Một năm sau cuộc tấn công đẫm máu ngày 7 tháng 10 năm 2023 nhắm vào Israel, khu vực Trung Đông đã trải qua những thay đổi to lớn.

231225 gaza 01 scaled
Khan Younis, thành phố lớn thứ 2 ở Dải Gaza. Chỉ hơn 2 tháng trước, nơi đây còn là một khu phố sầm uất và đông đúc. (Ảnh cắt từ video của The Guardian theo nguồn AP)

Sau các chiến dịch phản công dồn dập của quân đội Israel, nhóm chiến binh Hồi giáo Hamas hiện đang suy yếu nghiêm trọng, và có khả năng không bao giờ lấy lại được quyền kiểm soát ở Gaza. Nhóm chiến binh Hồi giáo Hezbollah tại Li ban cũng đang dần dần suy yếu do các chiến dịch quân sự chính xác của Israel trên bộ. Bất chấp việc chính quyền Iran hiện trở nên hung hăng hơn bao giờ hết, họ vẫn đánh chặn thất bại hệ thống phòng thủ tên lửa mạnh mẽ của Israel.

Căng thẳng tại Trung Đông vẫn đang tiếp tục leo thang, và cuộc chiến giữa Israel và các đối thủ trong khu vực còn lâu mới kết thúc.

Hiện tại vẫn còn rất nhiều lực lượng chiến binh tại các khu vực khác như nhóm chiến binh Hồi giáo Houthi ở Yemen và lực lượng quân đội Nga tại Syria có khả năng khiến tình hình chiến sự tại Trung Đông bất ổn.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất mà thế giới cần phải chú ý, cả Israel và Iran đều đã từ bỏ những dè dặt đối đầu quân sự trực diện trước đây. Giờ đây, có vẻ cả hai quốc gia này đều sẵn sàng xung đột quân sự trực diện mà không cần che đậy bằng lớp vỏ bọc quan hệ ngoại giao.

Iran và Israel ít thận trọng hơn

Cả Israel lẫn Iran đều sẵn sàng đối đầu quân sự trực diện bất chấp rủi ro là một chuyển biến to lớn trong khu vực Trung Đông sau các cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 năm 2023, theo ông Jason Brodsky, giám đốc chính sách của tổ chức vận động United Against Nuclear Iran (Liên kết chống lại Iran có vũ khí hạt nhân).

Từ trước đến nay, Iran vẫn hậu thuẫn mạnh mẽ cho các nhóm chiến binh Hồi giáo, cũng như trực tiếp tấn công vào lãnh thổ Israel. Ông Brodsky cho rằng Israel dường như đã mất kiên nhẫn khi chỉ được thực hiện những cuộc tấn công quân sự nhỏ lẻ, theo kiểu chiến tranh hao mòn.

[Israel không còn đủ kiên nhẫn] duy trì tình trạng cũ và theo đuổi những thỏa thuận, giống như với Hamas, khi họ nhận tiền để [Israel] đổi lấy ảo tưởng về sự yên ổn [của Hamas trong khu vực]”, ông Brodsky nói. “Nhìn lại, đó là một ảo tưởng nghiệt ngã”.

Ông Brodsky nói thêm: “Tôi cũng tin rằng các nhà hoạch định chính sách của Israel đã sẵn sàng đối mặt với nhiều rủi ro hơn khi phải đối phó với mối đe dọa từ Iran”.

Nhận định trên đã trở nên rõ ràng trong những tuần gần đây khi các quan chức Israel đã phát động một cuộc tấn công trên bộ vào Liban nhằm đối phó với Hezbollah, đồng thời cam kết phản công cuộc tấn công tên lửa của Iran, bất chấp Hoa Kỳ kêu gọi giảm bớt leo thang căng thẳng trong khu vực.

Ông Brodsky cho rằng Iran cũng đã sẵn sàng đối mặt với rủi ro lớn hơn và tham chiến trực diện với Israel, với nguyên nhân chính là do Israel đã thành công loại bỏ “Trục kháng chiến“, một liên minh quân sự do Iran lãnh đạo tập hợp các quốc gia và tổ chức phi chính phủ nhằm khiến Israel và Hoa Kỳ suy yếu trên toàn thế giới.

