4 năm trước, Donald Trump đưa ra một loạt các cam kết với người Mỹ trước khi trở thành tổng thống 45 của Hoa Kỳ. 4 năm sau, những lời hứa này ra sao?

Embed from Getty Images

 

Xây bức tường biên giới và bắt Mexico trả tiền

Đây là lời hứa gây sốc nhất của ông Trump khi tranh cử. Ông cũng được xem là người khiến cả nước Mỹ chú ý đến vấn đề nhập cư trái phép từ biên giới phía nam.  

Trong 4 năm cầm quyền, lời hứa này được thực hiện một phần. 

Mexico cười vào ý tưởng rằng họ trả tiền xây bức tường ngăn cách hai nước. Ông Trump sau khi đắc cử giải thích rằng kinh phí sẽ được quốc hội Mỹ chi trả trước, và bù vào sau nhờ thuế nhập khẩu từ Mexico hoặc một  thỏa thuận thương mại mới có lợi hơn cho Mỹ. 

Theo Bộ An ninh Nội địa, Mỹ sẽ phải chi 21,5 tỷ đô la để xây bức tường này.  

Vào năm 2018, chính phủ Mỹ đã phải đóng cửa sau khi Trump và Đảng Dân chủ kiên quyết không lùi bước về vấn đề cấp tiền xây tường. Bức tường cũng bị kiện liên tục, và chỉ có thể xây sau khi Tòa án Tối cao cho phép tổng thống dùng ngân sách quân sự. 

Kết quả: Tính đến tháng 8/2020, chính quyền Trump xây xong 275 dặm bức tường, trong đó một phần là dựng lại phần đổ nát của hàng rào biên giới dưới thời Barack Obama. Trước đó ông hứa xây xong ít nhất 500 dặm tường mới trước đầu năm sau. Tổng chiều dài biên giới Mỹ-Mexico là 1.954 dặm. 

Giảm thuế

Trước bầu cử: ông Trump hứa sẽ giảm mạnh thuế doanh nghiệp và thuế thu nhập cho người lao động Mỹ. 

Sau nhậm chức: ông ký duyệt đạo luật giảm thuế của Đảng Cộng hòa tháng 12/2017, thực hiện được cam kết của mình. Dù vậy, lời hứa giảm thuế lợi tức doanh nghiệp từ 35% xuống 15% phải nhượng bộ còn 21%. 

Việc giảm thuế thu nhập cá nhân sẽ hết hạn vào năm 2025 nếu không được chính quyền mới kéo dài thêm. 

Việc cắt giảm thuế cũng gây nhiều tranh cãi. Phe Dân chủ cáo buộc rằng chính sách này chỉ có lợi cho những “người bạn giàu có” của Trump, đồng thời khiến ngân sách thâm hụt nặng nề. 

Ông Trump đã hứa sẽ tiếp tục giảm mạnh thuế hơn nữa nếu đắc cử nhiệm kỳ 2.

Thỏa thuận thương mại

Trước bầu cử: ông Trump gọi Nafta là “thảm họa” và TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương) “còn tệ hại hơn”. Ông cũng hứa sẽ sửa lại thỏa thuận một chiều với Trung Quốc. 

Sau nhậm chức: Vài ngày sau khi nắm quyền, ông Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi TPP. Sau đó ông nói sẽ cân nhắc tham gia lại nếu Mỹ được lợi hơn trong thỏa thuận này. 

Tháng 11/2019, sau nhiều cuộc đàm phán kéo dài, Nafta bị thay thế bởi thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada, điều mà ông Trump nói rằng sẽ mang lại lợi ích tuyệt vời cho cả ba nước. 

Tuy nhiên mới đây Mỹ lại áp thuế nhôm với Canada và Ottawa cũng áp thuế lại trả đũa. 

Tháng 9/2018, Mỹ và Hàn Quốc ký lại thỏa thuận thương mại song phương. 

Trong nhiệm kỳ, bất chấp thể hiện mối quan hệ thân mật với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Trump vẫn khởi động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Thuế quan cả 2 bên được dựng lên, khiến ngành sản xuất cả thế giới bị ảnh hưởng. 

