Trung Quốc hạ cấp mối quan hệ ngoại giao với Litva do vụ Đài Loan
- Như Ngọc
- •
Trung Quốc hôm 21/11 đã loan báo hạ cấp mối quan hệ ngoại giao với Litva (Lithuania). Động thái này được Bắc Kinh đưa ra sau khi quốc đảo dân chủ chính thức mở văn phòng đại diện dùng thẳng tên “Đài Loan” tại thủ đô Vilnius, Litva.
Tuần quan, lần đầu tiên “Văn phòng đại diện Đài Loan” (Taiwanese Representative Office) được thành lập tại Litva, quốc gia không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan. Văn phòng mới của Đài Loan sẽ do ông Eric Huang (Hoàng Quân Diệu) đứng đầu. Ông Hoàng Quân Diệu hiện là trưởng phái bộ của Đài Loan tại Latvia, nước láng giềng của Litva.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm Chủ Nhật (21/11) đã phát đi tuyên bố cho biết động thái của Litva “đã gây tổn hại đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, và đã can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc… tạo ra một tiền lệ nguy hiểm trên thế giới”.
“Chính quyền Litva sẽ phải hứng chịu tất cả những hậu quả do hành vi họ gây ra”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói thêm.
Chính quyền Trung Quốc nói rằng họ sẽ hạ cấp mối quan hệ ngoại giao với Litva xuống mức đại biện lâm thời (charge d’affaires), thấp hơn cấp đại sứ.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc thúc giục Litva hãy “lập tức sửa sai”, đồng thời cảnh báo rằng những nỗ lực của Đài Loan nhằm tìm kiếm sự ủng hộ từ nước ngoài sẽ đi đến “ngõ cụt”.
Sau tuyên bố của Bắc Kinh, cùng ngày 21/11, Bộ Ngoại giao Litva đã lên tiếng bày tỏ “nuối tiếc” về việc Trung Quốc quyết định hạ cấp mối quan hệ ngoại giao song phương.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Litva nêu rõ: “Litva tái khẳng định tuân thủ chính sách ‘Một Trung Quốc’, nhưng đồng thời cũng có quyền mở rộng hợp tác với Đài Loan và tiếp nhận cũng như thành lập các phái bộ đại diện phi ngoại giao để đảm bảo phát triển thực chất những mối quan hệ như vậy, đây cũng là cách thức mà nhiều nước khác thực hiện”.
Hầu hết các quốc gia, gồm cả Mỹ, hiện tại không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, nhưng họ vẫn duy trì quan hệ với quốc đảo dân chủ thông qua việc thành lập các văn phòng thương mại. Các văn phòng đại diện của Đài Loạn tại các nước không có quan hệ ngoại giao chính thức với họ thường được đặt tên theo thành phố Đài Bắc, Đài Loan. Các bên thường sử dụng thuật ngữ đó để tránh vấp phải sự giận dữ từ chế độ Trung Quốc cộng sản.
Đài Loan hiện thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với 15 quốc gia và đặt tổng số 110 văn phòng đại diện tại 72 quốc gia, trong đó có 57 quốc gia không có quan hệ ngoại giao chính thức với quốc đảo dân chủ.
Hội đồng Sự vụ Đại lục của Đài Loan (MAC) hôm 21/11 cũng đã chỉ trích động thái mới nhất của chế độ Trung Quốc cộng sản là “bất lịch sự và ngạo mạn”. MAC cho rằng Bắc Kinh không có quyền can thiệp vào vấn đề thuần túy giữa Đài Loan và Litva, không thuộc phận sự của Trung Quốc.
Hôm 19/11, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Uzra Zeya nói trong cuộc họp báo tại Vilnius rằng Washington phản đối hành vi can thiệp của các nước khác vào mối quan hệ giữa Litva và Đài Loan. Mỹ cũng đã đề xuất hỗ trợ tài chính cho quốc gia vùng Baltic này thông qua việc xác nhận rằng trong tương lai gần họ sẽ ký thỏa thuận tín dụng xuất khẩu trị giá 600 triệu USD giữa Litva và Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Litva Gabrielius Landsbergis hồi tháng Tám, đã tái khẳng định rằng Mỹ ủng hộ “vững chắc” quốc gia Baltic trong bối cảnh nước này bị Bắc Kinh bắt nạt khi tăng cường quan hệ với Đài Loan.
Các nhà lập kháp khắp thế giới hồi tháng Chín cũng đã lên tiếng đoàn kết với Litva và Đài Loan.
Trước đó, hồi tháng Tám, Litva đã chính thức đồng ý cho phép Đài Loan được mở văn phòng đại diện tại thủ đô Vilnius và sử dụng trực tiếp tên Đài Loan. Bắc Kinh lập tức phản ứng bằng việc triệu hồi đại diện ngoại giao của họ tại Litva về nước, đồng thời trục xuất đại sứ Litva khỏi Bắc Kinh. Chế động Trung Quốc cộng sản khi đó cũng được cho là đã chấm dứt cấp mới giấy phép nhập khẩu thực phẩm của Litva.
Như Ngọc (T/h)
Xem thêm:
Từ khóa Quan hệ Đài Loan - Litva quan hệ Trung Quốc - Litva Đài Loan Litva