Nhiều dân thường Israel tin rằng phải đối mặt với nhiều thách thức hơn khi tham chiến đối đầu Iran là điều cần thiết, đặc biệt khi Tehran quyết tâm phá hoại và cuối cùng tiêu diệt Israel.

Ông Jonathan Harounoff, phát ngôn viên quốc tế của Phái đoàn Israel tại Liên Hiệp Quốc, chia sẻ quan điểm với tờ The Epoch Times rằng Iran trong những năm qua đã hậu thuẫn mạnh mẽ cho Hamas, Hezbollah và Houthi, chứng tỏ rằng Tehran quyết tâm xung đột quân sự với Israel trên mọi mặt trận.

Kể từ tháng Tư, Tehran đã đánh mất hoàn toàn uy tín [trên trường quốc tế] khi tuyên bố muốn hòa bình”, ông Harounoff nói.

Nước Cộng hòa Hồi giáo [Iran] không còn có thể tuyên bố họ ủng hộ hòa bình trong khi núp bóng các tổ chức trung gian [Hamas, Hezbollah và Houthi]”, ông Harounoff nói. “Họ [Iran] khao khát hủy diệt Israel”.

Tuy nhiên, ông Harounoff nhấn mạnh rằng cuộc chiến của Israel là với nhà nước Hồi giáo cực đoan đang kiểm soát Tehran cũng như chỉ đạo các tổ chức trung gian Hamas, Hezbollah và Houthi tấn công Israel, chứ không phải với nhân dân Iran hay Li ban.

Israel sẽ thực hiện những gì cần thiết để bảo vệ nhân dân và lãnh thổ của mình. Kẻ thù của Israel không phải là nhân dân Liban, cũng không phải là nhân dân Iran… Nhân dân Israel hiểu rất rõ rằng các nhà lãnh đạo giáo sĩ của Tehran cũng đang khủng bố chính dân thường Iran. Israel chỉ đơn giản là phản công tự vệ trước các thế lực tà ác muốn xóa bỏ Israel khỏi bản đồ thế giới”, ông Harounoff cho hay. 

Israel chưa bị sa lầy quá mức tại Trung Đông 

Mặc dù Israel đã tăng cường chuẩn bị sẵn sàng tham chiến trực tiếp, nhưng nỗi sợ về một cuộc chiến tranh toàn diện trong khu vực đe dọa sự tồn vong của Israel đã không trở thành hiện thực.

Trong vài ngày đầu, sau các cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7 tháng 10 năm ngoái, các chuyên gia và các nhà chiến lược đều lo sợ rằng cuộc xung đột Israel-Hamas ở Gaza có thể lan sang Liban và các quốc gia lân cận khác, đẩy Israel vào một cuộc chiến đa mặt trận khó duy trì, chứ đừng nói đến việc giành chiến thắng.

Ông Can Kasapoglu, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại viện tư vấn Hudson, nói với tờ The Epoch Times vào thời điểm đó rằng một cuộc tấn công quy mô lớn từ quân đội Liban có thể khiến Israel phải đối mặt với thách thức lớn nhất.

Kịch bản ác mộng của Israel luôn là một cuộc chiến đa mặt trận”, ông Kasapoglu cho biết.

Ông Kasapoglu nói thêm rằng những cuộc tấn công nhỏ lẻ từ Hezbollah sẽ khiến nguồn lực quân sự của Israel bị phân tán. Những nguồn lực quân sự này lẽ ra có thể được sử dụng hữu hiệu để đối đầu với Hamas ở Gaza.

Các quan chức quốc phòng Hoa Kỳ cũng lo ngại kiềm chế mối đe dọa tham chiến từ quân đội Liban, lo sợ rằng Israel có thể bị sa lầy quá mực vào một cuộc chiến đa mặt trận.

Tuy nhiên, bằng cách tập trung mọi nguồn lực quân sự tiêu diệt Hamas trước, Israel dường như đã đặt nền móng vững chắc giúp điều chuyển lực lượng quân đội sang một cuộc chiến kéo dài hơn nhằm tiêu diệt mối đe dọa từ Hezbollah ở biên giới phía bắc.