Đầu năm nay, Mỹ-Trung ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một nhằm giảm bớt căng thẳng. Chưa có dấu hiệu vì thỏa thuận giai đoạn hai do hai bên đã chìm trong đối đầu toàn diện. 

Thỏa thuận khí hậu Paris

Trước bầu cử: ông Trump chỉ trích biến đổi khí hậu là trò lừa gạt của Trung Quốc nhằm làm Mỹ hao tiền tốn của. Ông cũng nói thỏa thuận khí hậu Paris kìm hãm tăng trưởng kinh tế Mỹ. 

Sau đắc cử: 1/6/2017, ông Trump tuyên bố Mỹ sẽ bắt đầu tiến trình dài nhiều năm để rút khỏi thỏa thuận này. Mỹ sẽ chính thức rời khỏi thỏa thuận vào ngày 4/11 năm nay, một ngày sau bầu cử. Nhưng nếu đối thủ Joe Biden đắc cử thì quyết định của Trump sẽ bị đảo ngược. 

Embed from Getty Images

Cấm các người Hồi giáo trung Đông tới Mỹ

Sau các vụ xả súng khủng bố có yếu tố Hồi giáo cực đoan ở Mỹ năm 2015, ông Trump kêu gọi chính phủ hoàn toàn cấm người Hồi giáo “cho đến khi hiểu được chuyện gì đang diễn ra”. 

Sau khi trở thành đề cử viên Đảng cộng hòa năm 2016, ông nói ông sẽ áp dụng chính sách “kiểm tra kỹ lưỡng” người Hồi giáo. 

Sau khi đắc cử, ông Trump đã ra lệnh cấm nhập cảnh với 6 nước đa số dân Hồi giáo và có nguy cơ khủng bố lớn ở Trung Đông. 

Hiện lệnh cấm này có hiệu lực với người dân đến từ Iran, Libya, Somalia, Syria, Yemen, Venezuela và Bắc Hàn, với lý do nguy cơ khủng bố tiềm ẩn. 

Tòa án Tối cao

Trước bầu cử, ông Trump tuyên bố: “Tôi đang tìm hiểu các thẩm phán và đã chọn được 20 người. Họ sẽ tôn trọng Tu chính án 2 và những gì mà nó đại diện”. 

Sau bầu cử: ông đã bổ nhiệm thành công hai Thẩm phán tối cao của phe bảo thủ: Neil Gorsuch và Brett Kavanaugh. 

Ngoài ra, tính đến thời điểm này, ông Trump còn bổ nhiệm gần 200 thẩm phán bảo thủ của các tòa án liên bang cấp dưới, một thành công lớn. 

Chuyển đại sứ quán Israel

Trước bầu cử: ông hứa sẽ chuyển ĐSQ Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem, một điều mà nhiều tổng thống trước hứa hẹn nhưng không làm được. 

Sau bầu cử: Mỹ siết chặt quan hệ với Israel, đồng minh quan trọng nhất ở Trung Đông. Năm 2017, Trump chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển đại sứ quán về đây. 

Thêm vào đó, trong tháng này, ông Trump còn hòa giải thành công mối quan hệ căng thẳng giữa nhà nước Do thái và Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất. 

Hủy Obamacare

Trước bầu cử: xóa bỏ chính sách bảo hiểm của người tiền nhiệm Obamacare là một lời hứa biểu tượng trong chiến dịch của ông Trump. 

Sau nhậm chức: cả Trump và Đảng Cộng hòa đều không thông qua được đạo luật nào nhằm hủy bỏ hoàn toàn hay thay thế Obamacare. Tuy vậy, chính quyền Trump đã gỡ bỏ được nhiều phần gây tranh cãi nhất của đạo luật. Chẳng hạn việc phạt người không mua bảo hiểm đã bị loại bỏ trong kế hoạch thuế năm 2017. 

Tháng 12/2018, một thẩm phán liên bang ở Texas ra phán quyết nói rằng quy định phạt này là phần cốt lõi và hủy bỏ nó nghĩa là toàn bộ Obamacare trở thành vi hiến. 

