Tổng thống Nga Putin kiên quyết rằng Ukraine phải trung lập
- Nhật Tân
- •
Khi được hỏi về hòa đàm cho chiến tranh Ukraine trong phỏng vấn tại diễn đàn Valdai năm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Ukraine phải trung lập như tinh thần Tuyên ngôn Độc lập của nước này. Trong khi đó, về phía Mỹ, vẫn chưa có thông điệp chính thức. Truyền thông đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump và tỷ phú Elon Musk đã có một cuộc điện đàm chung với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngay hôm Thứ Tư sau khi tuyên bố đắc cử. Tuy nhiên, ông Zelensky sau đó tuyên bố rằng ông vẫn không biết cụ thể giải pháp của ông Trump, và cho rằng giải pháp vội vã sẽ đem lại tổn thất cho Ukraine.
Lập trường từ phía Nga
Tại Diễn đàn Valdai diễn ra ở Sochi năm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có phiên tọa đàm gần 4 giờ đồng hồ với báo giới hôm 7/11.
Khi được hỏi về vấn đề Ukraine, ông Putin kiên quyết rằng Ukraine phải trở thành quốc gia trung lập, và ông tin rằng đó cũng là tinh thần khi Ukraine được tách riêng thành quốc gia độc lập vào năm 1991.
“Nếu không trung lập, thì rất khó hình dung về quan hệ láng giềng giữa Nga và Ukraine,” Tổng thống Putin nói. “Tại sao? Tại vì nếu như thế thì Ukraine sẽ liên tục được dùng như một công cụ trong tay người nào đó để gây hại cho lợi ích của Nga.”
Ngay trước câu hỏi đó, là câu hỏi về vấn đề biên giới với Ukraine. Ông Putin trả lời:
“Về vấn đề biên giới Ukraine, chúng tôi đã thừa nhận [đường biên giới] Ukraine theo thỏa thuận sau khi Liên Xô tan rã. Nhưng cần lưu ý một thực tế rằng trong Tuyên ngôn Độc lập của Ukraine, điều mà Nga thừa nhận, đã tuyên bố rằng Ukraine là quốc gia trung lập. Chúng tôi thừa nhận biên giới Ukraine là trên cơ sở đó.
Nhưng mà sau đó giới lãnh đạo Ukraine đã sửa đổi Hiến pháp của nước này, tuyên bố mong muốn nhanh chóng gia nhập NATO. Mà đó không phải là điều mà chúng tôi đã đồng ý với nhau.
Đó là điều thứ nhất.
Thứ hai, ấy là chúng tôi không bao giờ chấp nhận bất kỳ loại đảo chính nào, và cũng không ủng hộ đảo chính đã diễn ra ở Ukraine.”
Ông nói rằng vụ đảo chính 2014 tại Kiev đã dẫn tới chia rẽ Ukraine. Những người dân ở Crimea cũng như phía Đông và phía Nam Ukraine không thừa nhận chính quyền Kiev vì đó là chính quyền kết quả của đảo chính, và theo ông, việc họ mong muốn sáp nhập với Nga là đúng theo điều khoản 1 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, điều khoản về quyền tự chủ.
Hiện nay, Nga nhìn nhận rằng chiến tranh Ukraine là chiến tranh uỷ nhiệm với NATO đứng sau chính quyền Kiev, được Mỹ đứng sau dựng lên sau vụ đảo chính 2014.
Khi được hỏi về việc ông Trump tuyên bố chấm dứt chiến tranh Ukraine sau 24 giờ chính thức trở thành tổng thống đắc cử, thì ông Putin trả lời:
“Tôi không muốn bình luận về điều được tuyên bố một cách hữu ý trong tình huống bầu cử [tổng thống Mỹ], tôi tin rằng nó được nói để giành được phiếu bầu của cử tri, mà làm vậy không sao cả.
Thông điệp được nói ra là mong muốn khôi phục quan hệ với Nga, và giúp chấm dứt khủng hoảng Ukraine, thế thì theo quan điểm của tôi, cũng đáng được chú ý.
Tôi cũng muốn nhân dịp này chúc mừng ông [Donald Trump] đắc cử tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Tôi đã nói rằng chúng tôi sẽ làm việc với bất kỳ nguyên thủ quốc gia nào mà người Mỹ tín nhiệm. Điều đó cũng đúng trong trường hợp cụ thể này.”