Ông Paul Crespo, chủ tịch viện tư vấn “Center for American Defense Studies” (Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Mỹ), cho biết Israel đã thành công chiến đấu với cả Hamas và Hezbollah bằng cách quản lý các chiến dịch quân sự một cách tuần tự, tập trung vào từng kẻ thù một.

Israel biết rằng cần phải đối phó mạnh mẽ Hezbollah, nhưng việc tiêu diệt Hamas trước rõ ràng là nước đi đúng đắn”, ông Crespo nhận xét.

Ông Crespo, đã từng phục vụ trong quân đội Thủy quân lục chiến, đồng thời là tùy viên hải quân cho Cục Tình báo Quốc phòng, cho biết rằng kế hoạch này đã phát huy thế mạnh tối đa của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), đồng thời khắc phục điểm yếu kích thước quốc gia tương đối nhỏ của Israel.

Lực lượng IDF rất mạnh mẽ và chuyên nghiệp, nhưng Israel vẫn là một quốc gia nhỏ. Chiến đấu trên cả hai mặt trận sẽ là một thách thức”, ông Crespo nhận xét.

Ông Crespo nói thêm, hiện tại vẫn còn một câu hỏi bỏ ngỏ là liệu Israel có tham chiến trực tiếp với Iran ngay hay sẽ tiếp tục tiêu diệt Hezbollah ở Liban trước, giống như cách họ đã làm với Hamas.

Ông Sam Kessler, nhà phân tích địa chính trị tại công ty tư vấn rủi ro “North Star Support Group” (Tập đoàn Hỗ trợ Ngôi sao phương Bắc), nói rằng “vẫn còn quá sớm để nhận định” liệu Israel có thể né tránh hoàn toàn sa lầy quá mức hay không, nhưng Israel đã thành công loại bỏ tầng lớp lãnh đạo của Hamas và Hezbollah trước khi mở rộng các chiến dịch quân sự với các tổ chức trung gian của Iran.

Israel đã được huấn luyện và chuẩn bị cho một loại hình chiến tranh nhất định trong khu vực, [nhưng] các kịch bản có thể thay đổi… cũng như tác động từ các khoảng trống quyền lực [sau khi Hamas và Hezbollah bị tiêu diệt] trong khu vực”, ông Kessler nhận xét.

Ông Kessler cũng nói thêm rằng Israel cũng đang phải đối mặt với thử thách khó khăn khác trong các quyết định chiến lược, khi phải cân bằng giữa các chiến dịch quân sự và kỳ vọng của các đồng minh quan trọng như Hoa Kỳ, quốc gia cung cấp vũ khí cho Israel.

Quân đội, ngoại giao và vị thế kinh tế của Israel trên trường thế giới bị ảnh hưởng có thể tác động đến khả năng triển khai sức mạnh của họ [tại khu vực] nếu các cuộc xung đột khác nổ ra trong thời gian tới”, ông Kessler nhấn mạnh. 

Kịch bản chiến tranh đa mặt trận vẫn có thể xảy ra

Tuy nhiên, các kịch bản chiến tranh đa mặt trận vẫn có khả năng xảy ra, và lực lượng quân sự của Israel có thể bị phân tán quá mức nếu các cường quốc trong khu vực quyết định tham chiến ngăn chặn cuộc xung đột giữa Israel và các tổ chức trung gian của Iran.

Nhóm chiến binh Hồi giáo Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen vẫn là một thách thức lớn. Nhóm Houthi đã phá hoại thành công con đường vận chuyển thương mại trị giá hàng tỷ USD ở Biển Đỏ và tấn công cả tàu dân sự lẫn quân sự.

Cho đến nay, Israel chỉ không kích hạn chế nhắm vào các mục tiêu ở Yemen, nhưng tình hình chiến sự với Houthi có thể leo thang nhanh chóng, đặc biệt nếu Houthi tăng cường tấn công vào lãnh thổ Israel.

