Trung Quốc đầu tư xây dựng “Singapore của Mỹ Latinh” ở Peru
- Theo RFI
- •
Tối 14/11/2024, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Peru Dina Boruarte cùng tham dự lễ khai trương cảng Chancay qua liên kết video tại Phủ Tổng thống ở thủ đô Lima. Tờ La Tribune của Pháp đăng bài phân tích lý do vì sao Trung Quốc lại muốn đầu tư số tiền khổng lồ vào Nam Mỹ.
Theo La Tribune, trong một cuộc phỏng vấn, bà Adriana Meyer – nhà kinh tế tại ngân hàng đầu tư quốc gia Pháp Bpifrance (Banque publique d’investissement) – cho biết thông báo của người đứng đầu Trung Quốc và Peru về việc chính thức mở cảng Chancay có ý nghĩa sâu rộng.
Bà nói cảng Chancay được công ty vận tải biển khổng lồ COSCO Shipping thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc xây dựng, với chi phí 1,3 tỷ USD. Cảng này nắm giữ 60% vốn chủ sở hữu và quyền vận hành độc quyền của cảng. Đây là dự án mang tính bước ngoặt trong “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc tại Nam Mỹ.
Tổng vốn đầu tư vào dự án Chancay sẽ vượt quá 3,5 tỷ USD. Trong đó vốn đầu tư giai đoạn 1 của dự án xấp xỉ 1,3 tỷ USD. Sau khi cảng mở, lần đầu tiên COSCO sẽ khai thông tuyến đi thẳng từ Peru đến Thượng Hải.
Truyền thông Pháp cũng đưa tin, cảng nước sâu tự nhiên Chancay sẽ có khả năng cập bến các tàu container lớn nhất thế giới, và có thể vận chuyển tới 24.000 container. Sau khi hạ tầng đi vào hoạt động, sản lượng thông qua thiết kế hàng năm là 1 triệu container.
Bà Adriana Meyer, nhà kinh tế tại ngân hàng đầu tư nhà nước Pháp Bpifrance, giải thích, cảng Chancay sẽ cho phép Trung Quốc vận chuyển nhiều hàng hóa hơn với chi phí thấp hơn. Hành trình giữa Peru và Trung Quốc sẽ rút ngắn từ 40 ngày xuống còn 28 ngày.
Đối với các chuyên gia, việc thành lập “Singapore của Mỹ Latinh” không có gì đáng ngạc nhiên. Đây là một phần trong dự án “Con đường tơ lụa mới” của Bắc Kinh được đưa ra vào năm 2013.
Mục tiêu rất đơn giản: Xây dựng cơ sở hạ tầng hàng hải, đường bộ và đường sắt, đặc biệt là ở các nước đang phát triển và mở rộng phạm vi hoạt động đến mọi nơi trên hành tinh.
Bà cũng cho biết, ở Nam Mỹ, 7 quốc gia đã tham gia dự án này, gồm Peru, Argentina, Chile, Bolivia, Ecuador và Venezuela. Họ hy vọng thu được lợi ích kinh tế từ đầu tư của Trung Quốc. Ví dụ: Sự trỗi dậy của Chancay sẽ khởi động lại việc xây dựng tuyến đường sắt giữa Brazil và Peru trên bờ biển Thái Bình Dương.
Chỉ riêng năm 2022, đầu tư trực tiếp (FDI) của Trung Quốc vào Nam Mỹ đã đạt 12 tỷ USD. Bà Meyer lưu ý, điều này còn chưa tính đến việc Bắc Kinh còn đầu tư vào các chính phủ Mỹ Latinh dưới dạng các khoản vay. Hơn nữa, các khoản vay này thường không rõ ràng.
‘Gã khổng lồ’ châu Á đã phát hành khoản vay trị giá 137 tỷ USD từ năm 2005 đến năm 2020, trong đó phần lớn được phân bổ cho Venezuela (60 tỷ USD) và Brazil (30 tỷ USD).
Nam Mỹ rất giàu tài nguyên. Ví dụ, Bolivia, Chile và Argentina tạo thành “Tam giác lithium”, chứa 56% trữ lượng đã được chứng minh của khu vực. Đây là một loại vật liệu chuyên dụng trong sản xuất pin ô tô điện được sản xuất tại Bắc Kinh.
Một ví dụ khác: Ở Peru, 100% sản lượng sắt được thực hiện bởi các công ty Trung Quốc. Khoáng sản này có thể được sử dụng để sản xuất thép có giá trị cho ngành xây dựng Trung Quốc. Chính phủ Tập Cận Bình có tư tưởng thâu tóm cũng đặc biệt ưa chuộng đậu nành Brazil và ngô Argentina, cũng như dầu từ Venezuela.
Sự trỗi dậy quyền lực của Trung Quốc đang diễn ra trong môi trường cạnh tranh tự nhiên ở Hoa Kỳ. Bà Meyer phân tích, trên thực tế, dấu chân của Trung Quốc ở Nam Mỹ ngày càng tăng tốc vì Hoa Kỳ, mặc dù là nhà đầu tư lịch sử sớm nhất trong khu vực này, gần đây đã lơ là mất cảnh giác.
Lo lắng của Mỹ về cảng Chancay phản ánh sự thay đổi lâu dài trong khu vực mà Washington từng coi là “sân sau”. Hiện tại, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của các quốc gia như Peru.
Việc khánh thành cảng Chancay diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang tìm cách khai thác sâu hơn vào khu vực Mỹ Latin giàu tài nguyên, giữa lúc căng thẳng thương mại với châu Âu và lo ngại về khả năng Mỹ áp thuế mới lên hàng xuất khẩu Trung Quốc từ chính quyền sắp tới của Tổng thống Trump.
Khoản đầu tư lớn của Trung Quốc vào cảng Chancay đã khiến Washington lo ngại. Tướng Laura Richardson, cựu chỉ huy Bộ Tư lệnh miền nam của Mỹ, cảnh báo rằng cảng Chancay có thể được Trung Quốc sử dụng cho mục đích quân sự và thu thập thông tin tình báo.
Từ khóa Nam Mỹ Một vành đai một con đường Quan hệ Trung Quốc - Peru