Về quan điểm của quan chức cấp cao của Nga, sau khi truyền thông Mỹ tiết lộ một số phác thảo phương án cho hòa đàm Ukraine, trong đó có điều khoản đóng băng đường biên theo chiến tuyến, lập dải 800 dặm làm vùng đệm phi quân sự, thì Thư ký Hội đồng An ninh Nga Sergei Shoigu đã tỏ ý hoan nghênh quan điểm Mỹ thừa nhận đường biên trên thực địa.
Lập trường từ phía Mỹ
Tổng thống Đắc cử Donald Trump chưa lên tiếng chính thức về việc này.
Theo báo cáo hôm 9/11, Bryan Lanza, người đã từng làm cố vấn cho ông Trump trong thời gian tranh cử nói với BBC rằng phương án đàm phán của ông Trump chủ yếu nhắm vào việc kết thúc chiến tranh, kết thúc chết chóc, chứ không đặt trọng tâm vào đòi lại lãnh thổ.
Theo BBC, một nguồn tin cho biết đã có cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Zelensky, với sự tham gia của ông Elon Musk ngay hôm Thứ Tư, sau khi ông Trump tuyên bố đắc cử.
“Đó không hẳn là một cuộc thảo luận về những điều rất cụ thể,” nguồn tin cho hay.
Theo báo cáo của Axios cũng về cuộc điện đàm khoảng 25 phút này, thì ông Trump đã chỉ trích rất mạnh việc chính quyền Biden vẫn tiếp tục các nỗ lực đưa các gói viện trợ lớn cho Kiev, các nỗ lực mãi cho đến ngày bàn giao nhiệm sở cho ông Trump 20/1/2025, khi mà ông có thể chính thức chặn lại việc này.
Báo cáo cho hay ông Trump có những lời trấn an ông Zelensky, nhưng không đưa ra chi tiết, điều này dường như cũng được ông Zelensky xác nhận khi trả lời phỏng vấn vào hôm sau đó:
“Tôi tin rằng Tổng thống Trump thực sự muốn một giải pháp nhanh chóng. Nhưng mà muốn như vậy không có nghĩa sẽ diễn ra như vậy,” ông Zelensky kể lại, thể hiện rõ ràng sự không hài lòng. “Tôi không phải ý chê trách, mà tôi chỉ muốn nói chúng tôi ở tình huống nào. Chúng tôi đang trong chiến tranh với Nga, đó là sự thật. Họ là kẻ thù nguy hiểm nhất của thế kỷ này.”
“Tôi không nói về nhân quyền tại đây, dù sao thì nhân mạng là quan trọng nhất. Tôi là nói ông ấy (Putin) đang muốn chia cắt Ukraine thành từng miếng. Mà đó là một thách thức lớn, vì đây là một quốc gia lớn.”
Báo cáo cho biết ông Musk hứa sẽ tiếp tục hỗ trợ dịch vụ Starlink cho Ukraine.
Theo một tiết lộ do Tạp chí Phố Wall và một vài kênh khác cho biết, thì phương án sơ bộ của nhóm ông Trump là đóng băng đường biên theo chiến tuyến thực tế, hình thành một đải 800 dặm như là một vùng đệm phi quân sự.
Vùng đệm này không có quân Mỹ, nhưng mà sẽ được duy trì bởi các thành viên NATO ở Châu Âu —Ba Lan, Đức, Pháp, v.v.— họ sẽ chia sẻ nhau trách nhiệm này.
Theo phương án được tiết lộ này, Ukraine sẽ không thể gia nhập NATO trong ít nhất 20 năm, nhưng NATO vẫn tiếp tục khả năng cung cấp vũ khí cho chính quyền Kiev để duy trì năng lực tự vệ.
Nếu so với cái mà ông Zelensky gọi là “kế hoạch chiến thắng” hồi tháng 9 thì ở đây có sự khác biệt rất lớn. Trong cái gọi là “kế hoạch chiến thắng” ấy, ông Zelensky yêu cầu Ukraine gia nhập NATO lập tức để đảm bảo an ninh, ông muốn được phép dùng vũ khí tầm xa của NATO để tấn công lãnh thổ Nga. Ông không chấp nhập đóng băng xung đột, vì cho rằng đó sẽ nguy hiểm cho Ukraine, và ông muốn mục đích cuối cùng là “chiến thắng” khi lấy lại toàn bộ lãnh thổ, khôi phục biên giới 1991.
