Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố hôm Thứ Năm 26/8 bổ sung viện trợ trị giá 8 tỷ USD cho chính quyền Kiev để “chiến thắng” quân Nga. Đây là gói quân sự lần đầu tiên gồm có JSOW, một loại bom lượn dẫn đường chính xác tầm trung (130 km) của Mỹ, và cũng là lần rút hết quỹ viện trợ còn lại mà tổng thống Biden có thể trực tiếp chi phối.

240926JSOW
Chiến đấu cơ F-16C đang thả một quả AGM-154 Joint Standoff Weapon (JSOW) trong một cuộc tập trận (ảnh Wikipedia)

Viện trợ quân sự này, như Reuters bình luận, đã thực hiện lời cam kết của ông Joe Biden sánh vai cùng Ukraine, dùng hết khả năng rút quỹ của ông trước khi năm tài chính kết thúc vào cuối tháng này, trước khi ông rời khỏi Nhà Trắng vào tháng 1/2025. Nó được tuyên bố vào thời điểm Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang công du nước Mỹ vào những ngày này.

Một quan chức Mỹ nói với hãng tin rằng ông Biden sẽ không công bố về việc Mỹ sẽ đồng ý quân Kiev dùng tên lửa Mỹ bắn sâu vào lãnh thổ Nga hay không. Đây là lần đầu tiên bom lượn chính xác tầm trung JSOW được cung cấp vào chiến trường Ukraine, và theo miêu tả của công bố, đó là để cho phép máy bay của Ukraine có thể tấn công mục tiêu từ một khoảng cách an toàn.

Tạp chí Phố Wall bình luận khoản viện trợ gần 8 tỷ USD này, bằng cách dùng lời một quan chức làm tiêu đề cho bài báo: “Tôi không cảm thấy ấn tượng lắm, không có nhiều điều mới mẻ ở đó.”

Theo bình luận của Reuters, đưa vũ khí để Ukraine chống Nga vẫn luôn là ưu tiên số 1 của Biden. Ông nói “Đó là lý do tại sao hôm nay tôi tuyên bố tăng cường hỗ trợ an ninh cho Ukraine và một loạt hành động bổ sung để giúp Ukraine giành chiến thắng trong cuộc chiến này.”

Tổng thống Ukraine Zelensky đã bày tỏ cảm ơn, như thấy trên mạng xã hội.

Phần lớn khoản viện trợ mới, trị giá 5,5 tỷ USD, sẽ được phân bổ trước ngày Thứ Hai kết thúc năm tài chính của Mỹ, khi thẩm quyền tài trợ sắp hết hạn. Còn 2,4 tỷ USD khác nằm trong Sáng kiến ​​Hỗ trợ An ninh Ukraine, cho phép chính quyền mua vũ khí cho Ukraine từ các công ty chứ không phải rút ra từ kho dự trữ của Mỹ.

Vấn đề vũ khí tầm xa bắn vào Nga

Chưa có đèn xanh bật lên từ phía Mỹ đối với việc cho phép dùng vũ khí tầm xa bắn vào lãnh thổ Nga.

Tạp chí Phố Wall viết rằng, ông Zelensky đã vận động hành lang và tìm mọi cách có thể để tối đa hóa những gì ông ta nhận được. Hôm Thứ Tư, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen chỉ trích rằng phương Tây quá lo ngại cái “lằn ranh đỏ” của Putin. Theo bà, cần cho phép dùng vũ khí tầm xa bắn vào Nga. “Chúng ta cần đảm bảo sao cho Ukraine chiến thắng,” bà nói.

Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đứng về phía ông Biden. “Đức sẽ không hỗ trợ dỡ bỏ hạn chế,” ông nói sau khi gặp mặt trực tiếp Zelensky. “Điều đó không phù hợp với niềm tin cá nhân của tôi,” ông Scholz bày tỏ quan điểm.

AGM-154 Joint Standoff Weapon

JSOW (AGM-154 Joint Standoff Weapon) là loại bom thả từ máy bay, ví như chiến đấu cơ F-16 của Mỹ mà đang được đưa dần vào chiến trường Ukraine. Nó sử dụng hệ thống lượn (dẫn theo quán tính) kết hợp với định vị vệ tinh toàn cầu GPS. Trước khi thả bom, cần đánh dấu vị trí mục tiêu tấn công, và bom sẽ lượn với 2 cánh tới mục tiêu. Nó cho phép phóng từ máy bay cách mục tiêu từ 22 km đến 135 km. Có thể dùng trong mọi điều kiện thời tiết (theo Wikipedia).

Quan hệ Đảng Cộng hòa với Zelensky

Theo Reuters phân tích, hiện nay Đảng Cộng hòa đang có biến đổi thái độ đối với ông Zelensky sau những ngày vừa qua, khi ông Zelensky biểu hiện rõ ràng ủng hộ Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Reuters đưa tin rằng rất nhiều nghị viên Đảng Cộng hòa đã tỏ ý tức giận về việc hôm Chủ Nhật, ông Zelensky tới nhà máy vũ khí tại tiểu bang chiến địa Pennsylvania, nhà máy vận hành bởi chính khách cao cấp của Đảng Dân chủ. Thống đốc tiểu bang Mỹ đã cùng tổng thống Ukraine công khai ký vào những quả bom mà dự kiến sẽ dùng để đánh giết người Nga.

Như tin đã đưa, chuyến đi tua này đã cố ý không có mời bất kỳ ai của Đảng Cộng hòa. Chủ tịch Hạ viện, Mike Johnson đã viết văn bản yêu cầu ông Zelensky cách chức ngay lập tức đại sứ Ukraine tại Mỹ, bà Oksana Markarova, người tổ chức sự kiện.

Theo Reuters đưa tin, một Ủy ban Giám sát gồm các dân biểu Hạ viện do Đảng Cộng hòa dẫn đầu đã được thành lập để điều tra.

Donald Trump, ứng viên tổng thống đại diện Đảng Cộng hòa đã lên tiếng chỉ trích chính quyền Biden “đang tiếp tục đưa hàng tỷ đô-la cho một người từ chối đàm phán, Zelensky”, ám chỉ việc Zelensky phớt lờ các tuyên bố của ông Trump rằng ông Trump có thể dùng đàm phán để hòa giải chiến tranh, thay vào đó ông Zelensky đòi nhiều vũ khí và tiền bạc hơn để giải bài toán bằng con đường bạo lực.

Trước đây, và bây giờ, ông Trump đã nhiều lần chỉ trích chính quyền Biden mềm yếu và không khôn khéo trong ngoại giao đã dẫn tới bùng nổ chiến tranh Ukraine 2022, điều mà ông Trump khẳng định rằng sẽ không xảy ra nếu ông không bị thất cử tổng thống năm 2020 do bị gian lận bầu cử.

Nhóm vận động tranh cử ông Trump cho hay ông Trump có thể sẽ không gặp Zelensky theo dự kiến, ít nhất là trong thời gian gần.

Chủ tịch Hạ viện Johnson tuy chỉ trích Zelensky, nhưng khẳng định với các phóng viên rằng điều đó không ảnh hưởng tới các quyết định phê duyệt viện trợ cho Ukraine.

Nhật Tân (theo Reuters)