Ngoài ra, Nga, mới xuất hiện gần đây, cũng là một yếu tố ảnh hưởng quan trọng trong khu vực. 

Chỉ một ngày trước khi Iran phóng khoảng 180 tên lửa vào Israel, nhà nước Hồi giáo này đã đón tiếp long trọng Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin trong khuôn khổ mối quan hệ đối tác chiến lược sâu sắc hơn giữa Tehran và Moskva, nhằm phát triển các dự án trong lĩnh vực giao thông vận tải, năng lượng, nông nghiệp và các lĩnh vực khác.

Vài ngày sau, các cơ quan chức năng của IDF đã công bố trước truyền thông đoạn video quay lại cảnh vũ khí do Nga sản xuất bị quân đội Israel thu giữ tại các căn cứ của nhóm chiến binh Hồi giáo Hezbollah ở Liban, bao gồm cả tên lửa chống tăng.

Israel tuyên bố lô vũ khí này được buôn lậu vào Liban từ Syria, nơi Nga đã đóng quân trong một thập kỷ qua.

Không lâu sau đó, một cuộc tấn công của Israel vào các kho vũ khí và đường hầm ở Syria đã khiến quốc tế lo ngại, khi hệ thống phòng không của Nga kích hoạt bắn hạ tên lửa của Israel.

Ngay sau đó, Nga đã khuyến cáo công dân của mình rời khỏi cả Israel và Liban.

Hiện tại chưa có bằng chứng nào cho thấy Nga đã trực tiếp cung cấp vũ khí cho Hezbollah. Tuy nhiên, các thỏa thuận mua bán vũ khí giữa Nga và Iran đồng nghĩa là một số vũ khí mà Moskva sản xuất có thể sẽ rơi vào tay các tổ chức trung gian đang thực hiện các cuộc tấn công nhắm vào Israel.

Tình hình này cho thấy sự phức tạp đang ngày càng gia tăng trong khu vực, trong bối cảnh bang giao chặt chẽ giữa các quốc gia chuyên chế Iran, Nga, Trung Quốc và Triều Tiên, những quốc gia cùng nhau củng cố quyền lực thông qua các thỏa thuận an ninh đôi bên cùng có lợi.

Bình thường hóa quan hệ với các quốc gia lân cận vẫn tiếp tục

Mặc dù tình hình chiến sự tại Trung Đông đang ngày càng căng thẳng, nhưng Israel vẫn đang nỗ lực bình thường hóa quan hệ với các quốc gia láng giềng Ả Rập.

Nỗ lực thiết lập bang giao chính thức giữa Israel và các quốc gia láng giềng, bắt nguồn từ các Hiệp định Abraham dưới thời Tổng thống Trump, dường như chỉ bị “trì hoãn” bởi sự kiện ngày 7 tháng 10, chứ không bị hủy bỏ hoàn toàn, ông Brodsky cho biết.

Ông Brodsky nói rằng các chiến dịch quân sự của Israel “đã [chứng minh] rõ ràng mối đe dọa từ [Iran] và các tổ chức trung gian của [Tehran]”. Qua các chiến dịch quân sự các quốc gia Ả Rập thấy rằng Iran mới là quốc gia gây ảnh hưởng bất ổn trong khu vực, thay vì khiến các quốc gia Ả Rập chống lại Israel.

Một điều không thay đổi là Ả Rập Saudi vẫn mong muốn bình thường hóa quan hệ với Israel, điều này đã là một thất bại của nhà nước Iran vì cuộc thảm sát ngày 7 tháng 10 để nhằm ngăn cản quá trình bình thường hóa [giữa Ả Rập Saudi và Israel diễn ra]”, ông Brodsky nói.

Vì vậy, dù Israel có chịu tổn thương nghiêm trọng bởi ngày 7 tháng 10 và bối cảnh địa chính trị của Trung Đông đã thay đổi mãi mãi, mục tiêu cuối cùng của các cuộc tấn công chết chóc đó, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại, đã thất bại hoàn toàn.

Andrew Thornebrooke và Jackson Richman/ The Epoch Times

Thiên Vân biên dịch