Hôm thứ Hai (5/5), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã thực hiện cuộc điện đàm mà cả hai nhà lãnh đạo mô tả là “hiệu quả”.

Trump-Erdogan
Mối quan hệ Mỹ – Thổ Nhĩ Kỳ đang ở thời điểm căng thẳng nhất từ lúc ông Trump bước vào Nhà Trắng. (Ảnh qua Business Insider UK)

Tổng thống Erdogan gọi Tổng thống Trump là “bạn thân” và bày tỏ sự ủng hộ đối với “những nỗ lực của [Tổng thống] Trump nhằm chấm dứt các cuộc xung đột và chiến tranh đang diễn ra trên khắp thế giới”. 

Sau cuộc điện đàm với Tổng thống Trump, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: “Tôi nhấn mạnh [với Tổng thống Trump] rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng cung cấp sự hỗ trợ cần thiết để thiết lập hòa bình, sự ổn định, và an ninh trong khu vực của chúng ta. Tôi chuyển lời rằng tôi sẽ rất vui khi được đón tiếp người bạn thân của mình [Tổng thống Trump] tại Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm sớm nhất, và ngược lại, ngài ấy cũng mời chúng tôi đến thăm Hoa Kỳ”. 

Tổng thống Trump cho biết trên mạng xã hội Truth Social rằng, ông đã có “cuộc trò chuyện qua điện thoại rất tốt và hiệu quả” với Tổng thống Erdogan, trong đó thảo luận về “nhiều chủ đề, bao gồm cả cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, tất cả mọi thứ liên quan đến Syria, Gaza, và nhiều vấn đề khác”. 

Tổng thống Trump xác nhận rằng ông và Tổng thống Erdogan đã trao đổi lời mời đến thăm quốc gia của nhau.

Tổng thống Trump hồi tưởng: “Trong bốn năm làm Tổng thống [nhiệm kỳ đầu tiên], mối quan hệ của tôi và Tổng thống Erdogan rất tuyệt vời. Chúng tôi đã hợp tác chặt chẽ với nhau về nhiều vấn đề, bao gồm cả việc ông ấy giúp đưa Mục sư Andrew Brunson, người bị cầm tù [ở Thổ Nhĩ Kỳ], trở về Hoa Kỳ ngay lập tức theo yêu cầu của tôi”. 

Tổng thống Trump kết luận: “Tôi mong đợi sẽ hợp tác với Tổng thống Erdogan để chấm dứt cuộc chiến tranh vô lý, nhưng đẫm máu, giữa Nga và Ukraine – NGAY BÂY GIỜ!

Mục sư Andrew Brunson đã bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ vào năm 2016 và bị giam cầm trong hai năm với tội danh hợp tác với hai nhóm bị chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ phân loại là mối đe dọa khủng bố, Đảng Công nhân người Kurd (PKK) và những người ủng hộ giáo sĩ Fethullah Gulen, những người 

gọi phong trào của họ là Hizmet. Mục sư Brunson cũng bị buộc tội một cách phi lý là đã truyền bá đạo Cơ Đốc trong khi có mối quan hệ với các nhóm “khủng bố” Hồi giáo và chủ nghĩa vô thần Marxist.

Những người chỉ trích đã cáo buộc chính phủ Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ nhắm mục tiêu vào Mục sư Brunson chỉ vì đức tin Cơ Đốc của ông. Tổng thống Erdogan đã công khai cố gắng sử dụng Mục sư Brunson như một con bài mặc cả với Washington để dẫn độ giáo sĩ Gulen về Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Erdogan cáo buộc giáo sĩ Gulen, từ nhà riêng của mình ở tiểu bang Pennsylvania, Hoa Kỳ, đã dàn dựng một âm mưu đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2016. Giáo sĩ Gulen vẫn sống ở Hoa Kỳ cho đến khi qua đời vào năm 2024.

Mục sư Brunson đã cảm ơn Tổng thống Trump vì “đã tận tụy và nỗ lực nhằm đảm bảo tôi được trả tự do” khi một tòa án Thổ Nhĩ Kỳ ra lệnh trả tự do cho ông vào năm 2018. Trung tâm Luật pháp và Công lý Hoa Kỳ (ACLJ), tổ chức từ lâu đã nỗ lực để đảm bảo việc trả tự cho Mục sư Brunson, cũng ca ngợi nỗ lực “kiên trì” của chính quyền Trump.

Theo văn phòng của Tổng thống Erdogan, trong cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, vị tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã thúc giục Tổng thống Trump cân nhắc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Syria để  ổn định nền kinh tế của Syria và giúp quốc gia Trung Đông này tái thiết sau cuộc nội chiến tàn khốc kéo dài hơn một thập kỷ.

Thổ Nhĩ Kỳ đã và đang nỗ lực hết sức để các lệnh trừng phạt đối với Syria được dỡ bỏ. Tuy nhiên không giống như Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ và các cường quốc châu Âu không tin tưởng vào nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS), một nhánh cũ của tổ chức khủng bố khét tiếng al-Qaeda, đã lãnh đạo thành công chiến dịch lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad vào tháng 12/2024.

HTS đang tìm cách chứng tỏ mình là một chính phủ Hồi giáo “ôn hòa” và “hòa đồng” hơn, với lời hứa sẽ bảo vệ nhiều nhóm thiểu số tôn giáo và sắc tộc của Syria. Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ mạnh mẽ chính quyền quân sự HTS bởi vì HTS đã hứa sẽ giải giáp lực lượng dân quân người Kurd, nhóm chiến binh mà Tổng thống Erdogan coi là đối tác của lực lượng ly khai bạo lực PKK ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuần này, trong cuộc gặp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã đưa ra bình luận đáng ngạc nhiên về cuộc điện đàm trước đó giữa ông và Tổng thống Erdogan.

Tổng thống Trump nhắc lại điều ông đã nói với Tổng thống Erdogan: “Tôi đã nói, ‘Xin chúc mừng, ngài đã làm được điều mà không ai có thể làm trong 2.000 năm qua. Ngài đã chiếm được Syria.’ Với những cái tên khác nhau, nhưng cùng một việc”.  

Trong cuộc điện đàm hôm thứ Hai (5/5) giữa hai nhà lãnh đạo, Tổng thống Erdogan cũng được cho là đã thúc giục Tổng thống Trump đảm bảo việc hàng viện trợ nhân đạo được “chuyển đến Gaza mà không bị gián đoạn”. 

Yêu cầu này của Tổng thống Erdogan hoàn toàn trái ngược với chính sách của Israel, vốn đã ngừng không cho phép các chuyến hàng viện trợ vào Gaza kể từ tháng Ba, với lý do những chiến binh Hamas đã đánh cắp phần lớn hàng viện trợ và không thực hiện cam kết thả các con tin Israel.