Trong cuộc họp báo nói trên diễn ra sau hôm điện đàm với ông Trump, ông Zelensky cũng tỏ ra không hài lòng: “Chúng tôi là muốn một kết thúc công bằng cho cuộc chiến này. Tôi tin rằng một kết thúc nhanh chóng cuộc chiến sẽ tương đương với thất bại. Là thất bại!”
“Và tôi nghĩ rằng, nếu nó nhanh thế… Tôi không biết ý tưởng đó,” ông Zelensky nói tiếp. “chúng tôi đã không thảo luận điều này với Tổng thống Trump. Tôi tin rằng ông ấy sẽ chuẩn bị, với nhóm của ông ấy, một kế hoạch nào đó, hoặc quan điểm, quan điểm của ông ấy.”
Tuy ông Zelensky thú nhận rằng chính mình chưa biết cụ thể hơn về kế hoạch của ông Trump, đồng thời tỏ ra không hài lòng về cách theo đuổi một giải pháp chóng vánh cho Ukraine, nhưng mà, qua đây lại có thể thấy được lập trường của ông Trump là nhất quán với chủ trương xuyên suốt thời gian qua của ông Trump: Người Mỹ trên hết (American first).
Đây là đường lối nhất quán từ lâu của ông Trump, gồm cả các chính sách của ông vạch ra trong nhiệm kỳ trước (2017–2020), chứ đây không phải là chủ trương mới.
Theo quan điểm đặt lợi ích dân Mỹ lên trên hết, ông Trump nhiều lần bày tỏ quan điểm rằng các quốc gia Châu Âu phải tự bảo đảm an ninh cho chính mình, các thành viên của NATO ở Châu Âu phải tăng thêm ngân sách quốc phòng, chứ không thể tiếp tục dựa vào Mỹ.
Vấn đề an ninh cho Châu Âu, về tinh thần chung, là việc của Châu Âu. Mỹ sẽ không tham gia quá sâu, và càng sẽ không dẫn đầu. Dù sao thì Ba Lan, Đức, Anh, v.v. đã cam kết hỗ trợ Kiev “chừng nào còn khả dĩ” (as long as it takes), vậy đó là trách nhiệm của họ đối với Ukraine. Nếu hiểu như vậy, thì đó cũng là khớp với lập trường chung của ông Trump.
Quan hệ giữa ông Zelensky và ông Trump
Khi mà tuyên bố gần đây của ông Zelensky cho thấy ông dường như không hài lòng với chủ trương nhanh chóng kết thúc chiến tranh Ukraine, và khi mà chính quyền Biden vẫn đang gấp rút các nỗ lực đổ tiếp tục đổ vũ khí và đạn dược vào chiến trường Ukraine, thì câu hỏi về quan hệ giữa ông Zelensky và ông Trump liền được đặt ra.
Ông Zelensky được xem là một trong những người gửi lời chúc mừng sớm nhất cho ông Trump khi ông Trump đắc cử. Nhưng mà, thông điệp chúc mừng trên X (Twitter) của ông Zelensky giống một bài diễn văn gần 180 từ nhắc nhở về chiến tranh Ukraine, nhắc nhở về hỗ trợ của Mỹ. Nó khác với các lời chúc của các nguyên thủ quốc gia khác, thường chỉ vài chục từ chúc mừng ngắn gọn.
Tiếp đó, trong diễn văn hàng tối của mình, ông nhắc nhở quan điểm “hòa bình bằng sức mạnh” (peace through strength) cho người nào đó mà ông gọi là “tổng thống thứ 45” và “tổng thống thứ 47” của Mỹ:
“Đối với Ukraine, và đối với toàn Châu Âu, luôn là rất quan trọng khi được nghe những lời từ tổng thống thứ 45 của Mỹ ‘hòa bình bằng sức mạnh.’ Khi nguyên lý này trở thành chính sách của tổng thống thứ 47 của Mỹ, thì cả Mỹ quốc cũng như toàn thế giới đều nhất định sẽ có lợi ích.”
