Sau khi nước xử lý hạt nhân của Nhật Bản được thải ra biển, sự hoảng loạn lan rộng dưới sự kích động của các phương tiện truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Trong hoàn cảnh đó, máy đếm Geiger, máy dò bức xạ hạt nhân, tại Trung Quốc đã hết hàng. Nhưng bất ngờ là một người dân ở Thượng Hải đã phát hiện mức độ phóng xạ tại nhà cao gấp 976 lần ở Tokyo, nhiều người Trung Quốc đã kiểm tra và phát hiện nhà mình là nơi có lượng phóng xạ hạt nhân cao nhất. 

id14063493 Collage Maker 29 Aug 2023 07 59 PM 9256
Một người dân Thượng Hải cho biết mức độ phóng xạ ở nhà cao gấp 976 lần so với Tokyo. (Ảnh chụp màn hình)

Máy dò bức xạ hạt nhân cháy hàng

Tổng hợp thông tin từ truyền thông Trung Quốc Đại Lục, sau khi nước xử lý hạt nhân của Nhật Bản được thải ra biển hôm 24/8, sản phẩm trước đó ít được chú ý là máy dò bức xạ hạt nhân với đơn giá khoảng 350 đến 500 nhân dân tệ (~ 1.225.000 – 1.750.000 VNĐ) ngay lập tức trở nên phổ biến. Trong vòng một tuần, máy dò bức xạ hạt nhân đã được bán hết.

Tờ “Tin tức Hồng tinh” đưa tin, trên một nền tảng mua sắm trực tuyến, từ khóa “máy dò bức xạ hạt nhân” (bằng tiếng Trung) là cụm từ được tìm kiếm phổ biến nhất trên nền tảng này vào sáng ngày 25/8. Thống kê của nền tảng cho thấy số lượng tìm kiếm về máy dò bức xạ hạt nhân đã tăng lên trong tuần này, lên đến 232%. Một số thương nhân cũng cho biết họ chưa bao giờ nghĩ rằng máy dò bức xạ hạt nhân sẽ hết hàng, nếu đặt hàng vào ngày 25/8 thì muộn nhất là ngày 10/9 mới có hàng.

Nhà là nơi có lượng phóng xạ hạt nhân cao nhất

Trang “tianmunews.com” thuộc Tập đoàn Nhật báo Chiết Giang hôm 29/8 nói rằng những người mua thành công máy dò bức xạ hạt nhân khi đo xung quanh đã vô tình phát hiện ra nơi có mức độ phóng xạ cao nhất thực chất lại chính là nhà riêng của họ.

id14063453 0d343837b08eabb3f996c97daa505420 600x508 1
(Ảnh chụp màn hình)

Hạ Vân Kỳ (Xia Yunqi), người gốc Chiết Giang, cho biết ông đã lấy máy đếm Geiger (Geiger counter) đo ở nhiều nơi trong cộng đồng và ở nhà, nhận thấy giá trị bức xạ ở nhà là cao nhất, khi đo trong phòng tắm và phòng ngủ, chỉ số sẽ tăng lên nhẹ nhưng biến động không lớn.

Theo báo cáo, nhiều người đã đăng các giá trị đo được của chính họ lên Internet, hầu hết đều ở khoảng 0,1 (μSv/h, microSieverts mỗi giờ; đơn vị đo liều bức xạ). Một số người nghi ngờ nguyên nhân là do vật liệu xây dựng, độ bức xạ của gạch và đá cẩm thạch rất cao. Một số người còn cho rằng tương lai khi làm trang trí nội thất, ai cũng sẽ có máy đo bức xạ hạt nhân để đích thân đo bức xạ của vật liệu xây dựng, kinh doanh trên thị trường vật liệu xây dựng sẽ khó khăn.

Cư dân mạng Thượng Hải: Bức xạ hạt nhân trong nhà cao gấp 976 lần Tokyo

Theo Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), phóng viên của họ đã thử nghiệm bằng máy đo phóng xạ cách Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi khoảng 6,5 km vào ngày 24/8, và kết quả là 0,10 (μSv/h). Khi ở Tokyo, kết quả kiểm tra bằng máy đo phóng xạ là 0,01 (μSv/h), kiểm tra trên đường đi, giá trị bức xạ cao nhất xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima là 2,0 (μSv/h).

Truyền thông Đài Loan Newtalk News đưa tin, mức độ phóng xạ của cư dân mạng ở Thượng Hải cao gấp 976 lần so với Tokyo. Ông Thẩm Vinh Khâm (Shen Rongqin), phó giáo sư tại Đại học York ở Canada, tin rằng phát hiện này tương đương với việc ném đá vào thị trường bất động sản đang rơi xuống giếng và khiến nền kinh tế Trung Quốc rơi vào cuộc khủng hoảng lớn hơn.

Yiwenhuiyou cũng đăng bài viết trên trang “163.com” hôm 28/8, nói rằng một cư dân mạng có địa chỉ IP ở Thượng Hải đã đăng một đoạn video cho thấy anh đã sử dụng máy đếm của mình để đo bức xạ hạt nhân, kết quả cao gấp 976 lần so với Tokyo.

