Trung Quốc, Ấn Độ đạt thỏa thuận giảm leo thang căng thẳng biên giới
- Như Ngọc
- •
Sau một cuộc gặp ngoại giao cấp cao tại Nga, Trung Quốc và Ấn Độ sáng thứ Sáu 11/9 cho biết họ đã đồng ý giảm leo thang căng thẳng tại biên giới Himalaya và thực hiện các bước để khôi phục “hòa bình và bình yên”.
Theo Reuters, Trung Quốc và Ấn Độ sáng 11/9 đã phát đi một tuyên bố chung cho biết Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Ấn Độ S. Jaishankar đã gặp nhau tại Moscow, Nga hôm thứ Năm (10/9) và đã đạt được đồng thuận 5 điểm, trong đó bao gồm các thỏa thuận về việc binh lính hai nước nên nhanh chóng rút lui khỏi các điểm nóng và giảm căng thẳng.
Hai bên ký được thỏa thuận đồng thuận về giảm leo thang căng thẳng biên giới bên lề cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Thượng hải. Động thái hòa giải quan trọng này đến sau một vụ đối đầu ở khu vực biên giới tây Himalaya đầu tuần này.
Reuters cho biết cuộc họp giữa hai nhà ngoại giao Trung – Ấn kéo dài khoảng hai giờ. Đây là nỗ lực ngoại giao mới nhất nhằm ngăn chặn một cuộc xung đột rộng lớn hơn giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới vốn đã từng xảy ra chiến tranh biên giới năm 1962.
“Hai Ngoại trưởng đã đồng ý rằng tình hình hiện tại ở các khu vực biên giới không đem đến lợi ích cho cả hai bên. Do đó, họ đồng ý các binh lính biên giới của cả hai phía nên tiếp tục đối thoại, nhanh chóng rút lui, duy trì khoảng cách phù hợp và giảm căng thẳng”, tuyên bố chung nói.
Một nguồn tin Ấn Độ nói với Reuters rằng ông Jaishankar nói với ông Vương rằng nhiệm vụ tức thì là binh lính phải rút lui khỏi “các khu vực va chạm” để mọi việc không trở nên tồi tệ hơn.
Đầu tuần này, Trung Quốc và Ấn Độ đã cáo buộc nhau nổ súng bắn chỉ thiên trong khu vực biên giới đang xảy ra mâu thuẫn. Cả hai đều cho rằng động thái nổ súng này vi phạm nghị định thư hai bên đã ký kết từ lâu về việc không sử dụng súng tại khu vực biên giới nhạy cảm.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát đi tuyên bố cho biết ông Vương Nghị đã nói với ông Jaishankar rằng: “Điều cấp thiết là phải dừng lập tức các hành vi khiêu khích như nổ súng và các hành động nguy hiểm khác vi phạm các cam kết đã được hai bên đồng ý”.
Ông Vương được cho là cũng đã nói với ông Jaishankar rằng tất cả nhân sự và thiết bị mà đã xâm phạm lãnh thổ tại biên giới phải được chuyển đi để giảm leo thang xung đột.
Trong khi đó, Reuters dẫn một nguồn tin từ chính phủ Ấn Độ cho biết ông Jaishankar đã nói với ông Vương rằng Ấn Độ quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc gia tăng lực lượng vũ trang tại Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) tại khu vực biên giới hẻo lánh này.
“Phía Trung Quốc đã không đưa ra được lời giải thích đáng tin cậy cho việc triển khai lực lượng vũ trang tại đây”, ông Jaishankar nói.
“Hành vi khiêu khích của binh lính biên giới Trung Quốc trong một số vụ va chạm dọc theo LAC cũng cho thấy họ không bận tâm đến các thỏa thuận và các nghị định thư song phương”, ông Jaishankar khẳng định và nói thêm rằng bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi nguyên trạng khu vực biên giới này đều sẽ bị phản kháng.
Trước cuộc gặp giữa hai ngoại trưởng Ấn Độ và Trung Quốc tại Nga một ngày, tờ Hoàn cầu Thời báo – cơ quan của nhà nước cộng sản Trung Quốc, đã đưa tin rằng Quân giải Phóng Nhân dân (PLA) đang chuyển quân, oanh tạc cơ và xe thiết giáp tới khu vực biên giới giáp Ấn Độ.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc gần đây cũng đưa tin về các cuộc tập trận vũ trang của quân bán quân sự thuộc PLA tại khu vực Tây Tạng gần Ấn Độ.
Hoàn cầu Thời báo trong bài bình luận đăng vào cuối ngày thứ Năm (10/9) đã tuyên bố rằng bất kỳ cuộc đối thoại nào với Ấn Độ đều nên đi kèm với “sự sẵn sàng chiến tranh”.
“Phía Trung Quốc phải chuẩn bị đầy đủ để thực hiện hành động quân sự khi hoạt động ngoại giao thất bại, và binh lính biên giới của Trung Quốc phải có thể ứng phó với các tình huống khẩn cấp và sẵn sàng chiến đấu vào bất kỳ thời điểm nào”, tờ báo nhấn mạnh.
“Ấn Độ nên xét kỹ thế giới và Trung Quốc. Họ cũng nên nhìn lại lịch sử. Ấn Độ có sự tự tin khác thường trong đối đầu với Trung Quốc. Họ không có đủ sức mạnh. Nếu người Ấn bị lực lượng dân tộc cực đoan bắt cóc và họ lại tiếp tục theo đuổi chính sách cực đoan đối với Trung Quốc, thì họ sẽ phải trả giá đắt”, Hoàn cầu Thời báo cảnh báo.
Như Ngọc
Xem thêm:
Từ khóa Quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ Dòng sự kiện Biên giới Trung Quốc Ấn Độ Vương Nghị