Hôm thứ Ba (7/1), Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump kêu gọi các quốc gia thành viên NATO nên bắt đầu chi 5% GDP cho quốc phòng. Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Trump cáo buộc các thành viên châu Âu trong khối quân sự do Mỹ lãnh đạo tiếp tục chi “chỉ một phần rất nhỏ” số tiền mà Washington chi cho quốc phòng, mặc dù các quốc này chịu ảnh hưởng nhiều hơn bởi cuộc chiến tranh đang diễn ra giữa Moskva và Kiev.

shutterstock 154802510
(Ảnh: Jiri Flogel/ShutterStock)

Phát biểu với các nhà báo tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở tiểu bang Florida, vị tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ nhấn mạnh: “Nó [chi tiêu quốc phòng] nên là 5% [GPD], chứ không phải 2%”. 2% GDP là ngưỡng chi tiêu quốc phòng mà các thành viên NATO đặt ra trước đây. Tổng thống Trump chỉ trích, một số quốc gia trong NATO “đã lợi dụng chúng ta”. Điều này lặp lại những tuyên bố mà ông đã đưa ra trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, khi đó ông đã thúc ép các quốc gia thành viên NATO khác phải chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng, bằng cách đe dọa rằng Hoa Kỳ sẽ không bảo vệ họ trong trường hợp có sự xâm lược của nước ngoài.

Hôm thứ Ba (7/1), Tổng thống đắc cử Trump cũng đề cập đến sự chênh lệch trong chi tiêu quốc phòng giữa các quốc gia thành viên NATO. Theo ông, Washington đã chi “hàng tỷ tỷ đô la nhiều hơn … so với châu Âu”. Vị tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ lưu ý rằng nền kinh tế của các thành viên châu Âu trong NATO cộng lại có “quy mô tương tự” với nền kinh tế của Hoa Kỳ, đồng thời ông nói thêm rằng “tất cả họ [các thành viên châu Âu] đều có thể chi trả” cho việc tăng chi tiêu quốc phòng.

Nhà lãnh đạo Mỹ cảnh báo, khối liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu đơn giản là “không thể làm điều đó ở [ngưỡng 2% GDP]”, nhưng ông không nói rõ chi tiết về lý do đằng sau lời tuyên bố đó của mình. Ông thậm chí cảnh báo rằng các thành viên châu Âu trong NATO hiện đang “ở trong vùng nguy hiểm”. Ông cũng tự hào rằng việc ông trước đây khăng khăng yêu cầu các quốc gia thành viên NATO tăng chi tiêu quốc phòng “đã cứu” khối này.

Theo báo cáo của NATO về chi tiêu quốc phòng được công bố vào tháng Sáu năm ngoái, không có thành viên nào trong khối này, hiện chi 5% GDP cho quốc phòng. Ba Lan là thành viên NATO có mức chi tiêu quốc phòng tương đối lớn nhất, khi đã phân bổ hơn 4% GDP của mình cho mục tiêu này.

Xét về mặt tỷ lệ chi tiêu, Hoa Kỳ xếp vị trí thứ ba, sau Ba Lan và Estonia, khi chi chưa đến 3,5%% GDP của mình cho quốc phòng. Theo dữ liệu riêng của NATO, tính đến tháng 6/2024, có tới 15 thành viên trong khối, bao gồm cả Canada, Ý, và Pháp, tiếp tục chưa đạt được ngưỡng chi tiêu 2% GDP cho quốc phòng mà khối này đã đặt ra.

Tổng thư ký (TTK) NATO Mark Rutte cũng nói về việc các thành viên khối này cần phải tăng mức phân bổ cho quốc phòng trong ngân sách của họ. Tháng trước khi phát biểu tại Brussels, ông Rutte cho biết: “Đúng là hiện nay chúng ta chi tiêu cho quốc phòng nhiều hơn so với cách đây một thập kỷ”, tuy nhiên ông lưu ý rằng NATO hiện chi tiêu cho quốc phòng ít hơn so với thời Chiến tranh lạnh, khi đó “người châu Âu đã chi nhiều hơn 3% GDP” cho quốc phòng.

Khi được hỏi về ngưỡng chi tiêu quốc phòng mới mà ông xem là phù hợp, TTK Rutte phản hồi: “Bạn phải đạt ít nhất 4%”. Tuy nhiên ông cảnh báo, “thậm chí với 4%, bạn cũng không thể tự bảo vệ mình, bởi vì khi đó bạn sẽ không triển khai được các công nghệ mới nhất trong quân đội của mình”. 

Những phát biểu nhắc lại mới nhất của Tổng thống đắc cử Trump được đưa ra sau khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz chỉ trích gay gắt việc Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck về đề xuất tăng mạnh ngân sách quốc phòng. Theo Thủ tướng Scholz, mức tăng được chi tiêu quốc phòng đề xuất cuối cùng sẽ chỉ làm tăng thêm gánh nặng cho người nộp thuế Đức.

Gia Huy