Tuy nhiên đạo luật y tế biểu tượng của Obama vẫn đang tồn tại do phe ủng hộ kiện lên Tòa án Tối cao để kháng cáo. 

obama trump e1553412171821
Tổng thống Obama gặp người kế nhiệm Donald Trump sau cuộc bầu cử (White House)

Liệt Trung Quốc là kẻ thao túng tiền tệ

Trước bầu cử: Ông Trump liên tục công kích Trung Quốc và hứa sẽ dán nhãn “thao túng tiền tệ” cho nước này trong ngày đầu tiên ngồi ở Nhà Trắng. Từ lâu Mỹ chỉ trích Trung Quốc cố tình dìm giá đồng nhân dân tệ để được lợi thế cạnh tranh hơn đồng đô la Mỹ. 

Sau nhậm chức: Không phải ngày đầu tiên, tới tháng 8/2019, ông Trump mới chính thức coi Trung Quốc là thao túng tiền tệ. 

Tuy nhiên vào tháng Một năm nay, Washington đảo ngược quyết định này sau khi Trung Quốc đồng ý không tiếp tục phá giá đồng tiền nữa. 

Trục xuất toàn bộ người nhập cư trái phép

Trước bầu cử: Ông Trump liên tục hứa với người ủng hộ rằng tất cả người nhập cư đến Mỹ trái phép (ước tính 11,3 triệu người), đều phải ra đi. 

Lời hứa này chưa thực hiện được. 

Sau bầu cử, ông Trump đổi lập trường thành chỉ trục xuất khoảng 2 đến 3 triệu người nhập cư trái phép “là tội phạm, có tiền án, các thành viên băng đảng và kẻ buôn ma túy”. 

Trong năm tài chính 2019, Mỹ trục xuất 267.000 người, chỉ tăng một chút so với năm trước. Con số này ít hơn nhiều so với số lượng mà Obama đã trục xuất năm 2012: 410.000 người. 

Kế hoạch cải tổ nhập cư Mỹ của Trump cũng mới gặp thất bại tại Tòa án Tối cao khi ông muốn chấm dứt DACA – chương trình bảo vệ người nhập cư trái phép đến Mỹ khi là trẻ em (khoảng 650.000 người).

Tiêu diệt IS

Trong một tuyên bố năm 2015 tại Iowa, ông Trump tuyên bố ông sẽ ném bom tuyệt diệt Nhà nước Hồi giáo IS. 

Sau khi đắc cử, ông Trump chuẩn thuận việc quân đội Mỹ ném quả “bom mẹ” có sức công phá mạnh nhất ngoài bom hạt nhân xuống căn cứ IS ở Afghanistan. Mỹ cũng có công đầu trong việc đẩy lùi IS khỏi Iraq và Syria. Năm ngoái, đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi.

Đưa binh lính về nhà

Trước bầu cử: Ông Trump liên tục kêu gọi quân Mỹ rút khỏi vũng lầy Trung Đông. Năm 2016, ông gọi khu vực này là “một đống hổ lốn”, và nói thà chính phủ Mỹ chi hàng nghìn tỷ đô ở Mỹ thì hơn. 

Tuy nhiên vào tháng 9/2017, ông Trump ra lệnh triển khai thêm 3.000 binh lính ở Afghanistan vì lý do tình thế. Tại Syria, khoảng 2.00 quân Mỹ dẫn đầu liên quân đánh IS cùng với người Kurd và Ả Rập. 

Đến tháng 12/2018, ông Trump ra lệnh rút toàn bộ lính Mỹ khỏi Syria, mặc dù vậy đến nay khoảng 500 lính vẫn còn ở lại.

Gần đây ông lại tuyên bố kế hoạch giảm quân ở Afghanistan. Hồi tháng Hai, Mỹ và các đồng minh khác ở Nato đồng ý rút toàn bộ quân khỏi nước này trong vòng 14 tháng nếu phiến quân Taliban  tôn trọng thỏa thuận hòa bình mới. 

Việc rút quân cũng khiến Trump rơi vào mâu thuẫn với các tướng lĩnh của mình. Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã từ chức sau khi không đồng tình với quyết định rút quân khỏi Syria.

Mạnh tay với Cuba

Trước bầu cử: ông Trump tuyên bố sẽ đảo ngược thỏa thuận mà Obama ký với Cuba để phá băng quan hệ ngoại giao và cải thiện thương mại. 

