khủng hoảng này”. 

Cuối tuần qua, Khoảng 10.000 người đã tập trung tại Quảng trường Martyrs, nơi biến thành nơi đụng độ giữa cảnh sát và những người biểu tình vào buổi tối, họ cố gắng phá bỏ hàng rào dọc theo một con đường dẫn đến quốc hội. Một số người biểu tình đã xông vào các bộ của chính phủ và Hiệp hội các ngân hàng Lebanon.

Một cảnh sát đã thiệt mạng và Hội Chữ thập đỏ cho biết hơn 170 người bị thương trong các cuộc đụng độ.

‘THAY ĐỔI CHÍNH PHỦ’

“Cảnh sát đã bắn vào tôi. Nhưng điều đó sẽ không ngăn cản chúng tôi biểu tình cho đến khi chúng tôi thay đổi chính phủ từ trên xuống dưới,” Younis Flayti, 55 tuổi, một sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu, cho biết hôm Chủ nhật.

Gần đó, thợ cơ khí Sabir Jamali ngồi bên một chiếc thòng lọng được gắn vào khung gỗ ở Quảng trường Martyrs, biểu tượng này nhằm cảnh báo các nhà lãnh đạo Lebanon hãy từ chức hoặc đối mặt với án treo cổ.

 Luật sư Maya Habli khảo sát khu cảng bị tàn phá.

 Bà nói: “Mọi người nên ngủ trên đường phố và biểu tình chống lại chính phủ cho đến khi nó sụp đổ.”

Đối với nhiều người, vụ nổ là một lời nhắc nhở đáng sợ về cuộc nội chiến 1975-1990 đã chia cắt đất nước và phá hủy thủ đô Beirut, nay phần lớn trong số đó đã được xây dựng lại.

Theo AP, áp lực từ đường phố và từ Tổng thống Pháp Macron, người đã tới thăm Beirut vài ngày sau vụ nổ, có thể thúc ép các phe phái chính trị bỏ qua khác biệt để nhanh chóng lập một chính  phủ đoàn kết. Chính phủ của ông Diab cơ bản đã trục xuất đối thủ của Hezbollah, theo nhóm phân tích Eurasia, nói thêm rằng giới lãnh đạo hiện có thể thấy nhu cầu phải cải tổ nhiều hơn. 

Eurasia đề xuất dựng một chính phủ bao gồm các chuyên gia độc lập, tuy nhiên lưu ý lực lượng Hezbollah là chướng ngại lớn nhất vì sẽ có lo ngại rằng tổ chức quân sự này cuối cùng sẽ bị đẩy ra khỏi hệ thống chính trị quốc gia. 

Thủ tướng và Tổng thống Li- Băng cho biết 2.750 tấn amoni nitrat có khả năng nổ cao, được sử dụng để sản xuất phân bón và bom đã được lưu trữ trong sáu năm mà không có biện pháp an toàn tại kho cảng. Người dân nước này quy trọn trách nhiệm thảm họa cho sự tham nhũng và cẩu thả của giới lãnh đạo. Ước tính vụ nổ gây thiệt hại từ 10 tỷ đến 15 tỷ USD, khiến gần 30.000 người mất nhà. 

Hành động cuối cùng trước khi tự giải tán của Chính phủ Diab là đưa vụ điều tra về vụ nổ lên Hội đồng Tư pháp Tối cao, cơ quan thụ lý tội phạm xâm phạm chủ quyền quốc gia cũng như tội an ninh quốc gia. Đây là cơ quan tư pháp cấp cao nhất tại Li-Băng. 

Theo AP, cơ quan an ninh quốc gia đã gửi báo cáo về mức nguy hiểm của việc lưu trữ vật liệu nổ tại cảng tới cho Tổng thống và Thủ tướng Li-Băng vào ngày 20/7. Cuộc điều tra đang diễn ra tập trung làm sáng tỏ câu hỏi tại sao amoni nitrat lại được đưa đến cảng Beirut để lưu kho trong suốt thời gian dài mà không có ai làm gì về điều này. 

Bộ trưởng Công tác Công Najjar nói ông mới biết về sự tồn tại của những vật liệu nổ này 24 giờ trước vụ nổ. 

“Tôi đã viết báo cáo vào buổi sáng và vụ nổ xảy ra vào buổi tối”, Najjar nói. Khi được hỏi tại sao đến ngày sắp xảy ra vụ nổ ông mới biết đến sự tồn tại của kho hóa chất dễ cháy, Bộ trưởng Công tác công nói: “Tôi không biết, tôi thực sự không biết”. 

Tới nay, khoảng 20 người đã bị bắt liên quan đến vụ nổ, trong đó có người đứng đầu cơ quan hải quan Li-Băng, người tiền nhiệm của người này và lãnh đạo cảng. Hàng chục người khác đã bị thẩm vấn, bao gồm 2 cựu bộ trưởng, theo tiết lộ từ giới chức Li-Băng.

Lãnh đạo các nước khác trên thế giới và các tổ chức quốc tế đã cam kết chi gần 300 triệu USD tiền trợ cấp khẩn cấp cho Beirut, nhưng cảnh cáo rằng công tác phục hồi thủ đô Beirut sẽ không nhận được tiền cho đến khi chính quyền Li-Băng cam kết cải tổ chính trị và kinh tế như người dân đòi hỏi. 

Trần Minh

Xem thêm: