Trump gửi thư cho Hun Sen kêu gọi Campuchia trở lại ‘con đường dân chủ’
- Xuân Thành
- •
Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã gửi thư cho Thủ tướng Campuchia Hun Sen thúc giục nhà lãnh đạo kỳ cựu này hãy đưa quốc gia Đông Nam Á trở lại con đường dân chủ. Qua thư, ông Trump cũng bày tỏ mong muốn cải thiện mối quan hệ với chính phủ Campuchia – một trong những đồng minh khu vực gần gũi nhất của Trung Quốc.
Ông Hun Sen đã cầm quyền tại Campuchia hơn 34 năm và hiện nay đang chịu áp lực lớn từ phương Tây trong việc cải thiện hồ sơ nhân quyền. Liên minh Châu Âu đang đe dọa hủy bỏ ưu đãi thương mại đặc biệt cho Campuchia.
Trong khi đó, mối quan hệ giữa Phnom Penh và Washington cũng đã đặc biệt trở nên xấu tệ từ năm 2017 sau khi chính quyền Hun Sen cáo buộc Mỹ hậu thuẫn đảng đối lập âm mưu lật đổ ông Hun Sen.
Reuters cho biết hôm thứ Sáu (22/11) họ đã được xem bức thư ông Trump gửi ông Hun Sen đề ngày 1/11.
Trong thư của ông Trump có đoạn viết: “Việc ông đưa Campuchia quay lại con đường quản trị dân chủ là quan trọng cho tương lai của mối quan hệ song phương của chúng ta.”
Các nhà phê bình đã gọi Campuchia là nhà nước độc đảng từ sau khi Tòa án Tối cao nước này ra phán quyết giải tán Đảng Cứu Quốc Campuchia đối lập (CNRP) vào năm 2017, từ đó mở đường cho Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền của ông Hun Sen giành chiến thắng tuyệt đối trong cuộc bầu cử quốc hội vào năm 2018.
Ông Hun Sen hồi năm 2017 đã cáo buộc Mỹ ủng hộ CNRP và âm mưu thực hiện “cuộc cách mạng màu” giống như các cuộc cách mạng lật đổ các chính quyền cộng sản Đông Âu hồi thập kỷ 80 của thế kỷ trước, để lật đổ chính quyền do Đảng Nhân dân Campuchia lãnh đạo.
Bức thư của ông Trump nhấn mạnh rằng những căng thẳng song phương là xấu cho cả hai nước.
“Tôi muốn nhân dịp này nhấn mạnh với ông rằng Mỹ tôn trọng ý chí chủ quyền của nhân dân Campuchia và chúng tôi không tìm cách thay đổi chế độ,” ông Trump viết trong thư. Tuy nhiên, tổng thống Mỹ cũng thúc giục ông Hun Sen phải “đánh giá lại những quyết định nhất định mà chính quyền của ông thực hiện gần đây”. Ông Trump nói rằng những quyết định đó của chính quyền Hun Sen gây rủi ro cho sự ổn định tương lai của Campuchia.
Bức thư của ông Trump không đề cập cụ thể tới Trung Quốc, nhưng Mỹ cũng đã lên tiếng quan ngại về mối quan hệ quân sự ngày càng tăng cường giữa Phnom Penh và Bắc Kinh.
Trong một động thái thể hiện sự thiện chí về cải thiện hồ sơ nhân quyền, hôm 9/11, chính quyền Campuchia đã ra lệnh thả tự do cho lãnh đạo đối lập Kem Sokha, người đang bị quản thúc tại gia vì bị buộc tội phản quốc năm 2017. Theo Reuters, tội danh này của ông Kem Sokha vẫn giữ nguyên và ông bị cấm tham gia chính trị và cấm xuất cảnh.
Theo tờ Khmer Times, hôm qua (21/11), Thủ tướng Hun Sen đã gặp Đại sứ Mỹ tại Campuchia Patrick Murphy tại Phnom Penh. Qua buổi gặp này, ông Patrick Murphy đã gửi ông Hun Sen bức thư của Tổng thống Donald Trump.
Trong một bài đăng trên trang Facebook của Đại sứ quán Mỹ tại Campuchia nói rằng cuộc gặp giữa ông Murphy và ông Hun Sen cũng đề cập tới vấn đề dân chủ, nhân quyền và gửi thư mời Thủ tướng Campuchia tham dự một hội nghị thượng đỉnh tại Mỹ vào đầu năm 2020.
Ông Hun Sen cũng đăng lên Facebook cho biết ông đã nhận được hai bức thư từ Đại sứ Mỹ Patrick Murphy hôm 21/11, trong đó có một lá thư mời ông tham dự hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt Mỹ – ASEAN tại Mỹ vào năm 2020.
Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp giữa ông Hun Sen và ông Murphy, Bộ trưởng Kao Kim Hourn, người tháp tùng Thủ tướng Hun Sen trong sự kiện này cũng đề cập tới bức thư của Tổng thống Trump.
“Bức thư đó nhấn mạnh rằng Mỹ có ý định tiếp tục cải thiện quan hệ song phương. Điều quan trọng là Mỹ cam kết cao trong việc ủng hộ Campuchia, đặc biệt tôn trọng chủ quyền của Campuchia,” ông Kao Kim Hourn nói.
“Sẽ không có sự ủng hộ cho việc thay đổi chế độ tại Campuchia,” ông Kao Kim Hourn nói thêm.
Phát ngôn viên chính phủ Campuchia Phay Siphan hôm 22/11 cho biết chính phủ đồng ý với lập trường của ông Trump viết trong thư gửi ông Hun Sen.
“Chính phủ Hoàng gia đang thực hiện tất cả các nỗ lực để mang lại giá trị cao cho nhân quyền và dân chủ,” ông Phay Siphan nói với Reuters.
Xuân Thành
Xem thêm:
Từ khóa Donald Trump Hun Sen Campuchia