Ảnh chụp màn hình của video cho thấy một cư dân mạng có tên “Ala li pi nuo ni nuo” cho biết nhà của anh còn tệ hơn cả Fukushima (mức cao nhất mà phóng viên CCTV đo được là 2,0), và “nó sẽ tăng theo thời gian, tối đa là 9,7, thật sự rất sốc. Theo dữ liệu tin tức của CCTV News, Tokyo là 0,01, gấp 976 lần so với Tokyo! Tôi mua máy đếm Geiger chưa đầy nửa năm, chưa bao giờ nghĩ đến việc thử nó ở nhà, kết quả là vừa mới dùng nó đã bùng nổ luôn, và nó đã chạm mốc 12345. Đầu tôi bây giờ đau quá.”

id14063470 a36bd9c525b469b0aa515f23d4a61dd9 450x968 1
(Ảnh chụp màn hình)

“Pengyou 52” bình luận: “Là một người từng làm trong ngành xây dựng, tôi xin giải thích. Nếu đá tự nhiên được sử dụng trong trang trí nhà cửa thì đá tự nhiên có tính phóng xạ. Bạn có thể nhân cơ hội này để kiểm tra mức độ phóng xạ tại nhà là bao nhiêu.”

ĐCSTQ phát động 3 làn sóng “đập tan ngành nghề của chính mình”

Ông Vinh Kiếm (Rong Jian), một học giả theo chủ nghĩa tự do hiện đang sống ở Mỹ, đã tweet: “Thật sự là bất ngờ. Tôi tưởng đó chỉ là hô khẩu hiệu chống Nhật và ăn thêm muối thôi, nhưng không ngờ lại có nhiều phản ứng dây chuyền như vậy. Đến khi trò hề sắp kết thúc thì mới phát hiện ra. Một bộ phận lớn các ngành nghề đã sụp đổ, người xui xẻo vẫn là người của nước lớn (Trung Quốc).”

Ảnh chụp màn hình dòng chữ được học giả Vinh Kiếm đăng trên Twitter nói rằng: “Nâng tảng đá nước thải hạt nhân và liên tục tự đập vào chân mình là một niềm vui lớn mỗi ngày.”

“Đợt đầu tiên tưởng là tấn công ngư dân Nhật Bản, nhưng thực ra lại là đánh vào ngành ngư nghiệp của Trung Quốc;

Làn sóng thứ hai cho rằng thứ được kích thích (bán chạy) là muối ăn, nhưng thực tế là máy đếm Geiger;

Làn sóng thứ ba mà bạn nghĩ đang ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm, nhưng thực chất là an toàn vật liệu xây dựng.”

“Chỉ trong vài ngày, hàng chục ngàn người trên khắp cả nước đã mua máy đếm Geiger, đo giá trị bức xạ ở khắp mọi nơi và phát hiện ra rằng vật liệu xây dựng của chính họ có mức bức xạ cao nhất – thậm chí nhiều người còn phát hiện ra rằng giá trị bức xạ của vật liệu xây dựng của chính họ cao hơn Chernobyl.

Sau đợt kích thích này, chắc mọi người cũng bắt đầu tự đo bức xạ của mình. Dù sao ở Vịnh Tokyo không có nhiều bức xạ, cũng không có nhiều hải sản. Hãy để gia đình ba người ăn hết bức xạ từ vật liệu trang trí và xây dựng nhà đi.”

Lượng tritium thải ra từ Nhà máy điện hạt nhân Tần Sơn (Qinshan) vào năm 2021 cao gấp 10 lần Fukushima trong một năm

Theo báo cáo của Hiệp hội Phát thanh Truyền hình Nhật Bản (NHK), nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 có kế hoạch xả thải giới hạn trên là 22.000 tỷ becquerel (Bq) tritium mỗi năm.

Bq biểu thị cường độ của chất phóng xạ, với số càng cao biểu thị lượng bức xạ phát ra càng nhiều.

Trang “Tiếng nói nước Đức” (Deutsche Welle) hôm 29/8 cho biết, số liệu thống kê của Hiệp hội Công nghiệp Năng lượng Hạt nhân Trung Quốc cho thấy hàm lượng tritium trong nước thải của 13 nhà máy điện hạt nhân thải ra biển vào năm 2021 đã vượt quá kế hoạch xả thải của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 trong một năm. Trong số đó, lượng tritium do Nhà máy điện hạt nhân Tần Sơn ở Chiết Giang thải ra vào năm 2021 sẽ lên tới 218.000 tỷ Bq, gấp khoảng 10 lần lượng tritium tối đa mà Fukushima thải ra trong một năm.

Tờ The Guardian của Anh chỉ ra rằng lượng tritium thải ra từ Nhà máy điện hạt nhân Phúc Thanh (Fuqing) ở tỉnh Phúc Kiến gấp khoảng 3 lần lượng thải ra trong kế hoạch Fukushima.

Ông David Krofcheck, phó giáo sư vật lý tại Đại học Auckland ở New Zealand, nói với tờ báo rằng hàm lượng tritium trong nước thải hạt nhân Fukushima “thấp hơn 7 lần” so với tiêu chuẩn nước uống được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế hôm 26/5 đã chỉ ra rằng Trung Quốc hiện đứng thứ 3 thế giới về sản xuất điện hạt nhân, chỉ đứng sau Pháp và Mỹ, và công suất điện hạt nhân lắp đặt của nước này dự kiến ​​sẽ dẫn đầu thế giới vào năm 2030. Theo số liệu của Hiệp hội Hạt nhân Toàn cầu hồi tháng 5, tính đến cuối năm 2022, trong số 55 lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng trên thế giới, Trung Quốc có 23.