Ông nói trong diễn văn tối: “một nước Mỹ hùng cường, một Ukraine vững mạnh, với các đồng minh mạnh mẽ.”
Hồi tháng 9, khi ông Zelensky cùng phái đoàn sang công du Mỹ, ông đã tới một cơ sở sản xuất vũ khí cùng với thống đốc bang cánh tả, và hai người đích tay ký vào các quả đạn pháo dùng được đưa vào chiến trường Ukraine. Sự kiện này đã khiến Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson yêu cầu cách chức ngay lập tức bà đại sứ của Ukraine, người tổ chức sự kiện này. Các thành viên cánh hữu đã có tiếng nói chỉ trích rằng cánh tả đang thuê diễn viên ngoại quốc với giá cao để tới Mỹ vận động tranh cử dùm cho mình.
Sang đầu tháng 10, ông Johnson đã nói khi trả lời phỏng vấn: “Tôi không còn muốn tài trợ thêm cho Ukraine nữa và tôi hy vọng điều đó là không cần thiết… Nếu Tổng thống Trump thắng, tôi tin rằng ông ấy thực sự có thể chấm dứt xung đột đó. Tôi thực sự tin như vậy. Tôi nghĩ ông ấy sẽ gọi cho ông Putin và nói với ông ấy rằng thế là đủ rồi.”
Không đầy 1 tháng trước, hôm 17/10, ông Zelensky đã tiết lộ rằng trong cuộc họp kín giữa ông và ông Trump vào tháng 9, ông Zelensky đã yêu cầu ông Trump rằng hoặc Ukraine tự phát triển vũ khí hạt nhân hoặc phải cho Ukraine gia nhập NATO ngay lập tức. Không rõ một nguyên thủ quốc gia sẽ có cảm nhận thế nào nếu nội dung cuộc nói chuyện riêng của mình được ông Zelensky đơn phương công bố ra theo cách như vậy.
Hôm đó, ông Zelensky đã có ý trách rằng người Mỹ ngày nay đã không đứng ra bảo đảm an ninh cho Ukraine như đã hứa hẹn theo Biên bản Ghi nhớ Budapest năm 1994: “Quốc gia lớn nào, quốc gia hạt nhân nào đã chịu thiệt hại? Tất cả? Không, chỉ có Ukraine.”
Tuy nhiên, truyền thông Ukraine phân tích về khả năng vũ khí hạt nhân của Ukraine đã chỉ rõ rằng những năm đó kỳ thực Ukraine hầu như không có khả năng tiếp tục duy trì lô vũ khí hạt nhân kế thừa từ Liên Xô. Ngoài ra, việc từ bỏ vũ khí hạt nhân vào năm 1994 là được đổi lại bởi các đền bù cả từ phía Nga và Mỹ. Truyền thông Ukraine đã chỉ ra một số khoản mà Ukraine nhận được mà có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển của đất nước vào thời điểm bấy giờ. Trong đó gồm có việc Nga đền bù một khoản tiền, và xóa nợ dầu khí đốt, và việc Mỹ thông qua Ngân hàng Thế giới và Quỹ tiền tệ Quốc tế giúp Kiev ổn định kinh tế và giúp triển khai đồng tiền riêng của Ukraine.
Bài phân tích đó cũng ghi rõ rằng cả Mỹ và Nga đều không có hứa hẹn nào mang tính thực chất bảo đảm cho an ninh của Ukraine cả. Lưu ý rằng những năm đó, 1991–1994, các vũ khí hạt nhân đó vốn là thuộc về hệ thống quốc phòng Liên Xô, nghĩa là, chúng nhắm vào các mục tiêu tại Mỹ và các đồng minh phương Tây. Chính Mỹ là quốc gia chủ yếu đóng vai thúc ép Ukraine ký vào Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân.
- Hồi tháng 6, Tổng thống Ukraine khi trả lời phỏng vấn The Guardian đã nói rằng trong tình huống ông Trump đưa ra điều khoản đàm phán bất lợi cho Ukraine, thế thì ông Trump sẽ bị coi là yếu thế, khiến cho ông Putin lấn tới. “Ông ấy có muốn làm tổng thống lụn bại không?” ông Zelensky nói với phóng viên:
Nhật Tân
Từ khóa Dòng sự kiện Chiến tranh Nga - Ukraine Volodymyr Zelensky Donald Trump Vladimir Putin