Sau khi nhậm chức, ông tuyên bố với những người tị nạn trốn khỏi Cuba ở Miami rằng ông sẽ “hủy bỏ thỏa thuận một chiều của chính quyền Obama”. 

Năm 2017, ông Trump áp đặt lại một số cấm vận thương mại, du lịch mà Obama đã gỡ bỏ. Tuy nhiên, ông vẫn để mở Đại sứ quán ở Havana, nhưng không bổ nhiệm đại sứ ở đây. 

Năm ngoái, Trump ra lệnh cấm người Mỹ du lịch theo đoàn đến Cuba và cấm các tàu du hành tới hòn đảo này. 

Trong tháng 8 này, Washington tiếp tục gây sức ép kinh tế với Havana khi tuyên bố ngừng tất cả các chuyến bay tư nhân giữa 2 nước. Lệnh này có hiệu lực vào ngày 13/10.

Tái thiết cơ sở hạ tầng

Trước khi cầm quyền, ông Trump tuyên bố cơ sở hạ tầng đang xuống cấp của Mỹ “sẽ trở nên không thua kém ai cả, và Mỹ sẽ giúp hàng triệu người có việc khi tái thiết”. 

Tuy nhiên lời hứa này chưa thực hiện được. 

Sau khi nhậm chức, ông tiếp tục thề sẽ chi mạnh tay để xây lại đường bộ, đường ray và sân bay, nhưng tới nay chưa có hành động gì. Năm 2018, Quốc hội Mỹ thông qua 21 tỷ đô chi sửa sang hạ tầng, ít hơn nhiều con số 1,5 nghìn tỷ mà ông Trump muốn. Theo công bố của Quốc hội, số tiền này sẽ được sử dụng cho một loạt các dự án nâng cấp và đầu tư. 

Tới tháng 4/2019, ông Trump và phe Dân chủ đồng ý được ngân sách 2 nghìn tỷ đô để khôi phục cơ sở hạ tầng, nhưng thỏa thuận này đổ vỡ trước khi kịp thành luật. 

Tháng Sáu vừa rồi, có tin rằng chính quyền Trump có kế hoạch chi 1 nghìn tỷ đô để xây dựng, nhưng tới nay chưa có thông báo chính thức nào. 

Bỏ Nato

Trước bầu cử, ông Trump liên tục đặt câu hỏi về mục đích của liên minh quân sự Nato. Ông gọi nó là “lạc hậu” và chỉ trích các thành viên không thực hiện đóng góp đầy đủ mà chỉ dựa vào Mỹ. 

Sau bầu cử: 

New York Times đưa tin rằng ông Trump đã nhiều lần gợi ý với các phụ tá về việc rút Mỹ khỏi Nato. Việc này khiến Quốc hội lo ngại và thông qua một số đạo luật khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với liên minh quân sự này. 

Tuy nhiên vào năm 2018, khi gặp các lãnh đạo Nato tại Tòa Bạch Ốc, ông Trump nhấn mạnh vào tầm quan trọng của nó. “Tôi từng nói Nato đã lỗi thời. Nay nó không còn lỗi thời nữa”. 

Hồi tháng 7/2018, ông Trump cảnh báo Mỹ có thể rút khỏi liên minh nếu các nước khác không mở hầu bao đúng mức. 

Năm nay, ông hạ lệnh rút 12.000 quân khỏi Đức sau khi cáo buộc nước này không chi đủ ngân sách phòng chủ chung. 

Embed from Getty Images

Truy tố Hillary Clinton

Trước bầu cử: Trong các cuộc vận động, người ủng hộ Trump hay hô khẩu hiệu “nhốt bà ta lại”. Họ muốn Hillary Clinton bị bắt giam vì vụ sử dụng máy chủ email cá nhân khi còn làm Ngoại trưởng. Ông Trump tỏ ra tán thành với lời hô hào của người ủng hộ. 

Trong một cuộc tranh luận với bà Clinton, ông Trump nói thẳng: “Nếu tôi thắng, tôi sẽ chỉ định tổng chưởng lý tìm một công tố viên đặc biệt để điều tra bà”. 

Nhưng ngay sau khi thắng cử, ông Trump tuyên bố ông không muốn theo đuổi điều tra để “giúp bà ấy khỏi tổn thương”.

Trần Minh

Xem thêm: