Tổng thống Nga Putin tuyên bố dứt khoát trước truyền thông rằng Moskva tuyệt đối không cho phép Kiev sở hữu vũ khí hạt nhân và mọi nỗ lực nhằm đạt được điều này sẽ vấp phải phản ứng mạnh mẽ tương ứng từ Nga. 

240913Putin00
Tổng thống Nga Vladimir Putin trả lời phỏng vấn của truyền hình Nga Rossia (ảnh cắt từ video đăng ngày 12/9/2024, nguồn video: Điện Kremlin)

Tổng thống Ukraine Zelensky đã từng tuyên bố rằng Kiev hoặc tự phát triển vũ khí hạt nhân hoặc trở thành thành viên của NATO mới có thể bảo đảm an ninh quốc gia. Tuy nhiên, mới đây, ông Zelensky đã bác bỏ các thông tin trên truyền thông cho rằng Kiev có khả năng sản xuất bom nguyên tử trong thời gian ngắn. Ông cũng giải thích thêm rằng những cuộc thảo luận với các đồng minh phương Tây về khả năng Kiev phát triển vũ khí hạt nhân chỉ nhằm nhấn mạnh rằng Ukraine không còn lựa chọn nào khác để bảo vệ an ninh quốc gia ngoài việc tham gia vào khối liên minh quân sự NATO do Hoa Kỳ lãnh đạo. 

Vào hôm thứ Sáu (18/10), trong một một cuộc họp báo dành riêng cho các cơ quan truyền thông từ các quốc gia BRICS tại Moskva, ông Putin đã nhận xét tuyên bố phát triển vũ khí hạt nhân của ông Zelensky: “Đây là một [tuyên bố] khiêu khích khác. Đây là một [tuyên bố] khiêu khích nguy hiểm bởi vì rõ ràng, bất kỳ nước đi nào theo hướng này sẽ gặp phải phản ứng mạnh mẽ tương ứng [từ Nga]”.

Ông Putin cũng lưu ý thêm rằng giới chính trị gia Ukraine đã nhiều lần thể hiện tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân, “ngay cả trước khi cuộc khủng hoảng biến thành xung đột”.

Tổng thống Nga cho biết sản xuất vũ khí hạt nhân trong thời đại hiện nay “không phải là quá khó”, nhưng ông “không rõ liệu Ukraine có đủ kỹ thuật để đạt được mục tiêu này hay không”, và rằng việc sở hữu kho vũ khí hạt nhân “không đơn giản đối với Ukraine trong tình cảnh hiện tại”.

Khi các phóng viên hỏi ông Putin rằng liệu một quốc gia khác, chẳng hạn như Vương Quốc Anh, có thể bí mật cung cấp vũ khí nguyên tử cho Ukraine hay không, ông Putin đã nói rằng điều đó “không thể che giấu” và Moskva “có khả năng theo dõi bất kỳ động thái nào theo hướng này”.

Vào tháng Chín, Tổng thống Putin đã công bố một loạt các thay đổi quan trọng đối với học thuyết hạt nhân của Nga, mở rộng các tiêu chí cho phép quân đội Nga sử dụng lực lượng răn đe hạt nhân chiến lược. Quyết định thay đổi này diễn ra trong bối cảnh Kiev yêu cầu các quốc gia NATO dỡ bỏ các hạn chế về việc sử dụng vũ khí có tầm bắn xa hơn do nước ngoài cung cấp để Ukraine có thể tấn công sâu vào bên trong lãnh thổ Nga. Học thuyết hạt nhân sửa đổi cũng mở rộng phạm vi bảo vệ hạt nhân của Nga sang Belarus.

Thiên Vân (T/h)